Trong bối cảnh Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tiếp đón Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trong chuyến thăm cấp nhà nước và chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh ba bên lịch sử với sự tham gia của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr., Trung Quốc đang tập trung củng cố quan hệ đối tác với các nước láng giềng.
Vào ngày 8/4, cùng ngày Thủ tướng Nhật Bản Kishida đến Washington, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov bắt đầu chuyến công du hai ngày tới Bắc Kinh. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Nga – Trung đang ngày càng phát triển, đặc biệt là sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Vào ngày 11/4, trùng với thời điểm lãnh đạo Mỹ – Nhật – Philippines hội đàm tại Nhà Trắng, Trung Quốc đã cử Phó Thủ tướng Lưu Hạc đến Triều Tiên. Chuyến thăm của ông Lưu Hạc được đánh giá là động thái quan trọng nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Mặc dù Trung Quốc liên tục khẳng định mối quan hệ Trung – Nga không nhắm vào bên thứ ba, song ẩn ý chống Mỹ trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Lavrov là điều hiển hiện. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tóm tắt nội dung thảo luận: “Hai nước cần kiên quyết phản đối mọi động thái của chủ nghĩa đơn phương và bá quyền”. Washington thường xuyên bị Bắc Kinh cáo buộc về những hành vi này.
Bà Mao Ninh đặc biệt nhấn mạnh việc Nga đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Nhóm BRICS trong năm nay và Trung Quốc đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) trong nửa cuối năm nay tạo cơ hội củng cố sự phối hợp và hợp tác chiến lược trên các nền tảng đa phương. Hợp tác quốc tế là chủ đề chính trong mối quan hệ Trung – Nga.
Một tuần trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Lavrov, hai nước đã tổ chức các cuộc đàm phán cấp Thứ trưởng Ngoại giao về phối hợp tại Liên Hợp Quốc (LHQ) và Hội đồng Bảo an LHQ.
Mặc dù Trung Quốc khẳng định mối quan hệ với Nga không phải là liên minh chính thức, nhưng cả hai đều tuyên bố quan hệ song phương đã đạt đến “mức cao chưa từng thấy” trong những năm gần đây. Trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Lavrov đã đưa ra so sánh cụ thể, nói rằng mối quan hệ hiện tại thậm chí đã “vượt xa liên minh quân sự thời Chiến tranh Lạnh”.
Ngoại trưởng Lavrov được đặc cách tiếp kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, một vinh dự ngoại lệ hiếm dành cho các Ngoại trưởng khác (ngoại trừ Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên vào tháng 6/2023).
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi hợp tác trên trường quốc tế, khuyến khích Trung Quốc và Nga phối hợp để “liên kết các quốc gia thuộc ‘Nam bán cầu’ (tức các nước đang phát triển), thúc đẩy cải cách hệ thống quản trị toàn cầu và tích cực dẫn dắt xây dựng một xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại”.
Mặc dù không có thông cáo chính thức nào của Trung Quốc đề cập cụ thể đến vấn đề Bán đảo Triều Tiên, nhưng Ngoại trưởng Vương Nghị và Ngoại trưởng Lavrov có thể đã trao đổi quan điểm về cách tiếp cận của họ với Triều Tiên trong bối cảnh chuyến thăm sắp tới của Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế tới Bình Nhưỡng.
Ông Triệu, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, sẽ đến thăm Triều Tiên từ ngày 11/4 đến ngày 13/4 “để thực hiện chuyến thăm hữu nghị chính thức và tham dự lễ khai mạc ‘Năm hữu nghị Trung Quốc – Triều Tiên’”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh khẳng định chuyến thăm Triều Tiên của Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Triệu Lạc Tế “thể hiện tình hữu nghị sâu sắc giữa hai nước và tầm quan trọng to lớn mà Trung Quốc dành cho quan hệ với Triều Tiên”.
Bà Mao nhấn mạnh: “Chúng tôi tin tưởng rằng với những nỗ lực chung của cả hai bên, chuyến thăm sẽ thành công tốt đẹp và làm sâu sắc thêm nữa quan hệ song phương.”
Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Triệu Lạc Tế sẽ là quan chức Trung Quốc cấp cao nhất thăm Triều Tiên kể từ khi nước này đóng cửa biên giới vì đại dịch, thậm chí cắt giảm cả các hoạt động trao đổi ngoại giao. Chủ tịch Tập Cận Bình đã từng tới Bình Nhưỡng vào năm 2019, nhưng kể từ đó, Trung Quốc đã tụt hậu đáng kể so với Nga về tần suất trao đổi với Triều Tiên.
Ngoại trưởng Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đều đã đến thăm Triều Tiên vào năm 2023, và Lãnh đạo tối cao Kim Jong-un cũng đã thăm Nga vào tháng 9/2023. Trong khi đó, Ngoại trưởng Vương Nghị chưa đến thăm Triều Tiên kể từ năm 2019.
Trước chuyến thăm của ông Triệu trong tuần này, quan chức Trung Quốc cấp cao nhất đến thăm Triều Tiên trong 5 năm qua là Phó Thủ tướng Lưu Hạc, người đã có chuyến thăm Bình Nhưỡng vào tháng 9/2023 để tham dự lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Triều Tiên. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tôn Vệ Đông cũng đến thăm Bình Nhưỡng vào tháng 1/2024.
Mặc dù Trung Quốc có quan hệ truyền thống với Triều Tiên, nhưng Moscow lại vượt qua Bắc Kinh trong các hoạt động ngoại giao thời gian gần đây. Một máy bay chở khách du lịch Nga đã đánh dấu sự trở lại của Triều Tiên trong việc đón khách quốc tế, mặc dù các nhà phân tích dự đoán khách du lịch Trung Quốc sẽ là những người đầu tiên quay trở lại.
Điều này có thể cho thấy Nga và Triều Tiên đang xích lại gần hơn. Một số nhà phân tích suy đoán rằng Trung Quốc, Nga và Triều Tiên đang hình thành quan hệ đối tác ba bên để đối phó với các liên minh khu vực do Mỹ dẫn đầu, bao gồm hội nghị thượng đỉnh ba bên Nhật Bản – Philippines – Hoa Kỳ, hội nghị thượng đỉnh ba bên Nhật Bản – Hàn Quốc – Hoa Kỳ, Bộ Tứ an ninh và liên minh an ninh ba bên giữa Úc – Anh – Mỹ (AUKUS).
Tuy nhiên, một số phân tích khác lại cho rằng việc Trung Quốc chậm triển khai các hoạt động trao đổi ngoại giao với Triều Tiên – ít nhất là so với nhịp độ hối hả của các cuộc gặp Nga – Triều Tiên – cho thấy Trung Quốc đang có những tính toán thận trọng trong quan hệ với Triều Tiên.
Nga đang rất cần đạn dược và vật tư quân sự mà Triều Tiên có thể cung cấp để tiếp tục cuộc chiến tranh ở Ukraine. Tuy nhiên, đối với Bắc Kinh, lợi ích từ quan hệ đối tác chặt chẽ với Bình Nhưỡng lại không rõ ràng.
Triều Tiên không đóng góp đáng kể vào mục tiêu cải cách trật tự quốc tế của Trung Quốc, cũng không thể hỗ trợ nhiều vào công cuộc vực dậy nền kinh tế đang trì trệ của Trung Quốc.
Huyền Anh tổng hợp