Nguồn: Iida Masafumi, “China’s Chilling Cognitive Warfare Plans,” The Diplomat, 05/05/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Chiến tranh đang bước vào một lĩnh vực mới và rất đáng sợ.
Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến những cuộc thảo luận sôi nổi về chiến tranh chiếm lĩnh nhận thức (cognitive warfare), tập trung vào Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA). Theo một bài viết ngày 05/10/2022 trên Nhật báo PLA, chiến tranh chiếm lĩnh nhận thức là xung đột trong lĩnh vực nhận thức được hình thành từ ý thức và suy nghĩ của con người, được cho là sẽ định hình thực tế theo hướng có lợi cho Trung Quốc, bằng cách tác động đến phán đoán của con người, thay đổi ý tưởng, và gây ảnh hưởng đến tâm trí con người thông qua việc xử lý có chọn lọc và truyền bá thông tin. Nói cách khác, mục đích là đạt được lợi thế trong chiến tranh bằng cách tác động đến nhận thức của dân thường, quân nhân, và các nhà lãnh đạo chính trị, những người bị nhắm mục tiêu thông qua nhiều phương tiện khác nhau như phổ biến thông tin sai lệch và tấn công qua mạng, gây hoang mang xã hội, giảm động lực chiến đấu, mất tinh thần quân sự, và – đối với các nhà lãnh đạo chính trị – là giảm khả năng suy xét.
Chiến tranh chiếm lĩnh nhận thức, chẳng hạn như tuyên truyền bằng cách sử dụng các chương trình phát thanh và đánh lừa thông qua việc phổ biến thông tin sai lệch, không phải là một hiện tượng mới, nhưng sự tập trung của PLA vào nó đã xuất hiện sau những bước tiến công nghệ giúp nâng cao hiệu quả của loại chiến tranh này một cách đáng kể. Bước tiến đầu tiên là sự mở rộng toàn cầu của mạng Internet và sự lan truyền nhanh chóng của các phương tiện truyền thông xã hội. Đặc biệt, mạng xã hội có khả năng phân phối ngay lập tức một lượng lớn thông tin bị giả mạo hoặc sai lệch cho một lượng rất lớn các mục tiêu, theo đó tạo ra cơ sở hạ tầng để phát động chiến tranh chiếm lĩnh nhận thức hiệu quả.
Bước tiến thứ hai là sự xuất hiện nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo. Giờ đây, người ta có thể sử dụng AI để tạo ra các video giả mạo cực kỳ phức tạp được gọi là deepfake. Việc AI cải thiện khả năng dịch thuật cũng giúp vượt qua rào cản ngôn ngữ và tăng hiệu quả của chiến tranh chiếm lĩnh nhận thức chống lại các quốc gia sử dụng ngôn ngữ khác. PLA đang ngày càng kỳ vọng rằng những công nghệ này có thể giành được lợi thế trong chiến tranh chiếm lĩnh nhận thức, thậm chí có thể giúp họ tránh được các cuộc chiến trên chiến trường, nơi không thể tránh khỏi thiệt hại về tài sản và con người, để “không đánh mà thắng.”
Những hạn chế về mặt kỹ thuật vẫn khiến khả năng giành chiến thắng trong một cuộc chiến chỉ bằng các hoạt động trong lĩnh vực nhận thức là rất khó xảy ra. Nhưng bằng cách kết hợp các hoạt động trong các lĩnh vực nhận thức, vật chất, và thông tin, Trung Quốc đang hướng tới việc đảm bảo uy thế trong thời bình và chiến thắng trong thời chiến. Hiện tại, họ đang đồng thời tiến hành các hoạt động trên ba lĩnh vực này chống lại Đài Loan. Ví dụ, khi cuộc bầu cử tổng thống và cơ quan lập pháp Đài Loan đang diễn ra, Trung Quốc đã lan truyền những hình ảnh giả mạo trên mạng xã hội để gây ấn tượng rằng ứng viên của Đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền có liên quan đến một vụ bê bối. Trung Quốc cũng gián tiếp ủng hộ phe đối lập Quốc Dân Đảng (KMT), vốn chủ trương xoa dịu căng thẳng với Trung Quốc, bằng cách tiến hành các cuộc tập trận quân sự trên biển và trên không xung quanh Đài Loan và thả khinh khí cầu quân sự bay qua hòn đảo. Cùng lúc đó, đã có những nỗ lực nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử trong lĩnh vực thông tin, chẳng hạn như hack bộ định tuyến và đăng thông tin sai lệch trên mạng xã hội.
Các chiến dịch của Trung Quốc về nhận thức, cũng như trong lĩnh vực vật chất và thông tin, có thể được nhìn nhận rộng hơn như chiến tranh chiếm lĩnh nhận thức nhằm thay đổi kết quả bầu cử theo hướng có lợi cho Trung Quốc bằng cách tác động đến nhận thức của cử tri Đài Loan. Rất khó để đánh giá mức độ hiệu quả của chiến tranh chiếm lĩnh nhận thức của Trung Quốc chống lại Đài Loan. Trong cuộc bầu cử tổng thống gần đây, Lại Thanh Đức của Đảng Dân Tiến đã giành chiến thắng với hơn 40% số phiếu bầu, trong khi Quốc Dân Đảng giành được 52 ghế trong cuộc bầu cử Lập pháp Viện, nhỉnh hơn một chút so với 51 ghế của Đảng Dân Tiến. Tất nhiên, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả bầu cử, nhưng dường như chiến tranh chiếm lĩnh nhận thức của Trung Quốc đã không có tác động mang tính quyết định trong trường hợp này.
Tuy nhiên, Trung Quốc có lẽ sẽ tiếp tục nỗ lực của mình. Những tiến bộ công nghệ khác có thể làm tăng đáng kể hiệu quả của chiến tranh chiếm lĩnh nhận thức. Như đã được chứng minh bởi Sora của OpenAI, các công nghệ AI tạo sinh đang phát triển với tốc độ chóng mặt, và trong một tương lai không xa, người ta có thể dễ dàng tạo ra các video giả cực kỳ tinh vi mà người bình thường sẽ không thể phân biệt được với video thật. Trong khi đó, công nghệ giao diện máy não (BMI), kết nối não người với các thiết bị máy tính, cũng đang phát triển nhanh chóng. Ở Trung Quốc, bệnh nhân bị liệt chân tay đã có thể sử dụng công nghệ BMI để di chuyển con trỏ trên màn hình và đeo găng tay khí nén. Những tiến bộ tiếp theo trong công nghệ BMI có thể tạo ra khả năng sử dụng một thiết bị bên ngoài tác động đến não của đối tượng mục tiêu, và từ đó kiểm soát suy nghĩ của họ.
Trung Quốc đang tập trung phát triển các công nghệ AI tạo sinh và BMI, đồng thời sẽ tiếp tục nỗ lực hướng tới mục tiêu cuối cùng là “không đánh mà thắng” bằng cách cải thiện khả năng kiểm soát nhận thức của con người.
Những xã hội dễ bị tổn thương nhất trước chiến tranh chiếm lĩnh nhận thức là những xã hội tự do và cởi mở. Kế hoạch của Trung Quốc là triển khai các kỹ thuật chiến tranh chiếm lĩnh nhận thức không chỉ trong thời chiến mà còn trong thời bình. Các nền dân chủ phải luôn cảnh giác trước những nỗ lực thúc đẩy sự phân chia xã hội và gây bất ổn chính trị, phát triển các hệ thống và công nghệ để chống lại bất kỳ cuộc tấn công nào như vậy.
Iida Masafumi là Giám đốc Phòng Nghiên cứu An ninh, Viện Nghiên cứu Quốc phòng Quốc gia Nhật Bản (NIDS).