Với những động thái kém hiệu quả của giới lãnh đạo Bắc Kinh, nền kinh tế Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục gặp khó khăn.
Các cuộc họp của Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào tháng 4 được cho là sẽ công bố những chính sách mới, hiệu quả hơn để giải quyết các vấn đề kinh tế của Trung Quốc. Nhưng tất cả những gì có được là sự lặp lại các chính sách hiện hành mà cho đến nay có rất ít hoặc không có tác động thực sự đến nền kinh tế.
Giờ đây, các nhà lãnh đạo ĐCSTQ đã ngầm hứa hẹn nhiều hơn nữa cho kỳ họp Trung ương 3 vào tháng 7 tới. Với cách hành xử của giới lãnh đạo Trung Quốc cho đến nay, các nhà quan sát có cơ sở để hoài nghi rằng sẽ có điều gì đó thực chất hơn xuất hiện vào tháng 7. Quả thực, việc thiếu vắng chính sách hiệu quả cho thấy Bắc Kinh có rất ít hoặc không có ý tưởng nào để giải quyết những thách thức kinh tế nghiêm trọng của Trung Quốc.
Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục cho thấy dấu hiệu suy yếu. Một số hy vọng xuất hiện trong những tháng đầu năm, khiến người ta nghĩ rằng điều tồi tệ nhất đã qua và hoạt động kinh tế đang được cải thiện. Nhưng những dữ liệu gần đây hơn đã dập tắt hy vọng đó. Khảo sát của các nhà quản lý mua hàng cho thấy hoạt động kinh tế đã chậm lại. Chỉ số này tốt hơn mức sụt giảm hoàn toàn được ghi nhận vào năm 2023 nhưng khó có cơ sở để lạc quan nhiều. Trong khi đó, dữ liệu về dịch vụ cho thấy sự sụt giảm hoàn toàn so với mức tăng hồi đầu năm. Lợi nhuận công nghiệp được báo cáo trong quý đầu tiên đã giảm so với mức cùng kỳ năm trước – đối với cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân.
Và tất nhiên, cuộc khủng hoảng bất động sản tiếp tục trầm trọng hơn và kéo doanh số bán nhà cũng như hoạt động xây dựng đi xuống. Theo Công ty Thông tin Bất động sản Trung Quốc, doanh số bán hàng của 100 nhà phát triển bất động sản hàng đầu giảm thấp hơn khoảng 43% so với mức của năm ngoái, giảm 13% tính từ tháng 3 và thấp hơn 80% so với mức của tháng 12/2020, thời điểm trước khi cuộc khủng hoảng bất động sản nổ ra. Xuất khẩu đã tăng lên, nhưng đó không phải là một dấu hiệu về sức khỏe tốt của nền kinh tế mà là dấu hiệu cho thấy sự sụt giảm trong giá trị đồng nhân dân tệ đã mang lại cho Trung Quốc lợi thế tạm thời so với các đối thủ cạnh tranh đối với các sản phẩm đơn giản, nhạy cảm về giá, thứ mà giới lãnh đạo quốc gia này muốn xem nhẹ.
Tuy nhiên, trước tất cả những tin tức kinh tế đáng buồn này, tất cả những gì mà các nhà lãnh đạo quốc gia ở Bắc Kinh đã cố gắng đưa ra là những biện pháp nhỏ, rõ ràng là không thỏa đáng hoặc tệ hơn, chỉ là những lời hứa mơ hồ về một điều gì đó hiệu quả hơn. Tại cuộc họp hai phiên họp tháng 3, giới lãnh đạo đã thảo luận về việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cắt giảm lãi suất và đưa ra một chương trình gọi là “danh sách trắng”, trong đó chính quyền địa phương xác định các dự án phát triển bất động sản bị đình trệ để cấp vốn đặc biệt, sau khi được các ngân hàng nhà nước xem xét.
Giới lãnh đạo cũng nói về việc phát hành trái phiếu – một nhiệm vụ của Bắc Kinh – để giảm bớt căng thẳng nợ nần đối với chính quyền địa phương. Hàm ý khi đó là các biện pháp chính sách thực chất hơn sẽ được công bố tại các cuộc họp của Bộ Chính trị vào cuối tháng Tư. Nhưng tất cả những gì Bộ Chính trị đưa ra chỉ là sự lặp lại ba biện pháp này và những lời hứa hẹn mơ hồ về những gì có thể đưa ra thêm.
“Danh sách trắng” có một số giá trị nhất định, nhưng cho đến nay, Bắc Kinh mới áp dụng nó ở mức độ rất nhỏ nên nỗ lực này hầu như không đáp ứng được nhu cầu. Cho đến nay, dòng tiền hầu như không vượt quá 5% so với lượng nợ không trả được ban đầu của Evergrande được công bố vào năm 2021, đó là chưa kể tới những khoản nợ không trả được của các nhà phát triển khác trong những năm sau đó, bao gồm cả của Country Garden. Trừ khi chương trình được mở rộng quy mô một cách mạnh mẽ và nhanh chóng, “danh sách trắng” chỉ là thứ để thảo luận trong các cuộc họp của ĐCSTQ hơn là một chính sách thực sự, chứ chưa nói đến một biện pháp có thể khắc phục cuộc khủng hoảng bất động sản. Tương tự, các đợt phát hành trái phiếu từ Bắc Kinh, mặc dù đạt trị giá đáng kể là 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 140 tỷ USD), nhưng nhiều nhất cũng chỉ có thể ảnh hưởng đôi chút tới khoản nợ khổng lồ của chính quyền địa phương vốn ước tính lên tới 11 nghìn tỷ USD.
Việc cắt giảm lãi suất của PBOC thậm chí còn kém ấn tượng hơn. Cho đến nay, ngân hàng này đã cắt giảm lãi suất năm lần nhưng với tổng số chưa đến nửa điểm phần trăm. Một động thái nhỏ như vậy khó có thể được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế, ngay cả trong những tình huống tốt nhất – và hoàn cảnh còn lâu mới giống như tình huống tốt nhất. Trong thời gian PBOC cắt giảm lãi suất, Trung Quốc đã chứng kiến lạm phát ở mức vừa phải khoảng 2% mỗi năm chuyển sang giảm phát vừa phải khoảng 0,8% mỗi năm.
Sau khi xem xét tác động của sự thay đổi này đối với sức mua của đồng tiền, lãi suất thực ở Trung Quốc trên thực tế đã tăng lên. Đây không phải là một yếu tố kích thích mà là một yếu tố không khuyến khích vay và chi tiêu. Ngân hàng lẽ ra phải cắt giảm lãi suất 2,8 điểm phần trăm chỉ để duy trì sự khuyến khích ban đầu khi chưa có giảm phát. Nó sẽ phải làm rất nhiều hơn nữa để khuyến khích vay mượn và chi tiêu.
Ngoài những động thái chính sách này, tất cả những gì Bắc Kinh làm chỉ là đưa ra lời hứa. Họ nói với Bộ Chính trị rằng họ sẽ sớm giải thích các chính sách để “xử lý” tình trạng tồn đọng nhà ở chưa bán được trong nước. Đó sẽ là một nhiệm vụ khó khăn vì phần lớn nhà ở này nằm ở những nơi mà người Trung Quốc không muốn sinh sống. Nhưng cho đến nay, tất cả những gì Bắc Kinh đưa ra chỉ là tuyên bố rằng họ đang tìm cách giải quyết vấn đề này. Những người tham dự cuộc họp cũng được hứa hẹn về một kế hoạch “kỹ lưỡng” để giải quyết khoản nợ dư thừa của chính quyền địa phương. Nhưng không có chi tiết nào được đưa ra về kế hoạch đó.
Một số người đã suy đoán rằng những chính sách mới sẽ xuất hiện tại Hội nghị toàn thể lần thứ ba dự kiến diễn ra vào tháng 7 tới. Điều gì đó có thể xuất hiện, nhưng xét đến những hành động của giới lãnh đạo Bắc Kinh cho đến nay, những thay đổi chính sách to lớn mà Trung Quốc cần để đối phó với các thách thức khó có thể xảy ra. Thậm chí không có gì chắc chắn rằng Hội nghị toàn thể lần thứ ba sẽ diễn ra đúng thời hạn. Điều lệ quản lý của ĐCSTQ yêu cầu tổ chức ít nhất một phiên họp toàn thể mỗi năm, nhưng đã qua 17 tháng kể từ cuộc họp cuối cùng, khoảng thời gian dài nhất kể từ khi Mao Trạch Đông nắm quyền. Rõ ràng giới lãnh đạo ĐCSTQ không biết phải nói gì, làm gì.
Nếu cuộc họp diễn ra theo kế hoạch và giới lãnh đạo Trung Quốc công bố các chính sách mạnh mẽ, nền kinh tế có thể bắt đầu phục hồi. Nhưng đây là hai chữ nếu lớn. Nhiều khả năng, những xu hướng kinh tế gần đây sẽ tiếp tục và Trung Quốc sẽ có một nền kinh tế gặp khó khăn trong thời gian tới.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch