Bảo Nguyên
Vậy là cuối cùng, Trung Quốc đã đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra vào đầu năm. Tuy nhiên, các chuyên gia lại không nghĩ kinh tế Trung Quốc đang đi trên quỹ đạo tích cực.
Trong khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang) vào hôm thứ 3 (16/1) đã đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ về tình hình kinh tế của Trung Quốc tại Davos, Thuỵ Sĩ, một số nhà phân tích nhìn nhận tiêu cực về các con số GDP chính thức được công bố hôm thứ 4 (17/1), cho rằng sự phục hồi còn thiếu ổn định hơn nhiều so với dự đoán của nhiều nhà phân tích và nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, cùng với cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng tồi tệ, nỗi lo giảm phát gia tăng và nhu cầu yếu kém, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể chứng kiến mức tăng trưởng yếu hơn trong năm nay, với nguy cơ suy thoái cơ cấu sẽ kéo dài trong nhiều năm tới.
Các con số chính thức được công bố hôm thứ 4 bởi Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy GDP của Trung Quốc đã tăng trưởng 5,2% trong quý IV (tháng 10 đến tháng 12) năm 2023 so với một năm trước đó, cao hơn mục tiêu khoảng 5% của Bắc Kinh. NBS đồng thời công bố GDP của nước này đạt kỷ lục 126,06 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) (khoảng 17,71 nghìn tỷ USD) vào năm 2023, với mức tăng trưởng 5,2% tính theo năm.
Ông Julian Evans-Pritchard, người đứng đầu bộ phận Kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, cho biết trong một ghi chú gửi khách hàng được The Epoch Times tiếp cận: “[Dù vậy] Nền kinh tế Trung Quốc đã mất đà trong quý IV, theo số liệu GDP chính thức”. Một người mua nhà đi bộ qua khu vực xây dựng trong khu phức hợp nơi anh ấy mua một căn hộ ở Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc, vào ngày 2/6/2023. (Ảnh: HECTOR RETAMAL/AFP qua Getty Images)
“Nhưng chúng tôi nghi ngờ đó [việc kinh tế Trung Quốc mất đà] là vì họ [chính quyền Trung Quốc] đã không thừa nhận toàn bộ sự yếu kém trước đó trong năm. [Trong khi] GDP tăng so với mức 4,9% trong Quý IV, mức tăng này phản ánh cơ sở so sánh yếu hơn do sự gián đoạn của COVID trong Quý IV năm 2022. Trong các điều kiện theo quý được điều chỉnh theo mùa [và] thước đo thay thế nội bộ của chúng tôi cho GDP chính thức cho thấy rằng đã có sự sụt giảm hoàn toàn trong quý III”, ông nói thêm.
Theo ông Evans-Pritchard, mặc dù dữ liệu củng cố cho quan điểm có sự gia tăng nhỏ về động lực kinh tế gần đây, nhưng sự phục hồi là yếu và có rất ít khả năng Trung Quốc tránh được một cuộc suy thoái hơn nữa trong năm nay.
Ông Evans-Pritchard viết trong ghi chú: “Và mặc dù chúng tôi vẫn dự đoán một số tác động thúc đẩy ngắn hạn từ việc nới lỏng chính sách, nhưng điều này khó có thể ngăn cản sự suy giảm thêm nữa muộn hơn trong năm nay”. “Tuy nhiên, việc đạt được tốc độ tăng trưởng đó vào năm 2024 sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn nữa”.
Các nhà phân tích trước đó đã kỳ vọng tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ tăng tốc từ mức 4,9% trong quý III năm 2023 nhờ một loạt các biện pháp hỗ trợ chính sách. Tuy nhiên, họ lưu ý rằng cần phải có thêm biện pháp kích thích để đưa hoạt động kinh tế đi theo con đường bền vững hơn.
Họ cũng thất vọng vì Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, vốn đã cam kết tăng cường hỗ trợ chính sách cho nền kinh tế, đã không cắt giảm lãi suất vào thứ 2 (15/1). Ngân hàng trung ương Trung Quốc vẫn giữ lãi suất cho vay chính sách kỳ hạn một năm ở mức 2,5%, phá tan kỳ vọng về việc cắt giảm ít nhất 0,1%.
Rủi ro hay cơ hội?
Thủ tướng Trung Quốc đưa ra bức tranh màu hồng về nền kinh tế, lôi kéo các công ty đa quốc gia đầu tư vào một quốc gia đang bị nghi ngờ về tính ổn định.
Ông khẳng định “thị trường Trung Quốc không phải là rủi ro mà là cơ hội”. Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (phải) phát biểu trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Trung Quốc lần thứ 26 tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 43 ở Jakarta, Indonesia, vào ngày 6/9/2023. (Ảnh: Yasuyoshi Chiba/Pool/AFP qua Getty Images)
“Nền kinh tế Trung Quốc đang đạt được tiến bộ ổn định và sẽ tiếp tục tạo động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế thế giới. Vào năm 2023, nền kinh tế Trung Quốc phục hồi và đi lên, với mức tăng trưởng GDP ước tính khoảng 5,2%, cao hơn mục tiêu khoảng 5% đặt ra vào đầu năm”, ông Lý cho biết, nói thêm rằng “xu hướng chung về tăng trưởng dài hạn sẽ không thay đổi”.
Tuy nhiên, các nhà phân tích không đồng ý với quan điểm trên và cho rằng dữ liệu gần đây cho thấy nền kinh tế bắt đầu vào năm 2024 trên nền tảng bị lung lay, với áp lực giảm phát dai dẳng và xuất khẩu tăng nhẹ khó có thể tạo ra sự thay đổi nhanh chóng trong hoạt động kinh tế nội địa yếu kém.
Bà Alicia García Herrero, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng đầu tư Natixis của Pháp, cho biết trong một bình luận với Reuters: “Tôi không nghĩ đây [thông tin về GDP] sẽ được coi là một tin tuyệt vời”.
Theo bà Herrero, trong một năm như năm 2023 sau đại dịch COVID-19, chuẩn mực tăng trưởng phù hợp để so sánh phải là năm 2021, khi tốc độ tăng trưởng là 8,1% chứ không phải 5,2%. Do tình trạng suy thoái cơ cấu đang diễn ra, nền kinh tế Trung Quốc sẽ có tốc độ tăng trưởng chậm hơn đáng kể vào năm 2024 so với năm 2023.
Ông Evans-Pritchard cho biết thêm rằng sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc “rõ ràng vẫn còn lung lay”.
Theo chuyên gia này, mức giảm giá nhà mới hàng tháng mạnh nhất kể từ năm 2015 – 0,4% trong tháng 12, theo báo cáo của NBS – là điều đặc biệt đáng lo ngại vì nó có khả năng làm xói mòn thêm niềm tin vào thị trường nhà đất.
Dữ liệu hôm thứ 4 của NBS cho thấy giá nhà mới giảm mạnh nhất trong 9 năm, doanh số bán hàng giảm 8,5% theo năm tính theo diện tích sàn và sự sụp đổ trong hoạt động khởi công xây dựng.
Lĩnh vực bất động sản đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc, đóng góp tới 30% GDP. Tài sản bất động sản chiếm khoảng 70% tài sản của các hộ gia đình.
Những người khác nói rằng mặc dù Bắc Kinh đã thực hiện các biện pháp kích thích để thúc đẩy nền kinh tế, nhưng tác động vẫn chưa được cảm nhận rõ ràng vì chi tiêu cho cơ sở hạ tầng theo lối cũ đã bị lạm dụng quá mức trong hai thập kỷ qua. Dữ liệu của NBS cũng cho thấy môi trường tăng trưởng không đồng đều, không mang lại nhiều niềm tin vào sự trở lại lâu dài về mặt kinh tế.
Dữ liệu được công bố trước đây cũng tiết lộ rằng xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 4,6% vào năm 2023 do nhu cầu từ các đối tác thương mại quan trọng như Mỹ, Liên minh châu Âu và Đông Nam Á giảm. Nhập khẩu của nước này cũng giảm 5,5% do nhu cầu trong nước đối với các mặt hàng sơ cấp như dầu thô và thép giảm. Quang cảnh một cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, phía đông Trung Quốc vào ngày 8/3/2019. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)
Tăng trưởng thực tế ở mức 1,5%?
Rhodium Group, một nhóm nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Mỹ, cho biết thực tế của việc lĩnh vực bất động sản vẫn đang bị thu hẹp, chi tiêu của người tiêu dùng bị hạn chế, thặng dư thương mại suy giảm và tài chính của chính quyền địa phương bị tàn phá cho thấy mức tăng trưởng thực tế vào năm 2023 ở gần mức 1,5% hơn.
Sau khi các hạn chế liên quan đến COVID-19 được dỡ bỏ, sự suy yếu cơ bản của Trung Quốc trở nên rõ ràng vào năm 2023. Như để trả giá cho các mức tăng trưởng trước đó, mô hình phát triển sử dụng nhiều nợ mà Trung Quốc đã sử dụng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện đang hạn chế tăng trưởng cho cả hiện tại và tương lai.
Theo một báo cáo được công bố gần đây của Rhodium Group, với tình hình cực kỳ khó khăn trong lĩnh vực bất động sản trong hai năm vừa rồi, một sự tăng trưởng theo chu kỳ có thể xảy ra vào năm 2024.
Báo cáo cho biết thêm: “Nhìn về tương lai, Trung Quốc có thể chứng kiến sự phục hồi theo chu kỳ với mức tăng trưởng có lẽ là 3,0-3,5% vào năm 2024 khi bất động sản đã chạm đáy [và sẽ đi lên], mặc dù sự suy thoái về cơ cấu đương nhiên sẽ vẫn là câu chuyện chủ đạo trong nhiều năm tới”. Những ngôi biệt thự bỏ hoang ở ngoại ô Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc, vào ngày 31/3/2023. (Ảnh: Jade Gao/AFP qua Getty Images)
Trung Quốc không thể phục hồi về kinh tế?
Vào ngày 8/1, Tập đoàn Eurasia đã công bố báo cáo “Những rủi ro hàng đầu cho năm 2024”, xếp việc “Trung Quốc không phục hồi” nằm trong số 10 rủi ro toàn cầu hàng đầu trong năm. Báo cáo “Rủi ro hàng đầu” là dự báo hàng năm của Eurasia về những rủi ro chính trị có khả năng xảy ra nhất trong năm tới.
Báo cáo dự đoán rằng “bất kỳ tín hiệu hiệu phục hồi tích cực nào trong nền kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ làm dấy lên những hy vọng hão huyền về sự phục hồi vì những hạn chế về kinh tế và động lực chính trị ngăn cản sự phục hồi tăng trưởng bền vững”.
Nó lưu ý rằng “các dấu hiệu cảnh báo về những bất ổn ngày càng sâu sắc” đã được quan sát thấy vào năm 2023, bao gồm sự rút lui của các nhà đầu tư nước ngoài, việc Moody’s hạ triển vọng, giao dịch bất động sản trì trệ và thị trường chứng khoán suy thoái. Những lo ngại hiện tại về rủi ro địa chính trị leo thang, các chính sách mơ hồ và mâu thuẫn của Trung Quốc cũng như các biện pháp đàn áp về mặt pháp lý được duy trì dự kiến sẽ tiếp tục làm giảm sự quan tâm đến việc tái đầu tư vào Trung Quốc trong suốt năm 2024.
Báo cáo của Eurasia Group chỉ ra cơ cấu nhân khẩu học không thuận lợi của Trung Quốc, lợi thế chi phí lao động ngày càng giảm, gánh nặng nợ nần đáng kể, đặc biệt ở cấp chính quyền địa phương, sự phụ thuộc vào đầu tư nhà nước để tăng trưởng và những nỗ lực của phương Tây nhằm “giảm thiểu rủi ro” là những yếu tố bổ sung sẽ cản trở sự hồi phục kinh tế của Trung Quốc.
Báo cáo cũng dự đoán về sự mờ nhạt đi trong động lực của việc mở cửa trở lại nền kinh tế Trung Quốc sau đại dịch, sự yếu kém dai dẳng trong lĩnh vực bất động sản, sự chậm lại trong nhu cầu quốc tế đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc và sự tiếp tục xuất hiện của các hiện tượng như sự vỡ nợ của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc và việc đóng cửa các ngân hàng.
