Bảo Nguyên
Tỷ trọng của Trung Quốc trong GDP toàn cầu đang giảm dần, và điều này có thể báo hiệu một bước ngoặt trong tăng trưởng kinh tế của đất nước này.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã công bố mức tăng trưởng GDP (Tổng sản phẩm quốc nội) là 5,2% vào năm 2023, và điều này giúp Trung Quốc hoàn thành mục tiêu 5% đã được đặt ra vào đầu năm. Tuy nhiên, độ tin cậy của con số tăng trưởng GDP được báo cáo đã bị nhiều người nghi ngờ, và dữ liệu được coi là thiếu ý nghĩa thực chất.
Điều này là do khi tính bằng USD, GDP danh nghĩa của Trung Quốc đã giảm 0,5% trong năm qua, đánh dấu mức tăng trưởng âm đầu tiên kể từ khi đồng CNY (nhân dân tệ) mất giá đáng kể vào năm 1994. Đồng thời, năm 2023 cũng là năm thứ hai liên tiếp tỷ trọng GDP của Trung Quốc so với toàn thế giới sụt giảm.
Năm 2021, GDP của Trung Quốc chiếm 18,3% GDP toàn cầu, đạt mức cao lịch sử. Tuy nhiên, vào năm 2022, tỷ trọng bắt đầu giảm và đến năm 2023, con số này tiếp tục giảm xuống còn 16,9%.
Khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới ( WTO) vào năm 2001, tỷ trọng kinh tế của nước này chỉ là 4,0%, và con số này đã tăng 4,6 lần vào năm 2021. Giờ đây, tỷ trọng của Trung Quốc trong GDP toàn cầu đang giảm dần, và điều này có thể báo hiệu một bước ngoặt trong tăng trưởng kinh tế của đất nước này.
Sau khi Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố các chính sách tài chính của ĐCSTQ và dữ liệu kinh tế liên quan vào ngày 17/1, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã trải qua một đợt sụt giảm mạnh. Một tấm biến gần một công trường xây dựng ở trung tâm Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: China Photos/Getty Images)
Dữ liệu GDP do Bắc Kinh công bố không có nhiều ý nghĩa
Bất chấp những khẳng định của Trung Quốc rằng nền kinh tế nước này đã được cải thiện vào năm 2023, vẫn có các hoài nghi xung quanh ý nghĩa của dữ liệu được báo cáo của ĐCSTQ.
Nhà kinh tế học người Mỹ David Huang đã trao đổi với The Epoch Times, nhấn mạnh rằng số liệu GDP chỉ đơn thuần là một kỹ thuật thống kê và có thể không phản ánh chính xác sự tăng trưởng thực sự của nền kinh tế Trung Quốc. Ông lập luận rằng việc xem xét kỹ lưỡng dữ liệu thương mại mang lại một góc nhìn rõ ràng hơn, đồng thời lưu ý: “Vào năm 2023, cả nhập khẩu và xuất khẩu ở Trung Quốc đều giảm, phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô. Lợi nhuận chung của toàn xã hội đang giảm nhanh chóng, một điều rõ ràng hơn”.
Ông Huang cho biết ông tin rằng quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc trong 40 năm qua đã đạt đến một bước ngoặt.
Một nhà kinh tế học người Mỹ khác, ông Yu Weixiong, trao đổi với The Epoch Times rằng ĐCSTQ có lịch sử ngụy tạo dữ liệu kinh tế của mình, điều đã vấp phải sự chỉ trích rộng rãi. Ông tuyên bố rằng số liệu GDP được công bố chính thức với mức tăng trưởng 5,2% là đáng nghi ngờ.
Nhà kinh tế học Lý Hằng Thanh (Li Hengqing), hiện đang ở Mỹ, đã nói với The Epoch Times rằng số liệu GDP do ĐCSTQ công bố là vô nghĩa vì chúng được tạo ra một cách giả tạo và không có ý nghĩa gì đối với người dân Trung Quốc bình thường. Ông nhấn mạnh rằng sự phát triển kinh tế thực sự sẽ dẫn đến việc cải thiện mức sống của người dân.
Ông cũng nói rằng: “Cảm xúc của người dân đại đa phần là: Tôi không thể tìm được việc làm, thu nhập của tôi giảm so với trước và một mùa đông khắc nghiệt về kinh tế đã đến”. Ông lập luận rằng ĐCSTQ đã bịa đặt dữ liệu của mình để thể hiện sự tăng trưởng GDP.
