Các quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, Washington đang chuẩn bị rót vốn vào ngành công nghiệp chip của Việt Nam để phát triển chuỗi cung ứng bán dẫn. Các quan chức Mỹ kêu gọi, trong bối cảnh Hoa Kỳ đang nỗ lực giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc, Việt Nam nên hành động sớm để thu hút đầu tư từ Hoa Kỳ vào các ngành công nghiệp chủ chốt.
Ông Jose Fernandez, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, cho biết Washington đã nhắm tới 7 quốc gia làm mục tiêu tài trợ cho Đạo luật Chips và Khoa học, trong đó có 500 triệu USD cho công tác huấn luyện nâng cao ngành bán dẫn, an ninh mạng và môi trường kinh doanh toàn cầu. Việt Nam là một trong danh sách các nước được Hoa Kỳ cho là có tiềm năng hưởng lợi từ nguồn hỗ trợ của Đạo luật Chips & Khoa Học này.
“Chúng tôi đã lập danh sách các quốc gia có cơ hội được hưởng lợi từ sự hỗ trợ của chúng tôi và Việt Nam là một trong những quốc gia ưu tiên của chúng tôi”, ông Fernandez nói trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia.
Ông Fernandez khuyến nghị Việt Nam nên sớm hành động để thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp quan trọng như năng lượng sạch và khoáng sản có thể sử dụng trong xe điện và pin.
Ông Fernandez đã đến thăm Việt Nam vào cuối tuần trước. Các quan chức Việt Nam đã yêu cầu, mong muốn Hoa Kỳ xem xét việc coi Việt Nam là một nền kinh tế thị trường, từ đó có thể được giảm thuế quan.
Ông Fernandez cũng cho biết ông đã thảo luận vấn đề năng lượng tái tạo với các quan chức Việt Nam. Ông cho biết các vấn đề liên quan đến thủ tục cấp phép có thể cản trở khoản đầu tư lên tới 8 tỷ USD của Hoa Kỳ, bao gồm cả từ các công ty chip cam kết chỉ sử dụng năng lượng sạch.
Việt Nam là nước xuất khẩu lớn về điện tử, quần áo và thực phẩm, đồng thời là nút thắt quan trọng trong nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.
Theo thống kê của Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), tài nguyên đất hiếm của Việt Nam đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc và chưa rõ có thể khai thác được bao nhiêu.
Trong nhiều thập kỷ, thị trường đất hiếm bị Trung Quốc thống trị, quốc gia mà Washington coi là điểm yếu chiến lược. Hoa Kỳ đang khởi động lại các mỏ đất hiếm của riêng mình và đã đạt được thỏa thuận với 13 quốc gia để phối hợp hỗ trợ tài chính và ngoại giao cho khoáng sản. Hoa Kỳ cũng đề nghị hỗ trợ Việt Nam thăm dò các mỏ khoáng sản.
Ông Fernandez cho biết: “Nhu cầu toàn cầu về các khoáng sản quan trọng đang rất lớn và Mỹ sẵn sàng hợp tác với các đối tác để tạo ra một ngành khai thác mỏ” mang lại lợi ích cho cộng đồng, không gây tổn hại đến môi trường và mang lại nhiều công nghệ và đầu tư hơn”.
Khi được hỏi về việc Mỹ rút đầu tư khỏi Trung Quốc, ông Fernandez nói: “Đây là cơ hội. Việt Nam có tiềm năng trở thành một trung tâm sản xuất lớn hơn”.
Ông Fernandez cũng nói thêm rằng lực lượng lao động trẻ của Việt Nam là một tài sản, nhưng điều quan trọng là phải “tận dụng nó vì nó có thể không kéo dài mãi”.
Theo The Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch