Nhiều thương hiệu xa xỉ ngày càng kinh doanh khó khăn hơn tại Trung Quốc. Sau những vấn đề của Gucci, đến lượt đồng hồ Thụy Sỹ chịu mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ năm 2020, nguyên nhân được cho là do nhu cầu tại các thị trường lớn như Trung Quốc và Hồng Kông suy giảm mạnh.
Bloomberg đưa tin, Liên đoàn Công nghiệp Đồng hồ Thụy Sỹ hôm thứ Năm (18/4) cho biết xuất khẩu trong tháng Ba đã giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 2 tỷ franc Thụy Sỹ (2,2 tỷ USD). Lượng hàng xuất xưởng của đồng hồ Thụy Sỹ tại thị trường lớn thứ hai là Trung Quốc chứng kiến giảm 42% – thấp hơn mức hồi tháng 3/2020 khi các ngành nghề rơi vào tình trạng bế tắc do nhà cầm quyền Trung Quốc phong tỏa vì đại dịch COVID-19.
Nhà phân tích Jean-Philippe Bertschy tại Vontobel ở Thụy Sỹ cho biết: “Xu hướng tiêu cực tồi tệ hơn chúng tôi dự kiến, sụt giảm ở Trung Quốc thực sự đáng lo ngại và có thể cho thấy hàng tồn kho trong khu vực Trung Quốc một lần nữa lại quá cao”.
Thông tin từ thị trường cho thấy, dự đoán về người giàu Trung Quốc tăng mạnh chi tiêu sau khi Trung Quốc chấm dứt chính sách ‘Zero COVID’ đã không xảy ra. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và vỡ bong bóng thị trường bất động sản đã làm tổn hại đến niềm tin của người tiêu dùng, trong khi áp lực giảm phát đã làm gia tăng mối lo ngại về tăng trưởng của thị trường tiêu dùng Trung Quốc.
Cổ phiếu của Swatch Group – công ty sản xuất thương hiệu Omega và Longines – đã chạm mức thấp nhất trong 52 tuần vào thứ Năm (18/4), giảm khoảng 1% trên Sàn giao dịch Zurich; cổ phiếu của Richemont – công ty mẹ của các thương hiệu xa xỉ Vacheron Constantin và Cartier – cũng giảm khoảng 1%.
Xu thế chung giảm chi tiêu xa xỉ
Xuất khẩu giảm mạnh làm nổi bật sụt giảm nhu cầu toàn cầu đối với đồng hồ Thụy Sỹ – thương hiệu vốn mới trải qua thời kỳ bùng nổ chưa từng có bắt đầu từ năm 2021 và kéo dài đến giữa năm 2023.
Lãi suất cao hơn, tăng trưởng kinh tế không ổn định và xung đột địa chính trị đang khiến những người mua tiềm năng cân nhắc lại việc chi tiền cho những chiếc đồng hồ đắt tiền.
Liên đoàn Công nghiệp Đồng hồ Thụy Sỹ cho biết, trong tháng Ba nhiều nhà bán lẻ rút đơn đặt hàng khiến lượng đồng hồ được vận chuyển từ Thụy Sỹ đã giảm 25% xuống còn 1,1 triệu.
Vào năm 2021, Mỹ đã thay thế Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất của đồng hồ Thụy Sỹ, tuy nhiên lượng hàng xuất xưởng qua Mỹ trong tháng Ba cũng giảm 6,5%. Trong thời kỳ đại dịch COVID-19 khi người tiêu dùng Mỹ mắc kẹt ở nhà và ngập trong tiền mặt từ các biện pháp kích thích của chính phủ, nhiều người đã đổ xô mua các thương hiệu hàng đầu Thụy Sỹ như Rolex và Patek Philippe. Sau khi tạm dừng sản xuất do các vấn đề về chuỗi cung ứng trong thời gian phong tỏa COVID-19, hầu hết các thương hiệu đều tăng giá do nhiều nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sỹ không thể theo kịp nhu cầu tại Mỹ.
Doanh thu quý đầu tiên năm nay được ‘gã khổng lồ’ hàng xa xỉ LVMH (Pháp) công bố hôm thứ Tư (17/4) cho thấy không đạt được kỳ vọng. Các nguyên nhân được chỉ ra như: Nền kinh tế trì trệ và nhu cầu suy yếu ở thị trường quan trọng Trung Quốc, môi trường kinh tế và địa chính trị toàn cầu vẫn còn nhiều bất ổn…
Theo Hạ Vũ, Epoch Times