Thủ tướng Đức cam kết tiếp tục hỗ trợ tài chính và quân sự cho Ukraine

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Ảnh: Gints Ivuskans/Shutterstock)

Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 9/12 đã cam kết tiếp tục hỗ trợ tài chính và quân sự cho Ukraine, đồng thời nhấn mạnh các quyết định sẽ được đưa ra nhằm tạo điều kiện để Berlin tiếp tục giúp đỡ Kyiv.

Cụ thể, phát biểu tại Đại hội đảng Dân chủ Xã hội (SPD), Thủ tướng Scholz nêu rõ cuộc khủng hoảng ngân sách sẽ không ngăn cản được chính sách hỗ trợ của Đức dành cho Ukraine. Hiện nay, Đức là trụ cột viện trợ lớn thứ hai của Ukraine sau Mỹ.

Tuyên bố trên của Thủ tướng Scholz được đưa ra trong bối cảnh chính phủ liên minh của ông đang phải đối mặt với những vấn đề lớn trong nỗ lực tìm đủ nguồn ngân sách để tài trợ cho các kế hoạch chi tiêu của chính phủ năm 2024 sau phán quyết mang tính bước ngoặt của Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức. Ông bày tỏ tin tưởng những cuộc đàm phán khó khăn giữa các đối tác trong liên minh cầm quyền nhằm ổn định ngân sách quốc gia sẽ đạt được thỏa thuận.

Ở một diễn biến khác, Ukraine hôm đã mạnh mẽ lên án Nga có kế hoạch tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống vào mùa xuân năm tới trên các lãnh thổ chiếm đóng. Kyiv tuyên bố các cuộc bầu cử đó là “vô hiệu” và cam kết sẽ truy tố bất kỳ quan sát viên quốc tế nào được gửi tới giám sát các cuộc bầu cử này.

Thượng viện Nga đã chốt lịch tổ chức bầu cử tổng thống Nga vào tháng 3 năm tới. Nữ Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matviyenko nói rằng công dân của 4 khu vực Ukraine do Nga chiếm đóng sẽ có thể lần đầu tiên được tham gia bầu cử tổng thống Nga.

Phan Anh

Ukraine lên án Nga sẽ tổ chức bầu cử tại các lãnh thổ chiếm đóng

Ukraine hôm thứ Bảy (9/12) đã mạnh mẽ lên án Nga có kế hoạch tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống vào mùa xuân năm tới trên các lãnh thổ chiếm đóng. Kyiv tuyên bố các cuộc bầu cử đó là “vô hiệu” và cam kết sẽ truy tố bất kỳ quan sát viên quốc tế nào được gửi tới giám sát các cuộc bầu cử này.

Thượng viện Nga tuần này đã chốt lịch tổ chức bầu cử tổng thống Nga vào tháng Ba năm tới. Nữ Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matviyenko nói rằng công dân của 4 khu vực Ukraine do Nga chiếm đóng sẽ có thể lần đầu tiên được tham gia bầu cử tổng thống Nga.

Cuộc bầu cử tổng thống Nga sẽ được tổ chức từ ngày 15/3 đến ngày 17/3 năm 2024. Ứng viên thắng cử sẽ nhậm chức vào đầu tháng Năm cùng năm.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Sáu (8/12) nói rằng ông sẽ chạy đua tái tranh cử và khả năng cao sẽ tiếp tục tái đắc cử và nắm quyền tối cao tại Nga ít nhất cho đến năm 2030.

Theo một cuộc khảo sát do Quỹ Ý kiến Công Luận (FOM) công bố hôm thứ Năm (7/12), khoảng 70% công dân Nga tin rằng ông Putin nên tiếp tục chạy đua vào Điện Kremlin, 15% nói rằng tổng thống Nga đương nhiệm nên rút lui khỏi vị trí hiện tại nhưng đảm nhiệm một chức vụ cấp cao khác trong chính phủ. Chỉ 8% tin rằng lãnh đạo Nga nên rút lui khỏi quyền lực chính trị hoàn toàn.

Nga vào tháng Chín năm ngoái đã tuyên bố sáp nhập các khu vực Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhya và Kherson ở đông và nam của Ukraine sau các cuộc trưng cầu dân ý bị Kyiv và phương Tây lên án là trò lừa gạt. Moscow chưa thực sự kiểm soát hoàn toàn các khu vực này của Ukraine.

Trước đó, vào năm 2014, Nga cũng đã sáp nhập và kiểm soát Bán đảo Crimea của Ukraine sao một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi.

Bộ Ngoại giao Ukraine hôm thứ Bảy (9/12) phát đi tuyên bố cho hay: “Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy cực lực lên án ý định của Nga về vệc tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống trong các lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng và hãy áp đặt các chế tài lên những người lên quan đến tổ chức và tiến hành các cuộc bầu cử này”.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ukraine cũng đã cảnh báo các quốc gia không được gửi quan sát viên tới giám sát “các cuộc bầu cử giả mạo” do Nga tổ chức ở các khu vực Ukraine bị chiếm đóng và khẳng định những ai vi phạm sẽ phải “đối mặt với trách nhiệm hình sự”.

“Bất kỳ cuộc bầu cử nào tại Nga cũng đều không liên quan đến nền dân chủ. Chúng chỉ đóng vai trò là công cụ để giữ quyền lực cho chế độ Nga”, Bộ Ngoại giao Ukraine khẳng định.

Hải Đăng

Philippines cáo buộc Trung Quốc ‘tấn công’ tàu cá ở Biển Đông

Ảnh chụp vào ngày 10 tháng 11 năm 2023 cho thấy lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đang chèo thuyền vỏ nhôm tại Bãi cạn Second Thomas ở Biển Đông đang tranh chấp. (Ảnh: JAM STA ROSA/AFP qua Getty Images)

Manila cho biết lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã bắn vòi rồng vào các tàu Philippines ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp.

Philippines cáo buộc lực lượng tuần duyên Trung Quốc sử dụng vòi rồng để “cản trở” 3 tàu chính phủ đang thực hiện nhiệm vụ tiếp tế thường xuyên gần một rạn san hô ngoài khơi bờ biển nước này ở Biển Đông.

Vụ việc hôm thứ Bảy (9/12) xảy ra gần bãi cạn Scarborough mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền và bị Bắc Kinh chiếm giữ từ tay Manila vào năm 2012 sau nhiều tháng bế tắc. Quần đảo này nằm cách bờ biển Philippines khoảng 220 km (137 dặm) và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này, theo luật hàng hải quốc tế.

Các video do lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines công bố cho thấy các tàu hải cảnh Trung Quốc tấn công các tàu bằng những luồng nước cực mạnh.

Lực lượng đặc nhiệm Philippines về vấn đề Biển Đông cho biết rằng vòi rồng được sử dụng ít nhất 8 lần vào thứ Bảy (9/12). Phía Philippines cáo buộc lực lượng tuần duyên Trung Quốc “trực tiếp và cố ý” nhắm vào các tàu.

Ba tàu của Cục Thủy sản đang thực hiện nhiệm vụ cung cấp dầu và hàng tạp hóa cho hơn 30 tàu đánh cá Philippines gần Bãi cạn Scarborough.

Lực lượng đặc nhiệm cho biết: “Ngăn chặn việc phân phối hỗ trợ nhân đạo không chỉ là bất hợp pháp mà còn vô nhân đạo”, đồng thời kêu gọi Trung Quốc ngừng “các hoạt động gây hấn” của mình.

Lực lượng đặc nhiệm cho biết thêm, các tàu của Dân quân biển Trung Quốc cũng được cho là đã tham gia vào “các cuộc diễn tập nguy hiểm” và triển khai một thiết bị âm thanh tầm xa khiến một số thủy thủ đoàn Philippines cảm thấy khó chịu và mất khả năng tạm thời. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, Bắc Kinh cho biết đã thực hiện “các biện pháp kiểm soát” đối với ba tàu ở Biển Đông mà nước này tuyên bố đã xâm nhập vào vùng biển gần Bãi cạn Scarborough.

Philippines và Trung Quốc có lịch sử lâu dài về các sự cố hàng hải ở Biển Đông đang tranh chấp, nơi có hơn 3000 tỷ USD giá trị thương mại hàng năm được vận chuyển bằng tàu biển đi qua.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm các phần được Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Brunei tuyên bố chủ quyền. Nhưng Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague năm 2016 cho rằng yêu sách của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý.

Anh Nguyễn, theo Aljazeera

Related posts