Ông Donald Trump giành chiến thắng trong các cuộc họp kín đề cử Tổng thống của Đảng Cộng hòa ở Nevada và Quần đảo Virgin thuộc Hoa Kỳ. Ông tiến gần hơn đến việc trở thành ứng viên Tổng thống đại diện cho đảng của mình và có khả năng tái đấu trong cuộc tổng tuyển cử với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 11.
Truyền thông Mỹ đêm 8/2 (trưa 9/2 giờ Hà Nội) dự báo cựu tổng thống Mỹ Donald Trump dễ dàng giành chiến thắng cuộc họp kín của đảng Cộng hòa ở Nevada, với tỷ lệ ủng hộ gần như tuyệt đối.
Hãng thông tấn AP giải thích họ đưa ra kết luận dựa trên phân tích kết quả kiểm đếm tạm thời, dù số phiếu được kiểm mới ở mức 3%, cho thấy ông dẫn đầu áp đảo ở 6 địa điểm trên toàn bang. Gần như tất cả phiếu bầu trong các cuộc họp kín đều dành cho Trump, chiếm khoảng 98%, khiến đối thủ của ông không còn cơ hội vượt lên. Dự báo của truyền thông Mỹ là căn cứ để xác định nhanh người chiến thắng trước khi toàn bộ phiếu được kiểm.
Chỉ một số ít cử tri bầu cho ứng viên Ryan Binkley, đối thủ duy nhất của ông Trump trong cuộc họp kín. Chiến thắng áp đảo của ông Trump vốn được dự đoán từ trước vì Binkley vốn là ứng viên không được nhiều người biết đến. Chiến thắng ở Nevada giúp Trump giành được sự ủng hộ của 26 đại biểu.
Trước đó vào hôm thứ Năm (8/2), ông Trump đã dễ dàng giành chiến thắng trong các cuộc họp kín ở Quần đảo Virgin thuộc Hoa Kỳ, giành thêm được 4 đại biểu. Cựu tổng thống Mỹ đã giành được 182 phiếu bầu, tương đương 74% trong số 246 phiếu bầu ở đó, đánh bại đối thủ cuối cùng còn lại của ông trong cuộc đua của Đảng Cộng hòa, Nikki Haley, người giành được 26% ủng hộ với 64 phiếu bầu.
Các cuộc họp kín tổ chức ở Nevada diễn ra 2 ngày sau cuộc bầu cử sơ bộ do cũng tại chính tiểu bang này. Các tiểu bang khác của Mỹ thường lựa chọn giữa họp kín và bỏ phiếu sơ bộ để chọn ứng viên cho đảng Cộng hòa và Dân chủ. Riêng Nevada tổ chức cả hai hình thức. Cử tri Cộng hòa có thể tham gia bỏ phiếu sơ bộ, nhưng kết quả chỉ mang tính tượng trưng. Chỉ kết quả họp kín được công nhận.
Bà Haley đã từ bỏ cơ hội ở Nevada khi lựa chọn hình thức bỏ phiếu bầu sơ bộ còn ông Trump tham gia vòng họp kín.
Mặc dù là ứng cử viên chính duy nhất trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ của Đảng Cộng hòa hôm thứ Ba (6/2), bà Haley vẫn chịu thất bại nặng nề sau khi hàng chục nghìn người ủng hộ Trump đánh dấu phiếu bầu của mình với tùy chọn “không bầu cho bất kỳ ứng viên nào”. Bà Haley chỉ giành được khoảng 30% sự ủng hộ, trong khi có tới 63% phiếu bầu chọn không bầu cho bất kỳ ứng viên nào. Giới chuyên gia nhận định, đây là một đòn giáng nặng vào nỗ lực của bà Haley trong cuộc đua cạnh tranh với ông Trump.
Rất đông người ủng hộ ông Trump xếp hàng dài ở Nevada để chờ được bỏ phiếu bầu cho cựu tổng thống. Nhiều cử tri đội mũ và mặc áo in khẩu hiệu tranh cử của ông, nhấn mạnh họ sẽ giúp cựu tổng thống giành chiến thắng.
