Chùa Ba Vàng trưng bày và đưa ra thông tin xá lợi tóc Đức Phật 2.600 năm khiến nhiều người không khỏi hoài nghi. Một số người còn tìm thấy thông tin trên mạng xã hội bày bán xá lợi với hình dáng tương tự có giá 500.000 đồng/sợi.
Ngày 27/12, thông tin về việc chùa Ba Vàng đang trưng bày sợi tóc được cho rằng của Đức Phật có từ 2.600 năm trước đã gây xôn xao dư luận.
Theo chùa Ba Vàng, xá lợi được trưng bày là một trong tám sợi tóc mà Đức Phật tự tay nhổ trên đầu mình, trao cho 2 thương buôn người Myanmar từ 2.600 năm trước.
Chùa này cũng cho biết xá lợi tóc Đức Phật được lưu giữ hàng ngàn năm tại Myanmar, nay xuất hiện lần đầu tiên tại chùa Ba Vàng, là do bắt nguồn từ nhân duyên đoàn chư Tăng, Phật tử chùa Ba Vàng đến chiêm bái xá lợi tại chùa Parami và Bảo tàng Xá lợi Phật Quốc tế Parami (Myanmar).
Tại đây, phái đoàn đã có lời mời Hòa thượng trụ trì chùa Parami về chùa Ba Vàng dự lễ “Kính mừng 765 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông đản sinh”. Quý Thầy đã nhận lời và còn cung thỉnh bảo vật xá lợi tóc của Đức Phật về Việt Nam, góp phần cho đại lễ thêm long trọng.
Chùa Ba Vàng cho hay xá lợi Phật (xá lợi tóc của Đức Phật) là nhục thân của Ngài, được kết tinh từ các công đức Ba La Mật – Giới – Định – Tuệ – Giải Thoát – Giải Thoát Tri Kiến mà thành.
Chùa Ba Vàng còn đăng tải đoạn clip ghi lại cảnh xá lợi tóc Đức Phật nói trên có thể chuyển động, kèm thông tin rằng: “Trải qua 2.600 năm, sợi tóc vẫn còn nguyên vẹn. Hàng vạn nhân dân, phật tử đã tận mắt chứng kiến sợi tóc quay liên tục với nhiều hình dáng khác nhau, dù xung quanh không có gì để căng kéo hay điều khiển, khác hoàn toàn so với tóc của người bình thường”.
Thế nhưng, nhiều người cho hay trên sàn giao dịch thương mại Shopee có thể tìm thấy sản phẩm có hình dạng tương tự như xá lợi tóc Phật, chỉ bán với giá 500.000 đồng/sợi và cũng có thể chuyển động.
Có người còn khẳng định xá lợi tóc trên là cỏ pili – một loại cỏ khô được tìm thấy ở nhiều nơi. Thậm chí ngay tại tỉnh An Giang cũng có loại cỏ này và khi gặp khí hậu, độ ẩm nhất định cũng sẽ tự chuyển động.
Một lãnh đạo Sở VH-TT tỉnh Quảng Ninh cho biết chùa Ba Vàng trưng bày xá lợi nói trên là việc nội tự không cần phải xin phép. Hiện, Sở này đã cử cơ quan chuyên môn để làm rõ thông tin sự việc trên.
Chùa Ba Vàng thời gian qua gây nhiều lùm xùm như vụ Cúng dường, tiền công đức, tranh biện giữa trụ trì chùa là ông Thích Trúc Thái Minh với ông Thích Nhật Từ…
Minh Long
Tổng giám đốc Công ty Việt Á bị đề nghị 25-26 năm tù
Bị cáo Phan Quốc Việt bị đề nghị mức án 25 – 26 năm tù cho 2 tội danh.
Sáng 28/12, đại diện Viện Kiểm sát Quân sự nêu quan điểm xử lý vụ án tại Học viện Quân y và đưa mức án đề nghị với 7 bị cáo.
Đối với Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á, Viện Kiểm sát đề nghị tòa phạt 15 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và 10 – 11 năm tù cho tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, tổng hợp hình phạt 25 – 26 năm tù.
Với 2 người bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, Viện Kiểm sát đề nghị tòa phạt Trịnh Thanh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Các ngành Kinh tế – kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) 15 năm tù; Hồ Anh Sơn, cựu thượng tá, cựu Phó Giám đốc Viện nghiên cứu Y dược học quân sự (Học viện Quân y) 11 – 13 năm tù.
Nhóm bị cáo bị cáo buộc phạm tội “Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, Viện Kiểm sát đề nghị tòa phạt Nguyễn Văn Hiệu, Đại tá, cựu Trưởng phòng Trang bị Vật tư 7 – 8 năm tù; Ngô Anh Tuấn, Thiếu tá, Trưởng phòng Tài chính 3 – 5 năm tù; Lê Trường Minh, Thiếu tá, cựu Trưởng ban Hóa dược 6 – 7 năm tù; Vũ Đình Hiệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á 6 – 7 năm tù.
Về hình phạt bổ sung, Viện Kiểm sát đề nghị tòa cấm các bị cáo đảm nhận chức vụ quản lý từ 2 đến 5 năm sau khi chấp hành xong án phạt tù.
Theo cáo buộc, tháng 1/2020, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát và có nguy cơ lây lan vào Việt Nam, Học viện Quân y đề xuất với Bộ Khoa học và Công nghệ về việc triển khai nhiệm vụ nghiên cứu một bộ kit chẩn đoán viêm phổi do virus corona. Đề tài được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt với kinh phí gần 19 tỷ đồng trích từ ngân sách, giao Học viện Quân y chủ trì, cựu thượng tá Hồ Anh Sơn làm chủ nhiệm.
Quá trình phê duyệt, do động cơ vụ lợi và có quen biết với Phan Quốc Việt, bị cáo Trịnh Thanh Hùng đã yêu cầu bị cáo Sơn đưa Công ty Việt Á vào cùng tham gia đề tài. Trong đó, Học viện Quân y có nhiệm vụ xây dựng quy trình, còn Công ty Việt Á chế tạo thử nghiệm 20.000 bộ kit test.
Tuy nhiên, thay vì sử dụng kết quả nghiên cứu từ đề tài, 3 bị cáo Hùng, Việt và Sơn lại thống nhất sử dụng bộ kit do Công ty Việt Á cung cấp, để nghiệm thu giai đoạn 1. Bằng sự gian dối này, đề tài nghiên cứu được thông qua, Bộ Y tế lần lượt cấp phép tạm thời rồi cấp phép lưu hành cho bộ kit test.
Công ty Việt Á sản xuất hơn 8,7 triệu kit test, nâng khống giá, bán cho các đơn vị y tế trên khắp cả nước, thu lợi bất chính hơn 1.235 tỷ đồng. Phan Quốc Việt bồi dưỡng cho Trịnh Thanh Hùng 350.000 USD, cho Hồ Anh Sơn gần 2,5 tỷ đồng.
Từ tháng 5 đến tháng 12/2021, Công ty Việt Á ứng trước kit test để Học viện Quân y sử dụng, sau đó hợp thức thủ tục hợp đồng, dẫn đến vi phạm quy định về đấu thầu, gây thiệt hại cho Học viện Quân y hơn 27,7 tỷ đồng. Để cảm ơn, Phan Quốc Việt chỉ đạo cấp dưới chi “hoa hồng” cho Vũ Đình Hiệp hơn 3,5 tỷ đồng, cho Ngô Anh Tuấn gần 1,4 tỷ đồng (gồm 300 triệu do bị cáo Hiệu đưa).
Phạm Toàn
Cựu giám đốc Sở Y tế tỉnh Tây Ninh bị đề nghị 5-6 năm tù
Trong vụ sai phạm đấu thầu gây thiệt hại 13 tỷ đồng xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Tây Ninh, bị cáo Hoa Công Hậu bị đề nghị từ 5-6 năm tù.
Ngày 28/12, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử sơ thẩm bị cáo Hoa Công Hậu, cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tây Ninh, cùng 13 đồng phạm trong vụ sai phạm đấu thầu xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Tây Ninh.
Các sai phạm liên quan Công ty TNHH Tập đoàn hành trình thành công mới (Công ty NSJ) do bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga làm Chủ tịch Hội đồng sáng lập.
VKSND TP.HCM nhận định bà Nga phạm tội với vai trò chủ mưu, cầm đầu. Ông Hậu là người chỉ đạo, xin chủ trương lập dự án, tổ chức và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu tại Sở Y tế tỉnh Tây Ninh.
Tại phiên tòa, đại diện VKSND đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Hoa Công Hậu từ 5-6 năm tù; Lê Thành Lữ (cựu phó phòng kế hoạch tài chính, Sở Y tế tỉnh Tây Ninh) từ 3-4 năm tù; Hoàng Thị Thúy Nga từ 5-6 năm tù cùng về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cùng tội danh trên, 9 bị cáo là nhân viên Công ty NSJ bị đề nghị mức án từ 24-36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 4 năm tù.
Hai cựu cán bộ Sở Tài chính tỉnh Tây Ninh là Đặng Thị Mỹ Nga và Vũ Thị Thu Nga bị đề nghị 30-36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo hồ sơ, ông Hậu là người chỉ đạo, trực tiếp ký các vǎn bản trong quá trình xin chủ trương lập dự án và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu. Do được bà Nga đặt vấn đề nhờ giúp đỡ, nên ông Hậu đã chỉ đạo cấp dưới cho Công ty NSJ vào giới thiệu hệ thống CT Scanner 128 lát cắt, và chấp thuận giá mua 28 tỷ đồng.
Năm 2017, ông Hậu chỉ đạo cấp dưới tham mưu để mình ký tờ trình gửi UBND tỉnh chỉ định mua hệ thống CT Scanner 128 lát cắt, do Công ty NSJ là đơn vị phân phối chính thức tại tỉnh Tây Ninh. Còn bị cáo Nga chỉ đạo cấp dưới mua hồ sơ thay cho các nhà thầu “quân xanh” tham gia, để Công ty NSJ trúng thầu.
Giá trị máy chụp do Công ty NSJ cung cấp chỉ hơn 14 tỷ đồng nhưng lại cung cấp cho Sở Y tế Tây Ninh 28 tỷ đồng, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 13 tỷ đồng.
Từ nǎm 2018 – 2020, sau khi Công ty NSJ đã trúng thầu, có 3 lần Hậu nhận quà biếu với tổng số tiền 1 tỷ đồng.
Trước đó, hôm 4/1, bà Hoàng Thị Thúy Nga từng bị TAND TP.Hà Nội xử sơ thẩm phạt 12 năm tù, về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai.
Cùng tội danh trên, ngày 17/2, bà Nga tiếp tục bị TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm phạt 8 năm tù trong vụ án xảy ra tại Sở Y tế TP. Cần Thơ.
Phạm Toàn