Bảo Nguyên
Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan, “viên ngọc quý” của BRI, đang biến nền kinh tế Pakistan trở thành một phần của nền kinh tế Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ và Ấn Độ hẳn phải rất chú ý tới mối quan hệ ngày càng chặt chẽ của Pakistan và Trung Quốc.
Theo thỏa thuận từ một bộ các biên bản ghi nhớ thương mại song phương (MOU) mới trị giá 10 tỷ USD, Trung Quốc gần đây đã nhận được lô hàng nông sản đầu tiên từ Pakistan. Hai quốc gia này vốn được liên kết về mặt cơ sở hạ tầng bởi Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) của Bắc Kinh – dự án hàng đầu trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Đối với một Pakistan đang chìm trong khó khăn về kinh tế, quay cuồng với khoản nợ khổng lồ khoảng 100 tỷ USD, một phần ba trong số đó là nợ từ Trung Quốc, các MOU mới liên quan đến xuất khẩu với Trung Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp, dệt may, thực phẩm và phụ tùng ô tô có nghĩa là một “cam kết mạnh mẽ” đối với tăng trưởng kinh tế của quốc gia, tờ báo quốc gia The Dawn của Pakistan đưa tin.
Thêm vào hy vọng này là tuyến vận tải đường bộ quốc tế (TIR) đầu tiên giữa thành phố Khách Thập nội địa của Tân Cương và thủ đô Islamabad của Pakistan, tuyến đường mà hai đồng minh này bắt đầu đưa vào hoạt động vào cuối tháng 8. Hệ thống TIR (Transports Internationaux Routiers) là một hệ thống vận chuyển hải quan quốc tế.
Tuy nhiên, CPEC không chỉ là một dự án kinh tế, một nhà phân tích địa chính trị đặc biệt tập trung vào Pakistan đã nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn độc quyền. Bắc Kinh đang “tích hợp” nền kinh tế của Islamabad vào nền kinh tế của mình.
“Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) là một sáng kiến BRI hàng đầu, mang tính chất chiến lược, không phải kinh tế – các công ty của Trung Quốc không kiếm được tiền ở Pakistan; họ đang tích hợp nền kinh tế Pakistan vào nền kinh tế Trung Quốc và tiếp cận các bất động sản có giá trị ở Nam Á, gần Trung Á và vùng Vịnh”, bà Aparna Pande, nhà nghiên cứu tại Viện Hudson và là tác giả của nhiều cuốn sách, cho biết.
Luận án tiến sĩ của bà Pande về chính sách đối ngoại của Pakistan được xuất bản với nhan đề “Giải thích chính sách đối ngoại của Pakistan: Thoát khỏi Ấn Độ”.
Pakistan, một quốc gia có vị trí địa lý chiến lược, được tách ra khỏi Ấn Độ – thuộc địa của Anh – vào năm 1947. Nước này nằm cắt ngang lưu vực sông Ấn trù phú và màu mỡ, đồng thời nắm giữ trong các đường biên giới đang tranh chấp của mình một số tuyến đường thương mại cổ xưa nhất nối Nam Á với Trung Đông ở một bên, và bên kia là với Trung Quốc. Giá trị chiến lược của nó tăng lên cùng với việc quân sự hóa ngày càng tăng trong khu vực. BRI của Trung Quốc chính thức thâm nhập quốc gia này vào năm 2013, với khoản đầu tư tăng lên mức 65 tỷ USD vào năm 2022.
Tuy nhiên, bất chấp những hứa hẹn lớn lao của CPEC, vì nhiều lý do khác nhau, tình hình kinh tế của Pakistan chỉ trở nên tồi tệ hơn trong thập kỷ qua. Năm nay, tình hình trở nên đáng báo động khi lạm phát tăng lên 29,4% trong tháng 6, với giá thực phẩm tăng 40% và chi phí vận chuyển tăng 20% so với năm trước, theo báo cáo của Viện Lowy, một tổ chức nghiên cứu và tư vấn của Úc. Tổ chức này dự báo rằng tỷ lệ nghèo đói của Pakistan sẽ đạt mức báo động 37,2%.
Theo báo cáo, nhiều người Pakistan không đủ tiền để mua lượng năng lượng bổ sung do các dự án CPEC sản xuất. Họ đang “vật lộn để trả mức giá điện cao, cũng như giá nhiên liệu cao khiến người dân không thể di chuyển trên các đường cao tốc do CPEC xây dựng”.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như vậy, sự phụ thuộc của Pakistan vào Trung Quốc ngày càng tăng. Trong Diễn đàn Hợp tác Quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ 3 tại Bắc Kinh vào tháng 10, Thủ tướng Pakistan, ông Anwaar-ul-Haq Kakar, cho biết Islamabad “sẽ luôn sát cánh cùng Trung Quốc” và tin tưởng nước này mà không cần suy xét.
