Các chính trị gia EU đe dọa trừng phạt Tucker Carlson vì phỏng vấn Tổng thống Putin

Các nhà lập pháp Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi Brussels áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nhà báo Mỹ Tucker Carlson vì phỏng vấn Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Bất chấp truyền thống lâu đời là các nhà báo Mỹ thường phỏng vấn các nhà độc tài của mọi chủng tộc, bao gồm một nhà lãnh đạo của Liên Xô trong giai đoạn đỉnh điểm của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, quan chức hàng đầu EU, ông Guy Verhofstadt, đã kêu gọi EU trừng phạt nhà báo Tucker Carlson vì phỏng vấn ông Putin vốn bị phương Tây đánh giá là nhà lãnh đạo độc tài Nga.

Ông Verhofstadt, cựu Thủ tướng Bỉ và là người phản đối mạnh mẽ Brexit, hiện là thành viên trong Nghị viện châu u, giải thích với tờ Newsweek: “Vì [Tổng thống] Putin là tội phạm chiến tranh, do đó EU trừng phạt tất cả những ai hỗ trợ ông ấy [Tổng thống Putin] trong nỗ lực đó, nên cũng có vẻ hợp lý khi Cơ quan Hành động Đối ngoại xem xét trường hợp của ông ấy [nhà báo Carlson].”

Thủ tục để EU trừng phạt một cá nhân thường kéo dài. Đầu tiên, bằng chứng cần phải được trình bày cho Cơ quan Hành động Đối ngoại, cơ quan ngoại giao của EU do nhà xã hội học người Tây Ban Nha Josep Borrell lãnh đạo, trước khi được đưa ra Hội đồng châu u để đưa ra quyết định cuối cùng.

Tuy nhiên, trước cuộc phỏng vấn của nhà báo Carlson với Tổng thống Putin mà Điện Kremlin đã xác nhận hôm thứ Tư (7/2), Nghị sĩ Verhofstadt cũng cho rằng nhà báo Carlson có thể phải đối mặt với việc bị cấm vào EU, lệnh cấm này có thể được áp đặt sớm hơn. Hôm thứ Hai (5/2), Nghị sĩ Verhofstadt cảnh báo: “[Nhà báo] Tucker Carlson chắc chắn đang trên đường trở thành nhà tuyên truyền cho chế độ Nga. Nếu ông ấy tạo cơ hội cho [Tổng thống] Putin đưa thông tin sai lệch, EU nên áp dụng lệnh cấm đi lại [đối với ông Carlson].”

Mặc dù Liên minh châu u, Hoa Kỳ và NATO không chính thức có chiến tranh với Nga, nhưng một số người, trong đó có cựu Nghị sĩ Mỹ Adam Kinzinger, đã cáo buộc nhà báo Carlson là “kẻ phản bội” vì phỏng vấn Tổng thống Putin. Về phần mình, Nghị sĩ Verhofstadt đã dán nhãn nhà báo Carlson là “kẻ thù của mọi thứ mà Hoa Kỳ đại diện” và là “cơ quan ngôn luận” của Điện Kremlin.

Nghị sĩ Verhofstadt không phải là người duy nhất trong các quan chức EU kêu gọi trừng phạt nhà báo Carlson. Cựu Ngoại trưởng Estonia Urmas Paet, hiện là thành viên trong Nghị viện châu u, nhấn mạnh với tờ Newsweek: “[Nhà báo] Carlson muốn tạo cơ hội cho một người bị buộc tội diệt chủng, điều này là sai. Nếu [Tổng thống] Putin có điều gì muốn nói thì cần phải nói trước ICC (Tòa án Hình sự Quốc tế). Đồng thời, ông Carlson không phải là một nhà báo thực thụ vì ông ấy đã bày tỏ một cách rõ ràng sự thông cảm với chế độ Nga và [Tổng thống] Putin, đồng thời liên tục chê bai Ukraine, nạn nhân của cuộc xâm lược của Nga.”

“Vì vậy, do hành vi tuyên truyền như vậy cho một chế độ tội phạm, bạn có thể bị đưa vào danh sách trừng phạt. Điều này chủ yếu liên quan đến lệnh cấm đi lại đến các nước EU.”

Nhà báo Carlson khẳng định rằng ông phỏng vấn Tổng thống Putin không phải để phục vụ lợi ích của Nga, mà là để thông tin tốt hơn cho công chúng Mỹ về cuộc chiến ở Ukraine mà ông cáo buộc đã bị các hãng truyền thông chính thống phương Tây che giấu bằng “tuyên truyền”.

Tuy nhiên, lời kêu gọi EU có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một nhà báo Mỹ chỉ vì thực hiện các nhiệm vụ cơ bản của một nhà báo đã vấp phải sự chỉ trích.

Ông chủ của hãng xe điện Tesla và mạng xã hội X, Tỷ phú Elon Musk đã chỉ trích lời kêu gọi trừng phạt của các chính trị gia: “Người ta có thể đồng ý hoặc không đồng ý với [nhà báo] Tucker, nhưng ông ấy là một nhà báo lớn của Mỹ và hành động như vậy [các biện pháp trừng phạt] sẽ xúc phạm nặng nề đến công chúng Mỹ.”

Gia Huy (Theo Breitbart New)

Related posts