Sau hai lần thất bại, tàu thăm dò không gian không người lái của Nhật Bản có biệt danh là “Đột kích Mặt Trăng” (Moon Sniper) đã thành công hạ cánh xuống bề mặt Mặt Trăng trong lần tiếp xúc vào thứ Sáu và thứ Bảy. Cơ quan thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản cho biết ưu tiên hàng đầu là thu thập dữ liệu từ bề mặt Mặt Trăng.
Tàu “Đột kích Mặt Trăng” của Nhật Bản hạ cánh xuống một miệng núi lửa có đường kính chưa tới 300 mét, con tàu sẽ phân tích các tảng đá của lớp phủ Mặt Trăng mà loài người có hiểu biết hạn chế để tìm kiếm bằng chứng về nguồn gốc của Mặt Trăng.
Nhiệm vụ của tàu đổ bộ Mặt Trăng thông minh còn là thúc đẩy nghiên cứu về tài nguyên nước trên Mặt Trăng, việc giải quyết vấn đề tài nguyên nước là rất quan trọng để có thể thiết lập các căn cứ có người cư ngụ trên Mặt Trăng – kế hoạch đang được Mỹ và Trung Quốc thúc đẩy.
Nhật Bản do đó trở thành nước thứ 5 trên thế giới thành công đổ bộ lên Mặt Trăng sau Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc và Ấn Độ. AFP có bình luận rằng việc đổ bộ lên Mặt Trăng đã trở thành mục tiêu của một vòng cạnh tranh toàn cầu mới.
“Cuộc chạy đua’ toàn cầu
Mỹ đã thành công đổ bộ lên Mặt Trăng vào năm 1969 và 1972, sau gần nửa thế kỷ vắng bóng thì vào năm 2017 đã khởi động lại chương trình quay trở lại Mặt Trăng với chương trình Artemis, nhưng các chương trình Artemis 2 và Artemis 3 đã bị hoãn lần lượt đến tháng 9/2025 và tháng 9/2026.
Để giảm chi phí, NASA bắt đầu hợp tác với các công ty tư nhân, nhưng tàu đổ bộ Mặt Trăng Starship do Tập đoàn Công nghệ Khai phá Không gian SpaceX đặt hàng vẫn chưa sẵn sàng, tàu đổ bộ này sẽ được sử dụng cho chương trình Artemis 3, thử nghiệm mới dự kiến sẽ thực hiện vào tháng Hai.
Astrobotic – một công ty tư nhân khác của Mỹ được NASA ủy quyền gửi thiết bị khoa học lên Mặt Trăng – đã thông báo vào ngày 10/1 rằng, tàu đổ bộ Mặt Trăng của họ đã liên tục gặp sự cố nghiêm trọng kể từ khi cất cánh, đã mất cơ hội hạ cánh mềm trên Mặt Trăng.
Mặc dù tiền thân của Nga là Liên Xô là nước đầu tiên đưa thành công tàu vũ trụ có người lái vào vũ trụ, nhưng sau thất bại trong sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng của tàu vũ trụ không người lái vào năm 1976, năm ngoái tàu Luna-25 của Nga cũng không thể hạ cánh thành công.
Ngành vũ trụ Nga đang gặp khó khăn do tài chính, tham nhũng, chiến tranh xâm lược Ukraine, tuy nhiên ông Tổng thống Putin đã hứa sẽ ủng hộ mạnh mẽ chương trình thám hiểm Mặt Trăng và Nga sẽ tham gia vào kế hoạch thành lập căn cứ có người trên Mặt Trăng của Trung Quốc.
Trung Quốc đang trên đà phát triển trong lĩnh vực thám hiểm không gian. Theo kế hoạch, các phi hành gia Trung Quốc sẽ đáp xuống Mặt Trăng trước năm 2030 và xây dựng căn cứ không gian lâu dài trên bề mặt Mặt Trăng.
Dù Trung Quốc mới chỉ đưa con người vào vũ trụ lần đầu tiên vào năm 2003, đi sau Liên Xô và Mỹ khá lâu, nhưng với ngân sách khổng lồ chương trình không gian do quân đội kiểm soát của nước này đã đạt được tiến bộ vượt bậc trong thập kỷ qua: năm 2013, tàu thăm dò của Trung Quốc đã hoàn thành thành công cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng đầu tiên; năm 2019 trở thành nước đầu tiên đáp xuống vùng tối của Mặt trăng; năm 2022, Chang’e 5 (Thường Nga 5) đã đưa các mẫu Mặt Trăng về Trái đất – mẫu đầu tiên trên thế giới sau hơn 40 năm.
Vào năm 2022 Trung Quốc đã thành lập trạm vũ trụ quỹ đạo “Thiên Cung” và có kế hoạch trong năm nay mang về các mẫu mới từ Mặt Trăng.
Ấn Độ cũng đang trên đà nổi lên. Mặc dù đầu tư ngân sách của Ấn Độ không thể so sánh với các cường quốc vũ trụ khác, nhưng Chandrayaan-3 của nước này vào năm ngoái đã hạ cánh thành công xuống cực nam của Mặt Trăng, trở thành nước đầu tiên hạ cánh xuống cực nam của Mặt Trăng.
Ấn Độ cũng có kế hoạch hợp tác ngắn hạn với Nhật Bản để vào năm 2025 gửi một tàu thăm dò mới tới các cực Mặt Trăng. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hy vọng sẽ đưa người Ấn Độ lên Mặt Trăng vào năm 2040.
Mặc dù Cơ quan Vũ trụ châu Âu quan tâm đến Mặt Trăng nhưng chủ yếu thông qua hợp tác quốc tế với Mỹ và Nhật Bản, họ đã cắt đứt hợp tác với Nga sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Một nước khác cũng đang thúc đẩy hoạt động này là Hàn Quốc, cuối năm 2022 họ đã đưa tàu thăm dò Danuri do tên lửa SpaceX phóng lên quỹ đạo Mặt Trăng, đặt mục tiêu vào năm 2032 đưa tàu vũ trụ hạ cánh xuống Mặt Trăng.
Cho đến nay chưa có công ty tư nhân nào hạ cánh thành công lên Mặt Trăng. Những năm gần đây có những nỗ lực ban đầu từ Israel và Nhật Bản về vấn đề này cũng kết thúc trong thất bại. Hãy chờ thử sức trong năm nay của công ty khởi nghiệp Intuitive Machines (Mỹ) được NASA ủy quyền thực hiện các sứ mệnh hậu cần trên Mặt Trăng.
Mộc Vệ (theo RFI)