Bất chấp việc Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường bày tỏ sự tin tưởng vào sự phát triển kinh tế trong tương lai của Trung Quốc tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos vào ngày 16/1 và khuyến khích vốn toàn cầu đầu tư vào Trung Quốc, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình cùng ngày đã khẳng định trong một hội thảo tài chính rằng Trung Quốc phải kiên định theo đuổi đường lối phát triển tài chính “về cơ bản khác với các mô hình tài chính phương Tây” và yêu cầu việc giám sát tài chính phải “cứng rắn”. Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (trái) và ông Klaus Schwab, người sáng lập và chủ tịch điều hành của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, trong phiên họp toàn thể tại Phòng Hội nghị tại cuộc họp thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, vào ngày 16/1/2024. (Ảnh: LAURENT GILLIERON/POOL/AFP qua Getty Images)
Tình hình kinh tế và chính trị hiện tại ở Trung Quốc khiến các nhà đầu tư nghi ngờ về triển vọng tương lai tươi sáng. Đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc đã giảm đáng kể, gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng thị trường quốc tế đã mất niềm tin vào ĐCSTQ.
Bộ Thương mại Trung Quốc báo cáo vào ngày 19/1 rằng đầu tư toàn cầu vào Trung Quốc trong năm 2023 đạt tổng cộng khoảng 159 tỷ USD, đánh dấu mức giảm 8% so với năm 2022 và là mức tăng trưởng âm đầu tiên kể từ năm 2012.
Không có tương lai
Ông Lý Hằng Thanh nhận xét: “Xu hướng kinh tế trong tương lai của Trung Quốc có thể dự đoán được. Đó là – nó sẽ trở nên tồi tệ hơn mỗi năm”. “Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau sẽ giảm so với năm nay”.
“Vậy cơ sở của việc này là gì?”
Ông nói: “Trước hết là sự rút vốn của một lượng lớn vốn nước ngoài, cuộc di cư ồ ạt và “phi Trung Quốc hóa” chuỗi cung ứng”.
“Thứ hai, người dân không có hy vọng vào tương lai. Họ không dám tiêu dùng và không đủ khả năng tiêu dùng. Từng chiếm hơn 30% GDP của Trung Quốc là ngành bất động sản, số lượng lớn các công ty [bất động sản] chìm trong hỗn loạn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Hiệu suất cận biên của hoạt động mua sắm của chính phủ đang giảm dần và do ĐCSTQ hạn chế đổi mới, hoạt động mua sắm của chính phủ sẽ ngày càng yếu đi. Đây là xu hướng chính”, ông nói.
“Tất nhiên, trừ khi Trung Quốc trải qua một sự thay đổi căn bản, chẳng hạn, Trung Quốc trở thành một quốc gia tự do và dân chủ, với môi trường kinh doanh dựa trên pháp quyền chứ không phải sự cai trị tùy tiện của con người, khi đó các doanh nghiệp sẽ phục hồi. Chỉ khi đó niềm tin mới được phục hồi, nền kinh tế sẽ hồi phục và thịnh vượng, GDP của Trung Quốc sẽ ổn định”. Những ngôi biệt thự bỏ hoang ở ngoại ô Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc, vào ngày 31/3/2023. (Ảnh: Jade Gao/AFP qua Getty Images)
Nguy cơ Trung Quốc không thể phục hồi kinh tế
Bất chấp bức tranh màu hồng mà ĐCSTQ cố gắng tô vẽ cho kinh tế Trung Quốc, các chuyên gia không có cái nhìn tích cực như vậy.
Rhodium Group, một nhóm nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Mỹ, cho biết thực tế của việc lĩnh vực bất động sản vẫn đang bị thu hẹp, chi tiêu của người tiêu dùng bị hạn chế, thặng dư thương mại suy giảm và tài chính của chính quyền địa phương bị tàn phá cho thấy mức tăng trưởng thực tế vào năm 2023 ở gần mức 1,5% hơn.
Trong khi đó, vào ngày 8/1, Nhóm Eurasia đã công bố báo cáo “Những rủi ro hàng đầu cho năm 2024”, xếp việc “Trung Quốc không phục hồi” nằm trong số 10 rủi ro toàn cầu hàng đầu trong năm. Báo cáo “Rủi ro hàng đầu” là dự báo hàng năm của Eurasia về những rủi ro chính trị có khả năng xảy ra nhất trong năm tới. (Bắc Kinh vẫn đang loay hoay giúp nền kinh tế Trung Quốc phục hồi sau đại dịch).
Báo cáo dự đoán rằng “bất kỳ tín hiệu hiệu phục hồi tích cực nào trong nền kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ làm dấy lên những hy vọng hão huyền về sự phục hồi vì những hạn chế về kinh tế và động lực chính trị ngăn cản sự phục hồi tăng trưởng bền vững”.
Lĩnh vực sản xuất thu hẹp trong tháng thứ 4 liên tiếp
Dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm thứ Tư (31/1) cho thấy hoạt động nhà máy tại Trung Quốc suy giảm tháng thứ 4 liên tiếp trong tháng 1, cho thấy nhu cầu yếu sẽ tiếp tục cản trở nền kinh tế Trung Quốc.
Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất chính thức của Trung Quốc đã tăng nhẹ lên 49,2 trong tháng 1 từ mức 49 trong tháng 12/2023. Tuy nhiên, nó vẫn ở dưới ngưỡng 50 phân biệt giữa mở rộng và thu hẹp. Con số này thấp hơn một chút so với dự đoán của các nhà kinh tế Bloomberg. Một công nhân đang lắp ráp động cơ tại một nhà máy sản xuất động cơ ở Thanh Châu, tỉnh Sơn Đông, phía đông Trung Quốc, vào ngày 31/8/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)
Về dữ liệu PMI chính thức, chiến lược gia thị trường mới nổi Galvin Chia của Natwest Markets cho biết: “Không có tín hiệu về một bước ngoặt”.
Ông nói thêm: “Những điều ngạc nhiên này quá nhỏ để thay đổi thái độ bi quan đã ăn sâu của mọi người về triển vọng”.
Thời điểm cận Tết Nguyên đán thường là một quãng thời gian trầm lắng đối với các nhà sản xuất Trung Quốc, khi kỳ nghỉ lễ kéo dài một tuần đang đến gần và sẽ khiến hoạt động của nhà máy bị đình trệ.
Tuy nhiên, ông Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Jones Lang LaSalle, tin rằng ngay cả như vậy, kết quả tồi tệ của chỉ số sản xuất tổng thể cho thấy một nền kinh tế yếu kém và triển vọng vẫn không lạc quan.
Ông Bruce Pang cho biết: “Chỉ riêng các yếu tố mùa vụ không thể giải thích một cách đầy đủ cho chỉ số PMI sản xuất bị trì trệ”. Ông nói thêm: “[Trung Quốc] Vẫn cần hỗ trợ chính sách để kích thích nhu cầu xã hội một cách hiệu quả và duy trì sự phục hồi kinh tế liên tục”.
Cơ sở so sánh đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay sẽ cao hơn năm ngoái và nền kinh tế sẽ không còn được hưởng lợi từ sự phục hồi nhu cầu sau đại dịch. Đồng thời, những trở ngại lớn đối với tăng trưởng kinh tế vẫn còn, với sự suy thoái của thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu kết thúc và giá cả tiếp tục giảm.
Các tin xấu liên tiếp xuất hiện, tâm lý thị trường tổn hại nặng nề
Dữ liệu do NBS công bố hôm thứ 6 (12/1) cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc vào tháng 12 đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù mức giảm đã thu hẹp 0,2 điểm phần trăm so với tháng trước (với mức giảm 0,5%), nhưng đây là tháng thứ 3 liên tiếp CPI của Trung Quốc nằm trong vùng giảm phát, chuỗi giảm phát dài nhất kể từ 2009. Khách hàng mua sắm tại một siêu thị ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, vào ngày 13/10/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)
Chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 2,7% và đã giảm hơn một năm qua do giá hàng hóa sơ cấp giảm và nhu cầu trong nước và quốc tế yếu.
Trong khi đó, xuất khẩu của Trung Quốc trong năm 2023 giảm 4,6% so với năm trước đó, mức giảm đầu tiên kể từ năm 2016. Xuất khẩu là trụ cột chính của nền kinh tế Trung Quốc. Sự suy giảm trong đà tăng trưởng xuất khẩu là một đòn giáng mạnh nữa vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo dữ liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố, xuất khẩu trong tháng 12 tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước, điều này một phần là do số liệu xuất khẩu trong tháng 12/2022 thấp. Vào thời điểm đó, đại dịch đang hoành hành trên khắp Trung Quốc và chính quyền Trung Quốc đã áp dụng chính sách nghiêm ngặt zero-Covid, khiến xuất khẩu giảm gần 10%.
Ông Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại Australia & New Zealand Banking Group Ltd. (ANZ), nói với Bloomberg: “Trung Quốc cần có hành động táo bạo để phá vỡ chu kỳ giảm phát, nếu không sẽ rơi vào một vòng luẩn quẩn”.
Các số liệu xấu cứ liên tiếp xuất hiện, và tâm lý của nhà đầu tư và công chúng ở Trung Quốc cũng liên tiếp phải chịu những tác động tiêu cực mạnh mẽ. Ngay trong những ngày đầu năm mới, gã khổng lồ ngân hàng ngầm Zhongzhi đã nộp đơn thanh lý phá sản và được chấp thuận. Chứng khoán Trung Quốc vẫn tiếp tục đà lao dốc, và đà sụt giảm vẫn chưa thấy đáy. Mới gần đây, gã khổng lồ bất động sản Evergrande đã bị tòa án ra lệnh thanh lý, và tâm lý thị trường lại phải chịu thêm một đòn giáng mạnh.
Bảo Nguyên tổng hợp