Gần đây, tại Trung Quốc đại dịch hô hấp ở trẻ nhỏ bùng phát trên diện rộng. Nhiều trẻ bị viêm phổi mà không ho. Giới chức đã ban hành “Hướng dẫn đeo khẩu trang” vào tối ngày 9/12, yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài, khiến làn sóng dịch bệnh lần này trở nên vô cùng kỳ lạ.
Ngày 10/12, tờ “Nhân dân Nhật báo”, cơ quan truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đưa tin, nhiều phụ huynh Trung Quốc đặt câu hỏi: “Trẻ không bị ho một cách rõ rệt, nhưng khi đến bệnh viện kiểm tra thì đã bị viêm phổi.”
Về vấn đề này, ông Chu Vinh Dịch, thành viên Chi nhánh Nhi khoa của Hiệp hội Y học cổ truyền Trung Quốc, kiêm phó chủ nhiệm nhi khoa tại Bệnh viện liên kết số 1 của Đại học Y học cổ truyền Trung Quốc Hà Nam, cho biết trong số các ca viêm phổi do mycoplasma hiện nay, một số trẻ không có triệu trứng ho rõ ràng, thậm chí không sốt.
Ông Trương Hải Lân, Chủ nhiệm Khoa Hô hấp Nhi thuộc Bệnh viện trực thuộc số 2 của Đại học Y Ôn Châu, chỉ ra rằng ho là triệu chứng phổ biến của bệnh viêm phổi và là cơ chế phòng vệ, nhưng mức độ ho ở mỗi người là khác nhau.
Ví dụ, mycoplasma thường ảnh hưởng đến các tế bào lông của biểu mô đường hô hấp, cũng giống như ho gà, do đó ho tương đối nặng. Một số bệnh viêm phổi do virus có thể ảnh hưởng đến đường hô hấp nhỏ, gây ra các triệu chứng thở khò khè nổi bật hơn. Một số bệnh viêm phổi do vi khuẩn có biểu hiện viêm phế nang rõ ràng ở giai đoạn đầu, và cơn ho chỉ trở nên trầm trọng hơn trong thời gian hồi phục.
Ông Trương Hải Lân cũng nhắc nhở: “Tiêu chí đáng tin cậy nhất để đánh giá bệnh viêm phổi ở trẻ dưới 5 tuổi là khó thở, tức là nhịp thở vượt quá tiêu chuẩn dành cho lứa tuổi tương ứng. Ví dụ, trẻ dưới 12 tháng tuổi có nhịp thở vượt quá 60 lần mỗi phút, trẻ từ 2 -12 tháng tuổi vượt quá 50 nhịp mỗi phút, và trẻ từ 12 tháng đến 3 tuổi vượt quá 40 nhịp mỗi phút. Ngoài ra, trạng thái tinh thần, nhiệt độ cơ thể, có thở khò khè hay không, v.v. cũng có thể giúp phán đoán tốt hơn. Nếu cần thiết thì chụp X-quang ngực.”
Theo báo cáo của tờ The Paper ngày 7/12 của Trung Quốc, bà Lý Văn, Chủ nhiệm khoa nhi tại Bệnh viện Long Hoa Thượng Hải, bệnh viện tổng hợp cấp 3 cấp cao nhất của Trung Quốc, chỉ ra rằng so với những năm trước, các bệnh về đường hô hấp năm nay đến sớm hơn và phát triển rất âm ỉ.
Bà cũng nhận thấy, ngay cả khi một số trẻ không có triệu chứng rõ ràng như ho, nhưng sau khi chụp CT (chụp cắt lớp vi tính), mới phát hiệm bị viêm phổi, nên các bác sĩ lâm sàng cần chú ý hơn đến việc chụp CT.
Giới chức Trung Quốc yêu cầu đeo khẩu trang trở lại
Ngày 30/11, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Bắc Kinh đã công bố báo cáo dịch bệnh hàng tuần trên trang web của mình, từ ngày 20/11/2023 – 26/11/2023, số ca mắc bệnh truyền nhiễm ở Bắc Kinh đã vượt quá 70.000 người, tăng gấp đôi. Con số này được nhiều người cho là đã được cơ quan chức năng che giấu một cách nghiêm trọng.
Ngoài ra, ĐCSTQ cũng chính thức tuyên bố có 16 bệnh truyền nhiễm đáng chú ý được báo cáo, trong đó 2 bệnh hàng đầu là cúm và COVID-19.
Theo báo cáo của VOA ngày 2/11, gần đây, các phòng khám nhi khoa của Trung Quốc phải chịu áp lực rất lớn. Ít nhất có 7 mầm bệnh lưu hành cùng lúc, gồm cúm, viêm phổi do mycoplasma, adenovirus, rhinovirus, COVID-19, virus viêm phổi kẽ ở người (metapneumovirus), và virus corona thông thường. Trong đó bệnh viêm phổi do mycoplasma là nghiêm trọng nhất.
Thật trùng hợp, khi bệnh viêm phổi không rõ nguồn gốc tiếp tục lan rộng ở Trung Quốc, tối ngày 9/12, tài khoản WeChat của Cục Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Quốc gia Trung Quốc đã đưa ra thông báo “Hướng dẫn đeo khẩu trang nơi công cộng để phòng ngừa bệnh hô hấp (phiên bản 2023)”.
Thông báo yêu cầu các nhân viên dịch vụ công như nhân viên y tế, phục vụ ăn uống, vệ sinh và an ninh tại viện dưỡng lão, cơ sở phúc lợi xã hội, cơ sở giữ trẻ, trường học và các cơ sở quan trọng khác phải đeo khẩu trang khi làm việc.
Bệnh nhân hoặc những người có triệu chứng nhiễm bệnh đường hô hấp phải đeo khẩu trang N95 hoặc KN95 và các loại khẩu trang phòng chống giọt bắn khác (không có van thở) hoặc khẩu trang bảo hộ y tế. Các nhân viên khác được khuyến khích đeo khẩu trang y tế dùng một lần, hoặc khẩu trang phẫu thuật y tế.
Ngoài ra, ngày 4/12, Ủy ban Y tế Trung Quốc cũng ban hành lệnh khẩn cấp, “phải làm mọi cách có thể, khai thác nguồn lực để thực hiện các dịch vụ chẩn đoán và điều trị nhi khoa”.
Cùng ngày, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã ban hành “Thông báo của Tổng cục Bộ Giáo dục về phòng, chống dịch bệnh ở trường học trong mùa đông”, yêu cầu trường học các cấp phải làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh vào mùa đông.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là tại văn bản số 34 của Bộ Giáo dục, các quan chức ĐCSTQ đã nhắc tới từ nhạy cảm “virus viêm phổi Vũ Hán (COVID-19)” ít nhất 6 lần.
Theo báo cáo của APP vào ngày 1/12, Công ty TNHH Dược phẩm Sáng tạo CSPC thông báo, vắc-xin mRNA hóa trị hai cho COVID-19 do Công ty sinh học Jushi (Cự Thạch) phát triển, đã được Cục Quản lý Sản phẩm Y tế Quốc gia Trung Quốc phê duyệt được sử dụng khẩn cấp ở Trung Quốc, nhằm ngăn ngừa các bệnh do nhiễm COVID-19.
Shenzhou Cell (Tế bào Thần Châu) thông báo rằng vắc-xin protein S-Trimer biến thể COVID tái tổ hợp được phát triển độc lập của công ty này cũng được các cơ quan Trung Quốc hữu quan phê duyệt sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Walvax Biotechnology cũng thông báo về vắc-xin mRNA biến thể COVID (Omicron XBB.1.5) đã được phê duyệt để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Theo dữ liệu do Trung Quốc cung cấp cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh viêm phổi do mycoplasma đã lây lan kể từ tháng 5. Virus hợp bào hô hấp (RSV), adenovirus và virus cúm khiến số lượng bệnh nhân ngoại trú và nhập viện ở trẻ nhỏ tăng mạnh kể từ tháng 10.
Hiện tại, bệnh viêm phổi do mycoplasma vẫn chưa biến mất hoàn toàn ở Trung Quốc. Ngoại giới vẫn chưa biết hậu quả sẽ ra sao khi bị nhiễm thêm các chủng virus khác.
Trước hàng loạt hiện tượng nêu trên ở Trung Quốc, thế giới bên ngoài không khỏi đặt câu hỏi rằng đợt dịch viêm phổi này rất có thể là sự bùng phát trở lại của biến thể COVID-19, nhưng ĐCSTQ một lần nữa lại có dấu hiệu che giấu.
Bình Minh