Tổ chức giám sát cáo buộc nhân viên cơ quan LHQ đánh cắp hàng viện trợ nhân đạo ở Gaza để bán kiếm lời

Tom Ozimek

Một cơ quan giám sát quốc tế đã cáo buộc các nhân viên tại Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên Hiệp Quốc dành cho Người tị nạn Palestine (UNRWA) ăn cắp hàng viện trợ nhân đạo dành cho người dân ở Gaza rồi bán thanh lý để kiếm lời.

Một người đàn ông vác những bao hàng viện trợ nhân đạo ở Rafah tại phía nam Dải Gaza, ngày 26/11/2023. (Ảnh: Mohammed Abed/AFP qua Getty Images)

Trong một báo cáo hôm 08/05, UN Watch (Tổ chức Giám sát Liên Hiệp Quốc) có trụ sở tại Thụy Sĩ cho biết họ đã xem xét lại nhiều cáo buộc—bao gồm cả một số cáo buộc mà những người tố cáo là nhân viên của UNRWA đã đưa ra trong phòng trò chuyện trực tuyến – rằng nhân viên tại cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc (LHQ) này đã và đang ăn cắp và bán thanh lý hàng viện trợ nhân đạo được cung cấp miễn phí để giúp cho những người Palestine đang sống chật vật.

Tổ chức giám sát này cũng cho biết những người Palestine tố cáo hành vi sai trái của nhân viên UNRWA đã phải đối mặt với sự trả đũa và Tổng ủy viên UNRWA Phillipe Lazzarini đang nhắm mắt làm ngơ.

Trong một tuyên bố, UN Watch cho biết: “Các bài đăng thể hiện sự thất vọng vô cùng của các nhân viên trước việc những nhân viên cấp cao của UNRWA tham gia vào những vụ lạm dụng đó, và cơ quan này đang không làm bất cứ điều gì để giải quyết.”

Trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử, bà Juliette Touma, giám đốc truyền thông của UNRWA, nói với The Epoch Times rằng cơ quan này đã biết về báo cáo đó và đang điều tra các cáo buộc. Bà nói thêm rằng cơ quan này sẽ đưa ra phúc đáp vào thời điểm thích hợp.

Đây không phải là lần đầu tiên UNRWA vấp phải những cáo buộc đáng xấu hổ.

Một số nhân viên UNRWA từng bị cáo buộc có liên quan đến vụ thảm sát ngày 07/10/2023 do nhóm khủng bố Hamas gây ra làm ít nhất 1,200 người Israel thiệt mạng và hàng trăm người khác bị bắt cóc. Sự việc này đã khiến Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tạm dừng tài trợ cho cơ quan này.

Thông tin thêm

Phòng trò chuyện trực tuyến, vốn là khởi nguồn dẫn đến những cáo buộc của UN Watch, nằm dưới sự điều hành của ông Haitham al-Sayyed. Ông al-Sayyed là một cựu nhân viên của UNRWA đã bị sa thải sau khi công khai chỉ trích cơ quan này che giấu một bản đồ trường học của UNRWA mà trong đó phủ nhận sự tồn tại của Israel.

Trong suốt 17 năm làm việc cho cơ quan này, ông al-Sayyed đã tạo ra vài phòng trò chuyện trực tuyến, nơi các nhân viên và nhà giáo dục chia sẻ các bài đăng, “nhiều phòng trong số đó đề cập đến chủ nghĩa bài Do Thái, kích động hận thù và chủ nghĩa cực đoan Jihadi,” theo UN Watch.

Ông tiếp tục điều hành các phòng trò chuyện này, trong đó một số phòng có những tin nhắn từ các nhân viên của UNRWA đang tố cáo những gì họ cho là hành vi sai trái tại cơ quan này.

Theo UN Watch, một tin nhắn cho biết: “Tôi hoàn toàn không bằng lòng với ban quản lý nhà trường và sự trung thực của họ trong việc phân phối hàng viện trợ vì các vụ trộm cắp đó.”

