Kinh tế Trung Quốc năm 2023 ghi nhận tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong 30 năm (không tính năm dịch bệnh COVID-19): Người Trung Quốc tập trung cho tiết kiệm hơn là chi tiêu, khủng hoảng nghiêm trọng thị trường bất động sản, tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ đáng báo động… là những vấn đề khiến không dễ để phục hồi.
Năm 2023 khi cuộc khủng hoảng bất động sản và bất ổn kinh tế làm suy yếu khả năng phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc, nước này đã trải qua mức tăng trưởng kinh tế yếu nhất trong 3 thập kỷ (không tính năm dịch bệnh COVID-19).
AFP đưa tin từ Bắc Kinh ngày 17/1 cho biết, Trung Quốc đã bị trừng phạt bởi các biện pháp phong tỏa dịch bệnh COVID-19 kéo dài 3 năm, việc họ dỡ bỏ các biện pháp này vào cuối năm 2022 giúp nền kinh tế nước này phục hồi vào đầu năm ngoái.
Tuy nhiên quá trình phục hồi kinh tế không thể duy trì và gặp phải một loạt trở ngại, bao gồm vấn đề niềm tin của hộ gia đình và doanh nghiệp thấp đã ảnh hưởng đến tiêu dùng.
Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng bất động sản chưa từng có, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao và suy thoái kinh tế toàn cầu cũng đã làm suy yếu động lực truyền thống từng mang lại tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Mặc dù vậy, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) hôm thứ Tư (17/1) đã công bố rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc vào năm 2023 vẫn tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mục tiêu “khoảng 5%” mà Chính phủ Trung Quốc đặt ra năm ngoái.
AFP cho rằng “mặc dù con số này khiến hầu hết các nền kinh tế phải ghen tị”, nhưng (không tính thời kỳ dịch bệnh) đây là tốc độ chậm nhất của Trung Quốc kể từ năm 1990 (3,9%). Để nhìn vấn đề sát thực hơn, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giữa quý 3 và quý 4 năm ngoái chỉ là 1%.
Phục hồi đáng thất vọng
Nhà phân tích Shehzad Qazi tại công ty nghiên cứu China Beige Book cho biết: “Phục hồi kinh tế của Trung Quốc vào năm ngoái là đáng thất vọng nhất. Nhưng đó vẫn là phục hồi”. Ông cho rằng: “Hoạt động kinh tế của Trung Quốc năm 2024 cần được hỗ trợ mạnh mẽ hơn”.
Kang Yi, một quan chức của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, thừa nhận với giới truyền thông rằng “thúc đẩy phát triển kinh tế” năm ngoái là một “nhiệm vụ khó khăn”.
AFP cho biết, doanh số bán lẻ của Trung Quốc, một chỉ số quan trọng về tiêu dùng hộ gia đình, đã chậm lại trong tháng 12 (+7,4%) sau khi tăng mạnh trong tháng 11 (+10,1%).
Các nhà phân tích được Bloomberg thăm dò dự kiến mức suy giảm nhỏ hơn (+8%).
Sản xuất công nghiệp tăng nhẹ trong tháng 12 (tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước), tăng từ mức 6,6% của tháng trước.
Về tỷ lệ thất nghiệp, từ mức 5% trong tháng 11 cũng tăng nhẹ trong tháng 12 lên 5,1%. Theo tiêu chí mới (hiện không bao gồm sinh viên), tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi 16-24 là 14,9% – là mức cao kỷ lục mới kể từ kỷ lục vào tháng 5.
Mô tả không đầy đủ về tỷ lệ thất nghiệp
Tuy nhiên, tính toán của cơ quan chức năng Trung Quốc về tỷ lệ thất nghiệp của nước này là một bức tranh không đầy đủ về tình hình kinh tế, vì chỉ tính tỷ lệ thất nghiệp của lao động thành thị.
Hàng triệu lao động nhập cư từ các vùng nông thôn đã không được tính đến, họ là những người dễ bị tổn thương hơn trước suy thoái kinh tế và tình hình của họ đã trở nên tồi tệ hơn do cuộc khủng hoảng nhà ở.
Trong một thời gian dài, ngành bất động sản là nguồn tạo việc làm chính, chiếm hơn 1/4 GDP Trung Quốc.
Từ năm 2020, Chính phủ Trung Quốc đã thắt chặt điều kiện tín dụng đối với các nhà phát triển bất động sản nhằm giảm tỷ lệ nợ của họ, khiến ngành bất động sản lao đao.
Ngành bất động sản suy thoái
Niềm tin của người chi tiêu giảm mạnh do vấn đề bê bối tài chính của các tập đoàn biểu tượng (Evergrande, Country Garden…), nhiều công trình xây dựng dang dở, giá mỗi mét vuông giảm…
Cho đến nay, các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc đối với ngành bất động sản vẫn chưa có nhiều tác dụng.
Theo số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, giá bất động sản tại các thành phố lớn ở Trung Quốc tháng 12 năm ngoái lại tiếp tục giảm so với tháng trước đó.
Trong số 70 thành phố tạo nên chỉ số chuẩn chính thức có 62 thành phố bị ảnh hưởng, so với tháng 1/2023 có 33 thành phố bị ảnh hưởng cho thấy tình hình không ngừng trở nên tồi tệ hơn.
Các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cho biết trong một báo cáo: “Sự sụt giảm giá nhà đặc biệt rõ rệt ở các thành phố vừa và nhỏ”.
Người Trung Quốc từ lâu đã xem việc mua nhà là một khoản đầu tư an toàn cho tiết kiệm, giá nhà giảm là một đòn giáng mạnh vào ví tiền của họ.
Nhà kinh tế Michelle Lam tại Société Générale nói với AFP rằng “sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn dành cho các nhà phát triển có thể làm giảm bớt lo ngại về sức khỏe tài chính của họ”, qua đó thúc đẩy lĩnh vực quan trọng này sôi động trở lại.
AFP cho biết, với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu, dữ liệu GDP chính thức của Trung Quốc mang tính chính trị cao, do đó luôn được chú ý.
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, GDP của Trung Quốc vào năm 2024 sẽ giảm xuống mức 4,5%.
Nhà phân tích Teeuwe Mevissen của Rabobank lưu ý: “Trở ngại chính vẫn là thực trạng hỗn loạn của lĩnh vực bất động sản, dẫn đến mức tiêu dùng hộ gia đình thấp”.
Tháng 3 năm nay, Chính phủ Trung Quốc sẽ chính thức công bố các mục tiêu cụ thể.
Theo RFI