Người dân ở nhiều khu vực khác nhau của Trung Quốc đang ngày càng gặp khó khăn trong việc yêu cầu cung cấp sổ thông hành (passport). Các nhà quan sát chính trị tin rằng đây có thể là một biện pháp đối phó của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm ngăn chặn làn sóng ngày càng tăng những người dân ‘chạy’ khỏi đất nước và mang theo tài sản của họ.
(Ở Trung Quốc, người ta thường dùng từ “润” có phiên âm là ‘rùn’ đồng âm với từ ‘run’ trong tiếng Anh, để chỉ những người ‘chạy trốn’ khỏi nước này).
Ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times đã phỏng vấn một số người dân địa phương ở nhiều tỉnh thành của Trung Quốc và được biết rằng chính quyền ĐCSTQ đã siết chặt việc cấp sổ thông hành như một cách để ứng phó với làn sóng di cư ngày càng tăng khỏi Trung Quốc.
Một công dân đến từ huyện Đông Hải của Liên Vân Cảng, thuộc tỉnh duyên hải Giang Tô phía đông Trung Quốc, người muốn ẩn danh, gần đây đã xác nhận với The Epoch Times rằng chính quyền địa phương đã đình chỉ cấp sổ thông hành vì lo ngại về tình trạng di cư ồ ạt của người dân địa phương. Ad
Huyện Đông Hải được mệnh danh là “Phúc Kiến thứ hai,” một tỉnh duyên hải phía nam Trung Quốc, nơi nhiều người dân địa phương đã chuyển ra hải ngoại.
Ở tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, ông Thường Dũng (bí danh), một cư dân ở thành phố Tín Dương, nói với The Epoch Times rằng đã hơn 20 ngày kể từ khi ông nộp hồ sơ yêu cầu cấp sổ thông hành, và ông không ngờ thời gian chờ đợi lại lâu đến thế.
Ông nói rằng ông đã thấy nhiều người khác cũng yêu cầu cấp sổ thông hành giống như ông, và một trong số họ ngay lập tức bị từ chối.
Ông Thường cũng tiết lộ, theo như ông biết, nhiều thành phố đã ngừng cấp sổ thông hành. Một số chính quyền khu vực ở Quý Châu, một tỉnh phía tây nam Trung Quốc, thậm chí còn trực tiếp tịch thu sổ thông hành từ người dân, và tuyên bố “giữ hộ sổ thông hành thay cho họ.”
“[Tôi nghĩ] chính quyền ngừng cấp [sổ thông hành] vì có quá nhiều người Trung Quốc trốn khỏi đất nước vào dịp lễ [Tết Nguyên Đán].”
Một nhân viên làm việc cho cơ quan cấp sổ thông hành ở Thanh Đảo, phía đông tỉnh Sơn Đông, nói với The Epoch Times rằng quy trình cấp sổ ngày càng trở nên phức tạp và nghiêm ngặt. “Trước đây, chỉ cần cung cấp thông tin cần thiết là đủ để có được sổ thông hành. Nhưng mà giờ đây kể cả có đủ giấy tờ cần thiết thì cũng khó mà được cấp sổ.”
Các nhân viên cũng cho biết họ đã được lệnh của lãnh đạo là không nhận đơn yêu cầu cấp sổ thông hành từ tỉnh Phúc Kiến, vì hầu hết người dân Phúc Kiến có xu hướng di cư đến khu vực Đông Nam Á và các nước khác. “Người dân [Phúc Kiến] hiện đang bị ‘gắn nhãn’ là những người thường bị cấm cấp sổ thông hành vì họ sẽ không quay lại Trung Quốc,” ông nói.
ĐCSTQ muốn giam giữ công dân Trung Quốc trong ‘nhà tù rộng lớn’
Theo ông Lương Thiếu Hoa (Liang Shaohua), một luật sư và là cựu giám đốc của một công ty quản lý tài sản Trung Quốc, việc ĐCSTQ hạn chế cấp sổ thông hành cho người dân có thể đã được tiến hành từ hai năm trước.
“Gần đây một người quen nói với tôi rằng anh ấy đã đi gia hạn sổ thông hành, nhưng các cơ quan hữu quan đã phớt lờ yêu cầu của anh ấy chỉ với chỉ một câu hỏi, ‘Tại sao anh lại muốn gia hạn sổ thông hành nếu như hiện giờ anh chưa có ý định đi ra ngoại quốc?’”
Ông Lương nói rằng mặc dù ĐCSTQ không ban hành nghị định hay văn bản nào nhằm mục đích hạn chế việc nộp hồ sơ yêu cầu cấp sổ thông hành, nhưng các cấp chính quyền của ĐCSTQ đã đặt ra nhiều trở ngại khác nhau cho công dân Trung Quốc, “giống như chế độ độc tài Bắc Hàn, không cho phép người dân chạy thoát [khỏi sự cai trị của họ].”