Bà Pande nói: “Khi Thủ tướng Pakistan nói rằng Pakistan sẽ tin tưởng Trung Quốc mà không cần suy xét, điều đó phản ánh quan điểm phổ biến trong các bộ phận lớn của xã hội Pakistan rằng Trung Quốc là ‘đồng minh trong mọi hoàn cảnh’, và đã và sẽ luôn sát cánh bên Pakistan”.
Ảnh hưởng đối với mối quan hệ với Mỹ
Tuy nhiên, sự gần gũi ngày càng tăng của Pakistan với Bắc Kinh không làm lợi được cho mối quan hệ của nước này với Mỹ. Theo bài báo trên tờ Foreign Policy, trong chuyến đi tới Mỹ vào tháng này của tư lệnh quân đội Pakistan, Tướng Asif Munir, Washington đã đề nghị Pakistan “kiềm chế Trung Quốc và duy trì hòa bình cũng như thương mại với Ấn Độ”.
Bà Pande nói: Mỹ muốn có mối quan hệ với quốc gia có 240 triệu dân chủ yếu theo đạo Hồi. Mặc dù có vũ khí hạt nhân và các nhóm khủng bố, Pakistan nằm ở khu vực địa lý quan trọng. Tuy nhiên, có những điều kiện.
Bà nói: “Mỹ không muốn quay trở lại thời kỳ hoàng kim của những năm 1980 hoặc thậm chí đầu những năm 2000”. Pakistan đã từng là đối tác chiến lược quan trọng của Mỹ trong các hoạt động quân sự khác nhau ở nước láng giềng Afghanistan.
Theo bà Pande, tình hình rất phức tạp bởi vì ngày nay, mối quan hệ kinh tế và quân sự mạnh mẽ của Pakistan với Trung Quốc cũng như ý nghĩa chiến lược quan trọng vào bậc nhất của mối quan hệ đó là quá mạnh mẽ để nước này có thể hạ cấp mối quan hệ với Bắc Kinh.
“Mỹ hiểu động lực đằng sau mối quan hệ Trung Quốc – Pakistan, và trong khi Mỹ muốn một đồng minh cũ – Pakistan – đứng về phía Mỹ trong cuộc cạnh tranh toàn cầu này, thì Mỹ tin rằng làm như vậy sẽ có lợi cho Pakistan”, bà Pande nói.
Bà nói rằng Pakistan muốn có thể cân bằng các mối quan hệ với Trung Quốc và Mỹ theo cách có thể nhận được lợi ích từ cả hai bên.
Bà nói: “Điều đó sẽ ngày càng khó khăn hơn khi Pakistan xây dựng mối quan hệ tình báo-quân sự và công nghệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc, vì Mỹ không muốn chia sẻ công nghệ hoặc quân sự bậc cao với các quốc gia có mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc”.
Pakistan cũng thể hiện sự quan tâm đến việc thúc đẩy đầu tư kinh tế của Mỹ, nhưng bà Pande nói rằng để điều đó diễn ra, Pakistan cần cung cấp một môi trường kinh tế thuận lợi, các chính sách pháp lý ổn định và nhất quán, lời hứa tuân thủ hợp đồng, lợi tức đầu tư và một môi trường chính trị an toàn và ổn định.
Bà nói: “Cho đến khi điều đó xảy ra, khả năng các nước phương Tây đầu tư quy mô lớn sẽ rất hiếm hoi”.
Những vấn đề xoay quanh Ấn Độ
Theo bà Pande, một yếu tố đóng vai trò rất quan trọng trong mối quan hệ ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Pakistan là mong muốn của Bắc Kinh nhằm kiềm chế Ấn Độ ở sân sau của nước này.
Bà nói: “Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào mối quan hệ với Pakistan, giống như với Triều Tiên, bởi vì trong cả hai trường hợp, Trung Quốc đều muốn sử dụng quan hệ đối tác với quốc gia đó để chống lại quốc gia mà họ coi là đối thủ của mình”. “Trong trường hợp Triều Tiên, Trung Quốc đang nhắm vào Nhật Bản và trong trường hợp Pakistan, mục tiêu là Ấn Độ”.
