Sau 3 ngày đàm phán căng thẳng giữa các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (EU) và Nghị viện châu Âu, EU cuối cùng đã đạt được thỏa thuận về một đạo luật toàn cầu chưa từng có về quản lý giám sát trí tuệ nhân tạo (AI). Đây cũng là dự luật quản lý trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới.
Vào thứ Sáu (8/12), Ủy viên Thị trường Nội bộ EU Thierry Breton đã viết trên mạng xã hội X rằng đại diện của Ủy ban Châu Âu, Nghị viện Châu Âu và 27 quốc gia thành viên đã đạt được thỏa thuận về dự thảo Đạo luật Trí tuệ Nhân tạo của EU, đồng ý với một loạt biện pháp kiểm soát đối với các công nghệ như công cụ AI tổng quát.
“Mang ý nghĩa lịch sử”, ông Thierry Breton viết, “EU trở thành lục địa đầu tiên đặt ra các quy tắc rõ ràng cho việc sử dụng trí tuệ nhân tạo.”
Dự thảo vẫn cần được các nước thành viên EU và Nghị viện Châu Âu chính thức thông qua. Nhưng việc đạt được thỏa thuận này đánh dấu một bước quan trọng hướng tới chính sách trí tuệ nhân tạo mang tính bước ngoặt trong thế giới phương Tây.
Hiện tại, Quốc hội Mỹ chưa thực hiện bất kỳ hành động có ý nghĩa nào đối với công nghệ AI, thỏa thuận mới này của EU sẽ đặt ra quan điểm cơ bản cho công nghệ đang phát triển nhanh chóng này. EU đặt mục tiêu ban hành các biện pháp quản lý nghiêm ngặt về công nghệ AI lần đầu tiên bên ngoài châu Á.
Các nhà hoạch định chính sách đã làm việc trong nhiều tháng để hoàn thiện ngôn từ trong dự thảo về “Đạo luật AI”. Sau gần 24 giờ đàm phán kéo dài từ thứ Tư đến thứ Năm (ngày 7/12), quyết định cuối cùng đã được đưa ra tại cuộc họp thứ hai vào thứ Sáu (ngày 8/12).
Quá trình này đã được thúc đẩy vào cuối năm ngoái với sự xuất hiện của ChatGPT, một công cụ tạo văn bản của công ty OpenAI ở California, Mỹ, có thể viết tiểu luận, thơ hoặc bản dịch trong vài giây.
Hệ thống này, giống như những hệ thống có khả năng tạo ra âm thanh hoặc hình ảnh, đã chứng minh cho công chúng thấy tiềm năng to lớn của trí tuệ nhân tạo, nhưng có những rủi ro nhất định. Chẳng hạn, những bức ảnh giả lan truyền trên mạng xã hội trông giống thật hơn người thật, nhắc nhở mọi người về sự nguy hiểm của việc thao túng dư luận.
Liên quan đến nội dung cụ thể của văn bản dự thảo cuối cùng, các quan chức đã cung cấp một số chi tiết, sớm nhất cũng phải đến năm 2025 thì dự luật này mới có hiệu lực.
Văn bản của dự luật áp dụng các nguyên tắc từ các quy định an toàn sản phẩm hiện hành của Châu Âu, chủ yếu dựa trên các biện pháp kiểm soát do công ty thực hiện. Cốt lõi của dự luật bao gồm một bộ quy tắc chỉ áp dụng cho các hệ thống được coi là “rủi ro cao”, chủ yếu được sử dụng trong các lĩnh vực nhạy cảm như cơ sở hạ tầng quan trọng, giáo dục, nguồn nhân lực, thực thi pháp luật, v.v.
Các hệ thống này sẽ có nhiều nghĩa vụ, chẳng hạn như cung cấp khả năng điều khiển máy móc bằng tay, thiết lập tài liệu kỹ thuật hoặc triển khai hệ thống quản lý rủi ro.
Các cuộc thảo luận khó khăn nhấn mạnh cuộc tranh luận về quy định AI đã trở nên gây tranh cãi như thế nào, chia rẽ các nhà lãnh đạo thế giới và các nhà điều hành công nghệ khi các công cụ sáng tạo tiếp tục phát triển phổ biến.
EU, giống như các chính phủ khác bao gồm Mỹ và Vương quốc Anh, đã cố gắng tìm kiếm sự cân bằng giữa việc bảo vệ các công ty khởi nghiệp AI của chính mình, trong khi đề phòng trước những rủi ro xã hội tiềm ẩn.
Các quốc gia thành viên EU lo ngại rằng quy định quá mức sẽ khiến việc phát triển trở nên quá tốn kém, khiến các công ty dẫn đầu mới nổi như Aleph Alpha của Đức và Mistal AI của Pháp bị ảnh hưởng ngay từ trong trứng nước.
Một số chi tiết của dự luật sẽ được điều chỉnh trong những tuần tới, nhưng các nhà đàm phán phần lớn đã đồng ý đặt ra các quy tắc cho AI tổng quát, bao gồm các yêu cầu minh bạch cơ bản đối với các nhà phát triển bất kỳ mô hình ngôn ngữ quy mô lớn nào.
Các nhà phát triển gây ra rủi ro hệ thống phải ký quy tắc ứng xử tự nguyện và hợp tác với ủy ban để giảm thiểu rủi ro.
Vấn đề khó nhất là làm thế nào để hạn chế các công cụ sinh trắc học.
Mùa xuân năm ngoái, Nghị viện Châu Âu đã bỏ phiếu ủng hộ lệnh cấm hoàn toàn, nhưng nhiều quốc gia thành viên đã yêu cầu miễn trừ vì lý do an ninh quốc gia và thực thi pháp luật. Cuối cùng, cả hai bên đã đồng ý hạn chế sử dụng công nghệ ở những nơi công cộng và đặt ra nhiều hạn chế hơn.
Trí Đạt