Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Vivek Ramaswamy đã ra tín hiệu rằng ông có ý định rút Mỹ khỏi NATO nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2024, Politico đưa tin hôm thứ Sáu (5/1).
Ông Ramaswamy đã đưa ra nhận xét này một cách riêng tư khi nói chuyện với những người ủng hộ.
Trước công chúng, doanh nhân người Mỹ gốc Ấn Độ đã mô tả khả năng Washington rút khỏi liên minh quân sự, là một “ý tưởng hợp lý”, dù cho nước này đang đóng vai trò dẫn đầu tại NATO.
Bà Tricia Mclaughlin, người phát ngôn chiến dịch tranh cử của ông Ramaswamy, không xác nhận cũng không phủ nhận những dự định trên. Tuy nhiên, bà nói với Politico rằng cấp trên của bà “quan ngại sâu sắc rằng hầu hết các đồng minh NATO không đáp ứng các cam kết đầu tư quân sự của họ”.
Theo bà Mclaughlin, ứng cử viên tổng thống “cũng tin rằng sự bành trướng của NATO thời hậu Chiến tranh Lạnh đã làm tăng nguy cơ xung đột lớn với Nga một cách không cần thiết”.
Ông Ramaswamy không nhận được sự ủng hộ cao ngay cả trong các thành viên trong đảng của ông, ông xếp sau các ứng cử viên tổng thống khác của Đảng Cộng hòa – đặc biệt là Thống đốc bang Florida Ron DeSantis và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump – người đang được xem là dẫn đầu. Tuy nhiên, Politico cho rằng ông Ramaswamy có khả năng tham gia chính quyền do ông Trump lãnh đạo, nếu cựu tổng thống trở lại Nhà Trắng.
Nhiều phương tiện truyền thông cho rằng ông Trump đã muốn rút đất nước của ông ra khỏi khối quân sự do Mỹ đứng đầu, trong nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2018, đồng thời ông kêu gọi các đồng minh của Washington tăng cường chi tiêu quốc phòng. Chiến dịch tranh cử của ông Trump hiện vẫn còn mơ hồ về vấn đề này, chiến dịch tuyên bố: “Chúng ta phải hoàn thành quá trình… đánh giá lại về mục đích và sứ mệnh của NATO”.
Trong bối cảnh châu Âu lo ngại rằng ông Trump có thể cố gắng từ bỏ các cam kết của Washington với NATO, Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 12 năm 2023 đã ký một dự luật trị giá 886 tỷ USD tài trợ cho Bộ Quốc phòng, trong đó yêu cầu cần có sự chấp thuận của Quốc hội nếu Tổng thống muốn đưa nước Mỹ rời khỏi NATO.
Các câu hỏi về số phận của NATO ngày càng gia tăng khi liên minh này rơi vào thế đối đầu với Nga trong cuộc xung đột Ukraine, và các thành viên cung cấp hỗ trợ quân sự lớn cho Kiev, chiến dịch liên tục bị Moscow lên án.
Nga trong nhiều thập kỷ coi việc NATO mở rộng biên giới về phía nước này là một mối đe dọa hiện hữu. Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng mong muốn gia nhập khối của Ukraine là một trong những nguyên nhân chính gây ra cuộc xung đột hiện nay.
Anh Nguyễn, theo RT