Tin nhắn cho biết tiếp: “Những người buộc phải di dời ở nơi trú ẩn bên ngoài không được quyền nhận viện trợ thực phẩm và phi thực phẩm, thế nhưng chúng được phân phát vào ban đêm và bán ngay trước mắt chúng ta, chẳng hạn như tã trẻ sơ sinh.”

Người tố cáo này tuyên bố rằng bất kỳ ai lên tiếng về hành vi trộm cắp và bán thanh lý hàng viện trợ sẽ bị cách chức và chuyển công tác.

“Họ không thể chấp nhận được những gì xảy ra trong trường, đặc biệt là hành vi trộm cắp dầu diesel, vì trường chúng ta đã hơn một tháng không có điện hoặc mất điện trong vài phút với lý do động cơ này đang ở trường khác,” người tố cáo này nói tiếp, nói thêm rằng “tên trộm đã bị vạch trần và đã được thông báo cho hiệu trưởng, nhưng đến nay anh ta vẫn đang làm việc với chúng ta nên tôi cảm thấy muốn ói khi nhìn thấy anh ta.”

Các tin nhắn khác mà UN Watch trích dẫn cho biết rằng các hộp chứa đầy thực phẩm cùng với các mặt hàng phi thực phẩm như các tấm bạt đều đã bị nhân viên của UNRWA đánh cắp và sau đó bán cho người cần.

Nhìn chung, các bài đăng đã vẽ ra bức tranh về một vấn đề phổ biến là hành vi lạm dụng hàng viện trợ của cơ quan này.

Ông Asaf Romirowsky, một nhà sử học Trung Đông và là đồng tác giả của cuốn sách “Tôn giáo, Chính trị, và Nguồn gốc của việc Cứu trợ Người tị nạn Palestine” (Religion, Politics, and the Origins of Palestine Refugee Relief), gần đây nói với chương trình “American Thought Leaders” (Các nhà lãnh đạo Tư tưởng Mỹ quốc) của Epoch TV rằng UNRWA đã bị xâm nhập và liên kết với Hamas, một nhóm mà Bộ Ngoại giao đã định rõ là một tổ chức khủng bố.

“UNRWA đã được chứng minh là hoàn toàn không khác Hamas,” ông nói. “Thực tế là họ có các máy chủ của Hamas tại trụ sở chính của mình, thực tế là họ có những cá nhân nằm trong nhóm thủ phạm của vụ tấn công ngày 07/10—UNRWA không còn là một tổ chức hợp pháp nữa.”

Ông Romirowsky nói thêm: “Tổ chức này là một trở ngại cho hòa bình, chứ không phải là một giải pháp tiến tới hòa bình.”

Những người Palestine đi qua cổng một trường học do UNRWA điều hành ở Nablus ở Tây Ngạn, ngày 13/08/2018. (Ảnh: Abed Omar Qusini/Reuters)
Những người Palestine đi qua cổng một trường học do UNRWA điều hành ở Nablus ở Tây Ngạn, ngày 13/08/2018. (Ảnh: Abed Omar Qusini/Reuters)

UNRWA được thành lập năm 1949 nhằm cung cấp viện trợ nhân đạo cho người tị nạn Palestine.

Phạm vi hoạt động của tổ chức này gồm có Dải Gaza, nơi Israel đã và đang tiến hành một chiến dịch quân sự nhằm vô hiệu hóa Hamas, gián điệp của Hamas sử dụng khu vực này để tổ chức các cuộc tấn công nhắm vào Israel.

Một số người coi UNRWA là một nhà cung cấp dịch vụ quan trọng cho người dân Ả Rập đang bị bao vây ở Dải Gaza và Tây Ngạn, trong khi những người khác coi UNRWA là tác nhân gây ra cuộc khủng hoảng và là trở ngại cho hòa bình—nhiều người cho là cả hai.

Cẩm An biên dịch

Related posts