Tin tức liên quan đến việc “thế hệ 9x có thể phải hoãn việc nghỉ hưu cho đến 70 hoặc 80 tuổi” đã thu hút rất nhiều sự chú ý. Vấn đề già hóa dân số ở Trung Quốc đã trở thành một vấn đề rất nghiêm trọng và thực tế.
Ông Lương Kiến Chương (Liang Jianzhang), một nhà nhân khẩu học kinh tế ở Trung Quốc và là Chủ tịch của Ctrip – một nền tảng bán vé trực tuyến ở Trung Quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây: “Trung Quốc hiện đang trải qua xu hướng già hóa dân số nghiêm trọng. Giờ đây những người ở độ tuổi 50 – 60 đã có thể nghỉ hưu và nhận được số lương hưu rất khá, nhưng điều này không bền vững, vì tương lai số lượng người trẻ sẽ ít hơn một nửa so với người già … Người già trong tương lai chắc chắn hoặc là sẽ bị cắt giảm một nửa lương hưu, hoặc là phải trì hoãn việc nghỉ hưu cho đến khi 70 – 80 tuổi”.
Xã hội Trung Quốc đang già hóa nghiêm trọng
Theo “Công báo về Phát triển sự nghiệp người cao tuổi quốc gia năm 2022″ do Bộ Nội vụ Trung Quốc công bố, quy mô dân số cao tuổi của Trung Quốc rất lớn và liên tục gia tăng tỷ lệ trong tổng dân số toàn quốc. Tính đến cuối năm 2022, trên toàn Trung Quốc có 280,04 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 19,8% tổng dân số; trong khi dân số từ 65 tuổi trở lên là 209,78 triệu người, chiếm 14,9% tổng dân số. Đồng thời, trong những người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên, có 21,8% là cần có người chăm sóc.
Tân Hoa Xã – cơ quan ngôn luận của chính quyền Trung Quốc – đã đăng một bài bình luận vào tháng 5/2023 thừa nhận rằng, trong năm 2022, Trung Quốc có 280 triệu người từ 60 tuổi trở lên. Dự kiến trong giai đoạn “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14” (2026 – 2030), tổng dân số từ 60 tuổi trở lên sẽ vượt 300 triệu người, bước vào giai đoạn già hóa tầm trung; đến khoảng năm 2035, dân số từ 60 tuổi trở lên sẽ vượt 400 triệu người, bước vào giai đoạn già hóa nặng.
Theo định nghĩa của giới học thuật, dựa trên tỷ lệ người trên 65 tuổi trong tổng dân số, nếu tỷ lệ này ở mức hơn 7% thì là xã hội già hóa, hơn 14% là xã hội già và hơn 21% là xã hội rất già.
Tỷ lệ này ở Trung Quốc đã vượt 7% vào năm 2000 và vượt 14% vào năm 2021, khiến nước này trở thành một xã hội già tiêu chuẩn. GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đạt khoảng 12.700 USD vào năm 2022, vẫn ở mức của một quốc gia có thu nhập trung bình cao và chưa đạt đến mức của một quốc gia có thu nhập cao.
“Báo cáo Nghiên cứu Lão hóa Trung Quốc” do nhóm của ông Nhậm Trạch Bình (Ren Zeping) – một nhà kinh tế học Trung Quốc – công bố đã dự đoán rằng, vào khoảng năm 2033, Trung Quốc sẽ bước vào một xã hội siêu già với tỷ lệ hơn 20%, con số này sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng và đạt 35% vào năm 2060.
Dự đoán: Quỹ hưu trí của Trung Quốc sẽ cạn kiệt vào năm 2035
Bài bình luận trên Tân Hoa Xã vào tháng 5 năm ngoái cũng chỉ ra rằng, “già hóa dân số sẽ là tình hình cơ bản của Trung Quốc trong thời gian dài tới đây” và hiện tượng này phải được ứng phó một cách tích cực; cũng có kênh truyền thông chú ý đến vấn đề “chưa giàu đã già” và “giàu chậm, già nhanh” trong cơ cấu nhân khẩu học của Trung Quốc.
Học giả Trung Quốc Thái Phưởng (Cai Fang) lo lắng rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể phải đối mặt với vấn đề “giàu chậm, già nhanh”: tốc độ già hóa sẽ tăng nhanh hơn dự kiến, trong khi đó tăng trưởng kinh tế cũng có thể sẽ chậm hơn dự kiến. Do tỷ lệ sinh giảm và dân số già đi, trong tương lai, cơ cấu lực lượng lao động của Trung Quốc sẽ là tăng trưởng ở hai đầu nhưng mỏng và yếu ở giữa. Tỷ lệ thanh niên tăng sẽ làm tăng áp lực tìm việc làm. “Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm dân số từ 16-24 tuổi của Trung Quốc lên tới 20,4% vào tháng 4/2023”.
Quỹ hưu trí của Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng. Khi dân số già đi tăng nhanh, lỗ hổng về cơ cấu trong quỹ hưu trí sẽ sớm trở thành áp lực. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc từng dự đoán, đến năm 2028, hệ thống lương hưu quốc gia sẽ thu không đủ chi và đến năm 2035, toàn bộ số dư tích lũy của quỹ hưu trí sẽ cạn kiệt.
Theo Vision Times
Đông Phương biên dịch