Trung Quốc trừng phạt 1 công ty và 2 nhà nghiên cứu Hoa Kỳ vì báo cáo tình hình nhân quyền ở Tân Cương

Các biện pháp trừng phạt này là hành động trả đũa đối với báo cáo thường niên của chính phủ Hoa Kỳ về tình hình nhân quyền ở Tân Cương.

Trung Quốc trừng phạt 1 công ty và 2 nhà nghiên cứu Hoa Kỳ vì báo cáo tình hình nhân quyền ở Tân Cương
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh trình bày trong một cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh hôm 26/07/2023. (Ảnh: Pedro Pardo/AFP qua Getty Images)

Nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc đang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hai cá nhân và một công ty nghiên cứu của Hoa Kỳ để đáp trả lại những hành động gần đây của Hoa Thịnh Đốn nhằm gây áp lực lên Bắc Kinh liên quan đến các hành vi vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi Giáo khác.

Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 26/12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết, các biện pháp trừng phạt này ảnh hưởng đến Kharon, một công ty nghiên cứu và dữ liệu có trụ sở tại San Francisco; ông Hứa Mãnh (Edmund Xu), nhà nghiên cứu cao cấp, người lãnh đạo chương trình nghiên cứu châu Á tại Kharon; và cô Nicole Morgret, nhà phân tích chính sách tại Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Hoa Kỳ-Trung Quốc, một cơ quan cố vấn của Quốc hội Hoa Kỳ.

Bà Mao cho biết các biện pháp này sẽ đóng băng mọi tài sản ở Trung Quốc thuộc sở hữu của Kharon và hai nhà nghiên cứu nói trên, đồng thời ngăn cấm họ đặt chân vào Hoa lục, Hồng Kông, và Macau. Bà nói thêm, các công ty và công dân Trung Quốc cũng bị cấm làm việc với họ.

Vị phát ngôn viên mô tả hành động này là để trừng phạt công trình nghiên cứu của Kharon liên quan đến Tân Cương, khu tự trị ở vùng viễn tây Trung Quốc, nơi chính phủ Hoa Kỳ cùng với các chính phủ phương Tây khác cho biết nạn diệt chủng đang diễn ra. Ad

Kharon cho biết, các biện pháp trừng phạt của Bắc Kinh “chủ yếu chỉ mang tính biểu tượng” và ít ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cũng như khách hàng của họ, vì công ty này không có sự hiện diện ở Trung Quốc.

Kharon cho biết chính quyền Trung Quốc đã và đang trừng phạt các doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức khác của Hoa Kỳ trong nhiều năm qua, công ty này cho biết trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử cho The Epoch Times.

Công ty khẳng định, “Để phục vụ khách hàng của chúng tôi và toàn bộ các doanh nghiệp trên thế giới đang tìm cách thực hiện các chương trình quản lý rủi ro quan trọng, Kharon sẽ tiếp tục cung cấp nghiên cứu và phân tích dữ liệu khách quan, độc lập, và dựa trên các nguồn đáng tin cậy.”

Cô Morgret đã công bố nhiều báo cáo tiết lộ các hành vi vi phạm nhân quyền của chế độ này ở Tân Cương; hiện The Epoch Times không thể liên lạc được với cô để yêu cầu bình luận. Ad

“Chính quyền Trung Quốc đang thực hiện một nỗ lực phối hợp nhằm công nghiệp hóa Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương (XUAR), điều này đã dẫn đến việc một số lượng ngày càng nhiều tập đoàn đến và gây dựng hoạt động sản xuất ở đó,” cô Morgret viết trong một nghiên cứu do Trung tâm Nghiên cứu Tiến bộ Quốc phòng bất vụ lợi công bố hồi tháng 07/2022. “Chính sách công nghiệp do trung ương kiểm soát này là một công cụ quan trọng trong nỗ lực của chính phủ nhằm cưỡng chế đồng hóa người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ khác qua việc thành lập một hệ thống lao động cưỡng bức.”

Bắc Kinh từ lâu đã phủ nhận những cáo buộc về hành vi lạm dụng như vậy. Tại cuộc họp báo hôm 26/12, bà Mao cáo buộc Hoa Thịnh Đốn truyền bá “những câu chuyện sai sự thật về Tân Cương” và đe dọa sẽ trả đũa.

Cô nói, “Nếu Hoa Kỳ từ chối thay đổi cách cư xử của mình, thì Trung Quốc sẽ không nao núng và sẽ đáp trả tương xứng.”

‘Biện pháp trả đũa’

Bộ mô tả hành động của Bắc Kinh là một “biện pháp trả đũa” trước báo cáo thường niên của chính phủ Hoa Kỳ về tình hình nhân quyền ở Tân Cương, dẫn đến các lệnh trừng phạt gần đây đối với ba công ty và hai quan chức của Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã không phúc đáp yêu cầu bình luận của The Epoch Times trước thời điểm phát hành bản tin này.

Hai quan chức Trung Quốc được thêm vào danh sách trừng phạt của Hoa Kỳ hồi đầu tháng này là ông Hồ Liên Hợp (Hu Lianhe), phó giám đốc Tiểu tổ Công tác Điều phối Dự án Tân Cương của Ủy ban Trung ương, cơ quan đảm nhiệm việc thực thi các chính sách về Tân Cương của Bắc Kinh, và ông Cao Kỳ (Gao Qi), phó thống đốc châu tự trị Lê Cát và là cựu lãnh đạo văn phòng công an địa phương.

Hoa Kỳ cũng hạn chế nhập cảng từ ba công ty Trung Quốc: COFCO Sugar Holding thuộc sở hữu nhà nước, Tập đoàn Công nghệ Kinh Vĩ Đạt Tứ Xuyên (Sichuan Jingweida Technology Group), và Công ty TNHH Vật liệu Mới Tân Nhã An Huy (Anhui Xinya New Materials), mà chính phủ Hoa Kỳ cho biết đang làm việc với chính quyền địa phương để “tuyển dụng, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp, hoặc nhận lao động cưỡng bức hoặc người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhstan, người Kyrgyzstan hoặc thành viên của các nhóm bị đàn áp khác” ra khỏi Tân Cương.

Các biện pháp trừng phạt được công bố hôm 08/12 này là một phần trong hành động phối hợp với Vương quốc Anh và Canada nhắm vào 37 cá nhân ở 13 quốc gia để đánh dấu Ngày Nhân quyền Quốc tế.Ad

Theo nhiều báo cáo và nghiên cứu trong những năm gần đây, ít nhất 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi Giáo khác đang bị giam giữ trong các trại tập trung ở Tân Cương, nơi họ bị cưỡng bức triệt sản, tra tấn, truyền bá chính trị, và cưỡng bức lao động.

Hồng Ân biên dịch

Related posts