Nguồn: Khang Vu, “Why Vietnam Needs to Reevaluate its Weapons Procurement Strategy”, The Diplomat, 30/04/2024
Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương
Các lo ngại ngày càng gia tăng về dự án kênh đào Campuchia do Trung Quốc tài trợ nhấn mạnh sự cần thiết phải chuyển hướng từ an ninh hàng hải sang an ninh lục địa.
Dự án xây dựng kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia, do Tập đoàn Đường sắt Cầu đường Trung Quốc tài trợ, đang gây ra nhiều lo ngại cho Việt Nam. Bên cạnh những tác động môi trường mà kênh đào này có thể gây ra cho Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, nó còn đặt ra một mối đe dọa địa chính trị. Kênh đào có thể cho phép hải quân Trung Quốc đi ngược dòng từ Vịnh Thái Lan và căn cứ Ream đến biên giới phía tây của Việt Nam. Từ trước đến nay, Việt Nam đối mặt với mối đe dọa của Trung Quốc từ phía bắc và phía đông. Khi Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở Campuchia, cùng với việc sức ảnh hưởng của Việt Nam đối với Lào suy yếu, thì sự bao vây của Trung Quốc đối với Việt Nam đang ngày càng toàn diện hơn. Và như quá khứ đã cho thấy, Việt Nam sẽ lo ngại hơn về một nước Campuchia do Trung Quốc hậu thuẫn, đe dọa quân sự đến biên giới phía tây của mình hơn là mối đe dọa từ Trung Quốc trên Biển Đông. Hà Nội đã tiến hành can thiệp quân sự vào Campuchia năm 1978 sau khi đã dùng hết mọi biện pháp ngoại giao để loại bỏ Khmer Đỏ khỏi quyền lực nhằm bảo vệ sườn phía tây của mình. Là một quốc gia thiếu chiều sâu chiến lược, Việt Nam không thể cho phép một thế lực thù địch đe dọa có thể chia cắt đất nước.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Việt Nam dường như đã bị đánh lạc hướng bởi các tranh chấp trên biển. Các nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Hà Nội tập trung vào hải quân và không quân. Việc tập trung vào không gian hàng hải có thể nhìn thấy từ mô hình mua sắm vũ khí của Việt Nam trong hai thập kỷ qua. Khi mối đe dọa trên bộ giảm bớt sau Hiệp ước Biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc năm 1999, Việt Nam đã ký các thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Nga và Ấn Độ vào đầu những năm 2000 nhằm hiện đại hóa hải quân. Việt Nam đã mua các khí tài hải quân lớn, chẳng hạn như hai tàu hộ vệ lớp Gepard vào năm 2006, sáu tàu ngầm lớp Kilo vào năm 2009 và hai tàu hộ vệ lớp SIGMA-9814 vào năm 2013. Trong giai đoạn 2008-2016, Việt Nam đã mua tám tàu tên lửa dẫn đường tấn công nhanh lớp Molniya. Năm 2013, Việt Nam cũng mua 12 máy bay tiêm kích Sukhoi Su-30MK2 cho không quân nhằm hướng tới các tranh chấp trên biển. Sau khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí vào năm 2016, Việt Nam đã mua ba tàu tuần tra lớp Hamilton của Mỹ cho Lực lượng Tuần duyên. Việt Nam cũng đang đàm phán để mua máy bay F-16 từ Mỹ để giám sát tốt hơn Biển Đông.
Việc hiện đại hóa hải quân và không quân của Việt Nam diễn ra với cái giá là việc hiện đại hóa lục quân bị phớt lờ, lực lượng nòng cốt vốn vẫn đang sử dụng xe tăng chiến đấu chủ lực từ những năm 1970 và pháo binh lỗi thời. Hà Nội đã cố gắng mua xe tăng T-80 từ Nga nhưng các cuộc đàm phán đã thất bại do thiếu kinh phí. Năm 2017, Việt Nam đã đặt mua 64 xe tăng T-90S của Nga và được bàn giao vào năm 2019. Mặc dù có những nỗ lực nâng cấp và tân trang, khí tài của lục quân nói chung đã lỗi thời đến mức một số học giả coi chúng như “thứ đồ thời Chiến tranh Lạnh”.
Với sự trở lại của mối đe dọa trên bộ, đã đến lúc Việt Nam cần suy nghĩ lại chiến lược mua sắm vũ khí và tái định hướng chương trình hiện đại hóa quốc phòng theo hướng ưu tiên cho lục quân. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Việt Nam nên từ bỏ cam kết bảo vệ chủ quyền biển. Các khí tài hải quân hiện có của Việt Nam sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự hiện diện trên biển, chống lại các chiến thuật vùng xám của Trung Quốc và ngăn chặn Trung Quốc chiếm các đảo đang bị chiếm đóng ở Biển Đông.
Điều Việt Nam cần hướng tới là một chiến lược mua sắm vũ khí có thể (1) cân bằng ngân sách quốc phòng hạn chế với môi trường an ninh đang xấu đi ở cả miền lục địa và hàng hải; (2) bảo đảm với Trung Quốc về ý định hòa bình của Việt Nam; và (3) cung cấp cho đất nước những vũ khí có khả năng sống sót cao nhất nếu chiến tranh xảy ra. Áp dụng “chiến lược con nhím” – tức là mua sắm một lượng lớn vũ khí hạng nhẹ cho lục quân – nên là trọng tâm trong chiến lược mua sắm vũ khí của Hà Nội.
“Chiến lược con nhím” trước hết phù hợp với học thuyết chiến thắng của Việt Nam. Quân đội Việt Nam nhấn mạnh học thuyết chiến tranh nhân dân, theo đó trong thời chiến, mọi công dân và mọi binh sĩ sẽ được kêu gọi sử dụng mọi phương tiện sẵn có để chống lại kẻ thù vượt trội. Học thuyết như vậy phụ thuộc rất nhiều vào việc tận dụng địa hình thuận lợi để các đơn vị quân đội cơ động có thể nhanh chóng bao vây kẻ thù khi cần thiết và phân tán khi bị tấn công. Không khó để hiểu tại sao, bất chấp việc hiện đại hóa hải quân và cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra trong các vấn đề quân sự, Việt Nam vẫn cho rằng một cuộc chiến tranh trên bộ trong tương lai có nhiều khả năng sẽ quyết định sự tồn vong của đất nước. Đây là một tính toán hợp lý vì các đảo của Việt Nam cách xa đất liền và không gây ra mối đe dọa an ninh lớn nào, ngay cả khi chúng bị một thế lực thù địch chiếm đóng.
Quân đội Việt Nam đã đưa ra hai kịch bản có thể xảy ra nhất cho các cuộc chiến tranh trong tương lai của Việt Nam. Kịch bản thứ nhất, kẻ thù vượt trội sử dụng vũ khí công nghệ cao để tấn công các mục tiêu trọng yếu của Việt Nam mà không cần tiến hành xâm lược trên bộ, Việt Nam có thể kiên cường nhờ học thuyết chiến tranh nhân dân, vì Việt Nam không có các mục tiêu tập trung. Kịch bản còn lại, kẻ thù vượt trội thực hiện các cuộc tấn công vào các mục tiêu trọng yếu của Việt Nam và tiến hành xâm lược trên bộ. Trong trường hợp này, quân đội sẽ dựa vào lợi thế địa hình của đất nước để tối đa hóa hiệu quả của học thuyết chiến tranh nhân dân. Trong cả hai kịch bản, Việt Nam đều cho rằng kẻ thù của mình sở hữu trang thiết bị quân sự vượt trội hơn nhiều so với mình.
Điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ tham gia vào chiến tranh phi đối xứng để răn đe và phòng thủ chống lại kẻ thù mạnh hơn trong chiến tranh trên bộ. Bản chất của vũ khí hạng nhẹ là dễ phân phát, cơ động và giá cả phải chăng, phù hợp với chiến lược và ngân sách của Việt Nam. Vũ khí phi đối xứng, chẳng hạn như vũ khí chống tăng hoặc hệ thống phòng không di động, cho phép Hà Nội giảm thiểu sự mất cân bằng tài nguyên so với Trung Quốc. Việt Nam tốn ít chi phí hơn nhiều để chống lại xe tăng của đối phương bằng cách sử dụng vũ khí chống tăng so với việc sử dụng xe tăng của riêng mình. Ngoài ra, việc ngăn chặn các khu vực trên không phận bằng tên lửa đất đối không cơ động sẽ rẻ hơn so với việc cố gắng giành ưu thế trên không bằng các máy bay tiêm kích tối tân như F-16 hoặc Sukhoi Su-30MK2 trước một kẻ thù đáng gờm hơn. Hiệu suất kém của xe tăng Nga và việc sử dụng hiệu quả drone giá rẻ của cả hai bên trên chiến trường Ukraine nên khiến Việt Nam cân nhắc lại việc mua các trang bị đắt tiền. Quan trọng hơn, vũ khí hạng nhẹ phù hợp với học thuyết chiến tranh nhân dân nhờ tính đơn giản và bền bỉ. Chi phí mua sắm và bảo trì thấp của chúng đảm bảo rằng việc chuyển hướng phòng thủ sang bộ binh sẽ không ảnh hưởng đến hải quân.
Bên cạnh những lợi thế kỹ thuật của vũ khí hạng nhẹ, việc Việt Nam mua các loại vũ khí này sẽ giúp Trung Quốc yên tâm hơn về ý định hòa bình của mình. Vũ khí hạng nhẹ không phải là vũ khí tấn công tốt vì chúng không cho phép kẻ tấn công xuyên thủng phòng thủ của kẻ thù. Đồng thời, việc vũ khí hạng nhẹ có tính năng công nghệ thấp hơn vũ khí hạng nặng cho phép Việt Nam mua từ các nhà cung cấp khác nhau theo chính sách đối ngoại đa phương. Triển lãm quốc phòng năm 2022 của Việt Nam cho thấy nỗ lực đa dạng hóa việc mua sắm vũ khí của đất nước, thoát khỏi vũ khí Nga mà không gây ra khiêu khích cho Trung Quốc. Ngành công nghiệp quốc phòng trong nước cũng có khả năng sản xuất vũ khí hạng nhẹ cho lực lượng bộ binh, giúp giảm bớt sự phụ thuộc công nghệ của Việt Nam vào các nước ngoài và mang lại lợi ích cho chính sách đối ngoại độc lập. Tuy nhiên, sự yên tâm hiếm khi hoàn hảo, vì vậy Việt Nam cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.
Nếu xung đột trên bộ nổ ra, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là phải cầm cự đủ lâu để tìm kiếm giải pháp ngoại giao. Thật không may, các trang bị đắt tiền sẽ trở thành mục tiêu tấn công và chúng không thể trụ vững trước các cuộc tấn công từ kẻ thù vượt trội về công nghệ. Để đảm bảo Việt Nam không thể trả đũa bằng cách tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Trung Quốc, Trung Quốc sẽ cố tình nhắm vào các vũ khí chiến lược của Việt Nam, chẳng hạn như không quân. Bắc Kinh cũng có thể thực hiện các cuộc tấn công mạng để hạ thấp cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc của Việt Nam.
Vũ khí hạng nhẹ có tính di động và khả năng che dấu tốt hơn, giúp chúng tồn tại tốt hơn và dân thường dễ dàng sử dụng hơn trong những trường hợp khẩn cấp. Vũ khí hạng nhẹ cũng báo hiệu rằng Việt Nam đang cố gắng ngăn chặn Trung Quốc bằng cách chống xâm nhập, không phải trừng phạt, điều này có thể giảm bớt áp lực leo thang giữa hai bên. Trung Quốc có thể áp dụng chiến lược “bóp nghẹt Việt Nam” về mặt kinh tế, giống như những gì họ đã làm vào những năm 1980, để buộc Hà Nội phải tiêu hao ngân sách đến kiệt quệ. Dựa vào vũ khí hạng nhẹ để phòng thủ và răn đe sẽ không giúp Việt Nam thoát khỏi sự cưỡng ép của Trung Quốc, nhưng nó sẽ giảm thiểu chi phí để chống lại chiến lược bào mòn của Trung Quốc và giúp Hà Nội có thêm thời gian để tìm ra giải pháp ngoại giao.
Về hiện đại hóa quân đội, đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam đánh giá lại những gì hiệu quả và những gì không. Mặc dù các khoản mua sắm đắt tiền của Việt Nam thể hiện cam kết chính trị trong việc bảo vệ chủ quyền, nhưng những vũ khí này đều tốn kém bảo trì và không thể tồn tại đủ lâu để tạo ra sự khác biệt trong một cuộc xung đột nghiêm trọng. Quân đội Việt Nam từ lâu đã nhấn mạnh yếu tố con người hơn là yếu tố công nghệ trong chiến tranh, và nguyên tắc chủ đạo của việc hiện đại hóa quân đội Việt Nam là xây dựng một lực lượng độc lập, tự chủ và tiên tiến trong phạm vi tài chính của mình. Vũ khí hạng nhẹ sẽ mang lại cho Việt Nam cơ hội sống sót tốt nhất với chi phí chấp nhận được.
Khang Vũ là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Khoa Khoa học Chính trị tại Đại học Boston.