Vào ngày 6/12, tại phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, một số chuyên gia bày tỏ quan ngại sâu sắc rằng việc thu thập DNA trên quy mô lớn của Trung Quốc có thể được sử dụng để đàn áp xuyên quốc gia.
Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen, thành viên Đảng Dân chủ đến từ tiểu bang New Hampshire, đã đặt ra câu hỏi về cơ sở dữ liệu DNA của Trung Quốc và khả năng sử dụng nó để đàn áp xuyên quốc gia.
Chủ tịch Freedom House, ông Abramowitz gọi cơ sở dữ liệu như vậy là “đáng lo ngại”, bởi vì các chế độ độc tài có thể “lạm dụng công nghệ” để “làm trầm trọng thêm tình trạng vi phạm nhân quyền, truyền bá thông tin sai lệch và giúp chính quyền dễ dàng tiến hành kiểm duyệt hơn”.
Bà Caoilfhionn Gallagher, luật sư bào chữa cho ông trùm truyền thông Hồng Kông Lê Trí Anh (Jimmy Lai) đang bị bỏ tù, nói với các nhà lập pháp: “Trong trường hợp của Trung Quốc, những gì chúng tôi thấy là việc sử dụng luật ngày càng sáng tạo, vũ khí hóa luật, bổ sung thêm việc sử dụng công nghệ mang tính sáng tạo mới để mở rộng cánh tay dài của họ ra quốc tế tới mọi người trên khắp thế giới.”
Báo cáo năm 2021 của Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ chỉ ra rằng, “những lo ngại về việc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sử dụng dữ liệu gen và chăm sóc sức khỏe không phải là giả thuyết”. Trung Quốc duy trì một cơ sở dữ liệu sinh trắc học có thể tìm kiếm được về cư dân Tân Cương từ 12 đến 65 tuổi. Báo cáo viết: “Việc thu thập DNA quy mô lớn từ nhà của người dân giúp ĐCSTQ thực hiện hành vi vi phạm nhân quyền đối với người thiểu số trong nước, đồng thời hỗ trợ đàn áp và giám sát”.
Ông Christo Grozev, phóng viên điều tra của tập đoàn báo chí điều tra Hà Lan Bellingcat Productions, đã chứng minh rằng việc thu thập DNA sẽ giúp mở rộng hộp công cụ đàn áp xuyên quốc gia, các phương pháp bảo vệ nhân chứng truyền thống có thể bị ảnh hưởng vì con người không thể thay đổi DNA bằng sinh trắc học, không giống như khuôn mặt và dấu vân tay. Vì vậy, chính quyền Bắc Kinh có thể sử dụng thông tin DNA để xác minh và theo dõi mục tiêu của mình.
Trung Quốc là kẻ phạm tội xuyên quốc gia số một
Ông Abramowitz của Freedom House cho biết, Trung Quốc là “quốc gia số một” về đàn áp xuyên quốc gia vì “tính rộng rãi và quy mô toàn cầu” của họ.
Các đồn cảnh sát mật của Trung Quốc (ở nước ngoài) cũng được nhắc đến trong phiên điều trần.
Vào tháng 4, FBI đã bắt giữ hai người vì nghi ngờ điều hành một đồn cảnh sát bí mật ở thành phố New York thay mặt cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Theo tổ chức phi lợi nhuận Safeguard Defenders có trụ sở tại Tây Ban Nha, địa điểm (đồn cảnh sát bí mật) nằm ở khu phố Tàu là một trong hơn 100 địa điểm trên khắp thế giới.
Bà Caoilfhionn Gallagher nói với các thành viên ủy ban Thượng viện rằng ngay sau khi Safeguard Defenders công bố báo cáo về cảnh sát mật Trung Quốc, họ đã nhận được một email lấy danh nghĩa của bà để đề nghị giúp đỡ miễn phí. Nhân viên tổ chức phi lợi nhuận vui vẻ trả lời. Ngay sau đó, đối phương bắt đầu hỏi nguồn tin của Safeguard Defenders. Nhân viên này lập tức nghi ngờ, và đã liên lạc với bà Gallagher qua kênh khác và được biết bà không hề gửi email.
Bà Gallagher gọi những trải nghiệm trên là “giả mạo đặc quyền” và các chiến thuật đàn áp xuyên quốc gia thứ cấp. Bà nói: “Những kẻ thù của tự do rất phức tạp và có sự phối hợp. Tôi nghĩ chúng ta cần phải thanh tỉnh và phối hợp hơn nữa trong cách đối phó với những chiến thuật này”.
Bối cảnh toàn cầu rộng lớn hơn
Thượng nghị sĩ Merkley, đảng viên Đảng Dân chủ đến từ tiểu bang Oregon, đồng chủ tịch Ủy ban Quốc hội và Hành pháp về Trung Quốc, nói rằng rất ít vụ đàn áp xuyên quốc gia được báo cáo cho FBI. Ông muốn biết rằng liệu có nên sử dụng một cổng thông tin có độ tin cậy cao hơn thông qua đường dây nóng báo cáo quốc gia hiện tại hay không, có lẽ sẽ cung cấp hỗ trợ bằng tiếng Trung cho các nạn nhân.
Ông Abramowitz cho biết, Freedom House đã thông báo cho nhiều cơ quan thực thi pháp luật khác nhau về những phát hiện của mình. “Nhu cầu thông tin là rất lớn vì tôi nghĩ nhiều đặc vụ sẽ xem một trường hợp có vẻ giống như một trường hợp cá biệt, nhưng trên thực tế, nó là một phần của câu chuyện lớn hơn của quốc gia và toàn cầu. Vì vậy tôi nghĩ chúng ta có thể làm bất cứ điều gì để vẽ nên bức tranh lớn hơn thì đều sẽ thực sự có giá trị.”
“Nhưng tôi thực sự nghĩ rằng do vấn đề này được công bố rộng rãi, người Mỹ và những người khác đang bắt đầu nhìn nhận bản chất của các chế độ độc tài,” ông nói thêm, “Như một trong những đồng nghiệp của tôi vừa nói, quyền của người dân trong các nền dân chủ đang bị đe dọa trực tiếp bởi điều này, quyền tự do ngôn luận của họ. Vì vậy, tôi nghĩ đó là một điểm thực sự rất quan trọng – chúng ta có thể dùng bất cứ biện pháp gì để có thêm thông tin về quy mô (về đàn áp xuyên quốc gia của ĐCSTQ), điều này rất quan trọng”.
Trí Đạt (theo Vision Times)