Ngoại trưởng Nga Lavrov: Không có khả năng đàm phán hòa bình với Ukraine

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm thứ Tư (14/2) cho biết phương Tây sẽ không đưa ra giải pháp ngoại giao thực tế cho cuộc xung đột Ukraine vì Mỹ và các đồng minh vẫn có ý định đưa ra chiến lược để đánh bại Moscow.

Trong tóm tắt với các nghị sĩ Nga về công việc của Bộ và tình hình quốc tế hiện tại, ông Lavrov tuyên bố rằng Moscow đang “tiên phong trong cuộc chiến vì một tương lai tốt đẹp hơn”, đồng thời nói thêm rằng hệ thống do phương Tây thống trị đang nhường chỗ cho một thế giới đa cực.

Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh vẫn tiến hành một cuộc chiến tranh hỗn hợp chống lại bất kỳ ai ưu tiên lợi ích quốc gia, bằng chứng là cuộc xung đột Ukraine vẫn tiếp diễn, ông Lavrov tuyên bố.

Theo Bộ trưởng Lavrov, đã có sự thay đổi trong luận điệu của phương Tây do những thành công trên chiến trường của Moscow. Các quan chức phương Tây tập trung vào việc ngăn chặn chiến thắng của Nga hơn là đảm bảo thất bại của Nga. Tuy nhiên, chính sách cốt lõi của họ nhằm gây thiệt hại cho Nga vẫn giữ nguyên, ông Lavrov nói, có nghĩa là cuộc xung đột khó có thể được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

“Xét rằng những người tuyên chiến với chúng tôi không đưa ra đề xuất nghiêm túc và không sẵn sàng tôn trọng lợi ích của chúng tôi cũng như thực tế trên thực địa, việc đạt được một thỏa thuận tại bàn đàm phán chắc chắn sẽ là không thể. Không có kịch bản nào như vậy được dự đoán trước”, nhà ngoại giao nêu rõ.

Ông Lavrov nhấn mạnh rằng phương Tây đã khởi xướng cuộc xung đột thông qua việc theo đuổi “sự thống trị toàn cầu và chủ nghĩa biệt lệ”. Trong khi đó, Nga đang làm việc với các đồng minh của mình để phá bỏ hệ thống hiện tại mà họ coi là có bản chất là chủ nghĩa thực dân, ông nói với các nhà lập pháp.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Ba (13/2) đã tái khẳng định chính sách của ông đối với Ukraine, kêu gọi Hạ viện thông qua gói viện trợ nước ngoài đã được Thượng viện phê duyệt, bao gồm khoảng 60 tỷ USD cho Kiev. Ông Biden tuyên bố số tiền này chủ yếu sẽ tài trợ cho việc sản xuất vũ khí ở Mỹ và sẽ giúp Ukraine chống lại “cuộc tấn công dữ dội” của Nga.

“Mỹ đã tập hợp một liên minh gồm gần 50 quốc gia để hỗ trợ Ukraine. Chúng tôi đã thống nhất NATO; chúng tôi đã mở rộng nó. Chúng tôi không thể bỏ đi bây giờ”, ông Biden tuyên bố.

Nếu được thông qua, dự luật sẽ nâng số tiền hỗ trợ quân sự mà Mỹ cung cấp cho Ukraine kể từ khi bùng nổ chiến sự vào tháng 2/2022 lên khoảng 170 tỷ USD.

Anh Nguyễn, theo RT

Kremlin bác bản tin của Reuters cho rằng ông Putin đề xuất hiệp định đình chiến tại Ukraine

Điện Kremlin hôm thứ Tư (14/2) đã bác bỏ một bản tin của Reuters loan báo hôm thứ Ba (13/2) rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin thông qua các nhà trung gian hòa giải đã đề xuất với Mỹ hiệp định đình chiến tại Ukraine.

Hôm thứ Ba (13/2), hãng tin Reuters loan báo rằng ông Putin đã liên lạc với Washington thông qua các nhà trung gian hòa giải, bao gồm cả các đối tác Ả Rập của Nga ở Trung Đông, để đề xuất “hiệp định đình chiến tại Ukraine nhằm kết thúc cuộc chiến tranh này”. Tuy nhiên, theo “ba nguồn tin Nga biết về các cuộc thảo luận này”, phía Mỹ đã từ chối ý tưởng của Nga.

Hôm thứ Tư (14/2), khi được báo giới hỏi liệu bản tin của Reuters cho rằng Nga đã đưa ra đề xuất hòa bình có đúng không, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đáp: “Không, điều đó không đúng”.

Các nhà trung gian hòa giải đã họp mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối năm 2023, theo ba nguồn tin Nga của Reuters, và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã điện đàm với cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin, ông Yuri Ushakov vào tháng 1/2024.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn nhà báo Mỹ Tucker Carlson cuối tuần qua, ông Putin nói rằng Nga vẫn duy trì liên lạc với Mỹ “thông qua nhiều đầu mối”.

Theo nhà lãnh đạo Nga, Moscow đã từng nói nhiều lần với Washington rằng “nếu quý vị thực sự muốn dừng chiến đấu, thì quý vị cần dừng cung cấp vũ khí” cho Ukraine.

Ông Putin nhấn mạnh rằng, trong trường hợp đó, cuộc xung đột “sẽ kết thúc trong vòng một vài tuần. Chỉ có vậy thôi. Và sau đó chúng tôi có thể đồng ý một số điều khoản trước khi các ông là việc đó, thế thôi”.

Ông Putin tái khẳng định rằng Nga vẫn sẵn sàng đàm phán với Ukraine, nhưng để các cuộc đối thoại như vậy diễn ra, Tổng thống Ukraine Zelensky ít nhất nên hủy bỏ sắc lệnh cấm ông ta đàm phán với Moscow.

Tuy nhiên, ông Zelensky trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ vào tháng trước đã cảnh báo các quốc gia hậu thuẫn của Ukraine đừng nỗ lực dừng chiến tranh giữa Moscow và Kyiv. “Bất kỳ một cuộc xung đột bị đóng băng nào cuối cùng rồi sẽ lại bùng phát”, ông Zelensky khẳng định và cho biết thêm rằng phương Tây thay vì nỗ lực hòa giải hãy cung cấp thêm vũ khí cho Kyiv để nước này có thể đạt được nền hòa bình “chính đáng và ổn định” thông qua các phương tiện quân sự.

Hôm Chủ nhật (11/2), phát ngôn viên Điện Kremlin Peskov nói rằng nếu các cuộc đàm phán giữa Moscow và Kyiv diễn ra được, thì phía Ukraine sẽ phải công nhận “thực tế mới dù họ phải chịu đau đớn đến mấy đi nữa”.

Nhà báo Carlson sau khi phỏng vấn trực tiếp ông Putin đã đưa ra kết luận rằng tổng thống Nga “muốn rút ra khỏi” cuộc xung đột với Ukraine, nhưng cũng nhấn mạnh rằng nếu cuộc chiến này càng kéo dài, thì lãnh đạo Nga sẽ càng ít nhượng bộ hơn.

Hải Đăng

Related posts