Chương Thiên Lượng
Ngày 26/2, Bloomberg đăng bài viết với tiêu đề: ‘Trung Quốc âm thầm xoá tên Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc khỏi trang web’. Trong đó báo cáo rằng, trong danh sách lãnh đạo cao nhất của Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) trên trang web Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã không còn tên của ông Lý Thượng Phúc.
CCP đã không mở Phiên họp Toàn thể lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương khoá 20 vào cuối tháng 2 như dự kiến. Về lý thuyết, việc bổ nhiệm/bãi nhiệm chức Ủy viên Trung ương và Ủy viên Quân ủy Trung ương là do Ban chấp hành Trung ương quyết định. Nhưng ông Lý Thượng Phúc chỉ bị gạch tên khỏi trang web của Bộ Quốc phòng.
Điều này cho thấy, ông Tập Cận Bình lại một lần nữa phá vỡ quy định.
Việc cách chức Ủy viên Quân ủy Trung ương của ông Lý Thượng Phúc nhìn qua có vẻ là nhỏ, nhưng trên thực tế là có ảnh hưởng vô cùng lớn đến trình tự tổ chức của CCP, cũng có ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế.
Trong chương trình ‘Chính luận thiên hạ‘ đăng ngày 27/2, nhà bình luận các vấn đề thời sự – Giáo sư Chương Thiên Lượng đã nhìn nhận vấn đề này như sau.
Lý Thượng Phúc bị cách chức Ủy viên Quân ủy Trung ương
Việc bổ nhiệm/bãi nhiệm chức Ủy viên Trung ương và Ủy viên Quân ủy Trung ương là do Ban chấp hành Trung ương quyết định. Nói cách khác, nếu Ban chấp hành Trung ương không mở phiên họp toàn thể lần thứ 3 thì không thể cách chức người giữ chức vụ nói ở trên.
Theo điều lệ đảng, cơ quan lãnh đạo cao nhất của CCP là Đại hội Đảng Toàn quốc và Ban chấp hành Trung ương (mà Đại hội Đảng Toàn quốc sản sinh ra). Nhưng Đại hội Đảng Toàn quốc cứ 5 năm lại mở một lần, sau khi mở xong thì 2000 người lại trở về, cho nên trên thực tế, cơ quan quyền lực cao nhất của CCP là Ban chấp hành Trung ương.
Việc bổ nhiệm/bãi nhiệm Ủy viên Trung ương phải do Ban chấp hành Trung ương quyết định, bởi vì nếu Bộ Chính trị có thể tuỳ tiện bổ nhiệm/bãi nhiệm Ủy viên Trung ương thì Bộ Chính trị sẽ trở thành cơ quan quyền lực cao nhất trong đảng. Mà điều này lại đi ngược lại với điều lệ đảng.
Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình đã phá vỡ rất nhiều quy định, ví dụ như là ông Tập tái đắc cử vô kỳ hạn, hoặc có thể tuỳ tiện mở họp/không mở họp Ban chấp hành Trung ương. Giống như Phiên họp Toàn thể lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương khoá 19 vào năm 2018 chỉ cách Phiên họp Toàn thể lần thứ 2 đúng một tháng. Đây là điều vô cùng quỷ dị. Khi đó ông Tập mở họp sát nhau như vậy là để chuẩn bị sửa đổi hiến pháp (mục đích là muốn làm lãnh đạo suốt đời).
Vốn dĩ Ban chấp hành Trung ương khoá 20 sẽ mở họp lần thứ 3 vào mùa thu (tức là khoảng tháng 9, tháng 10) năm ngoái – 2023, nhưng đến bây giờ vẫn chưa mở.
Có người nói rằng, ông Tập không có quy tắc nào cả, cho nên việc ông Lý Thượng Phúc bị cách chức Ủy viên Quân ủy Trung ương không có gì là nghiêm trọng. Nhưng Giáo sư Chương lại không cho là như vậy.
Việc ông Tập phá vỡ quy định gây ảnh hưởng vô cùng lớn đến hệ sinh thái chính trị ở cao tầng. Nếu hết thảy quy định đều trở thành tờ giấy không có chữ thì ông Tập sẽ mất đi tất cả sự chế ước và cân bằng. Vốn dĩ Ban chấp hành Trung ương mở họp có thể là việc mang tính hình thức, nhưng ông Tập vẫn nên làm theo trình tự. Nhưng hiện nay, ông Tập cũng bỏ luôn trình tự đó.
Ông Tập làm như vậy không chỉ làm cho các quan chức cấp cao của CCP không có cảm giác an toàn, mà tất cả doanh nghiệp tư nhân và đầu tư nước ngoài cũng hoang mang tột độ. Vốn dĩ Trung Quốc là một xã hội thiếu ‘pháp trị’, mở họp mặc dù mang tính hình thức nhưng vẫn phải mở để ngoại giới thấy CCP vẫn hành sự theo trình tự. Nhưng hiện nay, ông Tập đã phá vỡ trình tự đó và đã đi đến bước muốn gì làm nấy. Mà kinh tế lại rất sợ tính không xác định, cho nên các nhà đầu tư nước ngoài hoặc người muốn làm ăn với Trung Quốc sẽ cảm thấy vô cùng sợ hãi.
Việc ông Tập phá vỡ quy định cũng không khác gì việc làm những cái gọi là ‘luật chống gián điệp’, ‘Bộ Quốc An (An ninh Quốc gia) can thiệp tài chính’, v.v. những điều này đều làm cho giới doanh nghiệp sợ hãi.
Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc ‘chỉ trích’ trực tiếp Tập Cận Bình
Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc là ông Nicholas Burns khi nhận phỏng vấn của đài CBS, đã chia sẻ một vài vấn đề rất quan trọng.
Ông Burns nói: Trong 10 năm qua, quyền lực của CCP không ngừng tập trung (ý chỉ phong cách ‘lãnh đạo một người’ của ông Tập), tăng cường trấn áp dân chúng. Chủ tịch Tập Cận Bình không ngừng đảo ngược rất nhiều biện pháp cải cách thị trường vốn đã tạo nên kỳ tích cho nền kinh tế Trung Quốc, cho nên mới tạo thành khó khăn cho kinh tế Trung Quốc như hiện nay.
Lời ông Burns đã rất rõ ràng, đó là khó khăn của kinh tế Trung Quốc là do ông Tập tạo thành.
Chưa dừng lại ở đó, ông Burns nói thêm: Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, do kinh tế yếu kém và chính sách khắc nghiệt của chính phủ, Trung Quốc đã làm tổn thất 120 tỷ đô-la Mỹ đầu tư nước ngoài dài hạn, điều này khiến tương lai của các công ty Mỹ tại Trung Quốc tràn đầy sự bất ổn.
Việc ông Burns nói rất thẳng thắn như thế này là một điều rất hiếm thấy, bởi vì là một Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc mà ông đã gọi đích danh và phê bình chính sách kinh tế của ông Tập là điều chưa từng có.
Ông Burns nói thêm: Một số công ty Mỹ đã rời khỏi thị trường Trung Quốc, nhưng rất nhiều đều ở lại, nhưng họ sẽ không đầu tư hoặc không tiến hành đầu tư lượng lớn cho đến khi thấy được hướng đi của chính phủ. Câu này có nghĩa là: Nếu ông Tập Cận Bình còn ở đó thì họ sẽ không đầu tư, bởi vì hướng đi của chính phủ Trung Quốc đầy tính không xác định. Nói cách khác, chỉ cần ông Tập còn đó thì kinh tế sẽ không tốt lên.
Về sự phát triển của quan hệ Mỹ – Trung trong tương lai, ông Burns nói rằng mình ‘giữ một thái độ thận trọng’. ‘Thái độ thận trọng’ tức là không lạc quan. Ông Burns nói thêm: Bởi vì sự cạnh tranh và không có tin tưởng căn bản trong quan hệ Mỹ – Trung đang làm lung lay quyết tâm của giới doanh nghiệp; quan hệ hai nước trong tương lai sẽ bị đẩy đến điểm thấp nhất trong nửa thế kỷ tới.
Nữ phóng viên phỏng vấn ông Burns là bà Lesley Stahl hỏi rằng: Nhưng ông nói ‘ly hôn’ (Mỹ – Trung tách rời) không phải là một sự lựa chọn. Ông Burns trả lời: Đây là quan hệ quan trọng nhất, cạnh tranh nhất và nguy hiểm nhất trên thế giới đối với nước Mỹ hiện nay. Trong khoảng 10 năm tới sẽ tiếp tục như vậy.
Ông Burns nói tiếp: Hai nước xác thực là sẽ cùng chung sống, nhưng Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chủ yếu nhất, quan trọng nhất của chúng ta… Nhưng Trung Quốc lại là đối tác thương mại lớn thứ ba của Mỹ, cung cấp 750 nghìn cơ hội việc làm cho người Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực nông sản. Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Mỹ. Mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu mấy chục triệu đến 100 triệu tấn đậu nành từ nước Mỹ, 1/5 nông sản của Mỹ là xuất khẩu sang Trung Quốc. Cho nên việc tách rời hoàn toàn không phải là một sự lựa chọn.
