Một hãng hàng không Việt Nam trả toàn bộ máy bay để xóa nợ

Pacific Airlines tạm ngừng khai thác các đường bay kể từ ngày 18/3 sau khi trả toàn bộ máy bay đã thuê của đối tác nhằm cơ cấu nợ. (Ảnh: Pacific Airlines/Facebook)

Pacific Airlines tạm ngừng khai thác các đường bay kể từ ngày 18/3 sau khi trả toàn bộ máy bay đã thuê của đối tác nhằm cơ cấu nợ.

Báo Thanh Niên đưa tin chiều ngày 18/3, một số hành khách liên hệ tới các đơn vị bán vé máy bay để tìm mua vé dịp cao điểm hè nhưng chỉ được báo giá chuyến bay của các hãng Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways và Vietravel Airlines. Hầu hết mạng bay mùa hè tới không có chuyến bay nào do hãng Pacific Airlines khai thác.

Theo khảo sát, trên tất cả các trang bán vé máy bay trực tuyến cũng như trên trang web chính thức của Vietnam Airlines, tất cả các chuyến bay từ hôm nay (18/3) cũng đã không còn hiển thị cái tên Pacific Airlines.

Cùng ngày (18/3), báo Lao Động dẫn thông tin từ ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết đã nhận được báo cáo của hãng hàng không Pacific Airlines về việc “trả hết máy bay để xóa nợ”.

Theo đó, Pacific Airlines báo cáo với Cục Hàng không Việt Nam rằng từ 18/3 hãng này không còn tàu bay khai thác.

“Họ trả hết tàu bay để tái cơ cấu nợ, khách hàng của Pacific Airlines thì Vietnam Airlines sẽ đảm bảo”, ông Thắng nói.

Vietnam Airlines đang thu xếp để Pacific Airlines thuê khô 03 tàu bay.

Hiện Vietnam Airlines vẫn chưa có thông báo chính thức về kế hoạch duy trì hoạt động của Pacific Airlines trong thời gian tới, đồng thời việc đàm phán trả máy bay đạt kết quả thế nào. Song, ước tính, việc các hãng cho thuê tàu nhận lại toàn bộ đội bay có thể giúp Pacific Airlines xóa được khoản nợ “khủng” lên tới vài trăm triệu USD.

Hãng hàng không Pacific Airlines được thành lập vào năm 1991. Số vốn thành lập ban đầu là 40 tỷ đồng và có 7 cổ đông, bao gồm Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, 4 doanh nghiệp thành viên và Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, Công ty Du lịch Sài Gòn giao thông vận tải.

Sau 2 năm hoạt động, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam đã tái cơ cấu cấu trúc bộ phận khai thác Pacific Airlines thành hãng hàng không dân dụng Việt Nam.

Vào năm 1995, Pacific Airlines trở thành đơn vị thành viên của Vietnam Airlines, sau đó là của Tổng công ty Hàng không Việt Nam năm 1996. Suốt 10 năm, hãng hoạt động theo cơ cấu này.

Tuy nhiên hiệu quả không được như mong muốn vì thế lại tiếp tục đổi chủ năm 2005. Trong quá trình thay đổi, hãng đã cắt bỏ những đường bay kém hiệu quả.

Khi Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước SCIC thành lập, tháng 8/2006, hãng lại đổi chủ. Toàn bộ số cổ phần của Pacific Airlines lúc này được chuyển từ Bộ Tài chính sang SCIC và SCIC chính thức điều hành hoạt động của hãng.

Trong năm 2006 – 2007, Qantas – Australia và AirAsia Malaysia chạy đua để trở thành cổ đông chiến lược của Pacific Airlines, kết quả sau đó là Qantas giành chiến thắng.

Tháng 10/2020, Qantas Group thực hiện các thủ tục rút khỏi Pacific Airlines và chuyển giao lại 30% cổ phần cho Vietnam Airlines theo hình thức tặng lại.

Đến quý 1/2022, thương vụ này đã hoàn tất và Vietnam Airlines nắm giữ gần 99% cổ phần tại Pacific Airlines kể từ đó đến nay.

Theo báo cáo thường niên của Vietnam Airlines, trong năm 2022, Pacific Airlines ghi nhận tổng doanh thu gần 3.487 tỷ đồng, lỗ trước thuế 2.096 tỷ đồng, giảm lỗ 212 tỷ đồng so với năm 2021.

Theo báo Thanh Niên, giai đoạn 2009 – 2021, Pacific Airlines chỉ có lãi 3 năm trong khi 9 năm còn lại thua lỗ.

Với 3 năm liền lỗ trên 2.000 tỷ đồng/năm từ sau giai đoạn COVID-19, ước tính hiện lỗ lũy kế của Pacific Airlines đến cuối năm 2022 đã lên hơn 10.700 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 6.700 tỷ đồng.

Minh Long

Related posts