Theo CNN, Giám đốc Christopher Wray của FBI Mỹ hôm thứ Tư (31/1) đã có cảnh báo ‘kinh hoàng’ về mối đe dọa cho cơ sở hạ tầng của Mỹ liên quan tấn công mạng từ Trung Quốc. Vấn đề cho thấy khả năng mong manh để có thể cải thiện mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh, vốn đã trở thành vấn đề trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024.
Một số chuyên gia chỉ ra phát biểu đáng chú ý của ông Wray về điểm yếu của các hệ thống sinh hoạt hàng ngày của Mỹ phản ánh một vấn đề nghiêm trọng đang gia tăng – tính liên kết của các mạng lưới giao thông, năng lượng và năng lượng mới, điều này có thể hàm nghĩa là trong tương lai nếu có một cuộc tấn công mạng vào một nút duy nhất có thể khiến toàn bộ đất nước Mỹ bị tê liệt.
Giám đốc Rick Geddes của Chương trình Chính sách Cơ sở hạ tầng – Đại học Cornell cho biết, ông lo ngại về “sự rõ ràng và cường độ trong các tuyên bố của ông Wray về mối đe dọa này cũng như thực tế là Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã dành nhiều nguồn lực hơn cho việc này so với Mỹ”. Ông cho biết thậm chí những lời lẽ gay gắt của ông Wray có thể vẫn đánh giá thấp hơn mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
Kịch bản mà Giám đốc FBI đưa ra trong lời khai trước Quốc hội là một minh họa công khai nổi bật về cách các cơ quan tình báo rộng lớn của ĐCSTQ có thể nhắm mục tiêu vào cuộc sống của người Mỹ thông qua hoạt động hack lớn hơn tất cả các nước khác cộng lại. Điều đó làm tăng khả năng rằng bất kỳ cuộc xung đột nào về vấn đề lãnh thổ như đối với Đài Loan hoặc Biển Đông mà có sự tham gia của Mỹ đều có thể thành ‘xung đột bên lề’ [trong trường hợp cùng thời điểm ĐCSTQ cũng tấn công vào cơ sở hạ tầng của Mỹ]. Vấn đề cũng thể hiện tham vọng và sự hung hăng của Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình, người coi những nỗ lực của Mỹ nhằm khiến Trung Quốc phải phục tùng hệ thống dựa trên luật lệ hiện hành của Mỹ là vi phạm các quyền hợp pháp của nước này.
Ông Wray nói: “Hành vi nguy hiểm và các cuộc tấn công trên nhiều mặt của Trung Quốc vào an ninh quốc gia và kinh tế của chúng ta, khiến ĐCSTQ trở thành mối đe dọa rõ ràng cho thế hệ chúng ta. Công chúng ít chú ý đến thực tế là tin tặc Trung Quốc đang nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng quan trọng, nhà máy xử lý nước, lưới điện, đường ống dẫn dầu khí và hệ thống giao thông của chúng ta”.
Bóng ma về một cuộc tấn công mạng quy mô lớn như vậy của Trung Quốc cũng làm nổi bật những căng thẳng cực độ mà quan hệ Mỹ – Trung vốn đang suy thoái nhanh chóng phải đối mặt bất chấp những nỗ lực kiềm chế. Tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 11 ở California, ông Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden đã đồng ý cố gắng tránh xung đột trong năm bầu cử Mỹ. Theo thông tin độc quyền của CNN trong tuần này, ông Tập đã hứa với Tổng thống Biden tại cuộc gặp đó rằng Trung Quốc sẽ không can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Các liên hệ ngoại giao cấp cao vẫn tiếp tục, như tuần trước cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Bangkok.
Tại phiên điều trần trước Ủy ban Hạ viện Mỹ chuyên về Trung Quốc, Wray cũng gây nghi ngờ về cam kết của Tập Cận Bình rằng Trung Quốc sẽ không can thiệp vào cuộc bầu cử.
Có thể nói, phản ứng của ông Wray và vấn đề tấn công mạng tiềm ẩn từ Trung Quốc có thể trở thành vấn đề trong chính cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay. Các ứng viên Đảng Cộng hòa, đặc biệt là cựu Tổng thống Trump, chỉ trích cách ông Biden xử lý mối quan hệ đối ngoại Mỹ – Trung quan trọng nhất của Mỹ, đồng thời hứa sẽ có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.
Cảnh báo gây sốc của ông Wray
Sự xuất hiện của ông Wray tại Capitol Hill đánh dấu thời điểm quan trọng nhất đối với Ủy ban Hạ viện Mỹ chuyên về Trung Quốc, sự thành lập của ủy ban này là một trong những di sản chính trong nhiệm kỳ Chủ tịch Hạ viện ngắn ngủi của Kevin McCarthy Đảng Cộng hòa. Thách thức từ một Trung Quốc ngày càng hùng mạnh đang định hình lại địa chính trị toàn cầu, đây là một trong số ít lĩnh vực chính sách ở Capitol Hill mà lưỡng đảng Mỹ có chung tầm nhìn và hành động.
