‘Trùm tình báo’ Trung Quốc tuyên bố ‘nhổ đinh, diệt nội gián’

Ninh Hải ChungLạc Á

‘Trùm tình báo’ Trung Quốc tuyên bố ‘nhổ đinh, diệt nội gián'
Các nhân viên an ninh đứng sau cánh cửa kính bên ngoài Hội trường Tây Tạng ở Đại lễ đường Nhân dân trong thời gian diễn ra cuộc họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc ở Bắc Kinh vào ngày 6/3/2024. (GREG BAKER/AFP via Getty Images)

Ông Trần Nhất Tân (Chen Yixin), Bộ trưởng An ninh Quốc gia Trung Quốc, gần đây tuyên bố sẽ triển khai cuộc “đấu tranh Ngũ phản” bao gồm: chống lật đổ, chống bá quyền, chống ly khai, chống khủng bố và chống gián điệp. Có chuyên gia cho rằng, điều này cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ và ông Tập Cận Bình rất lo ngại về sự bất ổn của chính quyền, nhưng càng tạo phong trào chính trị lớn thì chính quyền này càng nhanh chóng sụp đổ.

Trong một bài viết đăng ngày 29/4 trên trang nhất của tạp chí Thời báo Học tập của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông Trần Nhất Tân tuyên bố rằng Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc phải tiến hành chống lật đổ, chống bá quyền, chống ly khai, chống khủng bố, chống gián điệp.

Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc là một bộ trong Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, phụ trách an ninh quốc gia, hoạt động tình báo và bảo vệ chế độ chính trị.

Trong một bài báo đăng vào tháng 5 năm ngoái, The Wall Street Journal (Tạp chí Phố Wall) gọi ông Trần Nhất Tân là “trùm tình báo” (spymaster) Trung Quốc.

Ông Trần hiện 64 tuổi, được ĐCSTQ coi là người thực thi ý chí của ông Tập Cận Bình bằng bàn tay sắt. Ông Trần từng được ông Tập cử đi giám sát việc phong tỏa nghiêm ngặt thành phố Vũ Hán vào đầu năm 2020 ngay sau khi dịch Covid-19 bùng phát.

‘Chống lật đổ’ được đặt lên hàng đầu

Bài viết của ông Trần Nhất Tân nói rằng, “cuộc chiến chống lật đổ” đòi hỏi phải xây dựng “bức Trường thành thép để duy trì an ninh chính trị” trước bên ngoài, hết sức cảnh giác trước sự Tây hóa và phân hóa của “thế lực thù địch”, và kiên quyết đề phòng “cách mạng màu”, v.v.

Ông Trần Nhất Tân cũng đề cập rằng, trong nội bộ, ĐCSTQ phải xóa bỏ “vùng đất gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị” và bảo vệ trận địa tư tưởng trên Internet cũng như trong các trường cao đẳng, đại học; đồng thời còn đặc biệt đề cập rằng phải kiên quyết “nhổ đinh, diệt nội gián”. Nhưng bài viết này không nói rõ về “nội gián”.

Khi dẫn tin từ bài viết trên, các kênh truyền thông Trung Quốc thường đề cập đến “nhổ đinh, diệt nội gián”.

Trong ngoài đều khủng hoảng

Ông Lại Vinh Vĩ (Lai Rongwei), Giám đốc điều hành của Hiệp hội Truyền cảm hứng Đài Loan (Taiwan Inspiration Association), nói với The Epoch Times vào ngày 30/4 rằng nội dung của “Ngũ phản” lần này đã tiết lộ những cuộc khủng hoảng ở bên trong và bên ngoài mà ĐCSTQ hiện đang phải đối mặt. Nói cho cùng, an ninh quốc gia chính là sự ổn định của chính quyền. Có lẽ ông Tập Cận Bình đã nhận định rằng, sự bất ổn định của chính quyền có liên quan đến sự câu kết giữa các thế lực ở cả bên trong lẫn bên ngoài.

“Bây giờ nền kinh tế Trung Quốc đang không ổn, ông Tập có thể nói rằng không phải do đường lối chính sách của ông ta sai, mà là trong các quan chức có người tư tưởng bất thuần, thậm chí có thể đã cấu kết với nước ngoài vì lợi ích, có thể đã xuất hiện nội gián”, ông Lại nói.

Ông Lại cho rằng, việc bài viết của ông Trần Nhất Tân được đăng trên một ấn phẩm của Trường Đảng Trung ương ĐCSTQ cũng là nhằm vào các cán bộ trong đảng và chính quyền Trung Quốc. “Những người này rất bất bình với ông Tập Cận Bình, thậm chí họ có thể đã thông đồng với thế lực bên ngoài nên hiện nay Bộ An ninh mới có động thái lớn”.

Nhà nghiên cứu Thẩm Minh Thất (Shen Mingshi), Giám đốc Viện Quốc phòng và An ninh Đài Loan, nói với The Epoch Times vào ngày 30/4 rằng, ông Tập Cận Bình đang có cảm giác mạnh mẽ về một cuộc khủng hoảng chính quyền, vậy nên mới thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ, bao gồm sửa đổi “Luật Phản gián điệp”, gần đây còn bắt giữ một học giả Nhật Bản, v.v.

Ông Thẩm chỉ ra, Bộ An ninh Quốc gia là một cơ quan quan trọng trong Ủy ban An ninh Quốc gia thuộc Trung ương ĐCSTQ, và để được ông Tập Cận Bình trọng dụng, ông Trần Nhất Tân phải có thành quả công việc cụ thể. Vậy nên trong hai năm qua, ông Trần đã nhúng tay vào công tác đối ngoại và các lĩnh vực khác.

Ông Thẩm nói, ĐCSTQ cho rằng, trước đây sau khi mở cửa cho đầu tư nước ngoài, có rất nhiều gián điệp đã xâm nhập và ẩn náu ở Trung Quốc, và bây giờ họ phải đào những chiếc “đinh” này ra.

Có thể bắt bất kỳ ai với cái cớ ‘an ninh quốc gia’

Bộ An ninh Quốc gia vốn là một cơ quan kín tiếng của ĐCSTQ nhưng kể từ khi ông Trần Nhất Tân lên nắm quyền điều hành, Bộ này ngày càng được phô trương thanh thế. Không chỉ hoạt động trên lĩnh vực ngoại giao và tài chính, Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc còn khởi động phong trào toàn dân bắt gián điệp, gây đe dọa trực tiếp đến các công ty nước ngoài.

Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc mới đây còn khoe khoang “đặc quyền” của mình, đó là trong trường hợp khẩn cấp, các nhân viên an ninh quốc gia được quyền sử dụng tất cả các phương tiện giao thông công cộng mà không cần phải mua vé, và bất kỳ tổ chức, cá nhân nào cố tình cản trở công tác an ninh quốc gia đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cảnh cáo hoặc giam giữ hành chính hoặc phạt tiền.

Ông Lại Vinh Vĩ cho rằng, nếu Bộ An ninh Quốc gia có quá nhiều quyền, thứ nhất, chắc chắn sẽ xâm phạm đến người dân; thứ hai, các hoạt động của Bộ này sẽ xung đột với quyền và lợi ích của các cơ quan khác, có thể dẫn đến một sự hỗn loạn lớn.

Ông Lại chỉ ra: “Nếu quyền hạn của các cơ quan khác xung đột với Bộ An ninh Quốc gia, họ có thể bị bắt vì bị cho là gián điệp; các nhà đầu tư nước ngoài đến Trung Quốc phát triển và khi muốn thoái vốn đầu tư để rời khỏi Trung Quốc, họ có thể bị giam giữ vì lý do ‘an ninh quốc gia’; khi người dân trong xã hội phản đối điều gì đó, ĐCSTQ có thể lấy cớ ‘an ninh quốc gia’ để bắt giữ họ. Sự tức giận và bất bình sẽ dần gia tăng”.

Khoảng 70 năm trước, ĐCSTQ cũng từng phát động phong trào ‘Ngũ phản’ và dẫn tới hàng loạt án oan sai

Ông Lại Vinh Vĩ chỉ ra, phong trào “Ngũ phản” lần này do ông Trần Nhất Tân đề xuất khiến mọi người nhớ đến phong trào “Tam phản và Ngũ phản” thời những năm 1950. Lúc đó ĐCSTQ mới thiết lập chính quyền và đã phát động phong trào “Ngũ phản” nhắm vào các nhà công thương nghiệp theo chủ nghĩa tư bản, đồng thời thanh trừng một số người còn sót lại của Quốc dân đảng mà ĐCSTQ gọi là thế lực phản động.

Trong những năm 1950 và 1960 của thế kỷ 20, ĐCSTQ đã hai lần phát động phong trào “Ngũ phản”:

  • Lần thứ nhất bao gồm: chống hối lộ, chống trộm thuế và trốn thuế, chống trốn làm và ăn bớt nguyên vật liệu, chống trộm cắp và lừa đảo tài sản nhà nước, chống trộm cắp tình báo kinh tế quốc gia;
  • Nội dung lần thứ hai là: phản đối tham nhũng trộm cắp, phản đối đầu cơ trục lợi, phản đối khoa trương lãng phí, phản đối chủ nghĩa phân tán, phản đối chủ nghĩa quan liêu.

Một lượng lớn các bản án oan, án giả và án sai đã xuất hiện khi ĐCSTQ tiến hành những phong trào “Ngũ phản” này, kéo theo nền kinh tế bị thiệt hại. Có tài liệu cho thấy, chỉ riêng ở Thượng Hải, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ ngày 25/1 đến ngày 1/4/1952, thành phố này đã có 876 người tự sát do bị bức hại trong phong trào “Ngũ phản”, trung bình mỗi ngày có hơn 10 người tự tử. Trong đó, có rất nhiều thương nhân và các nhà tư bản đã tự sát cùng nhiều thành viên trong gia đình họ.

Ông Thẩm cho rằng, chính vì ông Tập đang cảm thấy bất an nên ông Trần Nhất Tân mới có cơ hội biểu diễn. Tuy nhiên, phong trào chính trị này càng rầm rộ, càng trấn áp người dân mạnh mẽ thì tốc độ sụp đổ của chính quyền này càng nhanh.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch

Related posts