Nguồn: Sokvy Rim, “BRI’s Funan Techo Canal could steer Cambodia away from Vietnam and towards China,” Think China, 11/03/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Việc Campuchia thúc đẩy xây dựng Kênh đào Phù Nam, tuyến đường thủy nối Cảng Tự trị Phnom Penh với tỉnh ven biển Kep, có nghĩa là các tàu chở hàng có thể bỏ qua cảng Cái Mép của Việt Nam. Nhà bình luận người Campuchia, Sokvy Rim, sẽ phân tích các tác động của viễn cảnh này.
Sau khi nhậm chức vào tháng 8/2023, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã bắt tay vào một dự án đường thủy đầy tham vọng trị giá 1,7 tỷ USD, được gọi là Kênh đào Phù Nam (Funan Techo Canal). Đây sẽ là kênh đường thủy đầu tiên ở Campuchia nối Cảng Tự trị Phnom Penh với tỉnh ven biển Kep bằng cách cắt ngang qua bốn tỉnh – Kandal, Takeo, Kampot, và Kep.
Con kênh rộng 100m với độ sâu ổn định 5,4m này có thể tiếp nhận các tàu chở hàng với trọng tải lên tới 3000 tấn (DWT). Dự án cũng bao gồm việc xây dựng 3 hệ thống âu tàu, 11 cây cầu, và 208 km đường ven.
Các quan chức chính phủ và các nhà phân tích Campuchia tin rằng dự án có thể thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa sản xuất giữa Cảng Tự trị Phnom Penh và cảng biển nước sâu ở tỉnh Sihanoukville. Ngoài ra, kênh đào có thể làm giảm sự phụ thuộc của Campuchia vào cảng biển Việt Nam, theo đó cũng có thể có tác động tới mối quan hệ của Campuchia với Trung Quốc và Việt Nam.Bài đang hotThế giới hôm nay: 17/04/2024
Củng cố sự ủng hộ trong nước dành cho Hun Manet
Cựu Thủ tướng Hun Sen là người đứng đầu ở Campuchia trong gần 40 năm qua. Ông được xem là một lãnh đạo cứng rắn, có sức lôi cuốn, người biết cách hoàn thành công việc.
Tiếp nối ông, Hun Manet, con trai Hun Sen và tân thủ tướng Campuchia, cũng cần thể hiện khả năng làm việc hiệu quả và khả năng lãnh đạo lôi cuốn. Trong bối cảnh đó, Kênh Phù Nam có thể giúp nâng cao mức độ ủng hộ của người dân Campuchia dành cho ông. Điều này góp phần giải thích tại sao dù Hun Sen là người đưa ra ý tưởng về con kênh, nhưng Hun Manet mới là người thực hiện nó.
Hai tháng trước khi rời nhiệm sở, Hun Sen đã chủ trì một cuộc họp nội các quyết định rằng “Dự án Hệ thống Đường thủy và Hậu cần Tonlé Bassac” sẽ được gọi là Kênh đào Phù Nam. Kế hoạch chi tiết của dự án cũng đã được vạch ra, bao gồm ngân sách, cấu trúc, và thời gian thực hiện.
Tuy nhiên, dự án dường như đã được tăng tốc kể từ khi Hun Manet trở thành Thủ tướng Campuchia. Ông đã thúc đẩy việc xây dựng dự án bằng việc thu hút các nhà đầu tư và đến thăm các nước láng giềng.
Lời đề nghị với Trung Quốc, lời trấn an với Việt Nam
Vào ngày 16-17/09/2023, Manet có chuyến thăm nước ngoài đầu tiên tới Trung Quốc, tham gia Hội chợ Triển lãm ASEAN-Trung Quốc lần thứ 20 tại Nam Ninh. Trong khi gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo và nhà đầu tư Trung Quốc, ông đã gặp Vương Đồng Trụ, Chủ tịch Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc (CBRC), một công ty nhà nước Trung Quốc tham gia vào nhiều dự án phát triển cơ sở hạ tầng khổng lồ ở Campuchia.
Sau khi trở về Campuchia, Hun Manet mô tả chuyến thăm là “có kết quả” trong khi các quan chức chính phủ Campuchia khác gọi đây là một “thành công lớn” đối với Campuchia. Một tháng sau, Campuchia chính thức ký thỏa thuận với CBRC để đầu tư xây dựng kênh đào.
Sau đó, vào ngày 11-12/12/2023, Hun Manet đến thăm Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Nhiều phương tiện truyền thông địa phương ở Việt Nam và quốc tế đã nhanh chóng đưa tin rằng chuyến thăm đầu tiên của Manet tới Việt Nam sẽ giúp tăng cường quan hệ song phương.
Cơ quan truyền thông nhà nước Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam (VoV), gọi đây là chuyến thăm mở ra một “trang mới” trong quan hệ song phương, và rằng Hun Manet đang tiếp tục chính sách đối ngoại của chính quyền tiền nhiệm. VoV cũng mô tả chuyến thăm là giúp tăng cường “tình láng giềng tốt đẹp, tình hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, lâu dài, và bền vững” giữa hai nước.
Ngược lại với những tin tức nổi bật về chuyến thăm Trung Quốc, các quan chức cấp cao Campuchia tuyên bố rằng chương trình nghị sự chính là trấn an Việt Nam rằng Kênh đào Phù Nam sẽ không ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Mê Kông.
Tuy nhiên, một số quan chức cấp cao của chính phủ Campuchia và các nhà phân tích của nước này tin rằng Việt Nam có những lo ngại khác về kênh đào, đặc biệt là về khả năng các tàu chở hàng từ Campuchia sẽ không còn phải ghé cảng Cái Mép của Việt Nam, nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 50 km về phía đông nam.
Bài viết của một nhà nghiên cứu Campuchia đăng trên tờ The Diplomat cho rằng những lo ngại của Việt Nam chủ yếu xuất phát từ lý do kinh tế. Nếu Campuchia có thể sở hữu hệ thống vận tải đường thủy của riêng mình – điều mà Hun Manet gọi là “hít thở bằng mũi của chính mình” – thì Việt Nam sẽ mất tất cả thu nhập quá cảnh từ Campuchia.
Ngoài việc bày tỏ quan ngại với Hun Manet về tác động môi trường của con kênh, chính phủ Việt Nam cũng đang tiến hành đánh giá riêng về tác động xuyên biên giới của Kênh Phù Nam. Nếu kết quả khác với đánh giá do Campuchia tiến hành, con kênh này có thể trở thành một vấn đề trong quan hệ song phương giữa Phnom Penh và Hà Nội.
So Naro, Đặc phái viên của Thủ tướng Campuchia phụ trách các vấn đề ASEAN, đã tháp tùng Hun Manet tới Việt Nam. Đưa ra bình luận với giới truyền thông sau chuyến thăm, ông ngụ ý rằng Kênh Phù Nam có thể cải thiện nền độc lập của Campuchia khi họ không còn phải quá cảnh hàng qua các cảng Việt Nam. Ông khẳng định: “Chúng tôi không có suy nghĩ nào tiêu cực về Việt Nam cả. Tuy nhiên, khi chúng ta phụ thuộc vào ai đó để tồn tại, chúng ta đang đánh mất một phần độc lập của mình.”
Lời phát biểu như vậy từ một quan chức cấp cao của chính phủ Campuchia dường như cho thấy rằng Campuchia, dưới sự lãnh đạo của Hun Manet, sẽ thành công trong việc giảm bớt ảnh hưởng của Việt Nam. Thoát khỏi ảnh hưởng của Việt Nam từng là nhiệm vụ bất khả thi đối với người tiền nhiệm của Hun Manet.
Cần lưu ý rằng chính phủ tiền nhiệm đã được Việt Nam hậu thuẫn mạnh mẽ, đặc biệt là trong và sau thời kỳ Khmer Đỏ. Việt Nam không chỉ đào tạo Hun Sen và các đồng sự, những người trốn sang Việt Nam trong thời Khmer Đỏ, mà còn hỗ trợ chính phủ Hun Sen trong cuộc nội chiến từ năm 1979 đến những năm 1980. Việt Nam vẫn đóng vai trò quan trọng ở Campuchia dưới thời Hun Sen lãnh đạo. Điều này có thể thấy qua việc xây dựng tượng đài Hữu nghị Campuchia – Việt Nam trên khắp đất nước Campuchia để kỷ niệm chiến thắng trước Khmer Đỏ.
Ngoài ra, việc diễn giải sự can dự của Việt Nam vào Campuchia năm 1979 cũng là một chủ đề nhạy cảm. Năm 2019, Hun Sen cáo buộc Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ủng hộ chế độ diệt chủng ở Campuchia sau khi ông Lý đưa ra bình luận xem việc Việt Nam can dự vào Campuchia năm 1978 là một “cuộc xâm lược.” Thuật ngữ “xâm lược” và “chiếm đóng” đã bị Việt Nam và Campuchia phản đối mạnh mẽ.
Ngược lại, Hun Manet và chính phủ của ông không chia sẻ một sự đồng cảm và mối quan hệ như vậy với những người đồng cấp Việt Nam. Việc công khai những quan ngại của Việt Nam về việc xây dựng kênh đào, và khẳng định Campuchia sẽ vẫn thúc đẩy dự án, có thể nâng cao vị thế và uy tín của vị Thủ tướng Campuchia đương nhiệm.
Việt Nam đang mất dần tầm ảnh hưởng truyền thống vào tay Trung Quốc
Việt Nam từ lâu đã xem Campuchia là “một phần không thể thiếu trong phạm vi ảnh hưởng truyền thống của mình.” Chính quyền Campuchia trước đây chịu ảnh hưởng chính trị mạnh mẽ từ Việt Nam. Điều này có thể được thấy qua phản ứng của Campuchia trước hành vi xâm phạm chủ quyền của các nước láng giềng là Thái Lan, Lào, và Việt Nam.
Chẳng hạn, từ tháng 3/2020, binh sĩ Việt Nam đã dựng 83 khu trại dọc biên giới ở các tỉnh Takeo và Kampot của Campuchia, được cho là nhằm ngăn chặn người dân vượt biên trong đại dịch Covid-19. Các trại này vẫn tiếp tục tồn tại tới cuối tháng 6 cùng năm, bất chấp việc chính phủ Campuchia đã gửi công hàm ngoại giao tới Việt Nam vào đầu tháng 5, yêu cầu dỡ bỏ chúng. Đây được xem là hành vi xâm phạm lãnh thổ chủ quyền của Campuchia; tuy nhiên, không có phản ứng mạnh mẽ nào từ các quan chức chính phủ cấp cao của Campuchia.
Ngược lại, các quan chức cấp cao của Chính phủ Campuchia, đặc biệt là Hun Sen, đã đưa ra tối hậu thư hoặc cảnh báo để yêu cầu Thái Lan và Lào rút quân khỏi lãnh thổ Campuchia hoặc khu vực tranh chấp dọc biên giới. Sự khác biệt trong cách đối xử đã nêu bật ảnh hưởng chính trị của Việt Nam đối với Campuchia.
Hiện nay, Campuchia phụ thuộc rất nhiều vào cảng Việt Nam để nhập nguyên liệu từ Trung Quốc, cũng như xuất khẩu thành phẩm sang Mỹ và các nước phương Tây. Khoảng 20 triệu tấn hàng hóa đã được vận chuyển qua các tuyến đường thủy Việt Nam-Campuchia kể từ khi hiệp định vận tải đường thủy giữa hai nước được ký vào năm 2011.
Việt Nam sẽ mất một nguồn thu nhập đáng kể từ những chuyến quá cảnh này khi Campuchia bắt đầu sử dụng hệ thống vận tải đường thủy của riêng mình. Quá trình xây dựng Kênh đào Phù Nam đang cho thấy sự suy giảm ảnh hưởng của Việt Nam đối với Campuchia. Đây sẽ là di sản của Hun Manet.
Chu kỳ phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc
Một tổn thất khác đối với Việt Nam là ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là đối với Campuchia. CBRC, một trong những công ty nhà nước khổng lồ của Trung Quốc, đã ký thỏa thuận với chính phủ Campuchia để đầu tư vào dự án thông qua một hợp đồng Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao (BOT).
Các khoản đầu tư BOT trước đây của Trung Quốc vào Campuchia cho thấy các công ty Trung Quốc sẵn sàng tài trợ và chấp nhận rủi ro khi thực hiện dự án. Một ví dụ về mô hình phát triển BOT của CBRC là đường cao tốc Phnom Penh-Sihanoukville dài 187 km, trong đó Trung Quốc được phép thu phí và quản lý dự án trong 50 năm. Các tài xế sẽ phải trả từ 12 USD cho một chiếc xe hơi nhỏ và lên tới 60 USD cho một chiếc xe tải chở hàng khi di chuyển một chiều trên đường cao tốc này.
Theo hợp đồng về Kênh Phù Nam, công ty Trung Quốc sẽ quản lý kênh đào, bao gồm cả việc bảo trì và thu lợi nhuận từ việc thu phí đi qua kênh. Công ty Trung Quốc sẽ chuyển giao quyền quản lý kênh cho chính phủ Campuchia sau một thời gian, khoảng 40 đến 50 năm. Kênh Phù Nam sẽ là một trong nhiều dự án cơ sở hạ tầng quan trọng khác của Trung Quốc tại Campuchia.
Những khoản đầu tư này đã làm sâu sắc thêm sự phụ thuộc kinh tế bất cân xứng của Campuchia với Trung Quốc. Campuchia cần Trung Quốc để duy trì tăng trưởng kinh tế. Điều này đã được chứng minh rõ trong đại dịch Covid-19, khi dòng chảy thương mại giữa các quốc gia bị hạn chế. Ngành dệt may Campuchia đã hứng đòn chí mạng do Trung Quốc không thể cung cấp nguyên liệu thô cho Campuchia. Tương tự, đại dịch đã khiến một số nhà đầu tư Trung Quốc rút khỏi các dự án mà họ đang phát triển ở Campuchia, chẳng hạn như dự án sân bay rộng 300 ha ở Modulkiri, nơi việc xây dựng vẫn bị đình trệ cho đến nay, do Campuchia vẫn chưa tìm được nhà đầu tư mới.
Sự phụ thuộc kinh tế của Campuchia vào Trung Quốc có thể được chuyển hoá thành ảnh hưởng chính trị, thuyết phục Campuchia hỗ trợ Trung Quốc trong các vấn đề khu vực và quốc tế song phương và tại các diễn đàn khu vực. Trong đó bao gồm vấn đề yêu sách trên biển chồng lấn giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á ở Biển Đông, trong đó Việt Nam có vùng chồng lấn lớn nhất với Trung Quốc. Nếu căng thẳng ở Biển Đông trở nên nguy hiểm hơn, Việt Nam có lẽ sẽ cần quan tâm nhiều hơn đến nước láng giềng phía tây của mình.
Nhìn chung, Kênh đào Phù Nam là một trường hợp điển hình cho thấy Việt Nam đang mất đi phạm vi ảnh hưởng truyền thống ở Campuchia. Liệu Việt Nam sẽ phản ứng thế nào trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực?