Gần đây, truyền thông Chính phủ Trung Quốc đã sử dụng công nghệ AI để mô tả các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội và các vấn đề khác của Mỹ với tiêu đề “A Fractured America” (Nước Mỹ chia rẽ), nhằm tạo ra hình ảnh về sự suy tàn của “Giấc mơ Mỹ”, thu hút sự chú ý từ ngoại giới.
Trí tuệ nhân tạo (AI) được bình chọn là từ nóng của năm 2023. Thế giới cũng coi AI là cuộc cách mạng công nghệ trong thời đại mới. Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tích cực phát triển công nghệ AI, nhằm phấn đấu cho vị thế dẫn đầu toàn cầu.
Đây là lần đầu tiên truyền thông nhà nước Trung Quốc dùng công nghệ AI để truyền bá luận điệu chống Mỹ.
Từ ngày 17/3, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) đã sử dụng trí tuệ nhân tạo AI cho ra mắt chương trình hoạt hình mới: “A Fractured America” trên chuyên mục kênh tiếng Anh “First Voice”.
Tập đầu tiên của loạt phim hoạt hình có tựa đề “American Workers in Tumult” (Bãi công liên tiếp có thực sự hữu dụng?). Nội dung chỉ ra rằng hơn 450.000 công nhân ở Hoa Kỳ đã liên tiếp phát động các cuộc biểu tình và đình công, “phản ánh sự bất bình đẳng về lương cực độ”, và rằng “cuộc đình công là sự phản ứng trực tiếp đối với những sai sót về cơ cấu của nền kinh tế tập trung vào tài chính của Hoa Kỳ”.
Tập 2 có tên “Tổ hợp công nghiệp-quân sự ‘ăn thịt người’ của Hoa Kỳ” (Unmasking the real threat: America’s military-industrial complex), chỉ trích các nhà thầu quốc phòng Hoa Kỳ trục lợi từ những xung đột trên toàn cầu.
Tập 3 là “Giấc mơ Mỹ là giấc mơ hay ảo tưởng?” (American Dream of American Mirage). Tập này đặt câu hỏi về tính phổ quát của Giấc mơ Mỹ, cùng các vấn đề như giai cấp và khoảng cách giàu nghèo.
Điểm chung của 3 tập phim hoạt hình này là có thời lượng khoảng một phút, mang phong cách tranh vẽ và tường thuật do AI tạo ra.
Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) dẫn lời ông David Rennie, trưởng văn phòng Bắc Kinh của tạp chí The Economist, nói rằng đây là lần đầu tiên ông được xem một bộ phim hoạt hình AI chống Mỹ do đài truyền hình nhà nước Trung Quốc tung ra. Ông nói tuy nhiên, điều thú vị là họ đang “đưa tin” về một cuộc đình công chưa từng xảy ra ở Mỹ.
Nhưng loạt video hoạt hình này hiện đang được phát hành trên nhiều nền tảng mạng xã hội của trang web CGTN với tốc độ mỗi ngày một tập, bao gồm các nền tảng tài khoản công khai như X, Facebook, YouTube, WeChat, v.v.
Cô Lindsey Gorman, người đứng đầu nhóm công nghệ và địa chính trị tại Quỹ Marshall của Đức, chỉ ra rằng bộ phim hoạt hình “Nước Mỹ tan vỡ” một lần nữa chứng minh rằng việc sử dụng AI để khơi dậy nỗi sợ hãi là rất dễ dàng và rất đáng lo ngại.
Cô Allie Funk, Giám đốc nghiên cứu khoa học, công nghệ và dân chủ thuộc tổ chức nhân quyền Freedom House có trụ sở tại Washington, cho biết việc truyền bá thông tin sai lệch là chiến lược cốt lõi được các quốc gia độc tài sử dụng để kiểm soát xã hội.
Cô nói bất kỳ ai có động cơ kinh tế hoặc chính trị đều có thể sử dụng AI sáng tạo để tạo ra một lượng lớn thông tin sai lệch và gây hiểu lầm.
Một báo cáo do “Trung tâm phân tích mối đe dọa” (MTAC) của Microsoft công bố năm 2023 chỉ ra, các nhân viên hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc đã sử dụng AI để sáng tạo nội dung từ tháng 3/2023. Nội dung hình ảnh chất lượng tương đối cao của họ đã thu hút mức độ tương tác cao từ người dùng mạng xã hội thực.
Microsoft phát hiện, hơn 230 nhân viên truyền thông nhà nước Trung Quốc đã giả làm người nổi tiếng trên Internet, để tiếp cận với 103 triệu người dùng bằng ít nhất 40 ngôn ngữ.
Thông điệp “Tuyên truyền đối ngoại vĩ đại” của ĐCSTQ được những người này truyền tải cũng giống với video CGTN nói trên. Đó là Trung Quốc đang trỗi dậy và giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh giành quyền bá chủ kinh tế và công nghệ, trong khi Mỹ đang hướng tới sự sụp đổ và cô lập.
Một báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào tháng Một năm nay cũng chỉ ra, thông tin sai lệch và gây hiểu lầm do công nghệ AI tạo ra là rủi ro toàn cầu chính trước mắt.
ĐCSTQ đang vung tiền nâng cấp quyền kiểm soát quốc gia trên con đường tiến tới AI.
Trên thực tế, truyền thông ĐCSTQ đã bắt đầu thúc đẩy việc sử dụng AI từ nhiều năm trước. Người dẫn chương trình AI của Tân Hoa Xã và Sogou xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2018, có tên “Xin Xiaohao” (Tân Tiểu Hạo).
Trong Báo cáo Tự do Internet Toàn cầu năm 2023, Freedom House đã chỉ ra rằng Chính phủ Trung Quốc hiện đầu tư rất nhiều vào các công ty AI, nhằm đảm bảo rằng các công ty này phục vụ cho sự cai trị của họ.
Sau nhiều năm nỗ lực, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã có thể thực hiện việc kiểm duyệt nghiêm ngặt môi trường trực tuyến của Trung Quốc thông qua các thuật toán, phương tiện tổng hợp và trí tuệ nhân tạo.
Theo báo cáo này, quyền tự do Internet của Trung Quốc đã xếp hạng cuối cùng trên thế giới trong 9 năm liên tiếp.
Lê Tử Hy / Vision Times