Chủ tịch ủy ban là Dân biểu Mike Gallagher cảnh báo rằng, các cơ quan tình báo Mỹ đã phát hiện tin tặc Trung Quốc đột nhập vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ với mục đích duy nhất là phá hủy hoặc vô hiệu hóa nó trong trường hợp xảy ra xung đột ở Đài Loan. Ông nói: “Đây là không gian mạng tương đương với việc đặt bom lên các cây cầu, cơ sở xử lý nước và nhà máy điện của Mỹ. Không có lợi ích tài chính nào trong các hoạt động này. Không có lý do thu thập thông tin tình báo thuần túy. Mục đích duy nhất là sẵn sàng phá hủy cơ sở hạ tầng của Mỹ, điều này chắc chắn sẽ dẫn đến hỗn loạn, nhầm lẫn và tiềm ẩn thương vong hàng loạt”.
Thành viên Đảng Dân chủ hàng đầu của ủy ban là Dân biểu Raja Krishnamoorthi bang Illinois đã kêu gọi Chính phủ hành động để ngăn chặn “khả năng hỗn loạn” trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công mạng như vậy. Ông lưu ý sự cần thiết phải truy tìm và tiêu diệt phần mềm và mã độc hại mà Trung Quốc cài vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ, thực hiện các bước để làm rõ Mỹ sẽ ngăn chặn hành vi đó như thế nào.
Ông Wray cảnh báo trong trường hợp xảy ra xung đột, các cuộc tấn công hèn hạ mục đích nhằm vào dân thường cũng là một phần trong kế hoạch của ĐCSTQ.
Trước phiên điều trần, ông tuyên bố rằng FBI và các đối tác đã ngừng hoạt động của Volt Typhoon – một nhóm hack Trung Quốc do nhà nước bảo trợ liên quan đến phần mềm độc hại, chúng cho phép ĐCSTQ xâm nhập vào các lĩnh vực truyền thông, vận chuyển năng lượng và nước của người Mỹ. Ông đồng thời kêu gọi Quốc hội hành động giúp ngăn chặn các cuộc xâm nhập trong tương lai vào các hệ thống của Mỹ.
Tướng Paul Nakasone, chỉ huy Bộ Tư lệnh Không gian mạng Mỹ, phát biểu trước ủy ban Hạ viện rằng “đang nỗ lực trên mọi phương diện để chống lại mối đe dọa do Trung Quốc gây ra trên không gian mạng, nhằm đảm bảo duy trì lợi thế chiến lược của Mỹ, khiến đối thủ phải trả giá”.
Các hệ thống tích hợp nhau làm tăng rủi ro thảm khốc như thế nào
Tướng Gallagher cảnh báo khi bắt đầu phiên điều trần rằng, nếu Mỹ không tiếp tục cảnh giác và có hành động phòng thủ, Trung Quốc sẽ có khả năng “tắt đèn các thành phố và gây ra tổn thất lớn về nhân mạng cho người Mỹ”.
Sự kết nối của nhiều cơ sở hạ tầng hiện đại làm trầm trọng thêm vấn đề này.
Giám đốc Geddes của Chương trình Chính sách Cơ sở hạ tầng – Đại học Cornell cho biết, nước Mỹ đang diễn ra “cuộc cách mạng cơ sở hạ tầng thầm lặng”, được thúc đẩy bởi các công ty khởi nghiệp nhỏ có hệ thống đang được áp dụng trên khắp các hệ thống trên toàn nước Mỹ.
Ông nói: “Vấn đề về chính sách là thiếu hiểu biết về cách tích hợp các lĩnh vực cơ sở hạ tầng khác nhau, trước đó chúng vốn độc lập với nhau, giờ đây chúng đã trở nên phụ thuộc lẫn nhau hơn”.
Ông cho biết, kết quả là các hệ thống cơ sở khác nhau có thể dễ dàng bị tấn công bởi một cuộc tấn công duy nhất. Ví dụ, việc tăng cường sử dụng xe điện có thể đồng nghĩa với việc việc xâm nhập thành công vào lưới điện làm tê liệt phần lớn hệ thống giao thông, gây ra những hậu quả thảm khốc đối với cuộc sống hàng ngày và nền kinh tế.
Tín hiệu giao thông là một ví dụ khác. Trước đây, chúng thường được vận hành thông qua bộ đếm thời gian, nghĩa là chúng không bị ràng buộc với nhau. Tuy nhiên, trong các hệ thống hiện đại, tín hiệu được kết nối thông qua máy tính. Geddes nói: “Nếu có một cuộc tấn công mạng vào loại công nghệ này, nó có thể ảnh hưởng đến tất cả các tín hiệu cùng một lúc”.
Mức độ tích hợp này thực sự làm cho các hệ thống dễ bị tổn thương hơn như ông Geddes cảnh báo: “Một trong những hậu quả không lường trước của sự phát triển công nghệ này là vấn đề chúng tích hợp nhau chặt chẽ hơn, nhưng theo cách đó có nghĩa là kém linh hoạt hơn và tác động của một cuộc tấn công mạng thành công sẽ lớn hơn. Thực tế đó tiềm ẩn hiểm họa khôn lường hơn trong các hoạt động tấn công mạng từ Trung Quốc vốn đã được triển khai trên toàn thế giới”.
Lộ Khắc, Vision Times