Khi đề cập đến Ấn Độ và Pakistan, nhà phân tích địa chính trị cho rằng “trở ngại lịch sử” luôn là cơ quan tình báo quân sự Pakistan, vốn coi việc cải thiện quan hệ với Ấn Độ là “đi ngược lại lợi ích”.
Bà nói: “Các nhà lãnh đạo dân sự và doanh nghiệp của Pakistan, ít nhất là từ những năm 1990, đã muốn thúc đẩy thương mại với Ấn Độ”. Pakistan trong lịch sử đã phớt lờ những gợi ý của Mỹ rằng Pakistan nên cải thiện quan hệ thương mại với Ấn Độ, nhưng có thể do cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài hiện nay của Pakistan, quân đội Pakistan có thể mở cửa cho thương mại ở mức hạn chế với Ấn Độ.
Bà Pande nói thêm rằng Mỹ đang khuyến khích cả Ấn Độ và Pakistan tăng cường thương mại song phương để họ có thể thoát khỏi sự phụ thuộc ngày càng tăng vào Trung Quốc.
“Mỹ cũng muốn các quốc gia có quan hệ đầy rẫy xung đột trong lịch sử xây dựng mối quan hệ kinh tế – với ví dụ của Pháp – Đức – đó là lý do tại sao Mỹ khuyến khích Hàn Quốc và Nhật Bản cũng như khuyến khích Pakistan và Ấn Độ”.
Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan: Một ví dụ điển hình của thất bại của BRI
Chuyên gia về kinh tế Trung Quốc Antonio Graceffo đã có bài phân tích, trong đó nêu bật vấn đề với các dự án BRI của Trung Quốc, với CPEC là một ví dụ quan trọng. Bài phân tích có nhan đề “Phân tích: Trung Quốc đang thu hồi nợ từ những nước nghèo nhất”, đăng ngày 22/11 trên tờ The Epoch Times.
Ông Graceffo cho biết, từ năm 2001, bao gồm cả Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) bắt đầu vào năm 2013, Trung Quốc đã đầu tư vào gần 21.000 dự án trên 165 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Tổng số nợ tồn đọng của Trung Quốc là khoảng 1,1 nghìn tỷ USD và hơn một nửa số khoản vay này hiện đã đến hạn thanh toán – tỷ lệ này sẽ đạt 75% vào năm 2030.
Ban đầu, những dự án này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP ở các quốc gia đi vay, với sản lượng kinh tế tăng lên cho phép họ trả được các khoản vay. Tuy nhiên, nhiều dự án chưa được hoàn thành hoặc không đạt được lợi nhuận như dự kiến. Một trường hợp đáng chú ý chính là là Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC), từ lâu được ca ngợi như là viên ngọc quý của BRI, dự án vốn còn được gọi là “Một vành đai, Một con đường”.
Sau một thập kỷ và khoản chi 25 tỷ USD, CPEC vẫn chưa thực hiện được lời hứa phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng của Pakistan cũng như tu sửa và kết nối Cảng Gwadar với thành phố Khách Thập ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc. Trên thực tế, CPEC sẽ giúp Trung Quốc trở thành chủ sở hữu và người điều hành của cảng này, đồng thời cung cấp cho Trung Quốc các tuyến thương mại rẻ hơn và giúp nước này tiếp cận Biển Ảrập. Trong khi đó bất kỳ lợi ích nào đối với Pakistan đều bị phai mờ bởi các vấn đề về tài chính và an ninh, cũng như phản ứng dữ dội từ người Pakistan, những người ngày càng coi Trung Quốc là bên hưởng lợi từ một dự án khiến Pakistan chìm sâu hơn trong nợ nần trong khi mang lại rất ít lợi ích cho người dân địa phương.
Các nhà kinh tế khẳng định tác động lan tỏa của việc chi tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng CPEC là không đáng kể, trong khi tác động lên tình hình nợ của Pakistan là rất lớn. Tính đến tháng 7, 30% nợ nước ngoài của Pakistan thuộc về chính phủ và các ngân hàng thương mại Trung Quốc. Tệ hơn nữa, đồng PKR (đồng rupee của Pakistan) đã giảm giá trị, mất giá khoảng 40% so với đồng USD, do đó khiến việc thanh toán nợ càng trở nên khó khăn hơn. Sự bất ổn kinh tế trong giai đoạn đầu của dự án đã dẫn đến sự chậm trễ trong việc hoàn thành dự án, điều đồng nghĩa với sự chậm trễ trong việc tạo ra các khoản doanh thu nhằm sử dụng để trả nợ. Trước sự thất vọng của nhiều người Pakistan, giai đoạn tiếp theo của CPEC đã bắt đầu. Với nó, nhiều đợt đảo nợ và các khoản vay bổ sung sẽ được thêm vào khoản nợ hiện tại.
Những câu chuyện tương tự có thể được chứng kiến ở các quốc gia BRI khác. 80% khoản vay của Trung Quốc dành cho các nước đang phát triển là dành cho các nước đang gặp khó khăn về tài chính. Đây là lý do tại sao phương Tây cáo buộc Trung Quốc là nhà cho vay vô trách nhiệm. Vấn đề trở nên trầm trọng hơn do lãi suất cao và đồng nội tệ giảm giá.
BRI là gì? Đằng sau câu chuyện hào nhoáng về BRI là gì?
Trong bài báo: “Cập nhật về Sáng kiến Vành đai (thắt chặt) và Con đường (không dẫn tới đâu cả) của Trung Quốc”, đăng ngày 8/11 trên tờ The Epoch Times, tác giả Stu Cvrk đã đưa ra một cái nhìn tổng quát về BRI và các tác động của nó.
Được công bố rộng rãi vào năm 2013 như là sáng kiến lớn đầu tiên của ông Tập, BRI bao gồm hai thành phần chính: Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21.
Mục tiêu chính là phát triển cơ sở hạ tầng giao thông toàn cầu bao gồm đường bộ, bến cảng, đường sắt, cầu, v.v. do Trung Quốc kiểm soát, với nhiều “con đường” khác nhau đóng vai trò là nan hoa trong một bánh xe phục vụ trục trung tâm (Trung Quốc đại lục). Những con đường hai chiều này nhằm mục đích vận chuyển các tài nguyên thiên nhiên và nguyên liệu thô cần thiết để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất trong nước của Trung Quốc đồng thời hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa thành phẩm của Trung Quốc sang thị trường nước ngoài trên toàn thế giới.
Trong 10 năm tồn tại, các xúc tu của BRI đã lan rộng tới 149 quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc. Về quy mô của sáng kiến này, Statista báo cáo rằng “tổng đầu tư của Trung Quốc vào các quốc gia thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đã giảm xuống còn khoảng 67,8 tỷ USD [cho năm 2022], giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước [do đại dịch COVID-19]” với đầu tư trực tiếp nước ngoài thực tế của Trung Quốc vào các quốc gia BRI là 24 tỷ USD vào năm 2021.
Các vết nứt đang hình thành ở dự án hào nhoáng BRI. Nhiều quốc gia đang nhận ra rằng các khoản đầu tư BRI của Trung Quốc nghiêng nhiều về lợi ích của Trung Quốc chứ không phải lợi ích của các nước tiếp nhận. Khoảng một phần ba tổng số khoản đầu tư BRI mỗi năm tới từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực tế của Trung Quốc. Hai phần ba còn lại không phải là các khoản tài trợ FDI mà là các khoản vay từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc hoặc Ngân hàng Phát triển Trung Quốc mà các nước tiếp nhận phải hoàn trả.
Các bên tiếp nhận thường bị buộc phải đáp ứng nghĩa vụ vay của mình bằng cách cấp cho Trung Quốc quyền khai thác dài hạn đối với các nguyên tố đất hiếm, hydrocarbon và các hàng hóa khác và/hoặc các thỏa thuận cho thuê dài hạn đối với các cảng, đường sắt và cơ sở hạ tầng khác được phát triển bằng các khoản vay BRI đó.
Điều thứ hai chính xác là những gì đã xảy ra tại cảng Hambantota của Sri Lanka khi Trung Quốc nhận được cổ phần kiểm soát trong 99 năm tại cảng vào năm 2017, theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế. Tất cả đều là “sự phát triển kỳ diệu” từ BRI, với lợi ích nghiêng về Bắc Kinh.
Theo một bài báo của Forbes được Washington Standard trích dẫn, bất chấp sự phô trương từ ông Tập và các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc xung quanh Diễn đàn Vành đai và Con đường vào tháng 10, BRI đã trở thành “một uyển ngữ cho việc chi tiêu lãng phí, hủy hoại môi trường và các khoản nợ không thể duy trì”. Thêm vào đó là nạn tham nhũng tràn lan, như một nghiên cứu năm 2017 của McKinsey tập trung vào quan hệ Trung Quốc với Châu Phi cho thấy “từ 60% đến 80% công ty Trung Quốc ở Châu Phi thừa nhận đã đưa hối lộ” để nhận được các điều khoản hợp đồng có lợi.
Bảo Nguyên tổng hợp