Biểu tình ở Trung Quốc: Công nhân chặn đường; loạt máy gặt dàn hàng ngang trước cổng chính quyền huyện

Biểu tình ở Trung Quốc: Công nhân chặn đường; loạt máy gặt dàn hàng ngang trước cổng chính quyền huyện
Theo các video được đăng lên mạng vào ngày 15/5/2024, tỉnh Hà Nam ở Trung Quốc đã xảy ra hai cuộc biểu tình. (Ảnh chụp màn hình)

Nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái, do chính quyền địa phương và doanh nghiệp thiếu nợ, ngày càng xuất hiện nhiều cuộc biểu tình của người dân.

Hôm 15/5, một đoạn video được đăng tải lên mạng cho thấy, một loạt máy gặt đang đậu bên lề đường và đứng chặn phía trước cổng chính quyền huyện Lâm Dĩnh, thành phố Loa Hà, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.

Theo cư dân mạng, các tài xế máy gặt đứng chặn trước cổng chính quyền huyện vì chính quyền đã nợ tiền trợ cấp máy gặt của họ trong thời gian dài.

Có cư dân mạng cho rằng, những người điều khiển máy gặt này có thể đã được truyền cảm hứng từ việc nông dân ở Pháp và Đức lái máy móc nông nghiệp vào thành phố để biểu tình.

Cùng ngày, trên mạng cũng xuất hiện video cho thấy, các công nhân tại một nhà máy kéo sợi bông ở thành phố Nam Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã biểu tình chặn đường để đòi lại số tiền mà họ gửi lấy lãi trong công ty.

Tin tức địa phương cho biết, nhà máy kéo sợi bông này đã huy động vốn từ công nhân với lãi suất cao trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, kể từ năm 2020, doanh nghiệp này đã không còn khả năng trả nợ gốc và lãi cho công nhân. Trước đó, các công nhân đã tiến hành nhiều hoạt động để đòi lại quyền lợi nhưng không có kết quả, do đó họ mới bắt đầu chặn đường để biểu tình.

Theo NTD tiếng Trung

Minh Lý biên dịch

Làn sóng tăng giá điện, nước ở Trung Quốc

Làn sóng tăng giá điện, nước ở Trung Quốc
Các tòa nhà dân cư ở thành phố Trùng Khánh, tây nam Trung Quốc vào ngày 19/3/2024. (STR/AFP via Getty Images)

Gần đây, người dân tại nhiều nơi ở Trung Quốc cho hay giá điện, nước tại nơi họ sinh sống đã tăng giá. Thông tin này đang được dư luận Trung Quốc quan tâm.

Giá điện tăng gấp đôi ở huyện Yết Tây, tỉnh Quảng Đông thu hút sự chú ý

Tờ Yicai (Đệ nhất Tài chính Kinh tế) của Trung Quốc ngày 12/5 đưa tin, mới đây, người dân làng Hậu Phố, huyện Yết Tây, thuộc thành phố Yết Dương, tỉnh Quảng Đông đã phản ánh về vấn đề giá điện tăng gấp đôi. Người dân làng Hậu Phố đưa tin lên mạng rằng, giá điện cho cư dân ở đây đã tăng từ 0,3 nhân dân tệ (CNY)/kWh lên 0,68 CNY/kWh, hơn nữa giá điện cũng tăng theo mức tiêu thụ điện. (1 nhân dân tệ tương đương với 0.21 Úc Kim).

Theo người dân làng Hậu Phố, trước đây, 1 kWh (1 số điện) có giá 0,3 CNY là do những người cao tuổi trong làng đã góp phần vào việc xây dựng hồ chứa nước cho chính quyền địa phương và ký hợp đồng với chính quyền địa phương để được hưởng giá điện ưu đãi. Tuy nhiên, sau khi cơ quan cung cấp điện tiếp quản lưới điện địa phương, giá điện đã tăng lên 0,68 CNY/kWh, điều này khiến người dân trong làng không thể chấp nhận được.

