Vào Chủ nhật (ngày 3/3), Chính phủ Malaysia thông báo rằng họ đang thúc đẩy việc nối lại hoạt động tìm kiếm chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines. Cách đây gần 10 năm, MH370 đã biến mất trên đường từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh, sự biến mất của chiếc máy bay này đã trở thành một trong những bí ẩn hàng không lớn nhất thế giới. Sau đó, có nhiều suy đoán cho rằng cơ trưởng có thể đã cố tình làm rơi máy bay hoặc có bên thứ ba đang điều khiển nó.
Chuyến bay MH370 là máy bay chở khách Boeing 777. Ngày 8/3/2014, chuyến bay MH370 từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh đã biến mất một cách bí ẩn chưa đầy một giờ sau khi cất cánh, trên máy bay có 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn, trong đó có hơn 150 hành khách Trung Quốc.
Úc, Trung Quốc và Malaysia đã kết thúc cuộc tìm kiếm trị giá 157 triệu USD vào tháng 1/2017 mà không có kết quả.
Các nhà điều tra Malaysia không loại trừ khả năng chuyến bay thương mại này đã cố tình chuyển hướng bay. Một số mảnh vỡ được xác định là của máy bay này đã trôi dạt vào bờ biển châu Phi và các hòn đảo ở Ấn Độ Dương.
Cuộc tìm kiếm phải tiếp tục
Fox News đưa tin hôm Chủ nhật (ngày 3/3), Bộ trưởng Giao thông Vận tải Malaysia Anthony Loke cho biết, mặc dù đã trải qua hai lần nỗ lực tìm kiếm thất bại nhưng công ty thám hiểm dưới đáy biển Ocean Infinity của Mỹ đã được mời để thảo luận về các khuyến nghị tìm kiếm mới nhất.
“Chính phủ Malaysia cam kết tìm kiếm MH370 và cuộc tìm kiếm phải tiếp tục”, ông Loke nói tại sự kiện kỷ niệm hôm Chủ nhật tuần trước, đồng thời cho biết Malaysia sẽ thảo luận về việc hợp tác với Úc sau khi đề xuất của công ty Oceans Infinite được chính phủ Malaysia chấp thuận.
Bà Anne Daisy là một trong những nạn nhân trên chuyến bay MH370, chồng của bà là ông V.P.R. Nathan đã bày tỏ sự hoan nghênh trước đề xuất “không tìm thấy, không trả phí” của công ty Ocean Infinity.
“Chúng tôi muốn tiếp tục tìm kiếm, nhưng chúng tôi cũng phải thực tế”, ông V.P.R. Nathan nói. “Chúng tôi không thể hy vọng chính phủ chi hàng tỷ USD [cho việc tìm kiếm này]”.
Sự mất tích của chuyến bay này đã dẫn đến nhiều năm tìm kiếm và hàng loạt thông tin phức tạp, khó hiểu đã được tiết lộ, nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết luận đáng tin cậy về những gì đã xảy ra. Ba năm sau khi chuyến bay này mất tích, chính quyền Malaysia đã hủy bỏ hoạt động tìm kiếm, sau đó cũng có một vài hoạt động tìm kiếm ngắn hạn được thực hiện.
Sự biến mất khó hiểu của MH370
Một bộ phim tài liệu do Netflix phát hành vào tháng 3/2020 đã tái hiện lại dòng thời gian của vụ mất tích máy bay này, một số nhân vật nổi tiếng và những người tham gia vào quá trình ứng phó và tìm kiếm máy bay này cũng được phỏng vấn. Bộ phim tài liệu này cũng tái hiện một số giả thuyết kỳ lạ về những gì đã xảy ra với MH370.
Sau khi máy bay này mất tích, công ty vệ tinh Inmarsat có trụ sở tại London đã ghi lại và theo dõi một số âm thanh “ping” được phát ra từ máy bay trong sáu giờ tiếp theo. Những tín hiệu xung này cho phép công ty trên xác nhận rằng, máy bay MH370 đã quay trở lại Malaysia trước khi phát ra tín hiệu xung cuối cùng được xác định là đến từ đâu đó trên Ấn Độ Dương. Bí ẩn càng sâu hơn khi Inmarsat sử dụng dữ liệu này để xác định rằng MH370 đã bay về phía nam đến Ấn Độ Dương chứ không phải bay về phía bắc qua lục địa châu Á.
Trong vài năm sau đó, một số mảnh vỡ máy bay được cho là đã được ông Blaine Gibson, một “nhà thám hiểm” nghiệp dư, tìm thấy trên các đảo xung quanh Ấn Độ Dương. Phía hãng hàng không Malaysia Airlines cho biết những mảnh vỡ này phù hợp với chiếc Boeing 777. Họ cho rằng những bằng chứng này đủ để chứng minh rằng máy bay MH370 đã bị rơi, vì không có báo cáo nào về máy bay khác bị mất tích trong thời gian đó.
Sau đó, lại xuất hiện nhiều đồn đoán về việc cơ trưởng đã cố ý lái máy bay đâm xuống biển hoặc có sự can thiệp của bên thứ ba. Tờ Daily Telegraph ngày 12/12/2022 đưa tin, ông Blaine Gibson và ông Richard Godfrey (người Anh) cho biết: “Việc hạ cánh càng cho thấy đây là hành động có chủ ý của phi công nhằm đảm bảo máy bay chìm nhanh sau khi va chạm”.
Bài báo trên cho biết: “Vụ va chạm ở tốc độ cao và thiết bị hạ cánh được mở cho thấy [người gây án] rõ ràng có ý định che giấu bằng chứng về vụ tai nạn”.
Mới năm ngoái, một ngư dân Úc đã nghỉ hưu là ông Kit Olver nói với tờ Sydney Morning Herald rằng, ông đã phát hiện ra mảnh vỡ của chiếc máy bay này trong một chuyến thám hiểm đánh cá biển sâu khi tàu đánh cá của ông kéo lên thứ dường như là một mảnh của cánh máy bay.
Ông Olver cho biết đã im lặng suốt 9 năm nhưng mong được đứng ra cung cấp thông tin để giúp đỡ gia đình các hành khách trên chuyến bay MH370.
Hiện nay, đã có khoảng 36 mảnh vỡ trôi nổi liên quan đến MH370 được phát hiện và chúng đã được gửi đến cơ quan chức năng Malaysia để điều tra.
Theo The Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch