Chương Thiên Lượng
Ngày 24/3, trên trang web của Uỷ ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đăng bài viết với tiêu đề: ‘Bà Bành Lệ Viên điều tra và nghiên cứu công tác phòng chống lao ở cơ sở tại thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc)’.
Liên quan đến tin đồn về việc bà Bành Lệ Viên tham chính (參政: tham gia chính trị) vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại kể từ Đại hội 20 (tháng 10/2022), thậm chí có người còn nói: Phiên họp Toàn thể lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương khóa 20 sở dĩ chậm trễ là do ông Tập Cận Bình muốn nâng đỡ bà Bành Lệ Viên thành Uỷ viên Bộ Chính trị nhưng vấp phải sự ngăn cản nghiêm trọng.
Trong chương trình ‘Chính luận thiên hạ‘ đăng ngày 24/3, nhà bình luận các vấn đề thời sự – Giáo sư Chương Thiên Lượng đã nhìn nhận vấn đề này như sau.
Căn cứ theo báo cáo gần đây từ các phương tiện truyền thông chính thức của Đảng cộng sản Trung Quốc (CCP), từ ngày 18 đến ngày 21/3, lãnh đạo cao nhất của CCP là Tổng bí thư Tập Cận Bình đã cùng đi với Bí thư tỉnh Hồ Nam là ông Thẩm Hiểu Minh và Tỉnh trưởng tỉnh Hồ Nam là ông Mao Vệ Minh để thị sát địa phương Trường Sa, Trường Đức… thuộc tỉnh Hồ Nam.
Trong ngày 24/3, trên trang web của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã đăng bài báo có hình ảnh và video về chuyến thị sát công tác phòng chống bệnh lao cơ sở tỉnh Hồ Nam của bà Bành Lệ Viên. Sự việc này không phải xảy ra vào ngày 24/3, mà xảy ra vào ngày 20/3, tức là trùng với thời gian ông Tập đi thị sát tỉnh Hồ Nam, chỉ có điều là ông Tập và bà Bành không đi cùng với nhau.
Lần này bà Bành Lệ Viên đi cùng Phó chủ nhiệm Ủy ban Y tế Quốc gia, Cục trưởng Cục Phòng chống Dịch bệnh Quốc gia là ông Vương Hạ Thắng, Phó tỉnh trưởng kiêm Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy là bà Trương Nghênh Xuân.
Bà Bành Lệ Viên nắm giữ danh hiệu Đại sứ thân thiện về phòng chống bệnh lao và HIV/AIDS của Tổ chức Y tế Thế giới – WHO. Bà Bành cũng từng phát biểu tại Liên Hợp Quốc bằng tiếng Anh, tiếng Anh của bà Bành không tệ.
Nếu xét từ góc độ thời gian, thời gian mà bà Bành Lệ Viên ở tỉnh Hồ Nam trùng khớp với thời gian của ông Tập Cận Bình. Nếu xét về cấp bậc của những người đi cùng bà Bành Lệ Viên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Y tế Quốc gia thuộc về cấp Phó Bộ (Thứ trưởng), Phó tỉnh trưởng kiêm Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy cũng thuộc về cấp Phó Bộ. Bởi vì cấp Tỉnh trưởng và Bí thư đi cùng ông Tập Tập Cận Bình, cho nên người đi cùng bà Bành Lệ Viên chỉ là cấp Phó Bộ/Phó Tỉnh. Điều này trên cơ bản đã xác định địa vị của bà Bành Lệ Viên ở mức cán bộ cấp tỉnh.
Cán bộ cấp tỉnh thông thường là Ủy viên Trung ương hoặc Ủy viên dự khuyết Trung ương, nhưng Bành Lệ Viên không nắm cả hai chức vụ đó. Điều này cho thấy địa vị của bà Bành Lệ Viên trong đảng không cao như những lời đồn đại bên ngoài.
Vào ngày 6/11/2023, người dùng có tên Lý Tuyến đã đăng một dòng tweet: ‘Vừa mới thấy tin đồn: Bà Bành Lệ Viên có thể vào Bộ Chính trị’. Tức là ít nhất làm được chức Uỷ viên Bộ Chính trị
Họ giải thích rằng, bởi vì vào ngày 2/11/2023, khi làm lễ cáo biệt di thể ông Lý Khắc Cường ở nghĩa trang Bát Bảo Sơn, bà Bành Lệ Viên đi cùng ông Tập Cận Bình. Nhưng điều đặc biệt là: Khi ấy, bà Bành Lệ Viên xếp trước 6 vị Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị, cho nên người ta đồn rằng, bà Bành Lệ Viên sẽ vào Bộ Chính trị, thậm chí có thể làm đến chức Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị.
