Hy sinh cuộc đời

Đặng Duy Hưng

Bà Linh mở cái máy hút bụi thay cái bao đựng cát, rác rưởi từ mấy bữa qua. Bà đi làm ở thư viện thị trấn này, lịch khóa biểu từ thứ hai đến thứ sáu. Làm nhiệm vụ 50 tuần trong một năm trừ ngày nghỉ cuối tuần và ngày lễ. Công việc hàng ngày của bà sắp xếp sách báo hội viên mượn trả lại vào những phân khu đúng quy định. Sau đó, bà bắt đầu dọn dẹp nhà vệ sinh và hút bụi tất cả con đường người đi trong thư viện thị trấn này.

Đến Mỹ cách đây 9 năm với đứa con gái còn bồng trên tay. Nhờ hội thiện nguyện giúp đỡ giới thiệu bà được nhận vào làm ở đây. 

Đây là công việc nhiều người chê bởi phải dọn nhà vệ sinh mỗi ngày. Nhưng với bà chỉ quan tâm lý do chính, trường học của con gái rất gần nơi đây. Mỗi ngày sau giờ tan học bà có thể xin phép nghỉ nửa tiếng đồng hồ ghé ngang đón con gái. Sau đó, bà để nó ngồi trên ghế đọc sách và làm bài tập trong lúc bà trở lại làm việc. 

Sáu giờ tối, xong ngày làm việc bà cầm tay dắt con ra bãi đậu xe. Chiếc Toyota cũ theo bà như con chó trung thành không than vãn. Nó lúc nào cũng vui hạnh phúc khi hai mẹ con bà ngồi xuống đề máy. Về nhà ăn cơm tối xong, bà thường chỉ dẫn cho con gái học tiếng việt. Sau đó đứng bên chỉ dẫn nấu ăn món mới cho ngày mai. Trước khi đồng hồ chỉ 8 giờ hai mẹ con cười vui bên TV với chương trình yêu thích của gia đình. Một ngày đêm dài mệt nhọc nhưng hạnh phúc nhanh chóng trôi qua.

Ngày hôm sau, cũng như mọi ngày, bà thay xong bao mới bắt đầu hút bụi. Lâu lâu liếc mắt nhìn khuôn mặt hiền lành con gái đang chăm chú đọc sách. 

Nó giống hệt như cha về tính thích đọc sách và ghi nhớ dai những ý nghĩ tuyệt vời. Chồng bà, người đàn ông đó đi vào tâm tư bà như dấu ngoặc lịch sử của đất nước. Cùng nghề giáo viên cấp hai nhưng trình độ của bà so với chồng một trời một vực. Hơn nhau 7 tuổi nhưng dường như kiến thức giáo dục hai người hoàn toàn khác biệt từ hai chế độ trước và sau năm 1975.

Chồng là dân thành phố bị đầy đọa về vùng ven, tính tình ít nói và chịu đựng. Anh rất giỏi về văn nhưng sau 1975 sợ dạy văn phải nói thật nên chuyển sang dạy toán và địa lý. Một lần bà tình cờ đọc được những sáng tác của chồng nhưng không có cơ hội xuất bản! Bà hiểu nỗi lòng người đứng về phía thua cuộc. 

Rồi đêm tối trời đó, bà ôm con rời xa đất nước lẽ loi cô đơn trên xứ người bởi khu vực thuyền vào đón chồng bị lộ.

Chín năm, tức hơn ba ngàn ngày, bà mỏi mòn hy vọng một ngày sẽ đoàn tụ. Hàng ngày nhìn con gái lớn lên học hành giỏi giang hiền lành lễ phép, bà vui lắm. Cô thầy giáo nói chuyện với bà trong ngày họp mặt phụ huynh:  “Rose có khiếu viết văn, và giỏi toán khoa học. Tương lai có thể làm nhà văn hay cô giáo!”

Nghe thế, tối hôm đó bà nằm rơi nước mắt, mừng vui con gái có thể nối nghiệp cha tương lai sáng sủa trên xứ người. 

Thời gian qua bà để mặc trôi qua tâm tư chỉ dành hết cuộc đời cho con. Mỗi lần nhận lá thư từ chồng là bà đọc ngấu nghiến như nuốt hết chữ trên những trang giấy yêu thương. Bao nhiêu người thân cận hết lòng khuyên bà nên tiến bước nữa bởi bà còn quá trẻ. Ngay cả chồng đôi lúc cũng nhắn nhủ anh sẽ không bao giờ trách móc nếu bà đi thêm bước nữa.

Nhưng mỗi ngày nhìn con gái lớn lên, càng giống cha từ khuôn mặt đến vài tâm tính. Bà nhớ câu nói tâm sự từ chồng mà mãi mãi không quên:  “Tất cả chúng ta sẽ không bao giờ biết bản thân mình mạnh mẽ, ưu tú đến chừng nào nếu không đối diện với áp lực của cuộc đời.”

Bà thương cảm thông hiểu sự cao quý của người chồng sau cuộc đổi đời, nên tâm niệm từ ngày đến xứ sở này là ở vậy, dành hết tình cảm nuôi nấng con nên người. 

Ít ai biết bà thích nghe tiếng máy hút bụi sàn nhà vì gợi nhớ về kỷ niệm ngày ấy quen chồng khi gặp anh phụ hợp tác xã cưa cây cạnh nhà. Ít ai ngờ người đàn ông ấy một thời sanh ra lớn lên trong nhung lụa. 

Chồng bà tâm sự: “Số phận của con người, ơn trên đã sắp đặt. Hãy sống thiện nhân, ở hiền sẽ gặp lành, trời cao luôn có mắt! Hạnh phúc sẽ đến dễ dàng hơn nếu chúng ta ngưng lại chuyện phàn nàn về khúc mắc cuộc đời. Hãy biết trân trọng những khó khăn chướng ngại mà ta không vấp!”

Tối nay, thứ sáu, về nhà gần 6.20 tối nhưng là mùa hè nên trời vẫn còn sáng. Người đưa thư đang bỏ thư vào từng phòng trong chung cư mỉm cười khi thấy bà:

“Hôm nay bà có thư gửi đến từ Hongkong. Chúc bà và cháu một đêm tốt lành.”

Cầm lá thư vớinnét chữ của chồng ghi địa chỉ từ trại tỵ nạn Hương Cảng, bà ôm con gái hai dòng nước mắt tuôn trào trên má:  

“Ba con đã đến trại tỵ nạn Hongkong rồi. Ngày mai mẹ sẽ xin phép nghỉ một ngày ra làm hồ sơ bảo lãnh. Hè này con có muốn bay qua bên đó thăm ba vừa đi du lịch với mẹ không?”

Con Rose khuôn mặt hân hoan giọng ngây thơ:  “Mẹ nghĩ ba có thích ăn gà rán KFC như con không?”

Đặng Duy Hưng

Related posts