Tác giả: Joseph S. Nye, Jr.
Đỗ Kim Thêm dịch
6-5-2024
Mặc dù Mỹ đã từ bỏ chính sách tham gia với Trung Quốc, nhưng chiến lược cạnh tranh đại cường mà nó thay thế, không loại trừ sự hợp tác Mỹ – Trung trong một số lĩnh vực. Một ví dụ điển hình là một trận bóng đá, nơi hai đội quyết chiến nhưng tuân theo các quy tắc và ranh giới nhất định, chỉ đá bóng chứ không đá nhau.
Gần đây, khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Bắc Kinh trong nỗ lực giúp ổn định các mối quan hệ với Trung Quốc, nhiều vấn đề mà ông thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gây tranh cãi sôi nổi. Ví dụ, Blinken cảnh báo Trung Quốc không nên cung cấp vật liệu và công nghệ để hỗ trợ Nga trong cuộc chiến Nga chống Ukraine, và ông phản đối các yêu sách về lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông cùng hành vi quấy rối Philippines (một đồng minh của Hoa Kỳ). Các tranh chấp khác liên quan đến cách giải thích về chính sách “một Trung Quốc” của Mỹ đối với Đài Loan cũng như các biện pháp kiểm soát thương mại và xuất khẩu của Mỹ về công nghệ sang Trung Quốc.
Cùng trong thời điểm này, tôi đến thăm Bắc Kinh với tư cách là chủ tịch của “đối thoại song phương” Mỹ – Trung, nơi dân chúng liên lạc với chính phủ của họ, để họ có thể gặp và nói lên quan điểm của mình. Bởi vì những cuộc nói chuyện như vậy không chính thức và không thể chấp nhận được, nên đôi khi chúng có thể thẳng thắn hơn. Lần này, điều đó chắc chắn xảy ra, khi một phái đoàn của Nhóm Chiến lược của tổ chức Aspen gặp một nhóm của Trường Trung ương Đảng có ảnh hưởng ở Bắc Kinh tập hợp – cuộc gặp thứ sáu như vậy giữa hai tổ chức trong thập niên qua.
Đúng như dự đoán, người Mỹ củng cố thông điệp của ông Blinken về các vấn đề gây tranh cãi, còn người Trung Quốc lặp lại quan điểm của chính phủ họ. Như một tướng lãnh hồi hưu của Trung Quốc từng cảnh báo: “Đài Loan là cốt lõi trong các vấn đề cốt lõi của chúng tôi”. Tuy nhiên, mọi thứ trở nên thú vị hơn khi nhóm chuyển sang tìm hiểu các lĩnh vực hợp tác có thể xảy ra. Sự thay đổi từ chính sách hợp tác với Trung Quốc của Mỹ sang chiến lược cạnh tranh đại cường không loại trừ sự hợp tác trong một số lĩnh vực. Để định hình cho cuộc thảo luận, chúng tôi đã sử dụng hình ảnh tương tự như một trận bóng đá: Hai đội quyết chiến, nhưng họ chỉ đá bóng chứ không đá nhau và mọi người phải ở trong vạch trắng.
Khi chuyển đổi các ẩn dụ, một số người Trung Quốc lo ngại rằng ,khi người Mỹ nhấn mạnh đến việc thiết lập “đường ranh bảo vệ” giống như việc thắt dây an toàn trong ô tô để khuyến khích tăng tốc độ; nhưng hầu hết đều đồng ý rằng, tránh va chạm là mục tiêu chính. Để đạt được mục tiêu đó, chúng tôi xác định bảy lĩnh vực có tiềm năng hợp tác.
Đầu tiên và rõ ràng nhất là vấn đề biến đổi khí hậu, nó đe dọa cả hai nước. Mặc dù Trung Quốc tiếp tục xây dựng các nhà máy điện đốt bằng than, nhưng nước này nhanh chóng bổ sung các nguồn năng lượng tái tạo và tuyên bố sẽ đạt mức phát thải khí carbonic (CO2) cao nhất vào năm 2030 và mức độ trung hòa carbon vào năm 2060. Chúng tôi kêu gọi lập một thời biểu nhanh hơn và các trao đổi khoa học cho mục tiêu đó.
Vấn đề thứ hai là y tế công cộng cho toàn cầu. Các nhà khoa học cho biết, trận đại dịch tiếp theo không phải là vấn đề liệu nếu có hay không mà là khi nào. Cả hai chính phủ đều giải quyết vấn đề Covid-19 một cách tồi tệ và kết quả là hàng triệu người thiệt mạng. Nhưng, thay vì tranh cãi xem lỗi nên thuộc về ai, chúng tôi đề nghị nghiên cứu xem sự hợp tác khoa học của chúng ta đã giúp làm chậm dịch SARS năm 2003 và Ebola năm 2014 như thế nào, cũng như cách mà chúng ta có thể áp dụng những bài học đó trong tương lai như thế nào.
