Khi phí bảo hiểm y tế cho người dân thành thị và nông thôn ở Trung Quốc tiếp tục tăng, ngày càng nhiều người dân ở khu vực nông thôn ngừng đóng bảo hiểm y tế. Người cao tuổi ở nhiều thành phố xuống đường biểu tình phản đối cải cách bảo hiểm y tế của chính quyền.
Một số cán bộ thôn tiết lộ, năm nay số lượng người tham gia bảo hiểm ở nông thôn giảm và rất khó khăn trong việc thu tiền. Nhiều thôn chưa đạt chỉ tiêu tỷ lệ tham gia bảo hiểm do cấp trên yêu cầu.
Nhiều người già và trẻ em không tham gia bảo hiểm y tế
Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin vào ngày 12/3 rằng, vào tháng 12 năm ngoái, một cán bộ thôn ở thành phố Thương Châu, tỉnh Hà Bắc đã đăng thông báo về việc đóng phí bảo hiểm y tế cơ bản cho cư dân nông thôn năm 2024 trong nhóm chat của thôn. Sau khi nhận được thông báo, anh Lý Hạo đã không do dự đóng tiếp 380 nhân dân tệ (1,3 triệu đồng) phí bảo hiểm y tế cho cha mình là ông Lý Chí Dũng, hơn 50 tuổi.
Tuy nhiên, Lý Hạo đã từ bỏ việc đóng bảo hiểm cho bảy người còn lại trong gia đình.
Đây không phải là năm đầu tiên anh và gia đình ngừng đóng bảo hiểm y tế cư dân nông thôn. Anh nhớ lại, trước đây, mẹ và ông nội của anh cũng từng tham gia, nhưng từ khi mức phí tăng lên hơn 200 nhân dân tệ, ông nội hơn 80 tuổi và mẹ anh đã ngừng đóng, vợ chồng anh và ba đứa con nhỏ chưa bao giờ tham gia bảo hiểm y tế.
Lý Hạo cho rằng phí bảo hiểm y tế tăng cao hàng năm, nếu cả nhà tham gia, 8 người sẽ phải đóng 3.040 nhân dân tệ, nếu những người khác không ốm đau, 2.000 nhân dân tệ phí bảo hiểm y tế sẽ bị lãng phí.
Gia đình Lý Hạo là một điển hình của việc khu vực nông thôn đã ngừng đóng tiền bảo hiểm y tế. Ở những ngôi làng như ở tỉnh Hà Bắc, An Huy và Hà Nam, hầu hết người dân không có bảo hiểm đều rơi vào hoàn cảnh tương tự như gia đình Lý Hạo, và một số người chỉ mua bảo hiểm y tế cho người già và trẻ em.
Nhiều người dân đã ngừng mua bảo hiểm y tế cho biết, phí bảo hiểm tăng liên tục từ 10 nhân dân tệ/người lên 380 nhân dân tệ/người đã tạo ra áp lực kinh tế nhất định cho họ. Một người dân cho biết, trước đây vợ chồng cô đều mua bảo hiểm y tế, nhưng năm nay do kinh tế khó khăn nên họ quyết định không đóng nữa.
Theo dữ liệu do Cục Bảo hiểm Y tế Trung Quốc công bố, số người mua bảo hiểm y tế đã giảm dần kể từ năm 2019.
Ông Triệu Quân, một cán bộ thôn ở làng của Lý Hạo, cho biết năm nay số lượng người mua bảo hiểm trong làng của ông sụt giảm và năm nay gặp khó khăn lớn trong việc thu tiền bảo hiểm.
Phí bảo hiểm y tế tăng dẫn đến ‘làn sóng ngừng đóng’
Từ năm 2019, anh Trương Kiện làm việc tại văn phòng bảo hiểm y tế tại một thị trấn thuộc tỉnh Hà Bắc. Anh chia sẻ rằng năm nay việc thu phí gặp nhiều khó khăn. Anh đã trao đổi với cán bộ thôn ở địa phương và đều nhận được phàn nàn của người dân về chi phí mua bảo hiểm y tế quá cao.
Anh Trương Kiện cho biết, năm nay chỉ tiêu tham gia bảo hiểm y tế của toàn huyện phải đạt trên 95% so với năm trước. Tuy nhiên, trước 3 ngày so với hạn chót đóng phí năm nay, tất cả các xã, thị trấn trong huyện đều chưa hoàn thành yêu cầu, còn thiếu hơn 50.000 người so với mục tiêu đề ra. Anh dự đoán rằng các xã, thị trấn sẽ khó đạt được mục tiêu.
Theo Sohu.com, phí bảo hiểm y tế liên tục tăng từ 10 nhân dân tệ/người lên 380 nhân dân tệ/người trong năm nay, và đây chỉ là mức thấp nhất. Nhìn từ góc độ gia đình, chi phí bảo hiểm y tế cho một gia đình có thể lên tới 2.000 – 5.000 nhân dân tệ hoặc thậm chí cao hơn (từ 5 triệu đồng – 17 triệu đồng).
Bài báo cho biết, việc phí bảo hiểm y tế liên tục tăng cao đã dẫn đến ‘làn sóng ngừng đóng’ bảo hiểm y tế và xu hướng này đang ngày càng gia tăng. Lấy ví dụ năm 2022, có hơn 20 triệu người không đóng bảo hiểm y tế.
Nhiều người cao tuổi biểu tình cải cách bảo hiểm y tế
Tại Trung Quốc, vấn đề bảo hiểm y tế, vốn liên quan mật thiết đến đời sống của người dân, đang có nhiều bất cập. Ngoài việc phí bảo hiểm y tế tăng cao dẫn đến làn sóng ngừng đóng ở khu vực nông thôn, tại khu vực thành thị, do cải cách bảo hiểm y tế khiến đãi ngộ phúc lợi xã hội cho nhiều người lao động đã nghỉ hưu bị giảm xuống, buộc nhiều người cao tuổi phải xuống đường biểu tình phản đối.
Cải cách bảo hiểm y tế do chính quyền Trung Quốc đề xuất vào năm ngoái, nhằm mục đích bù đắp thâm hụt cho quỹ bảo hiểm y tế dành cho người lao động địa phương, đã dẫn đến các cuộc tranh luận lớn. Các chính sách cải cách liên quan đến bảo hiểm y tế dẫn đến các cuộc biểu tình quy mô lớn tại nhiều thành phố như Vũ Hán, các cuộc biểu tình này còn được gọi là ‘Cách mạng tóc bạc’.
Theo The Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch