Liên Thành
Mới đây, trong lá thư gửi Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, hơn 30 nhà lập pháp đã bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc đầu tư vào khai thác dưới đáy biển, cho rằng điều đó có thể củng cố sự kiểm soát của Bắc Kinh đối với vị trí thống trị về tài nguyên của các khoáng sản quan trọng.
Khai thác dưới đáy biển là quá trình khai thác và thu hồi các trầm tích và khoáng chất dưới nước từ đáy biển, và khai thác dưới biển sâu bao gồm các hoạt động khai thác ở độ sâu lớn hơn 200 mét. Đáy biển chứa các khoáng chất quan trọng như coban, đồng, niken và các nguyên tố đất hiếm khác.
Giới truyền thông tin rằng bức thư này gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự thống trị của Trung Quốc đối với 95% chuỗi cung ứng toàn cầu của các nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng, và khả năng xử lý của nước này có thể “chuyển những vật liệu này thành thành phẩm quan trọng đối với hệ thống vũ khí của Hoa Kỳ”.
Các nhà lập pháp cảnh báo: “Chúng ta không thể cho phép Bắc Kinh chiếm giữ và khai thác tài nguyên dưới biển, điều mà họ gọi là ‘biên giới mới của cạnh tranh quốc tế’. Chúng ta phải khám phá mọi con đường để củng cố chuỗi cung ứng đất hiếm và khoáng sản quan trọng của mình”.
Bức thư chỉ ra rằng, sự kiểm soát của chính phủ Trung Quốc đối với ngành này dựa trên những vi phạm về môi trường và nhân quyền, “bao gồm các cuộc tấn công vào công nhân cơ sở, ô nhiễm nước, hủy hoại hệ sinh thái và điều kiện làm việc không an toàn”.
Năm nay, Bắc Kinh đã ban hành một loạt hạn chế xuất khẩu đối với các nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng nhằm nỗ lực thắt chặt kiểm soát chúng.
Vào tháng 11, Bắc Kinh đã thực hiện kiểm soát xuất khẩu đất hiếm. Vào tháng 7, họ công bố lệnh cấm xuất khẩu gali và gecmani, hai kim loại quý hiếm được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn.
Trung Quốc thống trị chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu. Theo dữ liệu do Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ tổng hợp, sản lượng mỏ đất hiếm của Trung Quốc chiếm 70% sản lượng mỏ đất hiếm toàn cầu vào năm 2022, tăng từ mức 59% vào năm 2021.
Theo Liên minh Nguyên liệu thô Quan trọng, Trung Quốc chiếm 80% sản lượng gali của thế giới và 60% sản lượng gecmani toàn cầu.
Khi các công ty Trung Quốc tiếp tục mở rộng hoạt động khai thác lithium ở nước ngoài, Bắc Kinh cũng đã củng cố vị thế thống trị của mình trong chuỗi cung ứng lithium toàn cầu.
Các nhà lập pháp trích dẫn Chiến lược an ninh quốc gia để giải quyết các rủi ro trong chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng, nhắc nhở Ngũ Giác Đài về việc “đánh giá và lập kế hoạch khai thác dưới đáy biển như một phương tiện mới để cạnh tranh với Trung Quốc về lợi thế tài nguyên và an ninh”, cũng như cải thiện khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng quốc phòng Hoa Kỳ.
Sau đó, các nhà lập pháp yêu cầu Bộ Quốc phòng cung cấp thông tin về việc sử dụng và đánh giá các khối đa kim loại dưới biển sâu trong Chương trình Dự trữ Quốc phòng.
Các nhà lập pháp cảnh báo: “Chúng ta không đủ khả năng để nhượng lại một nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng khác cho Trung Quốc. Hoa Kỳ, đặc biệt là Bộ Quốc phòng, nên làm việc với các đồng minh, đối tác và ngành công nghiệp để bảo đảm rằng Bắc Kinh không có quyền kiểm soát tài sản biển sâu một cách tự do.
Đáy biển sâu chứa các nốt đa kim nhỏ giàu mangan, coban, đồng, niken và các nguyên tố đất hiếm. Những trầm tích này được tìm thấy ở vùng biển quốc tế, thường cách bờ hàng trăm đến hàng nghìn km, ở độ sâu từ 200 mét trở lên.
Khai thác dưới biển sâu được quản lý bởi Cơ quan đáy biển quốc tế, được thành lập năm 1994 theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982. Cơ quan đáy biển quốc tế có thể cấp giấy phép thăm dò và khai thác tài nguyên khoáng sản dưới đáy biển cho các quốc gia tham gia Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển.
Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội, Trung Quốc đã nhận được 5 trong tổng số 31 giấy phép thăm dò biển sâu của Cơ quan đáy biển quốc tế, là mức cao nhất trong số tất cả các quốc gia.
Theo Washington Post, khi các giấy phép này có hiệu lực vào năm 2025, Bắc Kinh sẽ có độc quyền nạo vét hơn 147 nghìn km vuông đáy biển quốc tế, chiếm 17% tổng diện tích hiện được cấp phép.
Tờ báo cho hay: “Bắc Kinh đang gây áp lực lên Cơ quan đáy biển quốc tế nhằm đẩy nhanh quá trình ra quyết định của mình để các quy định có thể được thông qua vào năm 2025 hoặc sớm hơn. Yêu cầu này được đưa ra sau khi Cơ quan đáy biển quốc tế bỏ lỡ thời hạn vào đầu năm nay để thiết lập khung pháp lý”.
Hoa Kỳ chưa phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, vì vậy nước này không thể tài trợ cho các công ty Hoa Kỳ xin giấy phép từ Cơ quan đáy biển quốc tế để khám phá hoặc khai thác tài nguyên khoáng sản dưới đáy biển bên ngoài Hoa Kỳ.