Có phải là tình yêu?

Đặng Duy Hưng

Hai người đàn bà với hoàn cảnh gần như tương quan đến với nhau như định mệnh sắp đặt từ trước. 

Hồng ly dị chồng với con trai mới 5 tuổi có khuôn mặt chịu đựng như mẹ, đi chung với đôi mắt thật sáng. Lấy chồng từ năm 21 tuổi, Hồng chịu đựng hy vọng sau khi có con trai chồng sẽ quay về đường chánh. Nàng có mong ước nhiều đâu, chỉ mong chồng cần cù làm ăn đừng lê la đàng điếm quá nhiều với bạn bè mà quên nghĩ đến vợ con. Nhưng sự bạo hành, đánh đập, trách móc, đổ lỗi làm tình cảm hôn nhân không còn cứu vãn sau 7 năm chung sống.

Sáu tháng sau đó, vết thương vẫn còn đau như rắc muối. Hồng phải tự đảm đang cuộc đời làm mẹ đơn thân ra ở nhà thuê. Bên nhà chồng đối xử đầy ắp hận thù “vì đã làm mất mặt gia phong khi đỗ lỗi để ly dị đứa con trai đàng hoàng hiền lành của họ.” Tệ hại hơn nữa họ còn nghĩ đứa cháu nội không phải là máu mủ!

Hồng chấp nhận tất cả, nhịn nhục, chịu đựng để đạt được sự tự do. Mới đầu về sống tạm thời với ba mẹ ruột trong quê nhưng sợ cái nghèo đè nặng nên phải dọn ra tự lực cánh sinh.

Cuộc sống cứ ngỡ đâu vào đó nào ngờ con trai sốt cao phải vào bệnh viện cứu cấp. 

Trong rủi ro có trời cao phán xét Hồng gặp Thúy cùng chung hoàn cảnh ly dị với con gái 3 tuổi leo cầu tuột té gãy chân ở nhà trẻ.

Hai người mẹ, hai người đàn bà chung một hoàn cảnh đứng giữa xã hội luôn bất công với phái yếu. 

Vài lần họ hẹn gặp nhau lúc dẫn con ra bãi chơi công cộng. Tình cảm bạn bè càng ngày càng thấy gần gũi. Họ quyết định thuê nhà ở chung với nhau. Mấy tháng đầu lời đồn đãi xấu miệng về lối sống khác biệt. Ai cũng nghĩ chắc 2 người đàn bà đơn độc chia sẻ chung giường những đêm giá lạnh. 

Nhưng dần dần nhìn họ lo lắng cho 2 con chịu khó làm ăn thân thiện vui vẻ với hàng xóm ai cũng thương.

Hồng một lần tâm sự với Thúy:  

“Hy vọng một ngày nào đó tụi mình gặp được người đàn ông tốt không rượu chè cờ bạc. Dù gì đi nữa con cái có sự gần gũi của người cha vẫn tốt hơn.”

Thúy lắc đầu: 

“Hồng đẹp, có học, nói chuyện đẳng cấp dễ dàng được người để ý. Phần Thúy, nhan sắc trung bình,  gia đình nghèo nhà chồng lúc nào cũng nói bóng, nói gió lợi dụng để vơ của. Mộng ước của Thúy bây giờ là cố gắng làm thật nhiều dành dụm lo cho con gái lớn lên không để ai khinh rẻ. Nếu Hồng tìm được ai vừa ý cứ thành thật báo cho Thúy biết vài tháng chuẩn bị là đủ. Mãi mãi Hồng là người bạn tuy quen trễ nhưng tốt và thân nhất từ trước đến nay.”

Thời gian chầm chạp trôi qua với bao thử thách. Dù gì họ cũng là “gái một con trông mòn con mắt” nên lắm chàng trai để ý.

Sáu năm đầu họ còn quen biết vài người ra ngoài vui chơi. Họ chia phiên nhau lo cho con cái vừa cố gắng tìm người trong mộng. Nhưng không hiểu sao kiếm hoài cũng không như ý nguyện. Có lẽ do họ khó tính hay vết thương ghim trúng tên độc nên mãi mãi sợ hãi trong tim.

Và 3 năm COVID  giúp tình bạn 2 người đàn bà cô độc hiểu thương lo lắng cho nhau nhiều hơn.

Họ tự tạo bán hàng trên mạng từng bình cà phê muối, cơm thịt, cá ,tôm… Tự nhiên họ nhận được có nghề tay trái giỏi chuyên nghiệp không ngờ. Nhờ hàng xóm ủng hộ nhiệt tình họ mở tiệm bán bún chả cá thứ hai, tư, sáu và mì thập cẩm ngày thứ ba, năm, bảy. Lấy công làm lời, mệt mà vui nhờ hai đứa con trai gái đều bắt đầu lớn lên ra phụ 2 người mẹ một tay. Thằng Hùng ít nói hiền lành luôn thương yêu nghe lời mẹ. Một lần nghe nó tâm sự làm Hồng khóc rơi nước mắt: 

“Con hứa tương lai lấy vợ sẽ không đối xử tệ bạc với vợ như ba. Mẹ đừng lo lắng nhiều cho con có dòng máu bạo lực của ba.”

Chúng ta đang sống đầu năm 2024 với xã hội hoàn toàn khác biệt 35 năm về trước. Năm 1989 là năm đầu tiên người Việt vượt biên định cư nước ngoài không còn mang mác “phản động chạy theo Mỹ ngụy ác ôn.” Hôn nhân với người khác chủng tộc được xã hội chấp nhận rộng rãi hơn. Tuy ánh mắt người dân Việt Nam có phần cởi mở về cộng đồng, đồng tình luyến ái. Nhưng luật pháp vẫn cấm đoán phạt tiền 100 – 500 ngàn nếu làm đám cưới đồng tính. Mãi đến 2014 chính quyền mới xóa đi việc cấm đoán phạt tiền nhưng vẫn không chấp nhận hôn nhân trên pháp lý. Có nghĩa là nếu tranh tụng chia tài sản không được giải quyết như cặp vợ chồng ‘bình thường’.

Hai người đàn bà hoàn cảnh tương quan đến với nhau bằng tình bạn thân tình. Chia sẻ hoạn nạn ngọt bùi giúp đỡ lẫn nhau vượt quá chướng ngại gian nan cuộc sống. Mối quan hệ của họ thật sự như thế nào không ai biết trừ bản thân họ! Chỉ hy vọng thế hệ sắp đến khi làm luật sẽ cho họ một ánh mắt nhìn cảm thông hơn.

Người xưa có viết: “Yêu nhau không bao giờ có lỗi lầm gì cả. Lỗi là do khi hai người yêu nhau không biết đến hai chữ ‘Vì Nhau’.”

Nhìn câu chuyện hai người đàn bà gà mái nuôi con cũng đáng cho chúng ta đang sống trong hôn nhân “bình thường” phải suy nghĩ phải không các bạn?

Đặng Duy Hưng

Related posts