Trong một cuộc xung đột có thể xảy ra ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, điều mà Hải quân Mỹ cần nhất có lẽ là khả năng tấn công tầm xa trên biển. Nó cho phép Hải quân Hoa Kỳ tiến hành các cuộc tấn công mà không đi vào phạm vi kiểm soát chống tiếp cận của Trung Quốc, do đó có tác động làm thay đổi tình hình chiến lược khu vực. Trong số tất cả các phương tiện tấn công tầm xa này, tên lửa chống hạm tầm xa AGM-158 (LRASM) đang đạt được tiến bộ mới nhất.
Ngày 3/4, Hải quân Mỹ và Lockheed Martin đã hoàn thành cuộc thử nghiệm tên lửa chống hạm tầm xa, 2 chiếc F/A-18E/F Super Hornets đã phóng 4 tên lửa chống hạm tầm xa AGM-158C-3. Đây là cuộc thử nghiệm bay tích hợp (ITE-12) lần thứ 12 của tên lửa, so với các cuộc thử nghiệm trước đó chỉ phóng một tên lửa thì lần này có tới 4 tên lửa được phóng cùng lúc, được mô tả là cuộc thử nghiệm lịch sử. Hải quân Hoa Kỳ dường như đang hy vọng sử dụng cuộc thử nghiệm này để cho thấy loại vũ khí này sẽ được sử dụng như thế nào trong chiến đấu thực tế, đặc biệt là trong một cuộc xung đột cấp độ cao hơn có thể xảy ra với Trung Quốc trong tương lai.
Công ty Lockheed Martin cho biết, Hải quân Hoa Kỳ có thể chứng minh khả năng sát thương cao cấp vốn có của loại vũ khí này và tác động của nó đối với các mục tiêu thông qua việc lập kế hoạch nhiệm vụ chuỗi tiêu diệt tích hợp. Tất cả các mục tiêu của nhiệm vụ đều được đáp ứng, làm tăng đáng kể niềm tin vào khả năng và hỏa lực vượt trội của loại vũ khí này. Cuộc thử nghiệm thành công này đã chứng minh khả năng thực sự của biến thể tên lửa chống hạm tầm xa mới nhất. Nó cung cấp các giải pháp hoặc lựa chọn mới cho các chiến binh để thiết lập lợi thế chiến tranh chống bề mặt ở bất kỳ khu vực nào. Tầm bắn, khả năng thâm nhập phòng thủ và nhắm mục tiêu của tên lửa chống hạm tầm xa mới mang lại khả năng sát thương phân tán thực sự, đặc biệt là ở Tây Thái Bình Dương, chống lại các mối đe dọa trong tương lai.
Trong cuộc tập trận này, Hải quân Hoa Kỳ đã điều động hai máy bay chiến đấu F/A-18E/F Super Hornet, mỗi chiếc mang theo hai chiếc AGM-158C. Super Hornet là máy bay chiến đấu hải quân duy nhất được biết đến có khả năng sử dụng tên lửa chống hạm tầm xa. Hải quân Mỹ cũng đang nỗ lực tích hợp AGM-158C vào máy bay tuần tra hàng hải P-8A và một số máy bay chiến đấu tấn công chung F-35C. Máy bay ném bom B-1B của Không quân Mỹ cũng có thể sử dụng tên lửa chống hạm tầm xa này.
Có hai biến thể chính của AGM-158C với đặc tính tàng hình, một là C-1 (còn được gọi là LRASM 1.1) hiện đang được sử dụng và biến thể còn lại là C-3 (còn được gọi là LRASM-ER) vẫn đang được phát triển. Thiết kế cốt lõi của nó bắt nguồn từ Tên lửa hành trình tấn công đối đất chung AGM-158 (JASSM).
Tầm bắn tối đa của phiên bản C-1 là khoảng 300 đến 500 km, tương đương với tầm bắn của AGM-158A. Cả hai phiên bản C-1 và C-3 đều sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính có hỗ trợ GPS (INS).
Bước đầu tiên là dẫn tên lửa đến khu vực mục tiêu. Tên lửa có khả năng lập kế hoạch lộ trình tự động cao, bao gồm cả việc tự động thay đổi hướng đi để ứng phó với những phản ứng bất ngờ từ hệ thống phòng thủ của đối phương. Bộ biện pháp hỗ trợ điện tử (ESM) được lắp đặt bên trong tên lửa, có thể được sử dụng để phát hiện các mối đe dọa từ hệ thống phòng không mặt đất, đồng thời, hệ thống thông tin chiến trường chung cũng có thể cung cấp thông tin cập nhật về mối đe dọa môi trường cho tên lửa thông qua các liên kết dữ liệu, cho phép tên lửa phối hợp với các hệ thống tấn công khác để cùng hoạt động.
Sau khi đến khu vực mục tiêu, nó sẽ chuyển chế độ dẫn đường sang hướng dẫn chụp ảnh hồng ngoại (IIR) trong giai đoạn cuối của chuyến bay, tìm kiếm mục tiêu bằng thiết bị tìm kiếm ảnh nhiệt, đồng thời tự động xác định và phân loại mục tiêu bằng cách sử dụng các thông số mục tiêu từ cơ sở dữ liệu bộ nhớ. Sau đó bước vào giai đoạn tấn công cuối cùng và chọn những bộ phận dễ bị tổn thương nhất của tàu mục tiêu để tấn công. Thiết bị tìm kiếm hình ảnh hồng ngoại của AGM-158C là thụ động, có nghĩa là tàu mục tiêu mà nó hướng tới không thể phát hiện và khóa tên lửa đang bay tới thông qua radar. Ngoài ra, đầu dò hình ảnh hồng ngoại không bị ảnh hưởng bởi nhiễu tần số vô tuyến. Vì vậy, một khi tàu địch bị tên lửa như vậy nhắm tới sẽ khó thoát khỏi số phận bị trúng đạn.
Phiên bản AGM-158C-3, là tên lửa chống hạm tầm xa, các cải tiến bao gồm phần mềm mới, liên kết thông tin vũ khí ngoài tầm nhìn (BLOS) được nâng cao, khả năng thâm nhập nâng cao và phạm vi mở rộng. Tên lửa có tầm bắn gần 1.000 km.
Theo yêu cầu ngân sách năm tài chính 2025 của Hải quân Hoa Kỳ, mục tiêu trước tiên là vận hành AGM-158C-3 trên F/A-18E/F và đạt được khả năng hoạt động sớm vào giữa năm 2026. Đồng thời, Không quân Mỹ cũng có kế hoạch mua tên lửa chống hạm tầm xa C-3. Vào thời điểm này, có vẻ như ngay trước khi Trung Quốc tuyên bố rằng họ sẽ có khả năng chiếm giữ Đài Loan bằng vũ khí vào năm 2027.
Cả Hải quân và Không quân Hoa Kỳ đều tin rằng dòng tên lửa chống hạm tầm xa đang mở rộng có thể mang lại những khả năng quan trọng trong các cuộc xung đột trong tương lai, đặc biệt là chống lại những đối thủ được coi là cao cấp như Trung Quốc hay Nga. Những tên lửa này sẽ đặc biệt quan trọng trong bất kỳ trận chiến lớn nào trong tương lai chống lại Trung Quốc ở Thái Bình Dương khi Trung Quốc tiếp tục mở rộng đáng kể quy mô và khả năng của hạm đội trên biển của mình. Trong trường hợp này, dự kiến sẽ cần một số lượng lớn vũ khí như vậy để giúp Hải quân Mỹ tăng khả năng đạt được các mục tiêu mong muốn. Nói cách khác, khi quy mô của hạm đội của Trung Quốc ngày càng mở rộng, khả năng chống hạm tầm xa cũng sẽ tăng theo, ít nhất xét về tổng số mục tiêu tiềm năng, Hải quân Mỹ cần phải đủ mạnh để áp đảo đối thủ.
Phiên bản mới nhất của tên lửa chống hạm tầm xa của Hải quân Hoa Kỳ có một số tính năng mới về khả năng, bao gồm hiệu suất tàng hình, lập kế hoạch đường đi tự động, tránh bị hệ thống phòng không đánh chặn, phát hiện mục tiêu thụ động ở giai đoạn cuối và khả năng tấn công hợp tác trên chiến trường. Hiệu ứng kết hợp của những khả năng này có thể tối đa hóa hiệu quả tiêu diệt.
Việc gia tăng phạm vi hoạt động của nó có ý nghĩa thực tiễn to lớn ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tầm bắn của AGM-158C-3 khoảng 1.000 km; tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet do tàu sân bay mang theo có thể bay hơn 2.300 km với hai tên lửa treo, thực hiện nhiệm vụ tấn công biển có thể tưởng tượng bán kính chiến đấu của nó sẽ đạt tới 1.000 km. Điều này cho phép nhóm tấn công tàu sân bay của Hạm đội Thái Bình Dương triển khai sức mạnh tấn công tới các khu vực xung đột ở Tây Thái Bình Dương từ khoảng cách khoảng 2.000 km. Trong các hoạt động tầm xa như vậy, Trung Quốc về cơ bản chỉ có một số hệ thống vũ khí có thể đối đầu với hạm đội Hải quân Hoa Kỳ và số lượng đạn dược tương ứng cũng nhỏ hơn nhiều do hạn chế về chi phí.
Tóm lại, sự tồn tại của AGM-158C-3 mang lại cho Hải quân Mỹ một phương thức tác chiến tầm xa mới. Đồng thời, hạm đội của Trung Quốc phải đối mặt với các mối đe dọa hàng hải lớn hơn và các biện pháp phòng thủ trở nên phức tạp hơn.
Trong những năm gần đây, Hải quân và Không quân Hoa Kỳ đã thúc đẩy ngân sách bao gồm việc mua dài hạn với quy mô lớn các tên lửa chống hạm tầm xa cũng như các loại vũ khí và đạn dược tiên tiến khác. Lầu Năm Góc cho rằng Hoa Kỳ cần những loại vũ khí đủ để đáp ứng những thách thức nhanh chóng của sự cạnh tranh khốc liệt, bao gồm Tên lửa tấn công hải quân của Raytheon và Kongsberg, Tên lửa tiêu chuẩn tầm mở rộng 6 (ERAM) RIM-174 của Raytheon, Tên lửa tầm trung tiên tiến AIM-120 của Raytheon -Tên lửa không đối không tầm xa, Tên lửa chống hạm tầm xa AGM-158C (LRASM) của Lockheed Martin và Tên lửa không đối đất tầm xa AGM-158B (JASSM-ER).
Trong đề xuất ngân sách tương ứng cho năm tài chính 2025, Không quân và Hải quân Hoa Kỳ có kế hoạch mua thêm 90 và 115 tên lửa chống hạm tầm xa, bao gồm cả phiên bản C-1 và C-3, với chi phí trung bình xấp xỉ 3 triệu USD cho mỗi tên lửa Nhìn chung, hai quân chủng có kế hoạch chi hàng tỷ USD để mua 1.000 tên lửa chống hạm tầm xa vào năm 2030.
Hải quân Mỹ cũng đã tập trung nguồn lực vào các dự án quan trọng hơn bằng cách từ bỏ việc mở rộng phát triển một số hệ thống vũ khí. Ngay từ năm 2021, khi phiên bản C-3 của tên lửa chống hạm tầm xa lần đầu tiên được công bố, người ta đã quyết định hủy bỏ việc phát triển các biến thể của tên lửa hành trình dẫn đường chính xác AGM-154 Joint Standoff Weapon (JSOW). Dự kiến, việc xin tài trợ cho phiên bản C-1 của tên lửa chống hạm tầm xa sẽ được hoàn thành sau năm tài chính 2025 và sẽ chuyển hoàn toàn sang phiên bản C-3. Việc mua số lượng lớn này cũng sẽ giúp mở rộng khả năng sản xuất để đảm bảo nguồn cung các loại vũ khí này trong tương lai.
Các cuộc thử nghiệm mới nhất nêu bật tầm quan trọng của tên lửa chống hạm tầm xa. Việc bay cùng lúc bốn tên lửa cho phép Lockheed Martin, cũng như Hải quân, Không quân và các cơ quan khác của Hoa Kỳ có được dữ liệu quan trọng và hiểu sâu hơn về cách thức hoạt động của tên lửa trong một cuộc tấn công lớn hơn. Có được kinh nghiệm quý báu trong việc lập kế hoạch tác chiến và hoạt động thực tế thông qua 4 lần phóng tên lửa thật. Cho phép quân đội và ngành công nghiệp thu thập dữ liệu về hiệu suất của tên lửa chống hạm tầm xa trước các hệ thống phòng thủ, từ đó sẽ thúc đẩy sự cải tiến và trưởng thành của loại tên lửa này.
Hải quân Hoa Kỳ coi AGM-158C-3 như một bước đệm để chuyển sang tên lửa chống hạm siêu thanh phóng từ trên không trong tương lai. Việc phát triển chương trình Tên lửa tấn công mặt nước siêu thanh phóng từ trên không (HALO) được bắt đầu theo chương trình Tăng cường tấn công mặt nước 2 (OASuW Inc 2), trong đó C-3 là nguyên mẫu tăng cường 1. Mục tiêu của chương trình HALO là đạt khả năng tác chiến ban đầu vào năm tài chính 2029. Tên lửa này sẽ được tích hợp trước tiên trên F/A-18E/F Super Hornet và sau đó có thể được tích hợp trên F-35C.5C.
AGM-158C-3 được định vị là vũ khí chống hạm thuần túy và đảm nhận vai trò là cầu nối giữa việc phát triển các loại vũ khí chống hạm trong tương lai. Việc phát triển AGM-158C-3 diễn ra trong bối cảnh Hoa Kỳ tập trung vào khả năng đối phó với xung đột tiềm ẩn với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Không chỉ giới hạn trong vũ khí phóng từ trên không của Hải quân, Lục quân và Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ cũng đang tích cực phát triển và triển khai một loạt hệ thống tên lửa đất đối đất và đất đối hải mới có khả năng chống hạm. Những khả năng này cũng là sự chuẩn bị cho những xung đột tiềm tàng ở khu vực eo biển Đài Loan.
Theo Shishi Junshi
Lý Ngọc biên dịch