Về vấn đề vũ khí hạt nhân, người Trung Quốc bảo vệ việc gia tăng mạnh với lý do là các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có độ chính xác cao hơn và tính dễ bị tổn thương của tàu ngầm vào một ngày nào đó có thể gây nguy hiểm cho khả năng tấn công đáp trả nếu họ bị tấn công trước. Họ lặp lại sự phản đối quen thuộc của mình đối với việc áp dụng các hạn chế kiểm soát vũ khí trước khi kho vũ khí của họ bằng với kho vũ khí của Mỹ và Nga. Nhưng họ bày tỏ, sẵn sàng thảo luận về học thuyết, khái niệm hạt nhân và sự ổn định chiến lược, cũng như các trường hợp không phổ biến vũ khí hạt nhân và khó khăn như Triều Tiên và Iran – hai lĩnh vực mà Mỹ và Trung Quốc đã hợp tác trong quá khứ.
Vấn đề thứ tư là trí tuệ nhân tạo. Tại San Francisco hồi mùa thu năm ngoái, ông Tập và Tổng thống Mỹ Joe Biden đồng ý bắt đầu đàm phán về sự an toàn của trí tuệ nhân tạo – mặc dù hai chính phủ vẫn chưa đạt được nhiều tiến bộ. Nhóm của chúng tôi đồng ý rằng, vấn đề này đòi hỏi phải có các cuộc đàm phán riêng tư đằng sau cánh cửa đóng kín, đặc biệt là về các ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực quân sự. Như một vị tướng về hưu của Trung Quốc nói, việc kiểm soát vũ khí khó có thể xảy ra, nhưng vẫn có cơ hội lớn để hợp tác, hướng tới sự hiểu biết lẫn nhau về các khái niệm và học thuyết, cũng như về ý nghĩa trong việc duy trì sự kiểm soát của con người.
Về kinh tế, cả hai bên đồng thuận rằng, thương mại song phương mang lại lợi ích chung, nhưng phía Trung Quốc phàn nàn về các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đối với chất bán dẫn tiên tiến. Trong khi Mỹ biện minh cho chính sách của mình vì lý do an ninh thì người Trung Quốc lại coi đó là một biện pháp được thiết kế để hạn chế sự tăng trưởng kinh tế của họ. Vì Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan mô tả cách tiếp cận của Mỹ giống như xây dựng “một hàng rào cao xung quanh một khoảng sân nhỏ”, nên chúng tôi chỉ ra rằng, nó chỉ ảnh hưởng đến một phần nhỏ trong tổng giao dịch bán chip của chúng tôi.
Chủ đề về tình trạng dư thừa năng lực trong sản xuất công nghiệp của Trung Quốc, vốn được thúc đẩy bởi các khoản trợ cấp, gặp nhiều khó khăn hơn. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại, thay vì thực hiện các biện pháp để tăng cường tiêu dùng nội địa, nước này đang cố xuất khẩu để giải quyết những vấn đề hiện tại (như họ từng làm trong quá khứ). Chúng tôi chỉ ra rằng, thế giới đã thay đổi kể từ “cú sốc Trung Quốc” hồi đầu thế kỷ.
Nhưng thay vì chịu đựng sự chia rẽ sẽ có hại cho hai nước, chúng tôi đồng ý chia các vấn đề kinh tế ra thành ba nhóm. Một mặt là các vấn đề an ninh, nơi chúng tôi đồng ý các vấn đề bất đồng. Mặt khác, hoạt động bình thường về thương mại hàng hóa và dịch vụ, nơi chúng tôi tuân theo các quy tắc thương mại quốc tế. Và ở khoảng giữa, khi các vấn đề trợ cấp và dư thừa công suất nảy sinh, chúng tôi sẽ đàm phán các vấn đề theo từng trường hợp một.
Chủ đề cuối cùng của chúng tôi có liên quan đến các mối liên hệ giữa con người với nhau, vốn đã bị thiệt hại nặng nề do ba năm hạn chế bởi COVID và các mối quan hệ chính trị ngày càng xấu đi. Hiện tại, chưa tới 1.000 sinh viên Mỹ đang học ở Trung Quốc, trong khi có khoảng 289.000 sinh viên Trung Quốc đang học tại các trường đại học ở Mỹ (mặc dù con số đó đã giảm gần 1/4 so với mức đỉnh điểm). Các nhà báo đang phải đối mặt với việc hạn chế visa nhập cảnh Trung Quốc nhiều hơn, và các học giả, cũng như nhà khoa học của cả hai nước đều cho biết, họ gặp nhiều rắc rối hơn bởi các viên chức di trú. Không điều nào trong số các vấn đề này giúp khôi phục lại ý nghĩa của việc hiểu biết lẫn nhau.
Trong thời kỳ cạnh tranh đại cường Mỹ – Trung, chúng ta không nên nghĩ tới chuyện quay trở lại chiến lược can dự, đánh dấu sự khởi đầu của thế kỷ này. Nhưng lợi ích của hai nước là tránh xung đột và xác định các lĩnh vực hợp tác khi nào và ở đâu mà chúng ta có thể. Nhưng lợi ích của cả hai nước là tránh xung đột và xác định các lĩnh vực hợp tác khi nào và ở đâu chúng ta có thể.
______
Tác giả: Joseph S. Nye, Jr. là giáo sư hồi hưu Trường Harvard Kennedy và là cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Ông là tác giả cuốn sách Do Morals Matter? Presidents and Foreign Policy from FDR to Trump(do NXB Đại học Oxford ấn hành năm 2020) và A Life in the American Century (NXB Polity Press ấn hành năm 2024).
Nguồn: Tiếng Dân