Ông Burns đã nói rất rõ ràng, vấn đề kinh tế Trung Quốc là do ông Tập, nhưng Mỹ – Trung không thể tách rời.
Ở đây cũng đã cho thấy cấp cao của nước Mỹ (như Quốc vụ viện hay Nhà Trắng) đã vạch giới hạn cho quan hệ Mỹ – Trung như thế nào. Bởi vì khi phóng viên hỏi về sự kiện khinh khí cầu gián điệp vào tháng 2 năm ngoái – 2023, ông Burns đã nói rằng: Tôi cho rằng, Trung Quốc cuối cùng cũng muốn vượt qua nước Mỹ để trở thành quốc gia lãnh đạo toàn cầu. Chúng ta không hy vọng hình huống đó xảy ra, chúng ta không muốn sống trong thế giới mà CCP chiếm vị trí lãnh đạo.
Trên thực tế, đoạn này không có ý là ‘anh chết tôi sống’ để hình dung, mà trên cơ bản là: Trung Quốc muốn vượt Mỹ, Mỹ tuyệt đối không chấp nhận, Mỹ tuyệt đối không để Trung Quốc lãnh đạo thế giới.
Vì sao Mỹ không muốn Trung Quốc lãnh đạo thế giới? Ông Burns cũng đã nói rất rõ ràng, đó là do vấn đề hình thái ý thức.
Phóng viên hỏi ông Burns: Nếu hiện nay cũng là một cuộc chiến tranh lạnh thì ông cảm thấy đây là cuộc chiến tranh lạnh như thế nào? Ông Burns trả lời: Đây là một cuộc cạnh tranh, một cuộc đấu tranh về tư tưởng. Lý niệm của chúng ta là: Nước Mỹ quan tâm đến lý niệm vĩ đại về ‘xã hội dân chủ’ và ‘tự do nhân loại’. Mà CCP cho rằng, quốc gia theo chủ nghĩa cực quyền mạnh hơn nhiều so với quốc gia dân chủ. Tôi không tin điểm này. Cho nên ở đây tồn tại một cuộc tranh luận, đó là tư tưởng của ai nên lãnh đạo thế giới. Tôi tin rằng, đáp án là tư tưởng của nước Mỹ.
Giáo sư Chương nói, bản thân mình rất vui khi ông Burns có thể nói ‘trực ngôn bất huý’ (直言不諱: thẳng thắn không kiêng dè) về điểm then chốt trong quan hệ Mỹ – Trung.
Đây không phải cuộc chiến trong các lĩnh vực như kinh tế, công nghệ, quân sự, hay là địa chính trị… mặc dù cũng rất kịch liệt nhưng nó chỉ là biểu hiện bên ngoài. Ở đây, cạnh tranh cuối cùng trong quan hệ Mỹ – Trung chính là cuộc chiến về hình thái ý thức. Trên thực tế, ông Burns đã chỉ ra rằng, Mỹ ắt phải giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc chiến về hình thái ý thức.
Ông Burns không vạch ra được con đường đi đến thắng lợi, ông chỉ là một Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, cho nên cũng không thể vạch ra sách lược của Mỹ đối với Trung Quốc trong dài hạn. Mỹ không có cách nào tách rời Trung Quốc, do đó sự cạnh tranh của hai nước Mỹ – Trung là không thể tránh khỏi.
Trước đây, giữa Mỹ và Liên Xô có thể nói là không giáp ranh biên giới, cũng không có qua lại, chính là một tình trạng tách rời hoàn toàn, không quản chuyện của nhau. Nhưng giữa hai nước Mỹ – Trung là không có cách nào phong bế lẫn nhau, cho nên cuộc cạnh tranh về hình thái ý thức cũng không có cách nào tránh khỏi. Nếu Mỹ muốn thắng trong cuộc chiến về hình thái ý thức thì có nghĩa là Trung Quốc phải thua trong cuộc chiến về hình thái ý thức. Nói cách khác, tự do dân chủ của nước Mỹ (theo cách nói của ông Burns) phải đánh bại được hình thái ý thức của CCP.
Do đó không phải ‘động súng động pháo’ mới được tính là chiến tranh, mà trên thực tế cuộc chiến về hình thái ý thức vẫn là hình thái cao nhất của chiến tranh.
Thuần Phong biên dịch