Bà Bành Lệ Viên có thể sẽ giống như Giang Thanh năm xưa, vợ Mao Trạch Đông. Hai vợ chồng Mao Trạch Đông quản giang sơn, hai vợ chồng ông Tập Cận Bình cũng quản giang sơn. Cho nên mục đích tin đồn này chính là nói ông Tập đem giang sơn về tay nhà mình.
Người ta đồn vậy để bày tỏ sự bất bình đối với ông Tập, còn trên thực tế việc bà Bành Lệ Viên vào được Bộ Chính trị hay không lại là một câu chuyện khác.
Bởi vì thứ tự từ cao xuống thấp trong Bộ Chính trị sẽ là: Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Trung ương, đến Uỷ viên dự khuyết Trung ương.
Bà Bành Lệ Viên còn chưa là Uỷ viên dự khuyết Trung ương. Ngay cả khi bà Bành là Uỷ viên dự khuyết Trung ương thì bà cũng phải xếp sau theo thứ tự.
Nếu trong Ban chấp hành Trung ương khoá 20 này, bà Bành Lệ Viên được giữ chức Uỷ viên Trung ương, bà phải chờ cho đến khi Uỷ viên Trung ương thăng cấp lên thành Uỷ viên Bộ Chính trị thì cấp Uỷ viên Trung ương mới trống. Lúc đó bà Bành Lệ Viên mới từ chức Uỷ viên dự khuyết Trung ương trám vào chức Uỷ viên Trung ương. Mà quá trình chuyển giao này phải đợi đến khi diễn ra Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 21 vào năm 2027. Sở dĩ có những tin đồn như thế này được truyền ra chính là để chỉ trích ông Tập lũng đoạn quyền lực, một số người nhân tin đồn mà thể hiện một sự bất bình, đồng thời cũng có tác dụng xúi giục người gần ông Tập ngăn cản ông Tập lại.
Theo nguyên tắc tổ chức của CCP, việc người nhà tham dự vào chính trị luôn là vấn đề rất kỵ húy. Trên thực tế, khi nói đến phu nhân tham dự vào chính trị, người ta thường nghĩ ngay đến Giang Thanh và Diệp Quần, tức là vợ của Mao Trạch Đông và vợ của Lâm Bưu. Giang Thanh bắt đầu nổi bật trên vũ đài chính trị từ năm 1966, tức là thời điểm nổ ra cuộc Cách mạng Văn hóa (CMVH). Giang Thanh đã giữ vị trí Phó tổ trưởng đầu tiên của Tổ Văn cách Trung ương, kiêm Cố vấn của Tổ Văn cách Toàn quân. Ngoài việc Giang Thanh có dã tâm của riêng mình, còn có nguyên do là do: Mao Trạch Đông cảm thấy có một số hoạt động do Giang Thanh đứng ra thúc đẩy sẽ có lợi hơn, đồng thời giữa Mao Trạch Đông và Giang Thanh không cần phải nói chuyện mập mờ mà giữa họ có thể nói chuyện rất thẳng thắn với nhau. Điều này cũng giúp Giang Thanh nắm chuẩn xác ý đồ của Mao Trạch Đông và thúc đẩy ý đồ đó nhanh hơn.
Nhưng nếu chỉ đề bạt một mình Giang Thanh vào Bộ Chính trị thì CCP có chút khó xử. Cho nên vào năm 1969, tại Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 9, vợ của Lâm Bưu là bà Diệp Quần cũng đã được sắp xếp vào Bộ Chính trị. Vì thế từ sau Đại hội 9, trong Bộ Chính trị đã có hai vị phu nhân, một là Giang Thanh và hai là Diệp Quần, cả hai người này đều là Ủy viên Bộ Chính trị.
Khi xem xét tiền lệ như vậy, nếu bà Bành Lệ Viên tiến vào Bộ Chính trị thì chỉ có một trường hợp đó là: Ông Tập Cận Bình muốn phát động một cuộc Cách mạng Văn hóa mới, ông Tập cũng cần một nhân vật kiểu như Giang Thanh.
Tuy nhiên, từ biểu hiện của bà Bành Lệ Viên đến nay cho thấy bà Bành không có được dã tâm chính trị lớn như Giang Thanh; và hiện nay cũng không giống thời kỳ Cách mạng Văn hóa, đó là ông Tập Cận Bình cần đả đảo một nhóm người.
Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị của CCP có 7 người, thì ngoài ông Tập Cận Bình ra, 6 người còn lại thường bị gọi là ‘6 chú lùn’. Do đó cách nói ‘bà Bành Lệ Viên có thể tăng cường quyền lực của ông Tập Cận Bình’, Giáo sư Chương cho rằng không hợp lý về mặt logic. Cho nên việc bà Bành Lệ Viên vào Bộ Chính trị là rất nhỏ.
Thuần Phong biên dịch