Ngày 10/3, theo báo cáo từ phương tiện truyền thông Đài Loan Liberty Times, cái chết bí ẩn của những tài năng khoa học và công nghệ hàng đầu Trung Quốc gây nhiều đồn đoán.
Những năm gần đây, Trung Quốc đã mất đi nhiều nhân tài khoa học và công nghệ hàng đầu trong nước. Trong đó, chỉ riêng ở lĩnh vực nhận dạng khuôn mặt đã mất đi 2 nhân tài, bao gồm ông Tôn Kiếm, nhà khoa học trưởng của công ty AI hàng đầu Megvii của Trung Quốc, kiêm Giám đốc Viện nghiên cứu Megvii, qua đời năm 2022 ở tuổi 46.
Ngày 14/6/2022, Megvii đưa ra cáo phó nêu rằng ông Tôn Kiếm qua đời vì nỗ lực chữa trị thất bại. Theo nguồn tin của Megvii, ông Tôn Kiếm vẫn chạy bộ vào tối ngày 13/6. Ông bất ngờ ngã xuống đất sau khi trở về nhà, và được đưa đến bệnh viện, nhưng không thể qua khỏi.
Ngoài ra, ông Thang Hiểu Âu (Tang Xiaoou), người sáng lập SenseTime, một công ty AI khác của Trung Quốc, được cho là đã qua đời vào ngày 15/12/2023, ở tuổi 55.
Trên mạng Trung Quốc có tin đồn rằng ông đã nhảy lầu tự tử. Một số người cho rằng nguyên nhân cái chết không đơn giản. Một số khác lại suy đoán rằng ông có liên quan đến tranh chấp lợi ích ở Thượng Hải, hoặc kiếm được quá nhiều lợi nhuận, xúc phạm các quan chức cao nhất của ĐCSTQ và bị bịt miệng.
SenseTime bác bỏ tin đồn và đưa ra cáo phó cho biết, ông Thang Hiểu Âu qua đời do điều trị bệnh không hiệu quả.
Công nghệ của SenseTime có thể nhận dạng một lượng lớn khuôn mặt từ xa. Trung Quốc đã thiết lập một dự án giám sát “Skynet” trên khắp đất nước với sự trợ giúp đắc lực của công ty này.
SenseTime bị các chuyên gia nhân quyền chỉ trích. Phần mềm giám sát được phát triển bởi SenseTime đàn áp nhân quyền, và vi phạm các chuẩn mực đạo đức trong việc phát triển AI.
Ngay từ ngày 10/12/2021, SenseTime đã bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen, vì hỗ trợ Chính phủ Trung Quốc đàn áp nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ, và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương.
Cũng như các công ty phức hợp công nghiệp quân sự khác của Trung Quốc, SenseTime bị cấm đầu tư vào Hoa Kỳ. Sau SenseTime, ngày 14/12/2021, Megvii và nhiều công ty Trung Quốc khác cũng bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen.
Bộ Tài chính Hoa Kỳ nhấn mạnh, các công ty do Trung Quốc tài trợ này hỗ trợ Chính phủ Trung Quốc nhận dạng sinh trắc học và theo dõi các dân tộc thiểu số ở nước này. Bộ Tài chính Hoa Kỳ sẽ đảm bảo rằng các nhà đầu tư Hoa Kỳ không ủng hộ những hành động đó.
Ông Phùng Dương Hách (Feng Yanghe), lãnh đạo AI quân sự hàng đầu của Trung Quốc, qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi. Thậm chí nguyên nhân cái chết của ông còn kỳ lạ hơn.
Theo cáo phó do Hiệp hội Trí tuệ nhân tạo (Trí tuệ nhân tạo) Trung Quốc công bố vào ngày 11/7/2023 trên tài khoản WeChat công khai, ông Phùng Dương Hách đang trên đường thực hiện một nhiệm vụ quan trọng vào lúc 2:35 sáng ngày 1/7/2023, ngày kỷ niệm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), thì không may qua đời ở Bắc Kinh, thọ 38 tuổi.
Theo truyền thông của Chính phủ Trung Quốc, sau khi tham dự một cuộc họp quan trọng ở Bắc Kinh, chiếc xe quân sự chuyên dụng mà ông Phùng Dương Hách đang lái đã va chạm nghiêm trọng với một xe tải xi măng lớn khác, khiến ông tử vong tại chỗ.
Khi đó, nhiều cư dân mạng Trung Quốc nghi ngờ có thể ông đã bị ám sát, chứ không phải một sự cố.
Theo báo cáo này, Chu Quang Viễn, một chuyên gia nổi tiếng người Trung Quốc trong lĩnh vực vật liệu macromolecule (đại phân tử), kiêm nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Trung Quốc, cũng qua đời vào cuối năm ngoái.
Viện Vật lý Hóa học Đại Liên thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc công bố cáo phó cho biết, ông Chu Quang Viễn không may qua đời ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm vào sáng ngày 16/12/2023.
Trên Internet có tin, ông qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi. Trong suốt cuộc đời mình, ông Chu Quang Viễn chủ yếu nghiên cứu công nghệ tổng hợp và ứng dụng polyurethane (PU) gốc sinh học và nhựa kỹ thuật đặc biệt.
Ông từng là chuyên gia trong lĩnh vực 863 vật liệu mới của Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, và một chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển vật liệu quan trọng.
Gần đây, ông Lưu Đông Hạo, người sáng lập “Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật bảo mật big data tỉnh Quý Châu”, kiêm Tổng thư ký Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc trung tâm cũng qua đời.
Ngày 9/3, tài khoản công khai WeChat của trung tâm này thông báo rằng ông Lưu Đông Hạo, qua đời trong một vụ tai nạn vào ngày 5/3. Theo đánh giá từ những bức ảnh chính thức gần đây, ông khoảng 50 tuổi.
Theo trang web của Chính phủ Trung Quốc, “Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật bảo mật big data tỉnh Quý Châu” được chính quyền thành phố Quý Dương và tập đoàn Alibaba đồng khởi xướng.
Trung tâm này được thành lập vào tháng 11/2017, chuyên nghiên cứu và phát triển “bảo mật dữ liệu”, cũng như khám phá cách quản trị mô hình và thực tiễn công nghiệp về bảo mật dữ liệu, nhằm xây dựng tổ chức bảo mật dữ liệu hàng đầu Trung Quốc.
Trên thực tế, trong khoảng 6 tháng trở lại đây, ít nhất 4 nhà khoa học hàng đầu đang ở thời kỳ đỉnh cao của Trung Quốc, trong đó có ông Lưu Đông Hạo, đã đột ngột qua đời, thu hút sự chú ý, thậm chí gây ra nhiều đồn đoán từ ngoại giới.
Bình Minh (t/h)