Phương Hiểu • Hùng Bân
Đầu năm mới 2024, dịch bệnh tiếp tục lan rộng ở Trung Quốc, các bệnh viện nhi quá tải. Người dân Bắc Kinh cho biết số người chết ngày càng tăng, các lò hỏa táng nhìn chung căng thẳng, người dân phải xếp hàng dài để được hỏa táng. Đồng thời, việc đốt giấy trên đường phố để tỏ lòng thành kính với người đã khuất là điều thường thấy, tuy nhiên, thông tin về dịch bệnh không được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, điều này đặc biệt khiến người dân lo lắng.
Người dân Bắc Kinh: Nhiều người đốt vàng mã trên đường phố chứng tỏ số người chết ngày càng tăng
Vào ngày 3/1, người dân Bắc Kinh được phóng viên The Epoch Times phỏng vấn cho biết, đốt vàng mã ở các ngã tư đường phố là một cách truyền thống của người dân Bắc Kinh để tỏ lòng tôn kính với người đã khuất. Việc người dân đốt vàng mã ngày càng gia tăng chứng tỏ số người chết ở Bắc Kinh tiếp tục gia tăng. Ngoài ra, truyền thông Trung Quốc không đưa tin đúng sự thật về dịch bệnh khiến người dân hoang mang, lo lắng.
Ông Lý, thường trú tại Bắc Kinh cho biết, dịch bệnh vẫn tiếp diễn và chưa thuyên giảm. Trẻ em ngày nào cũng xin nghỉ, một lớp có hơn 30 học sinh, có khi 12 cháu xin nghỉ.
“Gần đây nhiều người già đã qua đời và các triệu chứng của họ tương tự như virus Corona mới”, ông Lý nói rằng bệnh nhân bị nhiễm virus Corona mới, nhưng bệnh viện không được phép nói hay kết luận là do Covid-19. “Họ không cho bạn biết căn bệnh này là gì. Họ đã viết rất nhiều nhưng không đề cập đến Covid-19”.
“Bố của bạn tôi bị viêm phổi và qua đời sau hơn mười ngày nằm viện; mẹ của bạn tôi cũng đã qua đời vào năm ngoái”, ông nói.
Ông Lý cũng cho biết, các nhà hỏa táng và nhà tang lễ ở Bắc Kinh nhìn chung rất căng thẳng và họ phải dựa vào các mối quan hệ (để xếp hàng). Thông thường, tang lễ được tổ chức vào ban ngày nhưng hiện nay số người chết rất nhiều và tang lễ vẫn tiếp tục 24/24 giờ. Nhiều nhà tang lễ hiện đang được xây dựng và mở rộng.
Ông Lý tiết lộ một hiện tượng có thể chứng minh số lượng người chết ở Bắc Kinh rất lớn. Ông nói rằng, chỉ cần nhìn vào các ngã tư đường phố – nếu trong gia đình có người chết, họ sẽ đốt vàng mã trong ba ngày tại ngã tư. Đây là một phong tục dân gian ở Bắc Kinh. Khi có người chết, họ sẽ đốt giấy ở ngã tư, dùng phấn vẽ một vòng tròn trên mặt đất rồi vẽ lối ra, có đường đi cụ thể. Để biết có bao nhiêu người chết ở Bắc Kinh chỉ cần đếm các vòng tròn trắng đó trên đường phố.
Có ba lễ hội lớn ở Trung Quốc: Lễ hội Thanh Minh, ngày 15/7 và ngày 1/10. Lễ tế dân gian thường sử dụng tiền âm phủ – giấy vàng hoặc giấy trắng được cắt thành hình đồng tiền và đốt cho người đã khuất, tương truyền, loại tiền giấy này là tiền tiêu dùng của người ở âm phủ. Phong tục sử dụng tiền giấy đã có từ xa xưa và người ta đã đốt nó để làm quà cho người đã khuất trong nhiều năm.
Ông Giả, một người dân sống ở phía nam Công viên Khoa học ở quận Triều Dương, Bắc Kinh, đã nói với truyền thông Bắc Kinh rằng trong những năm gần đây, mỗi dịp Tảo mộ, hay Lễ Vu Lan một số người dân đốt giấy ở ngã tư vào ban đêm. “Nhưng hai năm nay tình trạng này càng gia tăng, ngày càng có nhiều người đốt vàng mã vào ban đêm, đốt nhiều đến mức đáng sợ”.
Ông Lý cho biết, vào dịp Lễ Thanh Minh, ngày 15/7 và 1/10 là Lễ hội ma, người dân sẽ đốt vàng mã để cúng. Vào ngày thường, người dân đốt vàng mã trên đường có nghĩa là có người trong gia đình họ đã chết, chuyện này bây giờ xảy ra rất nhiều.
Ông Lý kể, cuối tháng 10 năm ngoái, thỉnh thoảng vào khoảng 6 đến 9 giờ tối, ông luôn thấy người ta đốt giấy, nhìn đống tro giấy trên đường là biết có bao nhiêu người đã chết.
Ông nói rằng những tòa nhà ông ở chỉ được cấp cho những người có trình độ giáo sư. Nhiều người già đã chết trong những năm gần đây. Có người đã lâu không gặp, hỏi thăm mới biết người đó đã chết từ lâu. Nhưng vào thời điểm đó không ai biết về cái chết của họ, chỉ có lãnh đạo đơn vị ban đầu và những người vẫn còn liên lạc với người này sau khi ông nghỉ hưu mới biết về cái chết của họ và giữ kín danh tính.
Ông Lý cho biết hiện nay việc đốt vàng mã bị cấm ở tất cả các nghĩa trang ở Bắc Kinh và quan chức cũng không khuyến khích việc đốt vàng mã. Ảnh chụp màn hình video
Người dân Bắc Kinh: Truyền thông không đưa tin về dịch bệnh khiến người dân hoang mang.
Ông Vương, một công dân Bắc Kinh, nói với phóng viên The Epoch Times rằng tình hình dịch bệnh về cơ bản không thể thấy trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc. Những người xung quanh tôi bị sốt, cảm, viêm họng về cơ bản không dám đến bệnh viện khám vì bệnh viện chật kín người, sợ lây bệnh khác và lây nhiễm chéo. “Không phải hiện nay có khoảng sáu bảy loại virus sao? Các loại dịch bệnh cùng lúc, trong đó có virus Corona mới. Khi tôi đến bệnh viện kê đơn thuốc vào cuối năm năm ngoái, ở khoa hô hấp rất đông người, tôi cũng ít ra ngoài vì sợ lây bệnh”.
“Nếu bị nhiễm virus, uống thuốc cũng không khỏi, phải dựa vào sức đề kháng của chính mình. Trong bệnh viện có rất nhiều người có triệu chứng nặng, chẳng hạn như những người sốt cao không khỏi, nhiều người xuất hiện tình trạng phổi trắng. Tôi có một người bạn sốt cao không khỏi. Có khi sốt tới 40 độ, sốt dữ dội đến mức vào bệnh viện cũng chẳng làm được gì. Có người trực tiếp phải rửa phổi, nhưng tôi không biết liệu họ có thể xếp hàng được hay không”, ông nói.
Ông Vương nói: “Bạn không thể xem những thông tin này trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc. Không có thông tin nào được công khai. Tất cả thông tin công khai đều sai sự thật. Vì vậy, người dân hiện đang hoang mang và lo lắng. Họ không biết phải làm gì. Nếu có thể đừng tiệc tùng, hãy ở nhà nếu có thể. Nhưng khi cứ ở nhà cũng cảm thấy khó chịu, vì không tập thể dục sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nên mọi người rất hoang mang. Một số người thực hiện giải pháp chỉ đi đến 2 nơi: Nơi làm việc và về nhà, không đi đâu khác, ăn cơm thì gọi đồ, nhưng gọi mua đồ vào mùa đông cũng bất tiện, do đó càng lo lắng, không biết làm sao”.
Bệnh viện Nhi Bắc Kinh quá tải ngày đầu năm 2024
Cư dân mạng “Shangjin Dewen 1B7I” có IP thuộc Bắc Kinh đã đăng một video vào ngày 2/1/2024, nói rằng vào ngày đầu tiên của năm 2024, phòng khám nội khoa của Bệnh viện Nhi Bắc Kinh rất đông đúc, không khí tràn ngập lo lắng. Các bậc phụ huynh xếp hàng dài trước cửa phòng khám, trên khuôn mặt ai cũng tràn đầy sự căng thẳng, lo lắng cho con mình.
Đoạn video cho thấy, ngày hôm đó, người dân ra vào khoa nội của Bệnh viện Nhi Bắc Kinh chật kín, hầu hết đều đeo khẩu trang.
Theo The Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch