Hoa Kỳ và Mexico công bố quan hệ đối tác vi mạch bán dẫn để ứng phó với những thách thức toàn cầu

Chase Smith

Các vi mạch bán dẫn trên một bảng mạch giúp cho máy quay video Samsung hoạt động tại sự kiện phân tích và truyền thông về điện thoại di động của Samsung ở San Jose, California, hôm 23/03/2011. (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Phối hợp với chính phủ Mexico, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đề ra một sáng kiến ​​nhằm khám phá các cơ hội trong chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn, thừa nhận tầm quan trọng chiến lược của lĩnh vực này đối với cả an ninh quốc gia và đổi mới công nghệ.

Vi mạch bán dẫn là bộ não của các thiết bị điện tử hiện đại, như điện thoại thông minh, máy điện toán, TV, và thiết bị y tế cao cấp. Còn được gọi là mạch tích hợp hoặc vi mạch, các vi mạch bán dẫn này được làm từ các vật liệu như silicon hoặc gallium arsenide (GaAs) và được điều chỉnh trong quá trình sản xuất để tăng đáng kể độ dẫn điện.

Giai đoạn sơ bộ của sáng kiến ​​mới bao gồm việc đánh giá kỹ lưỡng hệ sinh thái bán dẫn hiện có của Mexico, bao gồm môi trường pháp lý, năng lực của nguồn nhân lực, và nhu cầu cơ sở hạ tầng của nước này. Ad

Công việc đánh giá này, với sự tham gia của nhiều bên liên quan khác nhau từ cả hai quốc gia, được thiết kế để xác định các lĩnh vực tiềm năng cho các sáng kiến ​​chung nhằm nâng cao sức mạnh của ngành bán dẫn.

Thông cáo báo chí từ Bộ Ngoại giao giải thích: “Hoa Kỳ và Mexico là những đối tác quan trọng trong việc bảo đảm chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn toàn cầu theo kịp quá trình chuyển đổi kỹ thuật số đang diễn ra trên toàn thế giới.”

Bộ cho biết: “Việc sản xuất các sản phẩm thiết yếu từ xe cộ đến thiết bị y tế đều phụ thuộc vào sức mạnh và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn.”

Thỏa thuận này còn giúp Hoa Kỳ giảm bớt sự phụ thuộc vào các đối thủ ngoại quốc và các đồng minh ở gần những đối thủ đó về vi mạch bán dẫn và tài nguyên được sử dụng trong quá trình sản xuất. Ad

Ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu bị chi phối bởi một số khu vực chính: châu Á (Đài Loan, Nam Hàn, Nhật Bản và Trung Quốc), Hoa Kỳ, và châu Âu.

TSMC của Đài Loan và Samsung của Nam Hàn là những nhà sản xuất vi mạch bán dẫn lớn nhất, với những khoản đầu tư đáng kể vào công nghệ sản xuất vi mạch tân tiến.

Sự tập trung sản xuất vi mạch bán dẫn ở Á châu, đặc biệt là ở Đài Loan và Nam Hàn, gây ra nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng địa chính trị, thiên tai, hoặc đại dịch.

Đạo luật CHIPS và mức độ liên quan của vi mạch bán dẫn

Nền tảng của mối quan hệ hợp tác này là Đạo luật CHIPS được Tổng thống Joe Biden ký thành luật vào năm 2022, phân bổ các nguồn lực đáng kể để thúc đẩy nghiên cứu và sản xuất vi mạch bán dẫn trong nước ở Hoa Kỳ.

Đạo luật này đã thành lập Quỹ An ninh và Đổi mới Công nghệ Quốc tế (ITSI), cung cấp cho Bộ Ngoại giao 500 triệu USD trong 5 năm để thúc đẩy phát triển mạng viễn thông an toàn và bảo đảm đa dạng hóa và an ninh chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn.

Luật cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của vi mạch bán dẫn đối với an ninh kinh tế toàn cầu và tính ưu việt về công nghệ của Hoa Kỳ.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nhìn vào một máy điện toán lượng tử khi ông đi tham quan cơ sở của IBM ở Poughkeepsie, New York, ngày 06/10/2022. IBM đã đón tiếp Tổng thống Biden để kỷ niệm thông báo về khoản đầu tư 20 tỷ USD vào vi mạch bán dẫn, điện toán lượng tử, và các lĩnh vực công nghệ tân tiến khác ở tiểu bang New York. (Ảnh: Mandel Ngan/AFP qua Getty Images)
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nhìn vào một máy điện toán lượng tử khi ông đi tham quan cơ sở của IBM ở Poughkeepsie, New York, ngày 06/10/2022. IBM đã đón tiếp Tổng thống Biden để kỷ niệm thông báo về khoản đầu tư 20 tỷ USD vào vi mạch bán dẫn, điện toán lượng tử, và các lĩnh vực công nghệ tân tiến khác ở tiểu bang New York. (Ảnh: Mandel Ngan/AFP qua Getty Images)

Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn, hiện trạng ngành bán dẫn Hoa Kỳ năm 2023 có triển vọng tươi sáng nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, như vấn đề về chuỗi cung ứng, hạn chế bán vi mạch sang Trung Quốc và các thách thức chính sách khác, như xây dựng tăng cường số lượng nhân sự có tay nghề cao.

Báo cáo cũng lưu ý tầm quan trọng của vi mạch bán dẫn trong cuộc sống hiện đại và sản lượng rất lớn được bán ra mỗi năm.

“Vào năm 2023, tầm quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn đối với thế giới tiếp tục tăng lên, khi vi mạch ngày càng hiện diện nhiều hơn trong các công nghệ thiết yếu của ngày nay — và tạo ra sự phát triển cho các công nghệ mang tính biến đổi của ngày mai,” báo cáo cho biết. “Tổng cộng, hơn 1 ngàn tỷ vi mạch bán dẫn đã được bán trên toàn cầu vào năm ngoái, một mức tổng cao đến mức nếu quý vị xếp các vi mạch này chồng lên nhau, thì chúng sẽ vươn lên bầu trời cao hơn độ cao hành trình tối đa của phi cơ thương mại.”

Phát triển dựa trên quan hệ đối tác hiện có

Bộ Ngoại giao cũng lưu ý rằng sự hợp tác “nhấn mạnh tiềm năng đáng kể để mở rộng ngành công nghiệp bán dẫn của Mexico vì lợi ích của cả hai quốc gia” bằng cách phát triển dựa trên sự hợp tác hiện có trong “Đối thoại Kinh tế Cấp cao song phương (HLED) và quy trình Hội nghị thượng đỉnh các Nhà lãnh đạo Bắc Mỹ ba bên.”

HLED được thành lập dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và do Phó Tổng thống đương thời Biden lãnh đạo để “thúc đẩy các ưu tiên chiến lược chung” như thúc đẩy khả năng cạnh tranh và kết nối cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, năng suất, và đổi mới. Sáng kiến này đã bị tạm dừng dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Trump và được chính phủ Tổng thống Biden khởi động lại vào năm 2021.

Hội nghị thượng đỉnh các Nhà lãnh đạo Bắc Mỹ, hay còn gọi một cách không chính thức là hội nghị thượng đỉnh Three Amigos (ba người bạn), bắt đầu vào năm 2005 dưới thời Tổng thống George W. Bush và họp hầu hết các năm cho đến năm 2016, vì thông lệ đó cũng kết thúc dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Trump.

Về phần mình, chính phủ cựu Tổng thống Trump tập trung vào việc tạo dựng thành công hiệp định thương mại tự do Hoa Kỳ-Mexico-Canada (USMCA), chi phối khoảng 1.5 ngàn tỷ USD thương mại Bắc Mỹ hàng năm, mà hiệp định mới này cũng giúp phát triển dựa trên đó.

Các mục tiêu và lợi ích chiến lược

Sự hợp tác mới được công bố giữa Hoa Kỳ và Mexico về vi mạch bán dẫn nhằm đạt được một số mục tiêu chiến lược.

Các mục tiêu này bao gồm nâng cao khả năng cạnh tranh của châu Mỹ trong lĩnh vực bán dẫn toàn cầu, đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm thiểu rủi ro liên quan đến tập trung địa lý và thúc đẩy đổi mới trong lĩnh vực này.

Bằng cách tận dụng tiềm năng của Mexico như một trung tâm bán dẫn, quan hệ đối tác tìm cách tạo ra một chuỗi cung ứng phân tán và linh hoạt hơn, cần thiết để đối phó với những gián đoạn và thách thức địa chính trị.

Vai trò của Mexico trong hệ sinh thái bán dẫn

Quyết định đưa Mexico vào mối quan hệ đối tác này dựa trên vị thế mới nổi của quốc gia này trong ngành bán dẫn. Mexico có một số lợi thế, chẳng hạn như vị trí chiến lược tiếp giáp với Hoa Kỳ, cơ sở sản xuất lâu đời và thị trường lao động cạnh tranh.

Sự tham gia của Mexico vào sản xuất vi mạch bán dẫn trước đây tập trung vào các hoạt động lắp ráp và thử nghiệm hơn là chế tạo tấm bán dẫn vốn đòi hỏi nhiều công nghệ hơn.

Đất nước này có ngành sản xuất điện tử phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò là cơ sở cho các ngành công nghiệp xe hơi, hàng không vũ trụ, và điện tử tiêu dùng. Việc mở rộng năng lực bán dẫn của Mexico vẫn sẽ cần đầu tư đáng kể vào cơ sở vật chất công nghệ cao và các chương trình đào tạo để phát triển kỹ năng kỹ thuật trong nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, việc hiện thực hóa toàn bộ tiềm năng của Mexico trong lĩnh vực bán dẫn sẽ đòi hỏi phải giải quyết một số thách thức, bao gồm đầu tư chiến lược vào năng lực công nghệ cao, phát triển nguồn nhân lực và giải quyết các rào cản về cơ sở hạ tầng và quy định.

Cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc

Quan hệ đối tác bán dẫn Hoa Kỳ-Mexico cũng phải được xem xét trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ toàn cầu rộng hơn, đặc biệt là với Trung Quốc.

Nhân viên sản xuất vi mạch tại một nhà máy của công ty bán dẫn Jiejie ở Nam Thông, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, hôm 17/03/2021. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)
Nhân viên sản xuất vi mạch tại một nhà máy của công ty bán dẫn Jiejie ở Nam Thông, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, hôm 17/03/2021. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Hoa Kỳ đang tìm cách đối trọng với những tiến bộ của Trung Quốc trong sản xuất vi mạch bán dẫn và phát triển công nghệ bằng cách củng cố năng lực của chính mình và hình thành các liên minh chiến lược, đặc biệt là ở Tây bán cầu.

Một trang web của Bộ Ngoại giao giải thích các mục tiêu của quỹ ITSI mà không đề cập cụ thể đến Trung Quốc.

“Khi bất kỳ quốc gia nào cố gắng kiểm soát mạng viễn thông toàn cầu hoặc chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn, họ có phương tiện để thao túng hoặc phá vỡ các dịch vụ thiết yếu, cơ sở hạ tầng quan trọng, và chuỗi cung ứng chỉ bằng một nút bấm,” trang web của Bộ Ngoại giao viết. “Nếu các địch thủ thống trị các lĩnh vực này, họ sẽ có khả năng xuất cảng các hoạt động độc tài tốt hơn và làm suy yếu nền quản trị dân chủ.”

Bộ Ngoại giao đã không phúc đáp yêu cầu bình luận của The Epoch Times về sáng kiến ​​mới và vai trò của sáng kiến này trong việc khiến Hoa Kỳ bớt phụ thuộc hơn vào Trung Quốc trước thời điểm phát hành bản tin này.

Nhật Thăng biên dịch

Related posts