Evergrande bị phạt 4,175 tỷ RMB, ông Hứa Gia Ấn bị cấm tham gia TTCK

Tập đoàn Evergrande ngày 28/9 xác nhận ông Hứa Gia Ấn, người sáng lập tập đoàn, đã bị bắt liên quan đến phạm tội. (Ảnh chụp màn hình video)

Vào ngày 18/3, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc đã ban hành lệnh phạt đối với Evergrande Real Estate và cấm ông Hứa Gia Ấn tham gia thị trường chứng khoán suốt đời.

Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc phạt Evergrande Real Estate và ông Hứa Gia Ấn

Tối 18/3 theo giờ Trung Quốc, Evergrande Real Estate cho biết nhận được thông báo trước về xử phạt hành chính và lệnh cấm tham gia thị trường từ Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc.

Thông báo viết ông Hứa Gia Ấn (Xu Jiayin), khi còn là Chủ tịch của Evergrande Real Estate, và Hạ Hải Quân (Xia Haijun) khi còn là Phó Chủ tịch kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Evergrande Trung Quốc, cùng những người khác, đã đưa ra các quyết định và tổ chức thực hiện hành vi gian lận tài chính, v.v. Ông Hứa Gia Ấn và Hạ Hải Quân lần lượt bị phạt với mức phạt 47 triệu nhân dân tệ và 15 triệu nhân dân tệ, đồng thời bị cấm tham gia thị trường chứng khoán suốt đời.

Đồng thời, Bất động sản Evergrande (Evergrande Property) cũng bị yêu cầu cải chính, cảnh cáo và bị phạt 4,175 tỷ nhân dân tệ.

Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc cho rằng ông Hứa Gia Ấn đã ra quyết định và tổ chức thực hiện hành vi gian lận tài chính bằng thủ đoạn đặc biệt nghiêm trọng và tình tiết đặc biệt nghiêm trọng.

Tòa án Hồng Kông ban hành lệnh thanh lý đối với Evergrande Group

Tòa án Tối cao Hồng Kông đã tổ chức phiên điều trần về thanh lý (phát mại) đối với Tập đoàn Evergrande Trung Quốc vào ngày 29/1 và chính thức ban hành lệnh yêu cầu Tập đoàn Evergrande Trung Quốc thanh lý. Cùng ngày, các cổ phiếu Hồng Kông China Evergrande, Evergrande Automobile và Evergrande Property đều bị đình chỉ trong phiên.

Trước đó, tòa án đã 7 lần hoãn phiên xét xử về việc thanh lý, một mặt để công ty có cơ hội đề xuất phương án cơ cấu lại nợ, mặt khác để tránh gây ảnh hưởng quá lớn đến thị trường tài chính.

Thẩm phán Tòa án Tối cao Hồng Kông Linda Chan (Trần Tĩnh Phân) cho biết trong phán quyết của mình rằng Tập đoàn Evergrande mất khả năng thanh toán và kế hoạch tái cơ cấu nợ không có đủ tiến triển, do đó tòa án tuyên bố thanh lý.

Tập đoàn Evergrande có nợ toàn cầu hơn 300 tỷ USD. Top Shine Global, nhà đầu tư vào FCB (nền tảng giao dịch xe ô tô và bất động sản) Evergrande, đã nộp đơn xin thanh lý vào tháng 6/2022.

Ông Wu Lixian, chiến lược gia chứng khoán tại Everbright Securities International ở Hồng Kông, nói với Reuters rằng lệnh thanh lý này có thể ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường bất động sản Trung Quốc Đại Lục, từ đó sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế và thị trường vốn.

Ông Gary Ng, nhà kinh tế cấp cao của NATIXIS có trụ sở tại Boston, Mỹ, cho biết các nhà đầu tư lo lắng liệu việc thanh lý Tập đoàn Evergrande Trung Quốc có tạo ra hiệu ứng tuyết lăn đối với các nhà phát triển bất động sản khác hay không, bởi vì có nhiều công ty đang chờ đợi số phận có thể bị thanh lý.

Điều gì sẽ xảy ra sau khi Evergrande bị thanh lý?

Sau khi tòa án ban hành lệnh thanh lý tạm thời, người thanh lý tạm thời sẽ được chỉ định, sau đó người thanh lý chính thức sẽ được chỉ định để tiếp quản và chuẩn bị bán tài sản của nhà phát triển để trả nợ.

Nếu những người thanh lý xác định rằng Evergrande có đủ tài sản hoặc có những nhà đầu tư “hiệp sĩ trắng” (ám chỉ những người hoặc tổ chức đến để giúp công ty vượt qua khó khăn tài chính hoặc tránh bị mua lại một cách ác ý), họ có thể đưa ra đề nghị tái cơ cấu lại nợ cho chủ nợ nước ngoài đang nắm giữ khoản nợ 23 tỷ USD của Evergrande. Họ cũng sẽ điều tra các vấn đề của công ty và có thể chuyển mọi hành vi sai trái bị nghi ngờ của giám đốc công ty cho các công tố viên Hồng Kông.

Evergrande có thể kháng cáo lệnh thanh lý, nhưng thủ tục thanh lý sẽ tiếp tục trong thời gian kháng cáo.

Sau khi lệnh thanh lý được ban hành, cổ phiếu của Evergrande và các công ty con niêm yết đã bị đình chỉ hoạt động. Quy tắc niêm yết yêu cầu các công ty phải chứng minh cơ cấu kinh doanh có đủ giá trị tài sản và hoạt động.

Vì thứ tự trả nợ đầu tiên khi thanh lý một công ty Hồng Kông là nợ ưu tiên, tức là tiền lương nhân viên, bảo hiểm xã hội và thuế, v.v, giá trị thị trường của Evergrande Property và Evergrande Automobile do Evergrande nắm giữ là dưới 3 tỷ nhân dân tệ, ngay cả khi không tính đến việc tiếp tục giao dịch, với giá cổ phiếu giảm mạnh và tổn thất quy đổi tài sản sang tiền mặt, 3 tỷ nhân dân tệ có thể không đủ để trả khoản nợ ưu tiên sau khi thanh toán chi phí thanh lý.

Tập đoàn Evergrande trích dẫn phân tích của Deloitte tại phiên điều trần tại tòa án Hồng Kông vào tháng Bảy năm ngoái, dự đoán tỷ lệ thu hồi là 3,4% nếu thanh lý. Tuy nhiên, các chủ nợ dự kiến tỷ lệ thu hồi sẽ dưới 3% sau khi Evergrande cho biết vào tháng Chín rằng công ty và chủ tịch Hứa Gia Ấn đang bị chính quyền điều tra vì cáo buộc phạm tội.

Wall Street Journal đưa tin rằng các phiên điều trần thanh lý của Evergrande đã bị hoãn lại nhiều lần. Các cơ quan quản lý Trung Quốc đã chặn thỏa thuận tái cơ cấu trước đó sau khi cấm Evergrande phát hành trái phiếu mới, trong khi đây là một phần quan trọng của kế hoạch tái cơ cấu. “Vụ vỡ nợ của Evergrande là một bước ngoặt đối với ngành bất động sản Trung Quốc. Vụ việc cũng gây ra cuộc khủng hoảng thanh khoản trong ngành. Kể từ đó, hơn 50 nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã vỡ nợ và hàng ngàn người trong ngành mất việc làm.”

Việc thanh lý Evergrande sẽ có tác động gì đến thị trường bất động sản Trung Quốc?

Reuters đưa tin rằng mặc dù việc thanh lý Evergrande Group, một nhà phát triển có tài sản 240 tỷ USD, sẽ gây ra làn sóng chấn động cho thị trường vốn vốn đã mong manh, nhưng các chuyên gia cho rằng nó sẽ không cung cấp giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ cho các nhà phát triển bất động sản đang gặp khó khăn khác. Với quy mô của dự án và khoản nợ của Evergrande, quá trình này sẽ có sự tham gia của nhiều cơ quan chính phủ và những cân nhắc chính trị. Hoàn thành các dự án xây dựng nhà ở đang diễn ra sẽ là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp này, ngành bất động sản và chính phủ.

Ông Lý Hằng Thanh (Li Hengqing) một nhà kinh tế tại Viện Thông tin và Chiến lược (một tổ chức tư nhân của Mỹ), cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Đài Châu Á Tự do (RFA) rằng tòa án Hồng Kông cuối cùng đã ra phán quyết rằng Evergrande nên được thanh lý và được Bắc Kinh ủng hộ. Chính quyền Trung Quốc ý thức được rằng những vấn đề mà Evergrande bộc lộ không thể để kéo dài được nữa.

Ông nói: “[Cuộc khủng hoảng] của Evergrande đã diễn ra được vài năm, điều này tương đương với việc nói rằng tòa án đã ủng hộ và cho nó một cơ hội để tái cơ cấu, nhưng hiện giờ Evergrande hoàn toàn vô vọng”.

Lưu Tuyết Tùng (Liu Xuesong), một nhà bình luận của tờ Nhật báo Chiết Giang do chính quyền điều hành, có nhiều người theo dõi trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, viết: “Điều có thể thấy là nhiều (nhà phát triển bất động sản) đã dẫm phải ranh giới đỏ của luật pháp, thị trường không cứu sống được, không có kim bài miễn tử … Thanh lý, trả lại tiền, giao nhà, trừng trị nghiêm khắc theo pháp luật, chỉ có pháp quyền mới chữa lành được vết thương.”

Tại sao việc thanh lý Evergrande lại quan trọng?

Công chúng đặt ra một số nghi vấn: Evergrande chỉ là một công ty, tại sao điều này lại quan trọng đối với một quốc gia lớn như Trung Quốc?

Trang web tiếng Trung của New York Times đưa tin, điều này là do việc thanh lý Evergrande sẽ trở thành phép thử đối với các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các công ty Trung Quốc đang gặp khó khăn. Việc thanh lý Evergrande cũng là một phép thử đối với hệ thống tư pháp của Trung Quốc Đại Lục và mức độ mà họ sẵn sàng chấp nhận nền pháp quyền của Hồng Kông. Trong nhiều năm, Trung Quốc đã được hưởng lợi từ vị thế trung tâm tài chính toàn cầu của Hồng Kông, và khả năng có thể dự đoán của hệ thống tư pháp từng có tác dụng giúp Hồng Kông xác lập vị thế này.

Các thương vụ tái tổ chức và thanh lý liên quan đến các công ty bất động sản Trung Quốc là tương đối mới và có sự tham gia của một số nhà đầu tư lớn nhất thế giới, bao gồm cả các công ty quản lý quỹ hưu trí của người lao động Mỹ. Có hàng chục vụ việc tương tự như Evergrande đang chờ xử lý tại tòa án Hồng Kông.

Ông David Goodman, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Sydney, cho biết: “Cuộc khủng hoảng này cho thấy những triệu chứng của các công ty bất động sản và thị trường bất động sản nói chung”. “Chúng ta nên quan tâm, bởi vì nền kinh tế Trung Quốc là chìa khóa của nền kinh tế thế giới, và ngay cả những sự cố nhỏ cũng có thể gây bất ổn cho nền kinh tế thế giới”.

Lý Chính Hâm, Vision Times

Related posts