Ông nói thêm rằng ngay cả những người có sổ thông hành cũng phải chịu sự giám sát chặt chẽ khi đi qua biên giới Trung Quốc.
Ông Lại Kiến Bình (Lai Jianping), một cựu luật sư Bắc Kinh và là Chủ tịch Liên đoàn vì một Trung Quốc Dân chủ (FDC) ở Canada, tin rằng những hạn chế về quyền sở hữu sổ thông hành của công dân phản ánh “chủ nghĩa độc tài cực đoan nhất của ĐCSTQ tà ác nhằm biến Trung Quốc thành một nhà tù rộng lớn.”
“Người dân không thể rời đi, không thể mang tài sản của họ ra khỏi đất nước vì [ĐCSTQ] đang đóng chặt cánh cửa của mình lại vì sợ người dân Trung Quốc sẽ tìm mọi cách có thể để chạy trốn.”
“Cho dù người ta có không thể chịu nổi [chế độ cộng sản] này đến đâu, cho dù người ta có cảm thấy khó sống đến đâu, thì họ vẫn phải tử mạng ở đây thôi,” ông Lại nói, mô tả sự bất lực và tình trạng khó khăn mà người dân Trung Quốc đang phải chịu đựng.
Người di cư Trung Quốc vượt qua biên giới Mexico để vào Hoa Kỳ
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020, số người rời khỏi Hoa lục đã tăng lên, gồm cả những người đào thoát sang Hoa Kỳ qua biên giới Mexico.
Theo Cục Quan thuế và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP), số công dân Trung Quốc vượt biên trái phép từ phía bắc Mexico vào Hoa Kỳ đã tăng lên hơn 24,000 người trong năm tài khóa 2023 (từ ngày 01/10/2022 đến ngày 30/09/2023). Con số này tiếp tục tăng lên 4,261 người, 4,797 người, và 5,980 lần lượt vào tháng Mười, tháng Mười Một, và tháng Mười Hai năm 2023.
Do lượng người Trung Quốc nhập cư bất hợp pháp tăng đột biến, một nhà hàng Trung Quốc ở New York từng thuê một nhân viên phụ bếp với mức lương hàng tháng là 2,600 USD cách đây sáu tháng giờ đã giảm xuống còn 1,800 USD vì hiện tại rất dễ để tìm được một người làm thuê, theo một báo cáo trên Bendi News China.
Các nhà phân tích chính trị cho rằng công dân Trung Quốc đang chạy trốn khỏi đất nước của họ, thậm chí đánh liều cả mạng sống của mình để băng qua các khu rừng nhiệt đới Nam Mỹ để đến Hoa Kỳ, một phần vì sự phong tỏa khắc nghiệt và chính sách zero COVID-19 của ĐCSTQ. Hơn nữa, môi trường kinh tế và chính trị suy thoái hệ lụy từ những biện pháp đó càng khiến cho người dân Trung Quốc cảm thấy chán chường hơn.
Nói chung, có ba động cơ đáng chú ý dẫn đến cuộc di cư ồ ạt của người Trung Quốc: kiếm tiền, tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn cho con em của họ, và tìm kiếm tự do.
Anh Tiền Tiểu Triết (Qian Xiaozhe), người từng làm nghề giao hàng ở tỉnh Giang Tây phía đông nam Trung Quốc, đã quyết định chuyển ra ngoại quốc sống sau khi phải rất vất vả để mưu sinh trong một thành phố bị phong tỏa dưới nhiều năm áp dụng các biện pháp phòng dịch.
Vào tháng 04/2022, anh Tiền bắt đầu cuộc hành trình đầy khổ ải bắt đầu từ Hồng Kông đến Thổ Nhĩ Kỳ rồi đi qua Ý, Serbia, Đức, và các quốc gia khác. Anh đã chấp nhận làm công nhân với mức lương rẻ mạt trong một nhà máy Trung Quốc để kiếm sống. Một năm sau, cụ thể là vào tháng 07/2023, anh đã băng qua khu rừng mưa nhiệt đới và đặt chân đến Hoa Kỳ.
Anh Tiền nói với phóng viên The Epoch Times rằng vì số lượng người nhập cư Trung Quốc tăng lên đáng kể nên từ đó cũng hình thành một “chuỗi công nghiệp” độc đáo chẳng hạn như cung cấp dịch vụ ăn uống và chỗ ở dọc theo tuyến đường đến Hoa Kỳ.
Hồng Ân biên dịch