Chỉ trong 3 tháng, VND đã mất giá 3,2% so với USD. Dòng ngoại tệ chảy ra hoặc ghim ở nước ngoài để hưởng lợi chính sách tỷ giá cao gây áp lực lên tỷ giá trong giao dịch trả nợ và nhập khẩu.
Trong vòng 3 tháng, VND đã mất giá 3,2% so với USD
Cụ thể tại Vietcombank, giá USD hiện được niêm yết ở mức 24.870-25.210 đồng, tăng 862 đồng chiều mua vào, 790 đồng chiều mua vào so với hồi đầu năm.
Tương tự tại BIDV, giá USD tăng mạnh xấp xỉ 800 đồng lên 24.900-25.210 đồng. VietinBank nâng lên 24.900-25.240 đồng. Techcombank niêm yết 24.910-25.220 đồng. ACB áp dụng 24.920-25.220 đồng.
Trên thị trường tự do, giá USD hiện phổ biến ở mức 25.450 đồng chiều mua và 25.550 đồng chiều bán, không có nhiều thay đổi so với hôm qua. Chênh lệch giá USD ngân hàng và USD tự do đã thu hẹp đáng kể trong thời gian gần đây, chỉ còn khoảng 300 đồng, thấp hơn mức 800 đồng hồi đầu tháng 3/2024.
So với hồi đầu năm, tỷ giá USD tại các ngân hàng đã tăng khoảng 800 đồng, tương đương tăng 3,2%.
Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.096 VND/USD, tăng 14 đồng so với cuối tuần trước. Với biên độ +/-5%, tỷ giá sàn và tỷ giá trần áp dụng cho các ngân hàng thương mại là 22.892-25.300 đồng.
Tỷ giá tăng do cộng hưởng nhiều yếu tố có tính tuần hoàn
Thứ nhất, đồng USD mạnh lên trên thị trường quốc tế sau khi dữ liệu mới về lạm phát của Mỹ được công bố. Việc lạm phát vẫn còn ở mức cao khiến giới chuyên gia dự báo Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ phải duy trì lãi suất cao lâu hơn dự kiến, chưa thể cắt giảm lãi suất trong tháng 6 sắp tới. Chỉ số DXY đo lường sức mạnh đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt đã tăng vọt lên trên 106 điểm, cao nhất kể từ tháng 10/2023.
Thứ hai, trong khi lãi suất tiền USD trên thế giới tăng cao thì Việt Nam vẫn duy trì chính sách gửi USD tại ngân hàng lãi suất 0%, cộng thêm Lãi suất tiền gửi VND thấp kỷ lục (3-4%) đã khiến dòng tài chính chảy mạnh ra nước ngoài hoặc đầu tư vào vàng.
Mặc dù FDI, cán cân thương mại thặng dư nhưng số ngoại tệ thu về chưa thực chất về Việt Nam, phần lớn được treo ở tài khoản NHNN để đầu tư tài chính hoặc cân đối nhu cầu xuất nhập khẩu của chính các doanh nghiệp FDI.
Nếu không có dòng ngoại tệ từ các doanh nghiệp FDI chảy vào Việt Nam thì khối doanh nghiệp trong nước chính là nhập siêu. Tính chung Quý 1/2024, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 4,49 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 12,57 tỷ USD.
Trên thị trường chứng khoán Việt nam, các Quỹ ngoại liên tục bán ròng, thậm chí chấp nhận chiết khẩu sâu để rút vốn khỏi thị trường. Trong 11 tháng liên tiếp trở lại đây, các Quỹ ngoại đã bán ròng 41.330 tỷ đồng, tương đương với 1,6 tỷ USD.
Ngoài ra để đáp ứng nhu cầu tích trữ vàng tăng đột biến của người dân, USD chợ đen cũng được thu mua mạnh để đổi lấy vàng qua con đường tiểu ngạch.
Thứ ba, áp lực tỷ giá còn tới từ trách nhiệm trả nợ nước ngoài của Việt Nam không ngừng tăng trong những năm gần đây. Tính đến tháng 6/2023, dư nợ nước ngoài của Việt Nam là 41,5 tỷ USD, tổng trả nợ nước ngoài (gồm gốc và lãi) trong 6 tháng đầu năm 2023 là 1,7 tỷ USD.
Thứ tư, Việt Nam vẫn cần nguồn ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu trong nước. Trong Quý 1, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 4,49 tỷ USD, tương đương với hơn 1,65 tỷ USD/tháng.
Có thể nói, chính sách chênh lệch lãi suất tiền VND trong nước và tiền USD trên thế giới đang thúc đẩy quá trình tăng tỷ giá không có điểm dừng. Khoảng cách giữa các đối tác giao dịch bằng tiền USD sẽ càng ngày càng xa và sự phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu Trung Quốc sẽ càng ngày càng lớn.
Nguyên Hương