Tin thế giới sáng thứ Bảy: Hơn 500 người đào thoát Triều Tiên bị Trung Quốc trục xuất hồi hương đã “mất tích”

Hơn 500 người đào thoát Triều Tiên bị Trung Quốc trục xuất hồi hương đã “mất tích”

Ông Thae Yong-ho, người từng giữ chức Bộ trưởng Đại sứ quán Triều Tiên tại Anh, hiện là thành viên Quốc hội Hàn Quốc, cùng một số thành viên gia đình của những người đào thoát Triều Tiên bị ĐCSTQ cưỡng bức trục xuất đã tổ chức một cuộc họp gặp gỡ phóng viên báo chí nước ngoài tại Trung tâm Thông tấn Hàn Quốc. (Ảnh: Kim Myeong-guk / Epoch Times)

Một nhóm nhân quyền ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 7/12 cho biết, có tới 600 người đào thoát Bắc Triều Tiên bị Trung Quốc cưỡng chế trục xuất về Bắc Triều Tiên vào tháng 10 năm nay hiện đã “mất tích”, và những người mất tích này có khả năng phải đối mặt với việc bị chính quyền Bình Nhưỡng bỏ tù và tra tấn, xâm hại tình dục và hành quyết.

Ông Stephen Kim, một nhà truyền giáo Hàn Quốc có mối liên hệ rộng rãi ở Triều Tiên và Trung Quốc, cho biết vào tối 9/10, Chính phủ Trung Quốc đã đưa những người này trở lại Bắc Triều Tiên qua 5 cửa khẩu biên giới trong một đoàn xe. Ông Stephen King nói thêm rằng một số người đã thuyết phục được cảnh vệ Trung Quốc cho họ gọi điện cho gia đình họ ở Hàn Quốc để thông báo chuyện gì đang xảy ra.

Mối lo ngại về việc buộc phải hồi hương đã gia tăng kể từ khi chính quyền Bắc Triều Tiên tuyên bố vào tháng 8 rằng họ sẽ mở lại các biên giới đã đóng cửa khi bắt đầu đại dịch COVID-19. Bắc Triều Tiên đã thắt chặt an ninh biên giới trong những năm gần đây, dựng hàng rào và trạm gác mới, đồng thời thực thi nghiêm ngặt luật cấm xuất cảnh trái phép.

Theo luật hình sự của Bắc Triều Tiên, Bình Nhưỡng coi việc xuất khi chưa được phép là “tội phản quốc”, có thể bị xử tử hoặc giam giữ trong các trại lao động, nơi mà những người bị giam giữ thường xuyên bị lạm dụng, ngược đãi. Đối mặt với mối đe dọa này, theo luật pháp quốc tế, bất kỳ người Triều Tiên nào rời khỏi đất nước mà chưa được phép đều phải được coi là “người tị nạn tại địa phương” tại quốc gia mà họ trốn đến.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Năm (ngày 7/12): “Chúng tôi chưa thiết lập bất kỳ liên lạc nào với những người đào thoát kể từ khi họ bị trục xuất hồi hương”.

HRW xác nhận thêm rằng chính quyền Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ) trước đây đã cưỡng bức trục xuất hồi hương một số lượng lớn người Bắc Triều Tiên, bao gồm 50 người vào tháng 7/2021, 80 người vào ngày 29/8/2023 và 40 người vào ngày 18/9/2023. Tổ chức này đã gửi một bức thư ngỏ tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 21/9, kêu gọi Trung Quốc đình chỉ cưỡng bức trục xuất.

Bộ Ngoại giao ĐCSTQ hồi tháng 10 phủ nhận việc có “những người được gọi là người đào thoát Bắc Triều Tiên” ở Trung Quốc, nhưng nói rằng người Triều Tiên vào nước này bất hợp pháp vì lý do kinh tế và Đảng Cộng sản Trung Quốc nhất quán giải quyết vấn đề này “theo quy định của pháp luật”.

Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy xuất khẩu sang Triều Tiên tăng mạnh trong những tháng gần đây.

Theo Trung tâm Cơ sở dữ liệu Nhân quyền Triều Tiên có trụ sở tại Seoul, hơn 8.000 người Bắc Triều Tiên đã bị trục xuất về nước trong quá khứ, với 98% trường hợp từ Trung Quốc. Trong khi đó, có khoảng 34.000 người Bắc Triều Tiên đã di cư sang Hàn Quốc trong những thập kỷ gần đây.