Báo cáo còn dự đoán rằng việc củng cố quyền lực của ông Tập Cận Bình và việc ưu tiên an ninh hơn tăng trưởng sẽ không chỉ ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà đầu tư mà còn cản trở khả năng phản ứng của Bắc Kinh trước các lỗ hổng kinh tế và tài chính. Cùng nhau, những yếu tố này dự kiến sẽ làm trầm trọng thêm sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc, “làm lộ ra những lỗ hổng về tính hợp pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và làm tăng nguy cơ bất ổn xã hội”.
Khoảng 2.000 người lao động đụng độ với cảnh sát khi họ tổ chức đình công bên ngoài nhà máy cao su KOK Machinery do Đài Loan đầu tư ở Côn Sơn, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, vào ngày 7/6/2010. (Ảnh: AFP/Getty Images)
Đánh giá của các viện nghiên cứu Nhật Bản
Trong khi đó, kể từ đầu năm mới, một số viện nghiên cứu của Nhật Bản đã công bố các báo cáo cho thấy tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc là khoảng 5% vào năm 2023 và sẽ giảm xuống vào năm 2024, có thể xuống mức 4%.
Viện nghiên cứu Nhật Bản, Viện nghiên cứu Daiichi Seimeikeizai, Viện nghiên cứu Itochu và các tổ chức nghiên cứu khác từ Nhật Bản đều đã đánh giá nền kinh tế Trung Quốc chủ yếu dựa trên dữ liệu do ĐCSTQ công bố. Họ đã xem xét nền kinh tế Trung Quốc năm 2023 và dự đoán hướng đi của nền kinh tế Trung Quốc vào năm 2024.
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế Trung Quốc, Viện nghiên cứu Nhật Bản cho biết nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và sẽ tiếp tục chậm lại, chủ yếu do nhu cầu trong nước thấp. Đồng thời, xuất khẩu và nhập khẩu đang giảm, đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục giảm đáng kể, doanh số bán bất động sản thương mại trì trệ và đầu tư cơ sở hạ tầng đã được tổ chức lại. Đồng CNY (nhân dân tệ) của Trung Quốc cũng đang suy yếu so với đồng USD và giá cổ phiếu đang có xu hướng giảm.
Một báo cáo của Viện nghiên cứu Daiichi Seimeikeizai cho thấy tình hình kinh tế Trung Quốc có thể còn tồi tệ hơn những gì được phản ánh qua các con số, với tốc độ tăng trưởng chậm lại là điều không thể tránh khỏi vào năm 2024. Biện pháp phản ứng kinh tế hiện tại của Trung Quốc là mở rộng đầu tư nhà nước. Trong khi chính quyền ĐCSTQ đang cố gắng tránh rủi ro tài chính, điều này không thể đạt được bằng cách né tránh các chính sách tài chính, tiền tệ và cải cách cơ cấu.
Viện nghiên cứu Itochu đã chỉ ra trong báo cáo của mình rằng vào năm 2023, quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc rất hỗn loạn do bong bóng bất động sản vỡ, niềm tin của người tiêu dùng sụt giảm và số lượng lựa chọn chính sách sẵn có còn hạn chế. Mặc dù ĐCSTQ cho biết họ muốn đạt được “tăng trưởng vững chắc” vào năm 2024, nhưng các chính sách của họ chỉ nhấn mạnh đến sự ổn định mà không thấy có sự thúc đẩy kinh tế cụ thể nào. Vì vậy, tốc độ tăng trưởng của năm 2024 dự kiến sẽ chậm lại ở mức 4%.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia kinh tế Nhật Bản cũng chỉ ra rằng, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2023 yếu và sẽ tiếp tục giảm trong năm 2024, và đến năm 2025 sẽ còn suy giảm hơn nữa.
Các nhà kinh tế Nhật Bản nhìn chung tin rằng nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự trì trệ và suy thoái kinh tế Trung Quốc là do chủ nghĩa độc tài của ĐCSTQ và sự lãnh đạo độc tài của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình.
Bảo Nguyên tổng hợp