Bài học vô giá

Đặng Duy Hưng

Hùng ngồi trong quán bánh mì kẹp thịt chánh gốc người Ý từ thị trấn Sicily. Nghe lời đồn miệng rằng ngày xưa dân gốc ở thị trấn này không bao giờ chấp nhận chính phủ từ Rome nên bị đàn áp chạy quanh thế giới. Đọc câu chuyện “Bố già” (The Godfather) của Mario Puzo thì Hùng biết thêm họ đến Mỹ tạo ra lịch sử 5 đại gia đình Mafia tại Nữu Ước (New York).

Hùng cắn ăn miếng bánh mì chung với salami một loại thịt bằm gói hấp như chả bò VN.

Ngoài đường mưa bắt đầu nặng hạt. Năm nay thời tiết dự báo toàn năm sẽ ẩm ướt nhiều hơn 10 năm qua.

Sáng nay Hùng nhận giấy từ mấy tháng trước phải ra tòa làm bồi thẩm. Đây là nhiệm vụ của tất cả công dân Mỹ mỗi năm một lần ra tòa quyết đoán những vụ án. Dù mới dọn đến đây ở hơn 2 năm nhưng Hùng vẫn nhận thư từ quận hạt.

Sáng nay đến ghi danh trình diện, Hùng được chấp nhận qua vòng hai. Bây giờ phải đợi sau giờ ăn trưa trở lại mới biết ai sẽ là 14 (12 chính 2 phụ) bồi thẩm cho vụ án biển thủ tiền.

Chợt một anh trung niên khuôn mặt khá quen đến bên bàn:

“Ông Nguyễn có khỏe không? Có nhớ thằng bé thi lấy bằng lái xe ở Minnesota năm nào không?”

Hơi sửng sốt gặp lại người đã cho ông kỷ niệm tuyệt vời nhất của ngày đầu năm. Lúc đó ông được bổ nhiệm làm nghề thanh tra bằng lái xe ở thị trấn K trong tiểu bang Minnesota. Đọc hồ sơ thằng bé thi rớt 2 lần, hy vọng sẽ đậu để khỏi trở lại từ đầu thi bằng viết. Ông muốn hạ giảm áp lực nên hỏi thăm chuyện gia đình: 

“Noel vừa qua cậu có làm gì trọng đại không?”

Không ngờ thằng bé thành thật vừa chùi nước mắt vừa nói: 

“Ba cháu mới bị bệnh mất. Mẹ cháu bị khủng hoảng phải vào nhà thương tâm trí điều trị!”

Miệng ông suýt thốt lên “Oh My God!”

Ông chậm rãi: “Ai cũng nói cố gắng lên, mạnh mẽ lên, vết thương sẽ lành lại một ngày rất gần. Nhưng chỉ có người trong cuộc mới hiểu cái đau khổ đó phải không cậu?”

Cậu ngạc nhiên: “Ba mẹ ông cũng cùng hoàn cảnh như cháu!”

“Ba tôi chết trận lúc tôi 12 tuổi. Mẹ tôi dẫn dắt anh em tôi vượt biên qua đây một mình lo cho tụi tôi thành người. Bà mới qua đời cách đây 2 năm 9 tháng nên chỗ làm ở đây ai cũng phàn nàn tôi thay đổi,  khó chịu hơn xưa!”

Thằng bé gật đầu:

“Sáng nay thấy tên ông làm giám sát cháu hơi sợ bởi bạn bè cũng bàn tán như vậy!”

Không ngờ hai con người trở thành gần gũi nhờ chia sẻ sự mất mát riêng tư.

Ông cẩn thận như người dạy học nhẹ nhàng chỉ dẫn thằng bé từng bước từ cách đậu xe đến kỹ năng nhìn gương chiếu hậu. Trước khi quay xe trở lại ông còn cho nó ghé vào tiệm bánh ngọt, nơi ba nó thường mua cho ăn ngày cuối tuần.

Lúc chia tay ông chúc mừng: “Cậu đậu rồi! Hãy nhớ không phải do tôi tạo ra điều kỳ diệu này. Cậu mới là người có thể thay đổi bản thân mình. Không ai lo hay thương ta hơn chính bản thân mình! Cậu hãy nhớ cho kỹ nhé!”

Và họ không còn gặp nhau dễ chừng hơn 20 năm rồi. Không ngờ cậu bé vẫn còn nhớ đến ông chấm thi “khó chịu” ngày ấy.

“Ông làm gì ở đây?”

“Đang đợi chiều nay tòa có cho làm bồi thẩm không?”

“Thường thường tòa hay chọn người nhiều tuổi có quyết đoán chính chắn công bằng như ông.”

Ông cười đồng ý: “Giờ tôi về hưu non rồi! Dành thời gian phục vụ cho cộng đồng cũng tốt thôi.”

Cậu ta nói chuyện thêm một tý rồi đứng dậy chia tay: “Làm ơn cho tôi số điện thoại của ông. Lúc nào cuối tuần rảnh mời vợ chồng ông đến nhà tôi chơi.”

Trao đổi số điện thoại xong hai người đứng lên ôm nhau như sợ không có cơ hội gặp lại.

Gần 1 giờ 30, ông trở lại tòa án vừa đi vừa tránh cơn mưa vẫn nặng hạt ngoài đường.

Trong phòng họp tổng số người còn xót lại chừng 35 người. Ai đầu óc cũng không yên chờ quan tòa xuất hiện để luật sư chính phủ và bên biện hộ phỏng vấn tìm người đúng điều kiện.

Lúc người thư ký lên tiếng: “Tất cả mọi người trong phòng hãy đứng lên chào quan toà!”

Nhìn lên ông sửng sốt thấy thằng bé ngày xưa bây giờ trong bộ đồ thụng đen nhìn quanh khi chạm mắt ông mỉm cười.

Anh ta vẫy tay cho mọi người ngồi xuống lên tiếng: 

“Để tôi kể cho mọi người nghe một câu chuyện ngày xưa. Lúc đó tôi được 17 tuổi, cha vừa mất, mẹ động kinh phải vào bệnh viện tâm thần. Tâm tư tôi gần như suy sụp không biết hướng đi về đâu? Và một người đàn ông xa lạ không cùng huyết thống, màu da chủng tộc đã động viên chia sẻ đầy ắp tình người. Những gì tôi thành đạt để trở thành một ông toà hôm nay, phần lớn là nhờ vào ông ấy.”

Anh ta nói tiếp: 

“Hôm nay tôi rất hân hạnh gặp lại ông ta trong căn phòng này. Vẫn như ngày xưa, ông ta là người  dân gương mẫu luôn sẵn sàng làm trách nhiệm công dân. Có điều thật đáng tiếc! Luật pháp vẫn là luật pháp! Không có vị bồi thẩm nào được nhận trách nhiệm nếu quen biết tôi hay hai bên luật sư. Vì vậy thật đáng tiếc bồi thẩm số 17 ông Hùng Nguyễn sẽ được miễn kỳ này.”

Anh ta bước xuống bắt tay và ôm ông thật chặt. Cả hội trường tất cả mọi người đều đứng lên vỗ tay. 

Hơn 60 tuổi cuộc đời đi qua bao giai đoạn đường chông gai chưa bao giờ ông cảm thấy hạnh phúc như ngày hôm nay. 

Đặng Duy Hưng

Related posts