Chính phủ ĐCSTQ thường gán cho những người Bắc Triều Tiên không có giấy tờ hợp lệ là “người nhập cư kinh tế” bất hợp pháp và không cho phép họ xin tị nạn hoặc tái định cư ở Trung Quốc; thay vào đó, sẽ trục xuất họ trở lại Bắc Triều Tiên theo thỏa thuận biên giới song phương năm 1986.

Tuy nhiên, Trung Quốc là nước tham gia “Công ước về vị thế của người tị nạn 1951” “Công ước chống tra tấn”, trong đó nghiêm cấm việc ép buộc trục xuất hồi hương bất kỳ ai phải đối mặt với nguy cơ thực sự bị đàn áp hoặc tra tấn. Vào tháng 12/2013, Ủy ban Điều tra Nhân quyền của Liên Hợp Quốc tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã cảnh báo Chính phủ Trung Quốc rằng các quan chức liên quan đến việc cưỡng bức trục xuất hồi hương có thể phải chịu trách nhiệm hình sự vì đồng lõa vi phạm tội ác chống lại loài người.

Các chính phủ khác cũng nên lên án các vụ trục xuất mới nhất của ĐCSTQ và kêu gọi chấm dứt các vụ cưỡng bức trục xuất trong tương lai. Chính phủ ĐCSTQ nên cho phép Liên Hợp Quốc tiếp cận những người Bắc Triều Tiên bị giam giữ và cấp quy chế tị nạn cho họ hoặc cho phép họ đi lại an toàn đến Hàn Quốc hoặc các nước khác.

Trí Đạt

TT Putin: Nga và Iran cùng ‘hợp tác trên đà phát triển’

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Iran, Tổng thống Ebrahim Raisi (Ảnh minh hoạ)

Tổng thống Iran đã đến Moscow trong chuyến thăm cấp nhà nước hôm thứ Năm (7/12).

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với người đồng cấp Iran Ebrahim Raisi rằng Moscow và Tehran đã phát triển mối quan hệ bền chặt trong những năm qua và kết quả là sự thúc đẩy nền kinh tế của mỗi nước.

Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về cả mối quan hệ song phương và những thách thức toàn cầu rộng lớn hơn, bao gồm cả cuộc xung đột Israel-Hamas.

Ông Putin nói với ông Raisi rằng Nga và Iran đã tạo dựng được “động lực tốt” trong năm qua, đồng thời chỉ ra sự hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và giáo dục. Các bên cũng đang đầu tư vào các tuyến đường sắt của Iran, dự kiến trở thành một phần của Hành lang Vận tải Quốc tế Bắc-Nam (INSTC).

INSTC là mạng lưới các tuyến đường biển, đường sắt và đường cao tốc trải dài hơn 7.200km, được thiết kế để nối thành phố St. Petersburg của Nga, trên Biển Baltic, với Mumbai ở Ấn Độ qua Biển Caspian và Iran. Dự án có khởi động từ năm 2002, có sự tham gia của tổng cộng 11 quốc gia.

INSTC nhằm mục đích giảm một nửa thời gian cần vận chuyển hàng hóa từ vùng Baltic đến Ấn Độ và tăng gấp đôi doanh thu hàng hóa trên tuyến. Theo một số phương tiện truyền thông, hành lang INSTC dự kiến sẽ hiệu quả gấp đôi so với việc vận chuyển hàng hóa qua kênh đào Suez.

Vào tháng 5 năm 2023, Moscow và Tehran đã ký một thỏa thuận về việc xây dựng chung tuyến đường sắt nối các thành phố Astara của Iran, nơi có cảng trên Biển Caspian và Rasht. Theo truyền thông Nga, đây là phần cuối cùng còn lại của mạng lưới hành lang đường sắt vẫn cần được xây dựng.

Theo ông Putin, thương mại song phương giữa hai nước đã tăng 20% trong năm qua và đạt khoảng 5 tỷ USD. Tổng thống nói: “Chúng tôi đang hợp tác tích cực trên toàn bộ quan hệ song phương của chúng tôi”.

Ông Raisi cũng ca ngợi tiến bộ của hai quốc gia trong các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp và giáo dục nhưng nói rằng có thể thực hiện các bước tiến tiếp theo để tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực này, điều này sẽ “vì lợi ích của liên bang và người dân của chúng ta”. Ông nói cuộc đàm phán vào thứ Năm (7/12) cũng đóng góp rất nhiều cho quá trình này.

Tổng thống Nga bày tỏ hy vọng Liên minh kinh tế Á-Âu, bao gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan, sẽ có thể ký một thỏa thuận thương mại tự do với Iran vào cuối năm nay.

Trong cuộc hội đàm, ông Putin nói đùa rằng hôm trước (6/12) ông đã cân nhắc việc hạ cánh xuống Tehran khi đến thăm Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Tổng thống nói rằng ông ấy đang bay qua Iran trên đường trở về Nga và nghĩ rằng ông ấy có thể hạ cánh xuống Tehran và gặp ông Raisi ngay lập tức. Tuy nhiên, theo ông Putin, ông đã không làm điều đó vì được thông báo rằng Tổng thống Iran đã chuẩn bị lên đường tới Moscow.

Ông Raisi đáp lại bằng cách nói rằng Iran sẵn sàng tiếp nhận máy bay của Putin bất cứ lúc nào và mời tổng thống Nga đến thăm Iran. Tổng thống Putin cho biết ông đã chấp nhận lời mời và sẽ tận dụng cơ hội khi thời cơ đến.

Anh Nguyễn, theo RT

Trung tâm R&D của công ty Trend Micro Mỹ rút khỏi Trung Quốc

(Ảnh: T. Schneider/ Shutterstock)

Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Nam Kinh, Trung Quốc của công ty an ninh mạng nổi tiếng thế giới Trend Micro đã bắt đầu sa thải 14% tổng số nhân viên. Những người trong ngành cho rằng việc Trend Micro rút bộ phận R&D có liên quan đến sự răn đe của Luật Phản gián của Trung Quốc, thu hút sự chú ý của những người trong ngành.

Theo các tài khoản công khai như NetEase và Sohu, trụ sở chính của Trend Micro ở Nam Kinh, Trung Quốc, đã hoàn thành kế hoạch sa thải nhân sự. Từ cuối tháng 10 đến cuối tháng 11, công ty đã sa thải khoảng 70 người, chiếm khoảng 14% tổng số nhân viên.

Theo các nguồn tin, mức bồi thường cho lần sa thải này dao động từ N+4 đến N+8 tùy theo thâm niên. Một số cư dân mạng để lại lời nhắn trong phần bình luận thắc mắc vì sao nhà đầu tư nước ngoài lại rời đi?

Trong cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự do hôm thứ Năm (7/12), ông Tào Vĩnh Lạc, một người trong ngành Internet Trung Quốc, cho biết Trend Micro nổi tiếng với việc phát triển phần mềm chống virus và vượt tường lửa phong tỏa mạng. Nếu bộ phận này tiếp tục ở lại Trung Quốc, có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ về an ninh.

Ông cho biết: “Hướng phát triển của Trend Micro trong những năm gần đây chủ yếu là chống virus, an ninh mạng, bảo mật đám mây và máy chủ. Hiện các công ty Internet lớn trên thế giới đang rút khỏi thị trường Trung Quốc. Trước hết, đây là một xu thế lớn. Trong tình hình Trung Quốc bị Hoa Kỳ hạn chế nhập khẩu chip, nhiều nhà cung cấp máy chủ đang rút khỏi thị trường này.”

Trend Micro của Mỹ là một công ty có tầm ảnh hưởng toàn cầu trong lĩnh vực an ninh mạng. Các sản phẩm của họ bao gồm phần mềm chống virus, vượt tường lửa, bảo mật đám mây và các khía cạnh khác. Chủ tịch và người sáng lập công ty đến từ Đài Loan.

Ông Tào Vĩnh Lạc cho rằng môi trường chính trị của Trung Quốc không còn phù hợp để các công ty Internet nước ngoài tồn tại, bao gồm “Luật phản gián”, “Luật an ninh quốc gia” và các luật liên quan ngày càng trở nên nghiêm ngặt hơn.

“Môi trường chính trị đã khiến nhiều nhà cung cấp máy chủ không có cách nào có thể thực sự cung cấp cho khách hàng của họ các dịch vụ an toàn, độc lập và được đảm bảo. Do đó, ‘Luật phản gián’, chính sách hiện tại của chính phủ, khiến các công ty lưu trữ một lượng lớn dữ liệu này gần như không thể sinh tồn được tại Trung Quốc.”

