Hôm thứ Năm (25/1), Cảnh sát Ý cho biết, họ đã phát hiện vụ gian lận thuế trị giá 1,7 tỷ euro (khoảng 1,9 tỷ USD) và bắt giữ 85 nghi phạm, trong đó có 64 người Trung Quốc. Họ bị cáo buộc tạo hóa đơn giả, rửa tiền thông qua hệ thống ngân hàng ngầm của Trung Quốc.
Theo Reuters, Lực lượng Bảo vệ Tài chính (GdF) ở Ancona, một thành phố cảng trên bờ biển Adriatic phía đông nước Ý, cho biết họ đã thu giữ tài sản trị giá 350 triệu euro, bao gồm tiền mặt, ô tô hạng sang và bất động sản.
Họ cũng phong tỏa 1.569 tài khoản ngân hàng, ra lệnh tịch thu 140 công ty được cho là đã phát hành hóa đơn giả, khám xét các tài sản liên quan ở Milan và khu vực Lombardy, Florence, Padova và Sicily xung quanh.
Lệnh tịch thu mà Reuters biết cho thấy, 64 trong số 85 nghi phạm là công dân Trung Quốc. Nguồn tin cho biết, các cuộc điều tra đang được tiến hành để xác định những khách hàng Ý đã sử dụng ngân hàng ngầm để rửa tiền.
Trong năm qua, nhiều cuộc điều tra ở Ý đã tập trung vào hệ thống ngân hàng ngầm song song này được quản lý bởi các nhà môi giới tiền Trung Quốc không có giấy phép.
Các cuộc điều tra kéo dài khắp các khu vực khác nhau của Ý, khiến nhà chức trách suy đoán rằng các ngân hàng ngầm do Trung Quốc điều hành đang cung cấp nhiều loại dịch vụ, như che giấu các khoản thanh toán xuyên biên giới cho các tập đoàn ma túy và hỗ trợ trốn thuế.
Khoảng 5 năm trước, những vấn đề như vậy lần đầu tiên được đưa ra ánh sáng công khai. Kể từ đó, chính quyền Ý đã tuyên bố sẽ tiến hành ít nhất 6 cuộc điều tra liên quan đến các tập đoàn ma túy và mạng lưới thanh toán của Trung Quốc.
Theo các tài liệu có thẩm quyền và tư pháp được Reuters xem xét, các cuộc điều tra liên quan đến các khoản thanh toán bị cáo buộc cho các nhà cung cấp ma túy ở Mỹ Latinh, Ma-rốc và Tây Ban Nha.
GdF cho biết, các công tố viên ở Ancona đã phát hiện ra rằng “các công ty ma” (tức công ty vỏ bọc) đã phát hành hóa đơn giả và yêu cầu khách hàng gửi tiền vào tài khoản ngân hàng Ý.
Sau khi tiền đến nơi, công ty giả mạo sẽ chuyển một số tiền tương đương vào tài khoản ngân hàng Trung Quốc, và xuất trình số tiền đó như một khoản thanh toán cho việc nhập khẩu sản phẩm giả.
Tuyên bố của cảnh sát cho biết, số tiền ban đầu sau khi trừ đi hoa hồng sẽ được chuyển phát nhanh hoàn lại bằng tiền mặt cho khách hàng thanh toán lần đầu.
GdF cho biết, hàng tỷ euro đã được rửa bởi các mạng lưới ngầm này.
Thâm nhập Ý, Châu Âu và Châu Mỹ
Tháng 4/2023, Reuters đưa tin, theo các cơ quan thực thi pháp luật và tư pháp Ý, các băng đảng ma túy hoạt động ở Ý ngày càng sử dụng hệ thống ngân hàng ngầm do Trung Quốc điều hành, để che giấu các khoản thanh toán xuyên biên giới. Hình thức trung gian tài chính này làm suy yếu toàn bộ hệ thống chống rửa tiền quốc tế.
Theo cuộc điều tra của Reuters năm 2020, chính quyền Hoa Kỳ cho biết, “những kẻ môi giới tiền” Trung Quốc là một trong những mối đe dọa mới đáng lo ngại nhất trong cuộc chiến chống ma túy của Hoa Kỳ.
Đầu năm ngoái, bà Anne Milgram, Giám đốc Cục phòng chống Ma túy Hoa Kỳ (DEA), đã nhấn mạnh vấn đề này tại một phiên điều trần của ủy ban Thượng viện. Bà nói rằng các tập đoàn ma túy Mexico đang sử dụng các tổ chức rửa tiền của Trung Quốc trên khắp thế giới, để thúc đẩy hoạt động rửa tiền.
Điều này cũng đã trở thành một vấn đề đối với các cơ quan thực thi pháp luật châu Âu. Cục Cảnh sát châu Âu Europol nói với Reuters rằng mạng lưới tội phạm Trung Quốc ngày càng tham gia vào hoạt động rửa tiền thu được từ tội phạm ở châu Âu, gồm cả hoạt động rửa tiền từ việc buôn bán ma túy.
Chuyển khoản chính thức giữa Ý và Trung Quốc đã giảm trong 10 năm qua khi các ngân hàng ngầm xuất hiện. Một nhà điều tra cấp cao nhận định điều này cho thấy, cộng đồng người Hoa ở Ý đang ít sử dụng ít hệ thống ngân hàng chính thức hơn.
Dữ liệu từ Ngân hàng Ý tiết lộ, lượng kiều hối của Ý sang Trung Quốc đạt tổng cộng 22 triệu euro (khoảng 2,38 triệu USD) vào năm 2021, giảm so với mức cao 2,67 tỷ euro (khoảng 2,89 tỷ USD) vào năm 2012.
Khi được hỏi về các ngân hàng ngầm do người Trung Quốc điều hành đang rửa tiền ở Ý, thậm chí giúp đỡ các tập đoàn buôn bán ma túy, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trả lời: “Tôi không biết về tình huống được đề cập”.
Năm ngoái, Cảnh sát tài chính Ý đã thành lập một đơn vị đặc biệt, chuyên giám sát hệ thống ngân hàng ngầm. Hơn nữa, lần đầu tiên, chính phủ mới của Ý đã yêu cầu ủy ban chống Mafia của nước này, gồm các chính trị gia, điều tra sự xâm nhập của Trung Quốc (ĐCSTQ) vào xã hội Ý.
Lý Ngôn / Epoch Times