Hiện nay, giá điện dân dụng trên toàn Trung Quốc được tính theo bậc, chủ yếu được chia làm 3 bậc. Trong đó, tiêu chuẩn giá điện dân dụng ở thành phố Yết Dương, tỉnh Quảng Đông như sau: giá bậc 1 là 0,678 CNY/kWh; giá bậc 2 là 0,728 CNY/kWh; giá bậc 3 là 0,978 CNY/kWh.

Thông tin công khai cho thấy, làng Hậu Phố nằm cách huyện lị của huyện Yết Tây khoảng 2 km. Người dân trong làng chủ yếu làm nghề nông, một số làm công nghiệp và thương mại. Người dân làng đưa thông tin lên mạng kể trên cho biết, mức lương bình quân của địa phương là 2.000 CNY, sau khi giá điện tăng, số tiền điện phải trả trong mùa hè cũng tăng lên và gây áp lực không nhỏ cho cuộc sống.

Nhiều nơi khác ở Trung Quốc cũng xuất hiện tin tăng giá điện

Ngoài huyện Yết Tây ở tỉnh Quảng Đông, tin tức giá điện tăng cũng xuất hiện tại nhiều địa phương thuộc tỉnh Hồ Bắc, Tứ Xuyên, Giang Tô.

Theo trang Elephant News của Trung Quốc, gần đây, một thông tin về việc điều chỉnh giá điện đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều cư dân mạng nước này. Theo thông tin trên, bắt đầu từ ngày 1/6/2024, Trung Quốc sẽ hủy bỏ cách tính giá điện theo khung giờ cao điểm, thấp điểm và chuyển sang tính giá theo 5 khung giờ mới; đồng nghĩa với việc giá điện sẽ tăng.

Địa chỉ IP của cư dân mạng đăng tin này là ở tỉnh Hồ Bắc. Trong bài đăng còn ghi rõ giá 1 kWh cho mỗi một khung giờ như sau:

  • Từ 8h sáng – 12h trưa là 1,08 CNY;
  • Từ 12h trưa – 5h chiều là 0,68 CNY;
  • Từ 5h chiều – 9h tối là 1,08 CNY;
  • Từ 9h tối – 12h đêm là 0,68 CNY;
  • Từ 12h đêm – 8h sáng là 0,31 CNY.

Trang tin tức East Day của Thượng Hải cũng đưa tin, gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội đang lan truyền tin tức Thượng Hải sẽ hủy bỏ cách tính giá điện cũ và chuyển sang tính theo khung giờ mới từ ngày 1/6.

Theo tờ Jimu News của tỉnh Hồ Bắc, trong tháng 5, một số chủ sở hữu trong nhiều khu chung cư ở thành phố Hoàng Thạch của tỉnh này đã lần lượt đăng thông tin “nhắc nhở” rằng, bắt đầu từ ngày 1/6 sẽ tính giá điện theo cách mới và tiền điện sẽ tăng.

Trên thực tế, theo Báo Thành thị Trung Quốc thuộc tờ Nhân dân Nhật báo, trong năm 2023 đã có hơn 10 tỉnh, thành ở Trung Quốc đưa ra chính sách tính giá điện theo khung thời gian mới. Đó là Bắc Kinh, Sơn Đông, Hồ Bắc, Liêu Ninh, Ninh Hạ, Tân Cương, Cam Túc, Phúc Kiến, Hà Bắc, An Huy, Vân Nam và Thanh Hải.

Nhiều nơi tăng giá nước

Theo tờ The Paper thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc, ngày 9/5, tại buổi chất vấn về phương án cải cách giá nước máy cho khu vực nội thành được tổ chức tại thành phố Quảng Châu, có 16 trên 17 đại biểu đã tán thành việc tăng phí nước của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quảng Châu.

Theo một bài bình luận đăng trên NetEase ngày 12/5, việc tổ chức buổi chất vấn trên chỉ là hình thức. Trên thực tế, hầu hết cư dân mạng không thực sự quan tâm tới việc giá nước ở Quảng Châu tăng, điều họ thực sự lo lắng là “làn sóng tăng giá” sẽ lan tới thành phố của họ và khiến chi phí sinh hoạt tăng cao.

Bài bình luận trên cho biết, trước khi giá nước tăng thì giá gas, giá vé đường sắt cao tốc và giá điện cũng đã bắt đầu tăng. Dự kiến sẽ có nhiều nơi hơn nữa điều chỉnh giá nước.

Trước đó, thành phố Đồng Lăng ở tỉnh An Huy, thành phố Thạch Sư ở tỉnh Phúc Kiến, thành phố Vĩnh Châu ở tỉnh Hồ Nam và thành phố Tương Dương ở tỉnh Hồ Bắc đã lần lượt đưa ra thông báo tăng giá nước.

Ngoài ra, đường sắt cao tốc ở Trung Quốc cũng bắt đầu tăng giá, đây còn là phương tiện giao thông chính của người dân nước này. Trang web chính thức của Đường sắt Trung Quốc gần đây ra 4 thông báo cho biết, sẽ điều chỉnh giá vé tàu cao tốc trên các tuyến Vũ Hán – Quảng Châu, Thượng Hải – Hàng Châu, Thượng Hải – Côn Minh và Hàng Châu – Ninh Ba từ ngày 15/6. Cụ thể, giá ghế hạng 1 và 2 sẽ tăng khoảng 20%, còn ghế hạng thương gia sẽ tăng cao nhất là gần 40%.

Đồng hồ đo gas ‘tăng tốc’ rồi ‘giảm tốc’

Kể từ đầu năm nay, người dân tại nhiều nơi như tỉnh Tứ Xuyên, thành phố Trùng Khánh, thành phố Thường Châu ở tỉnh Giang Tô, thành phố Hợp Phì ở tỉnh An Huy, thành phố Nam Xương ở tỉnh Giang Tây, thành phố Đông Quản ở tỉnh Quảng Đông đã bắt đầu phản ánh rằng, đồng hồ đo gas trong nhà họ bỗng “tăng tốc” và hóa đơn tiền gas tăng vọt.

Hôm 4/3, Công ty Gas Trùng Khánh, công ty con của Tập đoàn Tài nguyên Trung Quốc (China Resources) – một doanh nghiệp nhà nước, đưa ra thông báo cho biết, trong năm ngoái, tổng doanh thu của công ty lần đầu tiên vượt 10 tỷ CNY; doanh thu trong quý 4 năm ngoái tăng 824%.

Lợi nhuận đột nhiên tăng vọt của Công ty Gas Trùng Khánh đã làm dấy lên nghi ngờ trong dư luận rằng, có thể có liên quan đến việc đồng hồ đo gas “tăng tốc”. Một bộ phận người dân ở Trùng Khánh đã đi khiếu nại nhằm bảo vệ quyền lợi của mình. Trước áp lực từ dư luận, chính quyền thành phố Trùng Khánh đã tuyên bố thành lập đội điều tra chung để điều tra về công ty trên. Không lâu sau, người dân địa phương phát hiện ra rằng đồng hồ đo gas ở nhà họ đã “giảm tốc” đáng kể.

Điều đáng chú ý là, theo dữ liệu trên trang web của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, tổng lợi nhuận trong ngành sản xuất và cung cấp điện, nhiệt, gas và nước của Trung Quốc đã tăng 40 %. Ở Trung Quốc, nước, điện, gas… đều do chính quyền độc quyền. Số liệu trên cho thấy, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành này đã vượt xa ngành sản xuất ôtô, trở thành một trong những ngành sinh lời nhiều nhất.

Bài viết trên NetEase cho rằng, trước đây, nguồn tài chính của chính quyền các thành phố vừa và nhỏ ở Trung Quốc đều đến từ việc bán đất và từ ngân sách của chính quyền cấp trên chuyển xuống. Nhưng hiện nay phần lớn các thành phố vừa và nhỏ lại đang phải chịu áp lực tài chính. Bây giờ, đất không bán được, cấp trên cũng hết tiền, mà việc gì cũng phải chi tiền, vậy phải làm sao? Chỉ có thể để người dân cùng gánh vác.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch

Related posts