Ông Tô, một học giả Trung Quốc, tin rằng việc rút bộ phận R&D của Trend Micro có lịch sử hơn 20 năm ở Trung Quốc của khỏi nước này, vì lý do địa chính trị và các yếu tố khác, chỉ là một phần trong kế hoạch rút lui tổng thể của họ.

Tuy nhiên, việc này sẽ có tác động nhất định đến ngành Internet và các thị trường liên quan ở Nam Kinh, và thậm chí cả Trung Quốc. Điều này phản ánh rằng hầu hết các doanh nghiệp có vốn nước ngoài đang ngày càng lo lắng về triển vọng của thị trường Trung Quốc.

Ông Tô nói rằng việc rút vốn nước ngoài là do môi trường Trung Quốc ép buộc: “Chủ yếu là do yếu tố chính trị và môi trường chung gây ra. Họ rút lui một cách có kế hoạch và từng bước, chứ không phải một lần. Cuối cùng, tất cả sẽ rút toàn bộ.”

Trend Micro được thành lập tại California, Hoa Kỳ năm 1988, có chi nhánh tại hơn 60 quốc gia trên thế giới, với gần 7.000 nhân viên. Tháng 7/2001, công ty này thâm nhập thị trường Trung Quốc, thành lập chi nhánh tại Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu và thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Nam Kinh.

Bản cập nhật mới nhất của Trung Quốc đối với luật phản gián cũng mở rộng định nghĩa về gián điệp, bao gồm bất kỳ tài liệu nào liên quan đến lợi ích an ninh quốc gia chưa xác định. Điều đó cho thấy các công ty, nhà báo, học giả và nhà nghiên cứu nước ngoài phải đối mặt với rủi ro pháp lý khi hoạt động tại Trung Quốc.

Quan ngại của Hoa Kỳ đã gia tăng sau khi luật chống gián điệp mở rộng của Trung Quốc có hiệu lực từ tháng 7 và cấm chuyển thông tin mà nước này cho là có liên quan đến an ninh quốc gia.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã bắt và giam giữ hàng chục công dân Trung Quốc và nước ngoài vì nghi ngờ hoạt động gián điệp, trong đó có một giám đốc điều hành tại nhà sản xuất dược phẩm Nhật Bản Astellas Pharma hồi tháng Ba. Nhà báo Úc Cheng Lei, bị Trung Quốc cáo buộc cung cấp bí mật nhà nước cho nước khác, đã bị giam giữ từ tháng 9/2020.

Bình Minh

Tiểu bang của Mỹ kiện Meta vì cung cấp nội dung gây hại cho trẻ em

Trụ sở Meta ở California. (Nguồn: Shutterstock)

Tòa án tiểu bang New Mexico của Mỹ mới đây đã đệ đơn kiện tập đoàn Meta (chủ sở hữu của Facebook và Instagram), trong đó cáo buộc 2 mạng xã hội này tạo không gian cho những cá nhân có mưu đồ xấu nhằm vào trẻ em.

Theo hồ sơ vụ kiện, một khi truy cập Facebook và Instagram, trẻ em sẽ ngay lập tức trở thành mục tiêu của phần mềm Meta lôi kéo trẻ em sử dụng các trang mạng này, đồng thời điều hướng nội dung không phù hợp với nhóm người dùng này. Hồ sơ nhấn mạnh hai trang mạng này là “mảnh đất màu mỡ” để các đối tượng tiến hành hoạt động buôn người, phát tán hình ảnh và thực hiện một số hành vi lệch lạc nhắm vào trẻ em.

Bên cạnh đó, trẻ em có thể dễ dàng khai sai sự thật về độ tuổi để đủ điều kiện tạo tài khoản trên hai nền tảng này. Tiểu bang New Mexico đã đưa Giám đốc điều hành (CEO) của Meta, ông Mark Zuckerberg, vào danh sách bị đơn trong vụ án.

Trong một tuyên bố, người đứng đầu cơ quan tư pháp tiểu bang New Mexico Raul Torrez cho biết: “Cuộc điều tra của chúng tôi về các nền tảng truyền thông xã hội của Meta cho thấy đây không phải là không gian an toàn cho trẻ em mà là nơi hoạt động lý tưởng của những đối tượng buôn bán nội dung khiêu dâm trẻ em và dụ dỗ trẻ vị thành niên”.

Khoảng 2 tháng trước, hàng chục tiểu bang tại Mỹ đã cáo buộc công ty mẹ của Facebook và Instagram gây tổn hại tới sức khỏe tinh thần của trẻ em và khiến người dùng hiểu sai sự thật về tính an toàn của các nền tảng này. Tổng cộng đã có hơn 40 tiểu bang đệ đơn kiện Meta, song một số tiểu bang đã chọn cách nộp đơn lên tòa án địa phương thay vì tham gia vụ kiện liên bang.

Người phát ngôn của Meta khẳng định công ty coi việc lạm dụng trẻ em trên không gian mạng là hành vi vi phạm pháp luật. Bản thân Meta đã triển khai hàng loạt biện pháp bảo vệ trẻ em như ứng dụng các công nghệ tiên tiến, tuyển dụng chuyên gia về an toàn trẻ em, báo cáo nội dung tới Trung tâm Quốc gia về Trẻ em Mất tích và bị bóc lột, cũng như chia sẻ thông tin với các công ty và cơ quan thi hành pháp luật khác. Chỉ trong tháng 8 vừa qua, Meta đã vô hiệu hóa hơn 500.000 tài khoản vi phạm chính sách bảo vệ trẻ em trên các nền tảng mạng xã hội của công ty.

Phan Anh

Hoàng tử Saudi qua đời trong vụ tai nạn máy bay -Truyền thông đưa tin

Quốc kỳ Ả Rập Saudi ở thủ đô Riyadh. (Ảnh: FAYEZ NURELDINE/AFP: Getty Images)

Hoàng tử Ả Rập Saudi, Talal bin Abdulaziz bin Bandar bin Abdulaziz Al Saud đã qua đời ở tuổi 62, chế độ quân chủ Ả Rập Saudi thông báo hôm thứ Năm (7/12). Các phương tiện truyền thông Ả Rập đưa tin, hoàng tử đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay.

Trong một tuyên bố ngắn tòa án hoàng gia Ả Rập Saudi tuyên bố hoàng tử qua đời và cho biết lễ tang cho hoàng gia quá cố sẽ được cử hành tại Nhà thờ Hồi giáo Imam Turki bin Abdullah ở Riyadh.

Hoàng tử Talal bin Abdulaziz là con trai của Hoàng tử Bandar và là cháu trai của quốc vương đầu tiên của Saudi, Quốc vương Abdulaziz. Sinh năm 1961, ông là trung tá trong Lực lượng Không quân Hoàng gia Ả Rập Saudi và giữ chức trợ lý giám đốc tình báo tại GIP, cơ quan tình báo Ả Rập Saudi, từ năm 2004 đến năm 2012.

Trong khi tuyên bố của tòa án không tiết lộ nguyên nhân cái chết, hãng tin Al Mashhad của Lebanon đưa tin rằng hoàng tử thiệt mạng khi máy bay chiến đấu F-15 của ông bị rơi trong một cuộc tập trận với lực lượng không quân trước đó vào thứ Năm (7/12).

Anh Nguyễn, theo RT

Mỹ thông báo xóa nợ 4,8 tỷ USD cho sinh viên

Tổng thống Joe Biden. (Ảnh: Lev Radin/Shutterstock)

Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo rằng chính phủ nước này sẽ xóa khoản nợ trị giá 4,8 tỷ USD cho 80.300 sinh viên.

Cụ thể, trong tuyên bố, Tổng thống Biden cho biết quyết định trên là kết quả của việc Bộ Giáo dục Mỹ điều chỉnh các kế hoạch trả nợ theo thu nhập cũng như chương trình “Xóa nợ đối với các khoản vay dịch vụ công”. Như vậy, tổng số tiền mà Chính phủ Mỹ xóa nợ cho sinh viên đến nay lên tới 132 tỷ USD, đem lại lợi ích cho hơn 3,6 triệu người Mỹ.

Theo Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Miguel Cardona, thời gian tới chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy các chương trình xóa nợ cho sinh viên.

Kế hoạch xóa một phần nợ sinh viên được Tổng thống Biden công bố vào tháng 8/2022 theo cam kết của ông trong chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng năm 2020. Theo đó, Chính phủ Mỹ sẽ xóa nợ 10.000 USD đối với khoản nợ của những người có mức lương dưới 125.000 USD/năm. Đối với các cựu sinh viên đã được nhận trợ giúp liên bang trong thời gian học đại học trong khuôn khổ chương trình trợ cấp Pell, số nợ được xóa là 20.000 USD.

Kế hoạch trên của Tổng thống Biden vẫn đang gây nhiều tranh cãi tại Mỹ. Đảng Cộng hòa cho rằng kế hoạch này lãng phí ngân sách có thể sử dụng cho các mục đích khác hiệu quả hơn. Tranh cãi giữa các chuyên gia và các nhà kinh tế cũng gia tăng, đặc biệt vì hiện vẫn chưa rõ số nợ đã trả từ những người trong diện được áp dụng chính sách xóa nợ này.

Học phí tại các trường đại học ở Mỹ khoảng từ 10.000 đến 70.000 USD mỗi năm và sinh viên sau khi tốt nghiệp thường gánh một khoản nợ lớn. Theo ước tính của Chính phủ Mỹ, khoản nợ trung bình đối với sinh viên đại học Mỹ sau khi tốt nghiệp là 25.000 USD.

Phan Anh

Ukraine ban bố tình trạng khẩn cấp về điện

Đường dây điện của công ty Ukrenergo bị hư hỏng tại trạm biến áp cao thế sau một cuộc tấn công tên lửa của Nga ở miền trung Ukraine, vào ngày 10 tháng 11 năm 2022 (Ảnh: GENYA SAVILOV/AFP ,Getty Images)

Chính phủ Ukraine hôm thứ Năm (7/12) đã yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp từ Ba Lan, Romania và Slovakia vì nhiệt độ đóng băng gây ra tình trạng thiếu điện trong lưới điện, công ty điện lực nhà nước Ukraine Ukrenergo cho biết.

Nhu cầu điện tăng cao hơn mức mà lưới điện Ukrenergo có thể hỗ trợ khi tuyết rơi ở Kiev và nhiệt kế giảm xuống -4 độ C (25 độ F). Công ty cho biết sẽ nhập khẩu điện từ các nước láng giềng của Ukraine.

Ukrenergo gửi thông điệp tới khách hàng trên cả nước: “Từ 11h đến 19h, lượng điện nhập khẩu khẩn cấp từ Slovakia, Romania và Ba Lan sẽ được sử dụng để cân bằng hệ thống năng lượng”.

Công ty cho biết thêm, việc hạn chế sử dụng điện vẫn chưa được lên kế hoạch, nhưng đã có những kêu gọi người Ukraine tiết kiệm điện nhiều nhất có thể để đảm bảo năng lượng đủ dùng.

Lưới điện của Ukraine đã bị hư hại nặng nề vào năm ngoái do các cuộc không kích và tên lửa của Nga. Moscow gọi các cuộc tấn công là sự trả thù cho vụ tấn công khủng bố trên cầu Crimea vào đầu tháng Mười. Kiev ban đầu phủ nhận có liên quan đến vụ đánh bom xe tải, nhưng cuối cùng đã thừa nhận trách nhiệm.

Chiến dịch tên lửa của Nga kết thúc vào tháng Ba, Kiev hân hoan tuyên bố đã khôi phục lưới điện và nối lại xuất khẩu vào tháng Tư, đồng thời cảm ơn sự giúp đỡ của phương Tây. Tuy nhiên, vào tháng Sáu, người đứng đầu Ukrenergo, ông Vladimir Kudritsky, cho biết Ukraine sẽ phải tăng cường sản xuất và nhập khẩu điện để đáp ứng nhu cầu từ lâu trước khi mùa đông bắt đầu.

Vào cuối tháng Mười Một, Ukrenergo đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về “tình thế khó khăn” của hệ thống năng lượng.

“Các nhà máy điện không thể sản xuất đủ điện để đáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng: các nhà máy điện mặt trời gần như không hoạt động do mây mù dày đặc ở khắp các vùng, còn tại các nhà máy điện than, một số tổ máy vẫn đang trong quá trình sửa chữa”, công ty cho biết vào thời điểm đó.

Anh Nguyễn, theo RT

Related posts