Tháng trước, ông Trump cũng đã thắng lớn tại Iowa và New Hampshire, giành được ủng hộ của 32 đại biểu. Cựu Tổng thống Mỹ trở thành ứng cử viên số một đại diện cho Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử cuối năm nay.
Các ứng viên cần giành được sự ủng hộ của ít nhất 1.215 trong số 2.429 đại biểu để trở thành đại diện đảng Cộng hòa tham gia tranh cử tổng thống vào tháng 11. Bà Haley đã giành được 17 đại biểu. Đáng chú ý, trong lịch sử Mỹ, chưa có ứng viên tổng thống nào thắng Iowa và New Hampshire mà không nhận đề cử của chính đảng tương ứng.
Viên Minh (tổng hợp)
EU lo ngại chiến tranh thương mại nếu ông Trump tái đắc cử – Bloomberg
EU đang chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại có thể xảy ra với Mỹ nếu ông Donald Trump thắng cử tổng thống vào tháng 11/2024, Bloomberg đưa tin hôm thứ Tư (7/2) dẫn lời một quan chức EU giấu tên.
Ủy ban Châu Âu đang tiến hành đánh giá kinh tế về việc chiến thắng của ông Trump sẽ tác động như thế nào đến các quốc gia thành viên, nguồn tin nói với hãng tin Bloomberg mà không cung cấp thông tin chi tiết.
Trong một bài viết riêng dựa trên các cuộc phỏng vấn với chiến dịch tranh cử của ông Trump, Bloomberg đưa tin rằng chính quyền của ông sẽ áp đặt mức thuế tối thiểu 10% đối với hàng nhập khẩu từ EU, tương tự như đối với Trung Quốc.
Một đề xuất khác liên quan đến việc Mỹ có thể trả đũa những khoản thuế mà EU áp đặt lên các dịch vụ kỹ thuật số trong nhiều năm qua như Meta và Amazon.
Biện pháp đáp trả sẽ được đưa ra theo các điều khoản trong Đạo luật Thương mại năm 1974 mà ông Trump đã triển khai trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình để giải quyết sự mất cân bằng thương mại với các quốc gia nước ngoài, các nguồn tin giải thích.
Cựu Tổng thống Trump có những đụng độ với EU về thâm hụt thương mại của Mỹ và điều mà ông cho là châu Âu miễn cưỡng đứng về phía Washington để chống lại Trung Quốc.
Các mức thuế do ông Trump áp đặt đối với thép và nhôm châu Âu chỉ được chính quyền của Tổng thống Joe Biden dỡ bỏ một phần vào năm ngoái. Bloomberg lưu ý rằng các quan chức châu Âu ngần ngại chống trả mặc dù coi các biện pháp này là không công bằng “do lo ngại rằng việc đó có thể giúp ích cho cơ hội đắc cử của Trump”.
Ông Biden so với ông Trumo được xem là ít đối kháng với EU hơn. Trong một nhận xét hiếm hoi về chính trị nội bộ Hoa Kỳ vào tháng 5/2023, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã công khai bày tỏ mong muốn đảng Dân chủ tiếp tục tại vị.
Tuy nhiên, một số chính sách của ông Biden đã khiến người châu Âu khó chịu, tờ báo này cho biết, đặc biệt là chương trình trợ cấp trị giá 390 tỷ USD để hỗ trợ công nghệ xanh trong Đạo luật Giảm lạm phát năm 2022. Số tiền này tạo động lực khiến các nhà sản xuất châu Âu chuyển sản xuất sang Mỹ.
Vào thời điểm đó, các thành viên EU đang phải vật lộn để điều chỉnh trước tình hình giá năng lượng tăng vọt sau khi tự tách khỏi các nguồn năng lượng giá rẻ của Nga. Khí tự nhiên hóa lỏng đắt tiền hơn của Mỹ đã thay thế phần lớn thị phần do Nga cung cấp.
Anh Nguyễn, theo RT