Một phân tích của hãng tin Reuters cho thấy Nga đã chi hơn 12 tỷ USD trợ cấp và cho vay nhà nước để duy trì hoạt động của ngành hàng không, khi các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine đã cắt đứt nguồn cung cấp các bộ phận quan trọng và dịch vụ bảo trì.
Do trước đây phụ thuộc lớn vào máy bay do nước ngoài sản xuất, Nga hiện phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là phát triển ngành hàng không chỉ bằng các bộ phận có nguồn gốc trong nước.
Các nhà sản xuất máy bay phương Tây Airbus và Boeing đã ngừng cung cấp dịch vụ và phụ tùng thay thế vào tháng 3/2022, đồng thời ngừng hỗ trợ bảo trì thường xuyên cho hãng hàng không quốc gia Aeroflot và các hãng hàng không khác của Nga.
Kể từ đó, Nga đã chi 1,09 nghìn tỷ Rúp (12,07 tỷ USD) để hỗ trợ ngành hàng không dân dụng, bao gồm sản xuất máy bay và hỗ trợ tài chính cho các hãng hàng không.
Khoản chi này gần gấp đôi so với 547 tỷ Rúp cho các khoản thanh toán được thực hiện ở giai đoạn 2020-21, khi đại dịch COVID-19 khiến việc di chuyển bằng đường hàng không giảm mạnh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước cho biết: “Chúng ta có kế hoạch sản xuất hơn 1.000 máy bay vào năm 2030, máy bay của riêng của Nga. Chúng ta cần phải thực hiện điều này”.
Các hãng hàng không Nga hiện đang khai thác 991 máy bay, trong đó có 405 chiếc được sản xuất tại Nga. Nhưng chỉ có 133 chiếc Superjet được chế tạo bởi nhà sản xuất nhà nước United Aircraft Corporation. Các máy bay khác do Nga sản xuất – Tupolev, Ykovlev và Ilyushin – hiếm khi được sử dụng cho các chuyến bay thương mại.
Bộ Công nghiệp và Thương mại Nga cho biết rằng sự hỗ trợ dành cho sản xuất máy bay, một ngành công nghiệp chủ chốt, sẽ được duy trì trong nhiều năm tới. Bộ này nêu rõ trọng tâm chính là hỗ trợ bán sản phẩm, mở rộng năng lực sản xuất và tạo ra hệ thống dịch vụ sau bán hàng.
Ngành công nghiệp hàng không độc lập là đặc biệt quan trọng đối với Nga, cả trong việc vận chuyển người và hàng hóa qua lãnh thổ rộng lớn của nước này cũng như củng cố quan điểm của Moscow rằng các biện pháp trừng phạt chỉ có tác động tối thiểu.
Dữ liệu cho thấy Nga đã sử dụng quỹ dự trữ, chi 110 tỷ Rúp vào năm 2022 để bồi thường cho các hãng hàng không bị thiệt hại do chi phí nhiên liệu máy bay tăng mạnh.
Năm nay, Quỹ Tài sản Quốc gia (NWF) Nga đã đóng vai trò tài trợ lớn hơn khi Moscow thu hút gần 400 tỷ Rúp cho chi tiêu hàng không, nhưng quy mô chi tiêu chỉ tương đương dưới 1% GDP.
Lưu lượng hành khách hàng không nội địa của Nga bắt đầu phục hồi vào cuối năm 2022, khi các hãng hàng không tìm cách nhập khẩu phụ tùng thay thế thông qua chương trình nhập khẩu đặc biệt mà Chính phủ Nga đưa ra. Các hãng hàng không Nga đã duy trì hoạt động của những máy bay có nguồn gốc phương Tây, một phần bằng cách nhập khẩu phụ tùng thay thế qua các nước thứ ba.
Nga cũng gấp rút nội địa hóa việc đăng ký và sử dụng nguồn vốn của NWF để mua lại máy bay từ các bên cho thuê nước ngoài nhằm tránh nguy cơ bị tịch thu khi bay ra nước ngoài. Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nga Vitaly Savelyev cho biết 300 tỷ Rúp có thể được sử dụng để mua máy bay từ các bên cho thuê nước ngoài vào năm 2023.
Phan Anh