Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc luôn ở mức thấp nhất thế giới. Dù trong nhiều năm liên tiếp, nước này đã đầu tư hàng tỷ USD nhằm đảo ngược tình trạng giảm dân số, nhưng tỷ lệ sinh vào năm 2023 đã giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Ngày 24/5/2017, nhân viên xã hội đã chăm sóc một em bé bị bỏ rơi tại Nhà thờ Cộng đồng ở phía nam Seoul. Ảnh minh họa không liên quan đến bài viết này. (Ảnh: Jung Yeon-Je/AFP qua Getty Images)
Theo dữ liệu do Cơ quan Thống kê Hàn Quốc công bố hôm thứ Tư (28/2), tổng lệ sinh trung bình của một phụ nữ Hàn Quốc đã giảm từ mức 0,78 vào năm 2022 xuống mức thấp kỷ lục 0,72 vào năm 2023. Đây là năm thứ 4 liên tiếp tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc suy giảm.
Dữ liệu này phản ánh tổng số con mà một phụ nữ có trong suốt cuộc đời của mình. Nói chung, ở các nước phát triển, tổng tỷ suất sinh phải đạt ít nhất là 2,1 thì mới đạt mức thay thế thế hệ.
Từ năm 2018, Hàn Quốc là thành viên duy nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có tỷ lệ sinh dưới 1.
Chính phủ Hàn Quốc đã coi việc đảo ngược tình trạng suy giảm tỷ lệ sinh là ưu tiên quốc gia. Tháng 12/2023, nước này đã cam kết thực hiện “các biện pháp đặc biệt” để giải quyết tình hình.
Các chuyên gia cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sinh thấp, chủ yếu là do chi phí nuôi dạy con cái và giá bất động sản cao, cũng như xã hội cạnh tranh khốc liệt. Thêm vào đó, “gánh nặng kép” đè lên vai các bà mẹ đang đi làm, khi vừa phải chăm sóc con cái và vẫn duy trì sự nghiệp của mình.
Trong khi đó, trước cuộc tổng tuyển cử vào tháng 4, các đảng chính trị lớn của Hàn Quốc đã cam kết cung cấp thêm nhà ở công cộng và các khoản vay dễ dàng hơn, để ngăn chặn tình trạng suy giảm dân số.
Từ năm 2006, Hàn Quốc đã chi hơn 360.000 tỷ won (~ 270 tỷ USD) cho trợ cấp chăm sóc trẻ em, nhưng vẫn không thể đảo ngược tình trạng tỷ lệ sinh đạt mức thấp kỷ lục.
Đồng thời, tỷ lệ kết hôn ở Hàn Quốc cũng ngày càng giảm. Gánh nặng tài chính cao được cho là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này.
Thủ đô Seoul có tỷ lệ sinh thấp nhất vào năm ngoái, chỉ 0,55.
Trước đó, Hàn Quốc dự đoán tỷ lệ sinh của nước này có thể tiếp tục giảm xuống mức 0,68 vào năm 2024.
Tính đến tháng 1/2024, tại Hàn Quốc có khoảng 1,55 triệu người từ 70 tuổi trở lên vẫn đang làm việc, chiếm 24,5% người dân trong nhóm tuổi này.
Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của Hàn Quốc đã trở thành rủi ro hàng đầu đối với sự tăng trưởng kinh tế và hệ thống phúc lợi xã hội, khi dân số 51 triệu người của nước này có nguy cơ giảm một nửa vào cuối thế kỷ này.
Bình Minh (t/h)