El Nino sẽ kéo dài đến giữa năm 2024 và đạt đỉnh nên năm nay có thể là năm thứ 10 liên tiếp nhiệt độ trung bình toàn cầu lên cao nhất và thiên tai sẽ bất thường hơn.
Ngày 24/1, Tổng Cục Khí tượng Thuỷ văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023.
Năm 2023, Việt Nam thiệt hại hơn 8.200 tỷ đồng do thiên tai
Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2023, trên thế giới và khu vực xảy ra nhiều thiên tai lớn, gây thiệt hại rất nghiêm trọng về người và tài sản, như động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, vỡ đập tại Libya, Bắc Kinh; nắng nóng bất thường ở miền Nam nước Mỹ, Địa Trung Hải, Bắc Phi, Trung Đông và một số nước Châu Á.
Tại Việt Nam, tình hình thời tiết, khí hậu xảy ra cực đoan trên các vùng miền với 21/22 loại hình thiên tai, đặc biệt là mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt trên diện rộng, gây thiệt hại lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân.
Tổng thiệt hại về kinh tế do thiên tai ước tính khoảng 8.236 tỷ đồng. Thống kê từ đầu năm 2023 đến ngày 10/01/2024, trên cả nước xảy ra 5.331 sự cố thiên tai, làm chết 924 người, mất tích 205 người, bị thương 977 người; chìm, cháy, hỏng 555 phương tiện; cháy 1.740 nhà, xưởng, ki ốt chợ, 1.346 ha rừng và thảm thực vật.
Thiên tai cũng đã làm hư hỏng 15.977 nhà; 115,56km đê, kè, kênh mương, 711 công trình thủy lợi, cuốn trôi 179 cầu tạm; hư hại 151.279 ha lúa, hoa màu, 3.547 ha nuôi trồng thủy sản, 104 lồng bè; chết 75.357 con gia súc, gia cầm.
Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết năm 2023 là năm nóng nhất trong lịch sử quan trắc khi nhiệt độ toàn cầu.
Tại Việt Nam, đã có tới 21/22 loại hình thiên tai xuất hiện, trong đó đáng chú ý là xuất hiện nhiều trận mưa cực đoan thời đoạn ngắn với lượng mưa 24 giờ có nơi đạt trên 800mm; các hiện tượng lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng tại Sa Pa và Bát Xát, tỉnh Lào Cai, sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng; nắng nóng với nhiệt độ vượt kỷ lục được ghi nhận tại Tương Dương (Nghệ An) 44,2 độ C.
Năm 2024, thiên tai bất thường
Tổng cục Khí tượng Thủy văn dự báo hiện tượng El Nino (pha nóng) sẽ còn tiếp tục kéo dài đến giữa năm 2024 và đạt đỉnh nên năm 2024, thiên tai sẽ bất thường hơn.
Tổng cục cũng cảnh báo nguy cơ thiếu nước ở khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ và Trung Bộ trong nửa đầu năm. Hiện tượng nắng nóng tại Nam Bộ, Tây Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn.
Dự báo, cơ cấu bão ở Biển Đông sẽ chiếm 1/3 so với toàn bộ số cơn bão. Cùng với đó, mưa dông và mưa lớn xuất hiện thường xuyên hơn, gây lở đất vùng núi, ngập lụt đô thị. Không khí lạnh hoạt động không nhiều nhưng lại xuất hiện những đợt không khí lạnh có cường độ mạnh, gây rét đậm, rét hại trên diện rộng, băng giá, mưa tuyết ở khu vực vùng núi Bắc Bộ…
Trước đó, trong báo cáo ngày 12/1, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) của Liên Hiệp Quốc cho biết kỷ lục nhiệt độ được thiết lập mỗi tháng kể từ tháng 6 đến tháng 12/2023 và xu hướng nóng lên này sẽ tiếp tục trong năm 2024.
Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia của Mỹ (NOAA) cũng dự đoán năm 2024 sẽ nóng hơn năm 2023, chắc chắn tới 99% là năm 2024 sẽ nằm trong số 5 năm nóng nhất từ trước đến nay.
Hiệp định khí hậu Paris năm 2015 nhằm mục đích hạn chế sự ấm lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C so với mức tiền công nghiệp, với kịch bản tốt nhất là 1,5 độ C.
Tuy nhiên, WMO cho biết nhiệt độ trung bình toàn cầu hằng năm vào năm 2023 đã cao hơn 1,45 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900). Tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận Berkeley Earth thậm chí đưa ra con số 1,54 độ C.
Lãnh đạo WMO, bà Celeste Saulo cảnh báo hiện tượng El Nino xuất hiện vào giữa năm 2023 có thể khiến Trái đất còn nóng hơn nữa vào năm 2024. “Sự chuyển dịch từ La Nina sang El Nino vào giữa năm 2023 được phản ánh rõ ràng qua sự gia tăng nhiệt độ”, Hãng tin AFP dẫn lời bà Saulo.
“Do El Nino thường có tác động lớn nhất đến nhiệt độ toàn cầu sau khi đạt đỉnh nên năm 2024 có thể còn nóng hơn nữa”, lãnh đạo WMO nói.
Minh Long